Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Du học… Lắc Lư

Lắc Lư là tên mà các giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội (TSNQĐ) gọi đùa căn cứ không quân Lackland, nơi chúng tôi tu nghiệp khóa giảng viên Anh ngữ tại Viện Ngôn ngữ Quốc phòng (Defense Language Institute – DLI) năm 1971 và 1973.

Defense Language Institute (DLI)

Căn cứ không quân Lackland (Lackland AFB) nằm ở phía tây thành phố San Antonio, tiểu bang Texas. Lackland được đặt theo tên của Thiếu tướng không quân Frank Dorwin Lackland, Chỉ huy trưởng căn cứ Kelly, khi ông từ trần vào năm 58 tuổi. Lackland, được xây dựng từ năm 1941, là một phần của căn cứ Kelly và chính thức mang tên Lackland từ năm 1947. 

Căn cứ Lackland mang tên Thiếu tướng Frank Dorwin Lackland

Ở TSNQĐ, đối với giảng viên, việc đi học Lackland được coi như là điều bắt buộc chứ không phải là ‘ân huệ’. Giảng viên sẽ phải lần lượt tham gia khóa English Language Instructor Basic Course, kéo dài 6 tháng tại Defense Language Institute (DLI), Lackland AFB, San Antonio, Texas.

Nếu đã tốt nghiệp khóa căn bản rồi, chỉ chừng 2 năm sau sẽ phải đi học thêm khóa tu nghiệp (refresher course) 3 tháng, cũng tại DLI. Nói chung, đi du học Mỹ thường được coi là một đặc ân, nhưng đối với TSNQĐ thì đây lại là một nhiệm vụ của người giảng viên trong công tác giảng dạy tiếng Anh. Mọi sĩ quan đều phải đi học!

TSNQĐ cũng có một nhóm giảng viên Việt ngữ được tuyển về để dạy tiếng Việt cho quân đội đồng minh. Nhón giảng viên này, khi giai đọan Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu, được chuyển sang làm giảng viên Anh ngữ và cũng được gửi đi đào tạo tại Hoa Kỳ.

Sau này, khi cuộc chiến leo thang, TSNQD không đủ giảng viên cho các lớp nên phải tuyển thêm sĩ quan có khả năng về tiếng Anh từ các đơn vị về. Thế là tại TSNQĐ có đến 3 nguồn giảng viên: (1) những người được tuyển thẳng từ Thủ Đức, (2) những giảng viên Việt ngữ chuyển sang dạy tiếng Anh và (3) những sĩ quan có gốc từ các đơn vị khác về trường. Có thể nói, cho đến ngày Sài Gòn đổi tên, TSNQĐ là một đơn vị tổng hợp với quân số có lúc lên đến 200 sĩ quan của nhiều đơn vị về để dạy tiếng Anh.

Đối với tôi, lần đầu tiên xuất ngọai mang lại nhiều trải nghiệm khó phai trong cuộc sống của một thanh niên vừa bước vào đời. Nhóm sĩ quan TSNQĐ đi Mỹ năm 1971 gồm 11 người, Đại úy Nguyễn Quốc Thái làm trưởng nhóm và Trung Úy Nguyễn Văn Tùng làm phó, số còn lại đều mang cấp bậc Thiếu Úy.

Hình chụp khi transit tại Okinawa (1971)

Trên đường đến Hoa Kỳ, chúng tôi transit tại Okinawa, Nhật Bản và từ đó bay thẳng tới Travis Air Force Base, căn cứ quân sự đặt tại San Francisco. Trước khi đi Mỹ tôi có tiếp xúc với một giảng viên tại chi nhánh Phan Thanh Giản, anh Tronvig có gia đình sống ở San Francisco nên dặn tôi liên lạc với họ khi có dịp đến đó. Nhân dịp ở lại Travis chờ máy bay đi San Antonio tôi phone cho gia đình Tronvig, lập tức họ lái xe xuống đón tôi về chơi.

