Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Người đẹp Sài Gòn xưa: Từ mái tóc đến đôi guốc

Tôi rất dễ bị ‘hớp hồn’ vì những mái tóc dài của phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc tôi không thể dành cảm tình cho những mái tóc ngắn kiểu ‘demi garcon’ như trong bài hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của Phạm Duy, phổ nhạc theo thơ Nguyễn Tất Nhiên:

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc Demi Garçon
Chiều hôm nay xuống đường đón gió
Cô có tình cờ
Nhìn thấy anh không?

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em có nụ cười ngây thơ
Thành khi không quãng đường im gió
Không gió lấy gì lang thang?
Cô có thương thầm anh không?

Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ thì được. Nhưng cô em tóc demi garçon lại không phải là ‘gout’ của tôi. Một mái tóc ngắn làm sao tạo cảm giác hấp dẫn mỗi khi vuốt ve. Đó là chưa nói đến hình ảnh gợi cảm của một mái tóc dài, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy quyến rũ hơn một cái đầu ngổ ngáo kiểu con trai. Biết đâu chừng, trong suốt cuộc đời chưa bị một người phụ nữ tóc ngắn kiểu ‘demi garçon’ nào ‘hớp hồn’ cho nên tới giờ này chuẩn bị ‘xuống lỗ’ mà vẫn còn… chung thủy với cái ‘gout’ tóc dài từ thời niên thiếu.

Có một dạo, khoảng thập niên 60s, các cô gái Sài Gòn chuộng mốt buộc thêm cái bandau lên mái tóc. Dẫu rằng bandau có những tác dụng thiết thực như giữ cho tóc khỏi lòa xòa trước trán nhưng tôi không cho như thế là đẹp. Bandau, nếu là màu trắng trên trán, khiến cho người đối diện liên tưởng đến vành khăn tang và như thế đâu còn nét quyến rũ của người phụ nữ trước cánh đàn ông nữa. Thay vào đó là ý nghĩ tang tóc đáng sợ!

Hình chỉ mang tính cách minh họa

Tóc cột theo kiểu ‘đuôi gà’ (queu de cheval – người phương Tây gọi là kiểu tóc đuôi ngựa) cũng là một mốt của các cô thời đó, nhưng có điều chỉ thích hợp với những người còn trẻ. 

Ngày còn mài đũng quần trên băng ghế trường Trung học Ban Mê Thuột, tôi rất mê kiểu tóc đuôi gà của một cô bạn cùng lớp. Cô rất đẹp, nhưng có cái tên rất xấu… Phan Thị Lụng. Tóc Lụng luôn luôn cột giây thung, túm lại như đuôi ngựa ở phía sau trông tựa như cô đào Sandra Dee trong phim Mirage de la vie nên tôi thầm phong tặng cho cô bạn cùng lớp biệt danh… Sandra Lụng!

Ở trong lớp, tôi lại ngồi ngay phía sau lưng Sandra cho nên lúc nào cái đuôi ngựa cũng tung tăng trước mắt. Tôi mê tóc đuôi gà từ dạo ấy. Mê đến độ khi lớp làm bích báo (báo tường), tôi viết một bài thơ ca tụng mái tóc, anh chàng phụ trách trang trí tờ báo còn vẽ một bức tranh minh họa cô nữ sinh có mái tóc giống y như Phan Thị Lụng. Chưa hết, bài thơ được ký với bút hiệu Chung Linh… ghép bởi hai cái tên Chính Lụng đọc lái!

Hình chỉ mang tính cách minh họa

Lụng phản đối kịch liệt tấm lòng si mê của tôi. Điều này cũng dễ hiểu. Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, nam sinh và nữ sinh tuy cùng độ tuổi nhưng lúc nào các cô cũng coi bạn trai cùng lớp là những kẻ ‘dưới cơ’, các cô chỉ để mắt đến những anh lớp trên…

Tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Thấy trong Cours de Langue et de Civilisation Francaise của Mauger có mẫu một thiệp hồng báo hỷ, tôi chép lại nguyên văn, chỉ thay vào đó tên cô dâu, chú rể là Nguyễn Ngọc Chính và Phan Thị Lụng. Hoàn tất ‘công trình’, tôi để thiệp hồng lên yên xe đạp của Lụng.

Ngày hôm sau, tôi bị thầy giám thị gọi lên văn phòng cảnh cáo trò đùa ‘dai’, nếu còn tái phạm sẽ phạt cấm túc, đồng thời thông báo về gia đình. Kể từ ngày đó, vì sợ quá nên mái tóc đuôi gà biến hẳn trong đầu óc tôi. Mấy đứa bạn cùng lớp còn trêu:

Muốn người ta mà người ta không muốn,
Xách… thiệp hồng chạy xuống chạy lên!    

