Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Ban Mê đi dễ khó về...

Học hết 2 năm Đệ Thất và Đệ Lục tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt tôi theo gia đình về thành phố Ban Mê Thuột (BMT). Khác hẳn với Đà Lạt, thành phố mộng mơ, BMT là thành phố ‘nắng bụi hồng, mưa bùn đỏ’ nên mới có tên Bụi Mù Trời. Đây cũng là một thành phố được mô tả là Buồn Muôn Thuở và còn một cái tên khá ngộ nghĩnh là Bánh Mì Thịt do học sinh chúng tôi đặt ra! Tuy nhiên, một khi đã gắn bó với thành phố này người ta bỗng cảm thấy nó gần gũi và thân thương một cách kỳ lạ.

Ban Mê Thuột ngày xưa

Về phương diện quy hoạch, có thể coi Ngã 6 (người BMT gọi nôm na là Cột đèn ba ngọn) là trung tâm thành phố để từ đó có 6 con đường tỏa đi khắp BMT. Cột đèn ba ngọn ngày nay được thay bằng một tượng đài có chiếc xe tăng T54. 

Ngã Sáu ngày nay

Con đường đẹp nhất BMT là Đại lộ Thống Nhất, lúc nào cũng rợp bóng cây phượng vĩ, vào mùa hè hoa phượng đỏ một góc trời. Đường xuất phát từ Cột đèn ba ngọn, nơi có nhà thờ cũng được gọi nôm na là Nhà thờ ba ngọn vào sâu tới tận Buôn A Lê A và Cầu 14. Đây là cửa ngõ phía Nam của thành phố với nhiều dinh thự như Biệt điện Bảo Đại, tòa nhà Hội đồng Tỉnh, câu lạc bộ sĩ quan mang tên Biên Thùy, Bưu điện BMT, Bộ chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc, Ty ngân khố, Trường trung học Hưng Đức, công viên, dân y viện BMT và đồn điền cafe của ông Tôn Thất Hối.

Một góc phố yên bình 

Đường Lê Lợi, nối từ Cột đèn ba ngọn bọc theo Câu lạc bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, và dẫn lên trường Trung Học Ban Mê Thuột. Đây là con đường dốc thoai thoải mà mỗi ngày học sinh từ phố chợ phải vượt qua để đến trường. Có hôm trời trở gió, các cô nữ sinh tay ôm cặp, tay giữ nón mà gió lại thổi rất mạnh nên nổi bật hết đường cong vốn được dấu kín trong tà áo dài trắng. Trước cảnh này, tôi có lần ‘ứng khẩu làm thơ’ và đọc cho bạn bè nghe mấy câu thơ thuộc loại… con cóc:

Gió thổi..
Rùa nổi,
Than ôi con người
Biết bao nhiêu tội!


Cổng trường trung học BMT

Đường Phan Chu Trinh chạy ngang qua trường nữ trung học Vinh Sơn cho đến Tòa Giám Mục BMT. Đại lộ Tự Do, cũng nối từ ngã 6 với bến xe ở Cây Số 3 là cửa ngõ phía Bắc của thị xã. Tại đây rất nhiều Ty, Sở, và Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia, đối diện bên kia đường là Phi trường L.19.

Con đường Hàm Nghi dài hun hút, nối Phan Chu Trinh đến đường dẫn vào xã Châu Sơn. Đường Phan Bội Châu, cũng từ Phan Chu Trinh, cắt Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jút, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết chạy dài cho đến Chùa Khải Đoan, trường Trung Học Bồ Đề và doanh trại Thiết đoàn 8 Thiết Giáp, cửa ngõ phía Tây Thị Xã.

Chùa Khải Đoan

Ngày đó, BMT có các nhà hàng, khách sạn, rạp xiné như Anh Đào, Hồng Kông, Hoàng Gia. Khu Quang Trung-Hai Bà Trưng có ciné Tường Hiệp, Khu chợ Y Jut có rạp Lô Đô, Ngân Hàng Đại Á, Sàigòn Tín Dụng, và nhà hàng Thanh Thế nổi bật trên đường Ama Trang Long.