Gia đình Tronvig rất hiếu khách. Hơn nữa, tôi là người khách phương xa nơi con họ đang thi hành quân dịch cách đến nửa vòng trái đất. Họ lái xe đưa tôi và Trần Tỷ, bạn cùng đoàn, đi thăm một vòng San Francisco rồi về nhà ăn tối cùng gia đình. Tỷ trước khi bị động viên là một học sinh đi Mỹ một năm theo chương trình trao đổi giữa VNCH và Hoa Kỳ mang tên American Field Service (AFS). TSNQĐ cũng có một số giảng viên xuất thân từ AFS như Hà Kim Vọng, Phạm Gia Đoàn…

Golden Gate Bridge, San Francisco, CA

Gia đình Tronvig ở tại Walnut Creek, California. Ngày đầu tiên trên đất Mỹ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc sâu sắc và nhiều ý nghĩa khi được tận mắt chứng kiến sinh họat của một gia đình người Mỹ trung lưu điển hình. Họ sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi trong khi con cái được hưởng nhiều tự do hơn trong việc hướng đến một cuộc sống tự lập nếu so với gia đình Việt Nam.

San Antonio là một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Texas, gần biên giới Mexico nên có rất nhiều người Mễ Tây Cơ (Mexico) mà hồi đó chúng tôi gọi là dân vì họ nói tiếng Tây Ban Nha (Spanish). Người Việt đến Mỹ sau năm 1975 lại gọi họ là người Mễ, lấy từ chữ Mexican. Người Mễ lại được dân Mỹ gọi là Wetback vì họ bơi vượt sông Rio Grand, ranh giới tự nhiên giữa Hoa Kỳ và Mexico, để vượt biên sang Mỹ tìm một cuộc sống sung túc hơn.

Hispanic American, còn được gọi là Latino American, chiếm đến 15% dân số Hoa Kỳ với khoảng 45 triệu người. Những tiểu bang nào có chung đường biên giới với Mexico, chẳng hạn như Texas, California, Arizona, Nevada… số dân Spanish rất đông. Thật tình mà nói, họ là công dân hạng hai (second-class citizen) nếu so với người da trắng gốc châu Âu. Vốn sinh trưởng ở các nước nghèo khó Nam Mỹ nên khi vào được Hoa Kỳ họ làm bất cứ việc gì miễn kiếm ra tiền.

San Antonio, phía sau lưng là những kiều nữ Mễ

Thành phố Laredo thuộc Mexico chỉ cách San Antonio khoảng 1 giờ lái xe. Đây được gọi là Boy’s Town vì có các dịch vụ sex. Người Mỹ thường lái xe qua Laredo để giải quyết sinh lý vì giá cả rất ‘hữu nghị’, thậm chí giá 5 đô cũng có. Vào cuối tuần có những chuyến xe đến gõ cửa tận phòng các học viên DLI, mời chào đi Laredo… giải trí. Dĩ nhiên dịch vụ sex này là của người Mỹ gốc Mexican!

Kiều nữ Mễ có nhan sắc trên trung bình, họ có dáng của người Âu với sống mũi cao và cặp lông mày cong vút nên là một ‘món hàng’ rất được các học viên quốc tế ưa chuộng. Một giảng viên TSNQĐ cũng đã mê một cô gái Mễ trong thời gian 6 tháng sống tại Mỹ, ăn ở với nhau như vợ chồng và nghe nói sau này khi chàng về Việt Nam thì nàng cũng mò qua!   

Tại San Antonio có căn cứ không quân Lackland, nơi đặt chi nhánh của Defense Language Institute (DLI – Viện Ngôn ngữ Quốc phòng). DLI được chia thành 2 nhánh, một chuyên huấn luyện Anh ngữ căn bản cho các khóa sinh người nước ngoài English Development Branch (EDB) và một bộ phận chuyên đào tạo các giảng viên Anh ngữ gọi là Instructor Development Branch (IDB).

Với mục đích chính là huấn luyện tiếng Anh cho binh chủng không quân tại EDB nên Việt Nam cũng đặt một Văn phòng Đại diện tại Lackland để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Giảng viên TSNQĐ thuộc quân số của bộ binh, ‘học nhờ’ tại IDB, nên cũng thuộc quyền quản lý của Văn phòng Đại diện. Thế cho nên cũng có nhiều trường hợp oái oăm: khóa sinh không quân học tại TSNQĐ Sài Gòn khi sang đến Mỹ gặp lại các thầy cũ của mình cũng cùng học tại Lackland! 
  