Thật không ngờ, mấy chục năm sau mái tóc đuôi gà lại xuất hiện trong đời tôi qua hình ảnh người tình. Dù chỉ là sự xuất hiện thoáng qua nhưng cũng để lại một kỷ niệm khó quên. Hôm đó là một buổi trưa móng bức giữa Sài Gòn, nàng sửa soạn đi dạy học và bước ra đường với một mái tóc kẹp lệch sang một bên cho đỡ nóng. Một thoáng rùng mình. Tôi ngây ngất đứng nhìn nàng bước ra khỏi nhà với mái tóc đuôi gà…

Mái tóc vén cao cũng là một hình ảnh quyến rũ của người phụ nữ, nhất là những người có vóc dáng quý phái, sang trọng. Tóc vén cao thường hợp với những làn da trắng nuốt trên gáy, nổi bật với vài sợi tóc lòa xòa trên cổ. Đó là hình ảnh của bà ‘cố vấn’ Ngô Đình Nhu vào khoảng những năm 60s. Nói đến bà Nhu phải kể thêm kiểu áo dài hở cổ, decolleté, làm nổi bật mái tóc vén cao của một mệnh phụ phu nhân.

Bà cố vấn Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Thị Lệ Xuân

Đời tôi cũng đã từng có liên quan đến mái tóc vén cao của Ms H., thư ký của bác sĩ trưởng Ty y tế và Dân y viện Ban Mê Thuột. H. nhiều tuổi hơn tôi và đã có 2 đứa con. Chính H. là người đã quyến rũ tôi khi bắt đầu bước vào đời. Khi đó tôi còn là một cậu trai ngờ nghệch làm việc cho phái đoàn y tế Milphap, tăng cường cho Dân y viện BMT.

Mái tóc H. lúc nào cũng vén cao một cách cẩn thận và khi đi làm H. thường mặc những chiếc áo dài hở cổ thật hấp dẫn. Hằng ngày, H. lái chiếc Peugeot 203 đến sở, trông như một mệnh phụ phu nhân. Thực ra, tôi chỉ chú ý đến H. nhưng không hề có ý định chinh phục và cuối cùng thì người mạnh dạn tấn công lại là H.

Những gì H. để lại trong tôi là mái tóc vén cao, chiếc áo dài hở cổ và… một vết loang trên áo chiếc áo dài. Vết tích của một cuộc tình, ngay tại cơ quan, sau một bữa tiệc sinh nhật. Cậu trai mới lớn nhưng lại vụng về với người phụ nữ có mái tóc luôn vén cao! 

***

Vào thời đại hiện tại, văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp các bà các cô ‘duỗi tóc’ thật thẳng hay nhuộm tóc đủ màu và thậm chí còn "hilight" pha màu từng cụm tóc trông như một "palette technicolor" của người họa sĩ chuẩn bị vẽ một bức tranh. Tôi quan niệm, cái đẹp phải xuất phát từ tự nhiên. Đẹp tức là những gì tự bản thân mình có chứ không thể nào vay mượn từ những cái mình không có (?).

Một người gốc châu Á thì làm sao có được mái tóc bạch kim, tóc đỏ hay tóc vàng? Tại sao ta lại gắn lên đầu những màu tóc không phải của mình? Có lẽ đầu óc tôi thuộc loại ‘cổ hủ’ nên không thể nào cảm nhận được nét đẹp của những màu tóc không phải là đen trên thân thể một phụ nữ Á châu. Thiết nghĩ, mỗi chủng tộc có nét đẹp riêng của mình, lấy cái đẹp của người khác chủng tộc đem gắn vào mình thì chẳng khác nào ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’!

Tôi kỵ nhất khi phải đối diện với phụ nữ trên đầu chỉ toàn… ống cuốn tóc. Thường thì các ông chồng phải cam chịu ‘ngậm đắng nuốt cay’ với cảnh này. Các bà vợ muốn ra đường với một mái tóc đẹp nên rất chịu khó cuốn tóc khi còn ở trong nhà và các ông chồng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất: phần xấu xí mình phải gánh chịu còn phần tốt đẹp thì thiên hạ được chiêm ngưỡng.

Hình chỉ mang tính cách minh họa

Tôi cũng là nạn nhân của trường hợp này. Nàng có thói quen cuốn tóc bằng ống cuốn vào ngày Chủ Nhật để đến Thứ Hai đi làm sẽ có một mái tóc đẹp! Chỉ có mình tôi ‘lãnh đủ’ trong những ngày Chủ Nhật, luôn phải đương đầu với khoảng gần một chục ống cuốn trên đầu.  

Các bà các cô thường quan niệm ở nhà thì sao cũng được nhưng khi ra đường thì bắt buộc phải tươm tất. Mà loanh quanh trong nhà chỉ có các ông chồng, họ ‘lãnh đủ’ để đến khi ra ngoài đường thì mọi người đều được chiêm ngưỡng sắc đẹp của vợ mình. Thật bất công. Không lẽ một khi đã là chồng hay người tình thì không còn đặc quyền chiêm ngưỡng những nét đẹp của vợ hay người yêu?