Trên đường Y Jut-Quang Trung còn có những tiệm buôn nổi tiếng một thời như Trúc Lâm, Minh Sơn, Thăng Long, Ngô Phúc Vinh, Dân Thiên Đường. Biết bao của ngon vật lạ ở nhà hàng Mỹ Cảnh, Vĩnh Thuận, Hoàng Vinh, Tân Cao Nguyên, và Le Blanc de Neige, Le Souri Blanc nơi các ông tây đồn điền thường lui tới.

Rạp hát Lodo trên đường Quang Trung

Những cảnh vật và sinh hoạt đó không dễ gì phôi pha trong tâm trí những người dân BMT. Những phồn hoa của phố thị thuở nào, mà mỗi người, một đời đã sinh ra và lớn lên ở nơi này, hoặc đã một thời được sống trong sinh hoạt phố phường, chắc chắn không thể nào quên được BMT với những kỷ niệm riêng tư của đời mình. Ban Mê đi dễ, khó về!

Thác Dray Linh

Tang thương dâu bể đã khiến phố phường tấp nập xưa chỉ còn lại trong ký ức của những người ngày nay trên đầu đã hai thứ tóc, trong đó phần muối nhiều hơn tiêu. Sáu mươi ngàn dân BMT thuở nào bây giờ đang phiêu bạt khắp thế giới. Nào ai biết ai còn, ai mất... nhưng trong tim sâu thẳm của mỗi người đã từng là dân BMT sẽ còn đó những kỷ niệm thời xa xưa, vui buồn cùng năm tháng.


Nhà thờ Cột Đèn Ba Ngọn

Những người bạn cũ ở xứ Ban Mê...

Từ Đà Lạt, gia đình tôi dọn về đường Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Ama Trang Long tại trung tâm thành phố BMT. Đối diện bên kia đường là tiệm bán phụ tùng xe hơi Quảng Thành của hai ông bà có cùng một tên là Huệ. Nói trộm vong linh người đã khuất, ông bà Huệ có cậu con trai duy nhất là Mai Tiến Thành. Tôi và Thành chơi với nhau rất thân từ năm Đệ Ngũ nhưng về mặt ‘ăn chơi’ thì phải ngả nón bái phục trước Thành.

Thành giờ đã ra người thiên cổ nhưng những kỷ niệm về Thành, dù là kỷ niệm xấu hay đẹp, buồn hay vui, tôi vẫn luôn trân trọng, giữ gìn.

Lúc học thi Trung học đệ nhất cấp tôi thấy trên bàn Thành có vẽ hình chiếc xe gắn máy hiệu Sachs, hỏi tại sao thì Thành đáp tỉnh bơ: “Ông già tao treo giải thưởng một chiếc xe máy... nếu tao thi đậu kỳ này!”.

Một thuở học trò

Năm ấy Thành đậu Trung học và bỏ BMT lên Đà Lạt học Đệ Tam trên Trần Hưng Đạo. Dịp hè về, Thành rủ tôi ra nhà sách Văn Hoa tìm mua nhạc. Ngày xưa mỗi bản nhạc được các nhà xuất bản như Tinh Hoa... in trên khổ giấy A3 xếp đôi với lối trình bày rất bắt mắt.

Thành mua nhạc là một chuyện lạ vì hắn không phải là dân văn nghệ, không biết gì về đàn hát. Thành nói nhỏ: “Mày chọn dùm tao những bản nhạc nào trong tựa đề có chữ Hoàng”.

À ra thế. Khi đó tôi đã biết chuyện Thành có liên quan đến cô giáo Nguyễn Thị Hoàng của trường Trần Hưng Đạo. Sau này mới nổ ra tiểu thuyết Vòng tay học trò (*), tác giả là Nguyễn Thị Hoàng và nhân vật chính, cậu học trò tên Minh, chính là Thành.

Thành cũng xuất bản cuốn Tiếng nói học trò để đáp lại Vòng tay học trò nhưng tầm vóc và tư tưởng của hai cuốn truyện không tương xứng với nhau vì một bên là cô giáo và một bên là học trò.