Khóa sinh theo học tại DLI gồm nhiều quốc gia. Nam Mỹ có Costa Rica, El Salvador, Chile…, châu Âu có Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…, châu Phi có Maroc, Ethiopia và châu Á có Iran, Thái Lan, Việt Nam… nói chung là các nước thân Mỹ. Hồi đó Iran còn là đồng minh của Mỹ nên gửi người đi học rất đông. Iran vốn nổi tiếng thế giới về dầu mỏ nên học viên của họ (chúng tôi gọi là Dầu hôi) lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh đôla so với Việt Nam nghèo kiết xác!

San Antonio gắn liền với Trận Alamo (Battle of Alamo), kéo dài từ ngày 23/2/1836 đến 6/3/1836, trong thời kỳ cách mạng dành độc lập của Texas (Texas Revolution). Khoảng gần 300 dân Texas đã tử trận để bảo vệ Alamo, về phía quân đội Mexico có đến 600 binh sĩ bị giết và bị thương. Người anh hùng được lịch sử Hoa Kỳ vinh danh trong trận tử thủ Alamo là Davy Crockett và Jim Bowie với quyết tâm bảo vệ Alamo đến giọt máu cuối cùng.

Thành Alamo là một địa danh lịch sử nổi tiếng của San Antonio

San Antonio có giòng sông nhỏ lượn lờ uốn khúc xuyên qua thành phố. River Walk là một điểm tham quan du lịch của khách thập phương, du khách có thể lên những chuyến du ngoạn bằng thuyền dọc theo dòng sông để ngắm cảnh hai bên bờ. San Antonio vốn nổi tiếng với lễ hội hằng năm mang tên Fiesta, kéo dài đến 10 ngày.

Tôi đến San Antonio tháng 4/1971, đúng vào dịp Fiesta và có cơ hội được chứng kiến rất nhiều tiết mục của lễ hội. Đặc sắc nhất là Battle of Flowers trong đó có những cuộc diễu hành của xe hoa được kết bằng đủ loại hoa, có những người đẹp ngồi trên xe hoa và ban nhạc tháp tùng.

Texas Cavalier’s River Parade cũng là một tiết mục đặc sắc trên dòng sông San Antonio với hàng chục thuyền hoa trang trí đèn màu chạy dọc dòng sông giữa những tiếng reo hò cổ vũ của khán giả đứng đông nghẹt hai bên bờ. Đúng là phong cách Mỹ!

Sau vài tuần đến Lackland AFB, tôi phát hiện ra nhiều điều lý thú về San Antonio. Cứ đến cuối tuần, căn cứ có xe bus của không quân đưa các học viên ra San Antonio và đến chiều lại có các chuyến về, tất cả đều miễn phí. Lang thang trong thành phố là cách hay nhất để tìm hiểu về phong tục, tập quán và lối sống của người Mỹ.

Tò mò là căn bệnh mà những người trẻ tuổi hay mắc phải, đối với tôi, đó cũng không là ngoại lệ. Người thanh niên 25 tuổi tò mò khám phá những tiệm peep show, bỏ vào máy đồng 25 xu để coi một đoạn phim sex (muốn coi tiếp lại phải bỏ 25 xu nữa!). Những sex shop bán đủ sách báo, phim ảnh và những dụng cụ làm tình, rồi ghé sex movies mua vé xem những loại phim X…

San Antonio, 1971

Cũng như mọi thành phố Mỹ, San Antonio mang 2 bộ mặt tương phản gay gắt: những ngày Chủ Nhật có những tín đồ ngoan đạo người Mỹ đến tận phòng khuyến khích học viên đi nhà thờ trong khi đó cũng lại có một nhóm tới rủ đi ‘vui chơi, du hí’ tại Laredo! Có thể nói, San Antonio là một thành phố điển hình của Mỹ có một cuộc chiến thầm lặng giữa một bên là lý tưởng tôn giáo thánh thiện và một bên là cuộc sống đời thường dung tục.

Dần dà tôi cũng khám phá được một tiệm ăn Chinese Food của một ông Tàu ở San Antonio nên cuối tuần thường ghé lại đây để thưởng thức món mì xào (chow mein) thay đổi khẩu vị. Thực ra thì mỗi barrack trong căn cứ đều có bếp và một phòng khách kiêm phòng ăn nhỏ để học viên có thể tự nấu ăn. Lackland cấm tuyệt đối nấu trong phòng vì barrack bằng gỗ, dễ sinh hỏa hoạn.

Vào những ngày cuối tuần học viên chung tiền đi chợ ở commissary về nấu các món ăn Việt Nam, quanh đi quẩn lại chỉ có thịt gà làm chuẩn: gà rôti, gà kho, gà luộc, gà nấu đậu, cháo gà… Mỗi nhóm thường được chia thành 2 phe, anh nào phụ trách nấu ăn thì lăn vào bếp còn những anh không biết nấu thì có nhiệm vụ bưng bê và dọn dẹp chiến trường sau bữa ăn! 

Một bữa ăn tự nấu tại Lackland
(PG Đoàn, H Hới, NC Sang, NL Năng, NB Quyền và NN Chính)

Bếp điện thì chỉ có vài cái nên nhiều khi phải có ‘đề-lô’ đi thám thính trước khi nhóm đầu bếp đổ bộ chiếm lĩnh ‘ông táo’. Hai thế lực mạnh nhất trong trận chiến bếp núc là Việt NamDầu hôi (Iran) nhưng nói chung thì Mít bao giờ cũng dùng bếp trước mấy anh Dầu. Thế mới biết, Việt Nam ta chỉ giỏi ‘khôn vặt’, chỉ thắng ba chuyện ‘lẻ tẻ’ chứ đụng chuyện lớn thì ‘xếp giáo quy hàng’!

Ngày thường vì bận học nên bữa ăn trưa học viên thường kéo nhau lên ‘nhà bàn’ (mess hall) ăn cho nhanh để còn thì giờ nghỉ ngơi. Giá tiền ăn ở nhà bàn thường rất rẻ, nhất là bữa ăn tối. Trước khi vào mess hall phải đăng ký họ tên và đóng tiền, tôi nghĩ đó là cách kiểm soát số lượng người ăn theo từng bữa vì những nhân viên nhà bàn đều là các tân binh quân dịch không quân làm việc theo chế độ luân phiên.

Mess hall phục vụ theo chế độ self service như tiệc buffet. Cũng vì thế tôi có lần được chứng kiến một thực khách bê cả tô nước sốt trộn rau về bàn. Anh than sau vài muỗng húp thử: “Súp hôm nay nấu mặn quá!”. 

Thức ăn ở nhà bàn nói chung rất nghèo nàn, mặc dù có cơm nhưng không thể nào hợp với khẩu vị người Việt. Đó cũng là lý do nhiều học viên về barrack hâm lại đồ ăn đã nấu trước hoặc, chính mắt tôi thấy, có anh tới commissary mua kem theo từng gallon để… ăn trừ cơm! Vừa rẻ tiền lại vừa tiện lợi và bổ dưỡng lại tiết kiệm được ít tiền mua quà đem về Việt Nam.

Check mail

Ngoài commisary chuyên bán thực phẩn, rau quả, Lackland còn có PX (post exchange) để phục vụ quân nhân và gia đình. Thập niên 1970 ở Việt Nam đã có PX phục vụ quân nhân Hoa Kỳ, hàng PX giá cực rẻ vì hoàn toàn miễn thuế. Cũng vì vậy, các mặt hàng ở PX tại Việt Nam cũng lọt ra ngoài chợ trời Sài Gòn qua đường dây binh sĩ Mỹ kiếm chênh lệch giá. Đám quân nhân Mỹ tham gia ‘kinh tế chợ trời’ chắc chắn do các ‘mama san’ và ‘Saigon-tea girls’ giựt dây…

PX ở Lackland cũng có đầy đủ mặt hàng, từ thượng vàng đến hạ cám. Từ giàn máy hi-fi nghe nhạc (thời đó chưa có stereo), máy chụp hình đến quần áo, đồ dùng trong gia đình. Muốn vào PX phải qua bàn kiểm tra ID card vì PX chỉ phục vụ những người trong quân đội và gia đình thuộc loại ‘ăn theo’.

Có một anh chàng người ‘Xì’ đến tận phòng ngủ của học viên DLI mời chào máy chụp hình. Có lẽ anh thuộc ‘đường dây ngầm’ nào đó từ PX, có thể là đồ ăn cắp nên giá còn rẻ hơn ở PX… Một số giảng viên bỏ tiền ra mua ‘hàng trôi nổi’ vì rẻ nhưng cũng có những người khác không muốn dính dáng đến những đường dây thuộc loại mờ ám. Xem ra thì Hoa Kỳ là nước văn minh, hiện đại nhưng vẫn chưa hết những kiểu buôn lậu có hệ thống như tại những nước chậm tiến.    