***

Ngày xưa, các bà các cô đi guốc nhiều hơn đi giầy và địa chỉ họ thường lui tới để tìm cho mình một đôi guốc vừa ý là tiệm Guốc Dakao, vùng Tân Định. Guốc là thời trang thịnh hành của những năm 1960. Thôi thì đủ kiểu: guốc cao, guốc thấp, guốc trung bình, lại còn có cả guốc sơn mài, một tác phẩm hội họa để trưng bày dưới đôi bàn chân ngọc.

Thân guốc bằng gỗ xoan được tạo hình hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Gỗ phải là loại có ít nhất 5 hoặc 6 năm, trải qua các khâu ngâm, phơi, tẩm, sấy chống ‘chảy màu’ mạch gỗ. Thời gian để hoàn thành đôi guốc mộc phải mất đến 2 hoặc 3 ngày.

Hình chỉ mang tính cách minh họa

Quai guốc đóng một vai trò quan trọng: quai có thể làm bằng da lộn, da thật, giả da, simili, cũng có thể là quai mặt đá, thêu hoa, đính cườm… Đóng quai guốc cũng là cả một nghệ thuật, phải ướm cho vừa chân mới bắt đầu đóng bằng những chiếc đinh có mũ. Không ít các đấng mày râu tình nguyện đóng quai guốc cho người yêu và được thưởng bằng một nụ cười… nhất tiếu thiên kim.

Guốc cũng đi vào thơ văn. Nhà thơ Đỗ Chí Vinh trong bài Mùa xuân và chiếc guốc có những câu dưới đây viết về cảm xúc khi nghe nhịp guốc:

Ai xôn xao đầu ngõ
Ai nhịp gót rộn ràng?
Xin cảm ơn đôi guốc
Yếu lòng người không mang!

Hình chỉ mang tính cách minh họa

Người Việt mình có câu ‘Đi guốc trong bụng’ nhưng nếu đó là guốc cao gót thì chắc chắn kẻ bị biết tỏng lòng dạ vừa thấy cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Cũng vì thế guốc cao gót chính là vũ khí phòng thân của phái liễu yếu đào tơ trong cơn nguy biến, đồng thời cũng là vũ khí tấn công trong những cuộc đánh ghen với tình địch không đội trời chung. 

Mái tóc chỉ là một trong những nét đẹp của phụ nữ, người ta còn bàn đến vóc dáng, tướng đi, lời ăn tiếng nói và cả đến đức hạnh của phụ nữ. Trong thơ văn, có cả một bài thơ thuộc loại ‘ngũ ngôn tứ tuyệt’ để nói về những nét đặc biệt bên ngoài của phụ nữ nhưng lại ẩn chứa những bí mật thầm kín bên trong. Thơ rằng:

Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hạ tố mao
Tiểu yêu âm hộ đại
Trường túc bất tri lao

Bốn câu thơ chữ Hán đọc lên thấy vừa có vẻ nghiêm túc của ông đồ Nho nhưng đồng thời cũng thể hiện những ‘quý tướng’ kín đáo của các bà, các cô. Điều lý thú là bài thơ ‘năm chữ, bốn câu’ bằng chữ Hán được diễn nôm thành thơ lục bát mang đầy mầu sắc của văn chương bình dân. Cứ một một câu năm chữ được chuyển ngữ thành 2 câu lục bát tả chân hoàn toàn Việt Nam (người viết cũng phải xin lỗi trước vì văn chương… quá dung tục):

Hồng diện đa dâm thủy:
Những cô má đỏ hồng hồng,
Nước l… tát mấy gầu sòng chưa vơi.

Mi trường hạ tố mao:
Những cô mắt phượng mày ngài,
Lông l… cũng đốt được vài thúng tro.

Tiểu yêu âm hộ đại:
Những cô đáy thắt tò vò,
Qua l… ta phải gọi đò sang sông.

Trường túc bất tri lao:
Những cô dài cẳng chân dang,
Xếp hàng cho đ… cả làng chịu thua.

Xin ngả nón bái phục nhà thơ nào đó đã lột trần ý nghĩa của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sang thơ lục bát rất… Việt Nam. Các cụ ta vẫn thường ví von, ‘nôm na là cha mách qué’. Thật quả kho tàng văn chương bình dân của ta nói về ‘tướng dâm’ của người phụ nữ rất sâu xắc và cũng rất chân chất.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4: Thời thanh niên)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*********

1 Comment on Multiply

andropause wrote on Nov 16, '10
Mấy câu lục bát thật ngộ nghĩnh.

***

Bình luận trên Facebook:




2 nhận xét:

  1. Tiểu yêu hoặc tế yêu chứ không phải tiểu yên HT à
    Lỡ sau này tụi nhỏ học chữ Tàu nó biết sai thì kỳ lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn nhận xét của anh và tôi đã sửa. Tôi đã tham khảo thêm một dị bản khác của 4 câu thơ này:
      "Hồng diện đa dâm thủy
      Trường mi hộ tố mao
      Tế yêu chân cự huyệt
      Trường túc bất tri lao"

      Xóa

Popular posts