Lần cuối cùng tôi gặp Thành ở Sài Gòn sau 1975. Rất dễ nhận ra nét nổi bật nhất ở Thành sau này là một con người hoàn toàn khác: thâm trầm, ít nói và chín chắn. Hình ảnh lần gặp Thành cuối cùng đó đã nói lên một triết lý rất đời thường: sông có khúc, người có lúc.

Ngày xưa Thành rất nhiều ‘kẻ thù’ trong đám bạn bè tỉnh nhỏ cũng chỉ vì cái tính khí lúc nào cũng muốn ‘chơi trội’. Vào những buổi trưa đi học về trên con đường Lê Lợi dốc thoai thoải, Thành thường nổi máu anh hùng đứng thẳng người trên yên xe đạp, dang hai tay lấy thăng bằng như một diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Tôi chưa lần nào thấy Thành té xe đạp vì nếu có té chắc chắn đã phải vào nhà thương ít nhất cũng vài tuần. Bây giờ thì Thành đã thanh thản ra đi, để lại sau lưng một cuộc đời đầy sóng gió.

Người bạn thân khác cũng có một cuộc đời đầy sóng gió là Nguyễn Mạnh Dũng, con trai Thầy Nguyễn Văn Quang, giáo sư dậy vẽ kiêm nhiệm môn thể dục và cũng là người có chiếc môtô nổi bật nhất thị trấn...

Dũng có vóc dáng của một ‘lãng tử’ với mái tóc chải ngược trông vừa ‘bụi đời’ vừa ‘quê mùa’! Bị xếp là ‘quê’ nhưng tôi biết Dũng cũng có ‘một mối tình để vắt vai’: cô nữ sinh tên Thúy (con Thầy Thùy) ‘đảng trưởng đảng áo tím’ học dưới chúng tôi vài lớp.

Dũng chơi billards giỏi nhất trong số bạn bè của tôi. Nơi chúng tôi thường lui tới là tiệm billards Thanh Sơn trên đường Lý Thường Kiệt, Dũng thường chấp tôi đến 10 điểm và cu cậu đi series 5 là điều bình thường.

Hồi đó chúng tôi cũng đã tập tành cà phê, thuốc lá. Tôi và Vĩnh Anh hút Winston Đỏ, bắt chiếc theo Thầy Bùi Dương Chi, nhưng ‘gu’ của Dũng nổi trội hơn tất cả: Bastos Xanh, lọai thuốc ‘đen’ vừa nặng vừa rẻ tiền, gần giống với Gitane của Pháp. Bastos Xanh theo Dũng tới Đà Lạt khi tôi cùng Dũng, Vĩnh Anh, Trần Hen lên Đà Lạt học sau khi đậu Tú Tài 1 vì mãi năm sau Trung học BMT mới có lớp Đệ Nhất.

Thời cuộc đẩy đưa cả 3 người bạn đều gia nhập không quân – Vĩnh Anh là một trong những học sinh BMT vào không quân sớm nhất, lái Skyraider, tiếp theo là Dũng lái phản lực A 37 và Trần Hen làm bạn với trực thăng. Phần tôi, sau khi bị động viên vào khóa 4/68 Thủ Đức được tuyển thẳng về làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội.

Trái đất tròn nên chúng tôi vẫn thường gặp nhau tại Saigon, thậm chí Dũng còn nhận con trai đầu lòng của tôi làm "con nuôi" vì khi đó 'bố Dũng' vẫn còn độc thân. Rồi 30/4/75 ập tới, Sài Gòn đổi tên và dân miền Nam... đổi đời. Vĩnh Anh và Trần Hen nhanh chân chạy thẳng sang Mỹ, tôi bị kẹt lại vì vợ con dù khi đó trường Sinh ngữ Quân đội nằm ngay bên cạnh DAO, còn Dũng thì... biệt vô âm tín.