Buổi tối học viên có thể đến các câu lạc bộ, mở cửa phục vụ cả học viên người nước ngoài lẫn tân binh quân dịch người bản xứ được huấn luyện tại Lackland. Tại đây có thể đăng ký chơi billards, bóng bàn, nghe nhạc hoặc đọc sách, hoàn toàn miễn phí. Ở Officer Club còn có cả Bingo, một trò lô-tô mà phần trúng thưởng cũng đến cả trăm đô! Cũng có rạp xi nê chiếu phim với giá vào cửa rẻ mạt để phục vụ những người sống trong căn cứ.   

Chaparral Club, Lackland AFB

Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức field trips đi thăm các địa điểm du lịch tại những vùng lân cận, thăm các địa danh nổi tiếng quanh San Antonio và 1 lần đi Washington D.C. thăm thủ đô của Hoa Kỳ. Cuộc sống tại nước ngoài chỉ loanh quanh hết học hành rồi đến vui chơi khiến 6 tháng trời xa nhà qua đi một cách mau chóng.

Tôi nhận bằng tốt nghiệp DLI khóa Giảng viên Anh ngữ vào đầu tháng 10/1971. Trước khi về nước, chúng tôi có 15 ngày phép để đi từ San Antonio, Texas đến San Francisco, California, và từ đây bay thẳng về Việt Nam. Chuyện ngao du trong 15 ngày phép và chuyến đi Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 1973 xin được kể đến ở phần sau. 

Làm Sheriff trong Alamo Village

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

10 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on Nov 15, '10
Tuổi trẻ của anh thật nhiều niềm vui và kỷ niệm đẹp.

andropause wrote on Nov 15, '10
Hồi ức một đời người được in ra sách chưa anh?

nguyenngocchinh wrote on Nov 15, '10
andropause said “Hồi ức một đời người được in ra sách chưa anh?
Tôi hoàn toàn không có ý định ra sách. Hồi ức này chỉ dành cho bạn bè và con cháu trong gia đình để biết về những chuyện của quá khứ một thời.

tangtinhtinh2 wrote on Nov 15, '10
Đọc thú vị lắm bác ạ.

penseedl wrote on Nov 15, '10
Năm 1971, tôi được một mục sư Mỹ lo thủ tục để đi du học theo chương trình AFS, nhưng bố tôi đã không đồng ý vì lo con gái phải đi xa, bơ vơ một mình nơi xứ lạ. Nghĩ lại cũng tiếc thật!.
Trường SNQĐ không có nữ giới theo học sao anh Chính?.

nguyenngocchinh wrote on Nov 16, '10
penseedl said “Trường SNQĐ không có nữ giới theo học sao anh Chính?”
Họa hoằn lắm mới có một cô nữ quân nhân được đơn vị gửi đến học. Có lẽ giảng viên nào có số đào hoa mới được hân hạnh có nữ khóa sinh trong lớp!
Sorry for your missing the AFS scholarship in 1971, a lot of Vietnamese highschool students enjoyed this program.

thahuong82 wrote on Nov 16, '10
Tôi có người anh bà con tên L. ban bè thường gọi là L. đen vì rất giống Mỹ đen. Tốt nghiệp SQ Thủ Đức và được tuyển qua để dạy trường SNQĐ (12-1970 ) và cũng có đi tu nghiệp tại Mỹ. Không biết anh có quen không? Nếu biết tôi sẽ email nói chuyện nhiều hơn.

nguyenngocchinh wrote on Nov 16, '10
thahuong82 said “Tôi có người anh bà con tên L. ban bè thường gọi là L. đen vì rất giống Mỹ đen. Tốt nghiệp SQ Thủ Đức và được tuyển qua để dạy trường SNQĐ (12-1970 )và cũng có đi tu nghiệp tại Mỹ.
Vâng, chắc anh muốn nói đến anh Long, người về trường sau tôi vài khóa. Dĩ nhiên là ở trường ai cũng biết vì màu da đặc biệt của anh. Nghe nói anh Long hiện giờ cũng định cư tại Mỹ.

thahuong82 wrote on Nov 16, '10
Đã trả lời ở thư riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts