Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Sài Gòn tứ đổ tường (1): Thuốc phiện

Từ những năm 1920, Sài Gòn đã được tôn vinh là La Perle de l’Orient tức Hòn Ngọc Viễn Đông. Cũng cần phải nói thêm, danh hiệu này do những ký giả và nhà văn người Pháp ban tặng chứ không phải do dân Sài Gòn tự phong. Sau 1945, Sài Gòn vẫn hơn hẳn Bangkok về nhiều mặt, nhất là… ăn chơi.


Chế độ bảo hộ của người Pháp đã để nhân dân Nam Kỳ ăn chơi ‘tự do’, thậm chí đến mức sa đọa. Những món ăn chơi được gọi chung là ‘tứ đổ tường’ gồm: yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), tửu (rượu chè), sắc (trai gái) đều được coi như hợp pháp trong suốt thời gian từ 1945 đến 1954.

Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói…

Thuốc phiện là một đề tài nổi bật trong các món "ăn chơi" của Sài Gòn vào những thập niên trước 1950. Thuốc phiện có thể được dùng để hút, nhưng cần nhiệt độ cao để chất alkaloid bốc hơi, vì thế người ta thường sử dụng những ống điếu đặc biệt, gọi là "dọc tẩu", mỗi khi hút. Người hút nằm bên cạnh chiếc đèn dầu lạc, thổi vào chiếc dọc tẩu phía trên than hồng để tăng nhiệt. Khi thuốc phiện bay hơi, người hút bắt đầu hít vào để "phê".

Cảnh hút thuốc phiện thời xưa

Theo Wikipedia, trước khi khám phá ra cách đốt và hút (bắt chước từ người thổ dân châu Mỹ hút thuốc lá), người Âu Á thường nhai hoặc uống thuốc phiện. Trong thế kỷ 17 - 18 thuốc phiện xuất hiện với tên gọi madak, một loại thuốc pha trộn á phiện và thuốc lá. Đến thế kỷ 19, madak bị cấm ở Trung Quốc, thuốc phiện nguyên chất được người chơi hút nhiều hơn và bắt đầu lan tràn khắp nơi trên thế giới.

Trong thế kỷ 19, hoạt động buôn lậu thuốc phiện tới Trung Quốc xuất phát từ Ấn Độ, đặc biệt là hoạt động của người Anh, đó cũng là nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến mang tên Chiến tranh Nha phiến (thuốc phiện). Hậu quả của cuộc chiến này là Vương quốc Anh đã chiếm giữ Hồng Kông và thảo ra một thỏa ước mà người Trung Quốc gọi là "sự xỉ nhục thế kỷ". Buôn bán thuốc phiện đã trở thành một trong những nghề thu lời lớn nhất và được nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Đại học Harvard, ông John K. Fairbank, đánh giá là "tội ác kéo dài nhất và mang tính hệ thống quốc tế trong thời hiện đại."

Hút thuốc phiện tại các nước Phương Tây

Một cách thông dụng khác là làm bay hơi thuốc phiện trên một tấm kim loại được đun nóng từ phía dưới bằng hộp quẹt. Hơi thuốc sau đó được hít vào thông qua một ống nhỏ. Đây là giây phút được gọi là "lên tiên", và đây cũng là một cách chung để hút các thuốc có hòa thuốc phiện khác – morphine, heroin –  mà ta thường thấy trong các loại ma túy ngày nay.

Cây anh túc thuốc phiện là loại cây vườn phổ biến, có hoa đa dạng về màu sắc, kích cỡ và hình dáng. Vỏ hạt khô thường được dùng để trang trí và các hạt nhỏ có chứa một lượng chất alkaloids còn được dùng làm lớp mặt phổ biến và có hương thơm của bánh mỳ và bánh ngọt.

Dòng nhựa từ cây anh túc

Sách Quốc văn giáo khoa thư từ thời Pháp thuộc đã lên tiếng cảnh báo về thuốc phiện:

Trông thầy Chánh Còm ai cũng biết là người nghiện. Trước kia, thầy là người béo tốt phương phi, tinh nhanh khôn khéo, mà bây giờ thì mặt bủng, da chì, xo vai, rụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái môi thâm sịt, nom người lẻo khẻo như cò hương. Thầy mới ăn thuốc phiện mấy năm nay mà đã khác hẳn đi vậy [thời xưa người ta thường nói ‘ăn thuốc’ theo tiếng Tàu ‘Xực Dzín’ chứ không dùng từ ‘hút’ như ngày nay – NNC].

“Thầy Chánh Còm từ khi đa mang thuốc xái đến giờ, thành ra lười biếng, chậm trễ. Sáng dậy, ít ra cũng phải mươi lăm điếu mới mở mắt ra được, và cả ngày chỉ quanh quẩn cạnh bàn đèn, chỉ cái xe, cái lọ, ngoài ra không thiết đến việc gì nữa.

“Xem thế mới biết thuốc phiện là một thứ thuốc độc rất hại. Nó hại cho sức khoẻ, hại tinh thần. Nó làm cho mất thì giờ, mất tiền của, có khi mất cả phẩm giá con người nữa. Vậy ta chớ nên hút thuốc phiện”.

Chân dung một đệ tử Phù dung

Sách thì giáo dục học sinh như thế nhưng trên thực tế thuốc phiện được chính phủ bảo hộ độc quyền nhập cảng và điều hành việc phân phối. Tiệm thuốc phiện thời xưa có một bộ mặt khá kỳ lạ: trước cửa không treo biển hiệu mà chỉ gắn một bảng trắng kẻ hai chữ RO (Régie Opium) tức là Công quản thuốc phiện.

Pháp-Việt đuề huề bên bàn đèn

Mùi thuốc phiện nướng bốc lên thơm phức như thúc giục khách bước nhanh vào tiệm hút. Các bộ ván gõ bóng loáng với những chiếc gối sành mát lạnh như vẫy tay chào mời khách ngả lưng. Trong Người Bình Xuyên tác giả Nguyên Hùng đã mô tả:

“Hai Vĩnh cúi xuống tấm cửa nhỏ tí ti, vừa đủ thò bàn tay vào trao tiền và nhận thuốc phiện rót trong vỏ sò. Cửa nhỏ như cửa ghi-sê bưu điện bán tem. Xong anh đi thẳng vô trong, chọn chỗ nằm ưng ý. Anh cởi áo sơ mi mắc lên móc, cởi giày rồi nằm xuống ván, kê đầu trên gối sành phết men xanh.

Trong buồng thuốc, một lão ốm tong teo lui cui rót vài giọt đen sệt vào vỏ sò, thận trọng như một chủ hiệu kim hoàn cân vàng trên cân tiểu ly - vì đây cũng là vàng. Một a xẩm mang vỏ sò ‘vàng đen’ ấy đến tận nơi Hai Vĩnh nằm. Anh ra dấu bảo a xẩm làm thuốc cho mình.

Với ngón tay điêu luyện, ả điều khiển các giọt đen sệt ấy trên ngọn đèn dầu như một nhà ảo thuật. Không mấy chốc, dọc tẩu đã nạp. Hai Vĩnh rít một hơi. Khói thơm từ mũi phả ra cuồn cuộn. Anh có cảm tưởng như thoát trần, thân xác nhẹ nhàng như bay bổng trên mây.

Làm đủ một cặp, thấm thuốc anh nằm đê mê, nửa say nửa tỉnh. Bao nhiêu ưu phiền, nghèo túng, thất tình đều bay theo làn khói về chốn hư vô. Anh nằm như thế không biết bao lâu cho đến lúc đồng hồ Oét-min-tơ thong thả đổ chuông rồi gõ chín tiếng. Bỗng nhiên Hai Vĩnh thấy tỉnh táo, minh mẫn hơn bao giờ hết. Cuộc sống trần tục trở lại với anh:

“Ngày mai mình sẽ tiếp tục kéo cày. Ôi chao, chán làm sao cái kiếp làm công trong cái nhà máy tối tăm bụi bặm! Và không còn gặp lại ‘cố nhân’ mỗi tháng một lần vào ngày nước rong để an ủi kiếp sống cô đơn!”.

Hít tô-phe không phân biệt nam nữ

Duyên Anh cũng đã từng viết trong Sài Gòn ngày dài nhất, diễn tả tâm trạng sợ hãi của người ở lại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975: 

Thuốc phiện lâu say mà say lâu. Và hễ say, dao kề cổ vẫn tỉnh bơ, bởi chẳng còn ý thức nổi không gian, thời gian, nói chi sự việc quanh mình. Dẫu mắt vẫn mở. Mắt mở không phải là thức. Dù mắt nhắm. Mắt nhắm không phải là ngủ… Giá tôi được chết say thuốc phiện, tôi sẽ hoan hỉ vô cùng. Tôi sẽ vượt khỏi sợ hãi chờ chết”.

Theo nhà văn Hoàng Hải Thủy, một đệ tử trung thành trong "làng bẹp", nổi tiếng tại Sài Gòn có tiệm Amy ở đường Verdun (sau này đổi tên là đường Hàm Nghi). Tiệm Amy nằm trong dẫy nhà mà mười mấy năm về sau tòa nhà Việt Nam Thương tín được xây dựng. Ngoài ra còn phải kể đến tiệm hút d’Ormay ở đường d’Ormay (sau này là đường Nguyễn Văn Thinh), ngay sát đường Catinat, từ Hotel Continental đến tiệm hút d’Ormay chỉ có mấy bước.

Tiệm hút d’Ormay đã được Graham Green mô tả trong tiểu thuyết The Quiet American. Sau này, Graham Green viết Ways of Escape, một loại hồi ức văn chương, qua đó người đọc biết ông có mang về Anh một cái dọc tẩu "hít tô phe" như là một kỷ vật của chủ tiệm người Tàu rất thân thiết, trên đường Catinat. "Cây gậy thiêng liêng" đó còn nằm trên một cái dĩa tại căn phòng của Greene, ở Albany. Tuy có bị sứt mẻ vì thời gian vẫn được ông coi là một ‘kỷ vật’ của những ngày hạnh phúc tại Việt Nam.

Dọc tẩu hay ‘cây gậy thiêng liêng’

Vũ Trọng Phụng trong Vỡ Đê đã để nhân vật tên Khoái nói một câu… ‘để đời’: “Người Việt Nam ở Thế kỷ Hai Mươi này mà lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa”. Xin nói cho rõ hơn, hút ở đây không phải là hút thuốc mà là hút… thuốc phiện!

Vũ Hoàng Chương, một đệ tử trung thành của thuốc phiện, đã có những câu thơ ‘xuất thần’ từ làn khói thuốc trong bài thơ Quên:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên.
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên

“Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói”

Hồi đó, người có tiền đều có bàn đèn dầu lạc ngay tại nhà nhưng thỉnh thoảng các ông ‘làng bẹp’ cũng đến tiệm nằm chơi, đấu hót với các bạn. Cũng cần nói thêm, dân hút thuốc phiện được gọi là thuộc "làng bẹp" vì cái tai họ bị bẹp dí do nằm hút lâu năm. Ngoài ra, thuốc phiện còn được nhân cách hóa là Nàng Tiên Nâu, Ả Phù Dung hay Cô Ba Phù Dung vì có sức quyến rũ của một người phụ nữ đa tình.

Nàng Tiên Nâu, Ả Phù Dung hay Cô Ba Phù Dung
(Tranh của Cécile Paul-Baudry)

Lúc còn ở khu vực Lăng Cha Cả, tôi đã có một thời gian dài phải ngửi khói thuốc phiện từ căn nhà phía dưới của ông Khang, nghe người ta gọi là ông giáo Khang. Ông giáo về hưu có bàn đèn đặt ngay trong nhà và mỗi lần ông hút là mùi khói thuốc phiện tỏa lên căn gác tôi ở ngay phía trên.

Suốt bao nhiêu năm trời là hàng xóm rất gần với người hút thuốc phiện nhưng quả thật tôi chưa một lần chứng kiến cảnh ông giáo Khang nằm phê thuốc phiện. Ông chỉ hút khi đã đóng kín cửa, thế nhưng mùi ngai ngái của khói thuốc vẫn lan tỏa khắp chung quanh.

Gia đình ông Khang, người Bắc di cư năm 1954, cũng là một điển hình một gia đình "tứ đổ tường": ông chồng thì hút sách, bà vợ thì mê đánh chắn và 3 cô con gái thì khoái ‘đậu chến’ tứ sắc. Còn chuyện "trai gái" của 3 cô – Hồng, Điệp và Hằng – chắc chắn cũng phải ly kỳ vì không thấy chồng đâu mà cô Hồng, chị cả, có tới 2 đứa con gái, cô em cũng có 2 con và cô út tên Hằng cũng có một đứa con trai.

Thế giới ma quái của thuốc phiện
(Tranh của A. Matignon)

Người ta nói con thằn lằn trong phòng của người hút thuốc phiện cũng bị ghiền vì hít khói thuốc. Cũng may, gia đình tôi không ai bị ảnh hưởng từ khói thuốc phiện của ông giáo Khang như chuyện con thằn lằn. Thêm một điều may mắn là khi đi khỏi xóm Bùi Thị Xuân thuộc khu Lăng Cha Cả, các con tôi đã không bị những tác động tiêu cực từ gia đình ông giáo Khang!

Thế mới biết, các cụ thường nói, "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" chưa chắc đã đúng. Trong trường hợp của tôi, có lẽ câu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" là đúng hơn cả!

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*********

1 Comment on Multiply

huutien73 wrote on Oct 7, '10
Ngày xưa người SG cũng ăn chơi ghê quá nhỉ?

1 nhận xét:

Popular posts