Mãi sau này đọc truyện Bay vào lòng mẹ (**) của Nguyễn Trung Chính (Chinh Nguyên) tôi mới khám phá nhiều điều mà bất cứ người BMT cũng có quyền tự hào về Nguyễn Mạnh Dũng. Trong phi vụ ngày 30/4/75, sau khi đã trút đến trái bom cuối cùng, Dũng và người co-pilot bay vút lên bầu trời xanh để đi vào cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Trung Chính viết: “Tôi đã không có cái Dũng như người bạn Nguyễn Mạnh Dũng của mình, đã không dám quay súng chĩa thẳng vào tim, mà đã chọn lựa con đường ra đi, xa rời quê hương cố xứ như hàng triệu người dân Việt khác. Trái lại Dũng, người hoa tiêu phản lực cơ A-37B đã can đảm, hiên ngang, làm quân thù kinh hoàng trong những phi vụ hành quân từ Quảng Trị xuống Cà Mâu, nay lại phóng thẳng lên trời cao, thả những trái bom trên đầu địch quân, rồi khi hết đạn, hết bom và xăng đã cạn anh bình tĩnh đi vào lòng mẹ không chút hối tiếc...!”. 

Giờ này Nguyễn Mạnh Dũng ở đâu? Chắc chắn không ở Mỹ để thực hiện American Dream và dĩ nhiên cũng không ở lại miền Nam quá nhiều khổ đau để chứng kiến cuộc ‘đổi đời’. Tôi nghĩ, nếu có một thế giới vĩnh hằng thì Nguyễn Mạnh Dũng đang thư thái nhìn chúng ta vật lộn cùng miếng cơm manh áo, dù dó là ở Việt Nam hay hải ngọai.

Nguyễn Mạnh Dũng, Phi đoàn 516 Phi Hổ

Bạn tôi nhiều người ra đi rất trẻ. Lớp trưởng Đinh Quang Chính vào Võ bị Đà Lạt, ra trường với một hoa mai trên cổ áo nhưng lại được Tổ quốc Tri ân rất sớm khi tuổi chưa đến 30.

Phạm Văn Quảng, anh ruột Phạm Văn Thành (thành đạt rất sớm với học vị PhD, hiện ở Canada) nhưng cả hai anh em học chung lớp. Quảng cũng lựa chọn binh nghiệp qua con đường Võ bị để rồi cũng trở thành tử sĩ rất sớm.

Lớp sĩ quan trừ bị Thủ Đức, hạ sĩ quan Đồng Đế, Không quân, Hải quân, Biệt kích, Nhảy dù, Biệt động quân và cả Địa phương quân xuất thân từ trường trung học BMT nhiều người đã đền nợ nước từ trước 1975 để không phải chứng kiến ngày Sài Gòn thất thủ. Âu đó cũng là lối thoát vinh quang mà định mệnh đã dành cho các anh.

Tôi có một người bạn đã ‘ra đi’ sau 1975, một người lúc ở BMT chỉ là bạn cùng lớp nhưng khi về đến Sài Gòn trở thành tri kỷ, một người trong lớp học rất giỏi nhưng khi ra đời lại không gặp nhiều may mắn, đó là Nguyễn Khắc Vỵ.

Cuối những năm 70s tình cờ chúng tôi gặp lại nhau trong hoàn cảnh ‘nghèo rớt mùng tơi’ sau thời gian ‘tốt nghiệp cải tạo’. Nguyễn Khắc Vỵ xin được chân làm việc với một tổ hợp sản xuất hóa chất (nghề của chàng!), Đoàn Đình Nga thì ngồi bơm hộp quẹt gas trên lề đường Trương Minh Giảng còn tôi thì đi dậy Anh văn ‘chui’ cho những người chuẩn bị vượt biên ra biển lớn.

Thường thì vào ngày Chủ Nhật chúng tôi ngồi bên nhau trên căn gác gần Lăng Cha Cả, nhấm nháp miếng cá khô nướng, đưa cay bằng chút rượu rẻ tiền để ngồi nói chuyện miên nam, từ thời sự quốc tế đến quốc nội, từ những giai đọan trần ai sau khi Sài Gòn thất thủ đến những khó khăn trong cuộc mưu sinh hàng ngày.

Tôi nhớ mãi có lần Vỵ kể, trên đường đi làm về khuya, đang đạp xe trên con đường vắng bỗng nghe văng vẳng tiếng hát Thanh Thúy trong bài Nửa đêm ngoài phố từ máy cassette của nhà ai đó. Vỵ dừng xe giữa đường đứng nghe cho đến hết bài hát rồi mới tiếp tục đạp xe về nhà trọ, miệng hát một mình: “... buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời...”.

Ít tháng sau Vỵ ra đi vì bịnh họan chứ không phải ‘ra đi tìm đường cứu nước’! Lũ con tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc: “Bác Vỵ nói chuyện hay thật, cái gì bác ấy cũng biết!”. Có điều chắc Vỵ không biết tại sao đời mình lại vắn số đến như vậy. Sau này, có dịp về lại BMT, tôi đã ghé nhà Vỵ và Dũng cùng ở khu Trần Hưng Đạo để thắp cho họ những nén hương nuộn màng.

Nhón 3 người chúng tôi sau này có sự tham gia của Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Ngọc Thiệp, Nguyễn Khánh Hồng, Cung Duy Bách, Trịnh Viết Bốn (sau này đổi tên thành Bôn chứ không còn là Bốn ‘lù’ như bạn bè thường gọi đùa). Dần dà nhóm Bạn BMT trở thành Hội ái hữu cựu học sinh trung học BMT, con số thành viên lên đến cả trăm người như ngày nay.             

Bạn bè BMT của tôi hiện đã tủa đi khắp thế giới, đa số tập trung ở Mỹ. Vĩnh Anh là người bạn văn nghệ, Đoàn Đình Nga là bạn thời hàn vi, Nguyễn Ngọc Thiệp ‘đạo mạo”, Nguyễn Xuân Duẩn ‘ông cụ non’, Nguyễn Đăng Hoàn ‘lớp đàn anh bị ‘đúp’ nên học chung với đàn em, Đỗ Khắc Khoan ‘tiếu lâm với bộ mặt lạnh như tiền và là con ông Trưởng ty Ngân khố’, Nguyễn Văn Hoa ‘thông minh với những bước đi lúc nào cũng như... nhảy cà tâng’, Phạm Công Lạc ‘tuy lùn nhưng đá banh có hạng’, Đỗ Mộng Sơn ‘đầu lúc nào cũng láng bóng’, Lê Văn Thể ‘mexico’, Trần Thị Như Mai ‘rất điệu nhưng cũng rất người lớn bên cạnh Vinh ‘cà-tông’...
  
Nguyễn Xuân Chiểu, Vĩnh Anh, Nguyễn Ngọc Thiệp, Trần Văn Chính,
Lê Xuân Roãn, Trần Thanh Xuân

Những hình ảnh ấn tượng về Thầy Cô

Cuối cùng xin có ít dòng về các Thầy Cô đã từng để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của tôi thời cắp sách đến trường trung học BMT. Những cảm nghĩ này đều mang tính cách cá nhân nên có điều chi sơ sót mong quý Thầy Cô niệm tình trò cũ mà tha thứ.

Thầy Liễn, Thầy Quy vốn là bạn học với ông anh tôi trên Đà Lạt, qua đến BMT anh em lại gặp nhau trong vị trí thầy trò. Tuy hoàn cảnh có khác đi nhưng lúc nào cũng mang ý nghĩa thầy trò cộng thêm chút tình anh em.

Năm 1993 tôi có đến Mỹ lần thứ 3 sau 2 lần du học năm 1971 và 1973. Tôi liên lạc được với Thầy Quy ở San Francisco và cùng gia đình Thầy gặp mặt tại một nhà hàng trong bầu không khí ấm cúng pha trộn giữa tình thầy trò và tình anh em sau một thời gian dài xa cách.    

Trong số các Cô, tôi nhớ mãi cô Tiên dạy Việt văn. Chắc cô không còn nhớ nhưng tôi không thể nào quên một buổi thảo luận đột xuất tại lớp về hai chữ... ‘khoái lạc’. Lớp học tranh luận sôi nổi, đa số học sinh đứng lên hăng hái phát biểu dù... qủa thật chưa biết khoái lạc là gì!

Thầy Dần dậy nhạc, tác gỉa bài Hiệu đòan ca đã đi vào lịch sử của trường trung học BMT... Vui bên nhau hát vang bài ca hiệu đòan... Kinh Thượng kết đòan, trường BMT ngày thêm tươi sáng...

Thầy Viên lúc nào cũng có vẻ lạnh lùng, khô khan của một giáo sư toán, vừa đi vừa gật gù từ bục giảng xuống đến cuối lớp. Thầy Dần, Thầy Viên đều đã khuất bóng. Xin đốt một nén hương lòng tưởng niện các Thầy.

Giáo sư trường Trung học Ban Mê Thuột

Dạy Pháp văn Cours de Langue et de Civilisation Francais có ‘cụ’ Ngoạn rất nghiêm khắc, lại có thêm Thầy Đĩnh ‘Hitler’ cũng dậy Pháp văn kiêm luôn cả Anh văn, học trò được nghe đĩa Sixième Blue mệt nghỉ.

Sở dĩ thầy Đĩnh có biệt danh Hitler vì phương pháp sư phạm của thầy rất khắc nghiệt, đã có lần thầy bắt 2 anh học trò lớp tôi lên qùy quay mặt xuống lớp có đông đủ cả nam sinh và nữ sinh. Đã thế thầy còn mỉa mai hai anh học trò là ‘Chánh Tế’ và ‘Phó Tế’. 

Nhà văn Thế Uyên cũng đã có một thời gian dạy môn Triết và Công dân giáo dục tại trường trung học BMT. Ông lúc nào cũng lầm lỳ như một... triết gia, hút thuốc liên miên. Chúng tôi quen gọi thầy qua cái tên Thế Uyên hơn là Nguyễn Kim Dũng. Lúc mới lên BMT ít người biết về việc ông có người mẹ là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và là chị nhà văn Thạch Lam.

Thầy Trúc người Huế dạy Anh văn có câu nói bất hủ “Question... 10 điểm, ngồi xuống”, chả là nếu học sinh nào phát âm ‘quét-chân’ thì được 10 điểm còn ‘quét-sân’ thì zero, ngồi xuống! Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất trong đám học sinh chúng tôi năm Đệ Tam là Thầy Bùi Dương Chi, giáo sư Anh văn vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Thầy Chi chỉ lớn hơn đám học trò chúng tôi khoảng trên dưới 10 tuổi nhưng đã có một tầm ảnh hưởng rất sâu đậm trong đám học trò tỉnh lẻ. Thầy vốn là thành viên của IVS (International Volunteer Service), khi lên dạy tại BMT cũng có một số IVS người Mỹ đang họat động tại đây thế là tạo được môi trường giao tiếp, thực tập tiếng Anh giữa đám học trò tỉnh lẻ với người bản xứ nói tiếng Anh.

Hồi đó, sinh ngữ chính của tôi là Pháp văn nhưng cuối cùng trình độ Anh văn ngày càng tiến bộ qua tiếp xúc với những người như Roger Sweeney, Mark và nhiều đợt IVS khác nữa, trong đó có cả cô Diana, sau này là hiền thê của Thầy Chi...

Xuất thân từ ‘câu lạc bộ nói tiếng Anh’ này, Đoàn Đình Nga tìm được việc làm với hãng thầu RMK, hai anh em Nguyễn Đăng Hoàn & Nguyễn Đăng Đĩnh và tôi làm việc với đoàn Y tế MILPHAP của quân đội Mỹ tại Dân y viện BMT. Cũng nhờ trình độ tiếng Anh, tôi là 1 trong 5 sinh viên sĩ quan Thủ Đức khóa 4/68 được tuyển thẳng về làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội.

Trước 1975, Thầy Chi đi du học Hoa Kỳ, tôi và Đoàn Đình Nga, khi đó đã vào quân đội, đứng ra ‘bảo lãnh’ tại An ninh Quân đội, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo luật của VNCH để Thầy không ngờ có một cuộc di tản sớm nhất, đoàn tụ với cô Diana.

Qủa đất tròn nên tình thầy trò vẫn được duy trì cho đến ngày nay qua các chuyến về VN thường xuyên của Thầy Chi. Thật không ngờ, tầm ảnh hưởng của Thầy Chi cho đến giờ phút này vẫn còn sâu đậm. 

Ai dám bảo tình thầy trò là thứ tình hời hợt, thoáng qua?

===

(*) Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng:

(**) Bay vào lòng mẹ, Chinh Nguyên:

Video clip "Một thoáng Ban Mê" do tác giả thực hiện: 



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 2: Thời niên thiếu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

9 Comments on Multiply

caibang9 wrote on Oct 20, '10
NNC quả là có trí nhờ vô song !

cuuphansinh wrote on Oct 20, '10
Nhớ kỹ và có tình !

cbll wrote on Oct 20, '10, edited on Oct 20, '10
Anh MTT đã giỗ 2 năm tuần trước. Hôm nay đọc bài viết này bao nhiêu hình ảnh cũ lại hiện về.

nguyenngocchinh wrote on Oct 20, '10, edited on Oct 20, '10
cbll said “Anh MTT đã giỗ 2 năm tuần trước
Thời gian qua nhanh quá, mới đó mà đã 2 năm kể từ ngày MTT ra đi. Xin post lại tấm ảnh tang lễ MTT ngày 10/12/2008 tại nhà quàn Peak Family (nguồn: kyyeu_thbmt trên Flickr)


songhong wrote on Oct 24, '10
Bài viết về Ban Mê cuả anh làm tôi bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa. Tôi ở Ban Mê từ 68 đến 71 rồi về Trường Sinh Ngữ từ 71 đến 75. Ở BMT ngoài các chiến hữu ra tôi có 2 người bạn thân: một là Nguyễn Bá Chính - quen nhau khi mới từ Bắc vào Nam - trung uý TK/DL và là tay guitar cuả ban nhạc tỉnh, năm 70 bị pháo B40 mất 2 chân; hai là Nguyễn Văn Tạo - cùng xuất thân Chu Văn An Saigon năm 62 - hội viên hội đồng tĩnh Ban Mê. Sau 75 tôi mất liên lạc với 2 người bạn này. Rất tiếc tôi không được gặp anh Nguyễn Ngọc Chính ở BMT, và cũng không nhớ ra có gặp anh ở trường Sinh Ngữ hay không nưã.

nguyenngocchinh wrote on Oct 24, '10, edited on Oct 25, '10
songhong said “Rất tiếc tôi không được gặp anh Nguyễn Ngọc Chính ở BMT, và cũng không nhớ ra có gặp anh ở trường Sinh Ngữ hay không nưã.”
Tôi ở BMT và theo học trường THBMT từ Đệ Ngũ cho đến Đệ Nhị (1963-1967). Tôi về trường SNQĐ sau khi tốt nghiệp khóa 4/68 Thủ Đúc năm 1969 và ở tại trường cho đến giờ phút cuối cùng.

songhong wrote on Oct 24, '10
Xin lỗi anh Chính nhé. Trí nhớ tôi kém quá. Vài người bạn TSNQD cho tôi biết hồi đó anh chơi thân với Nguyễn Văn Thông lắm. Thông hiện giờ ở LA, thỉnh thoảng có điện thoại cho tôi.
Chúc mừng anh đã thành công trên đường sự nghiệp.

mynhon31159 wrote on Oct 26, '10
BMT còn là vùng đất linh thiêng ai đã về đây sinh sống lập nghiệp thì ăn nên làm ra ...
Mình thì không nghĩ tình thầy trò hời hợt ...

thahuong82 wrote on Aug 4, '11
Tôi ở BMT từ 73-75 tan hàng đon vị đóng ở Phi Trường Phụng Dực tiểu đòan 231/PB của tôi được người anh em chiếu cố tận tình, vì có nội tuyến địch nắm rỏ hệ thống phòng thủ, nội tuyến là bồ của lính gác. Hầu hết các SQ các ban đều tử trận sau hơn một ngày quyết chiến, còn vài ba mống sống sót nhờ đi phép đặc biệt (Tôi, T.Tá Tiểu đoàn trưởng) còn tất cả đều hy sinh. BMT có quá nhiều kỷ niệm với tôi thời lính tráng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts