Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Hoa Kỳ du ký: từ Texas đến California


Năm 1973 tôi trở lại trường xưa, Defense Language Institute (DLI), tại căn cứ không quân Lackland, San Antonio, Texas. So với năm 1971, cảnh cũ vẫn như xưa nhưng con người có phần thay đổi. Từ anh Thiếu úy ‘non choẹt’ của năm 1971, tôi trở lại DLI năm 1973 ‘chững chạc’ hơn với 2 hoa mai trên cổ áo.

DLI, San Antonio, TX (1973)

Chương trình học tại DLI dĩ nhiên cũng khác xưa. Năm 1971 chúng tôi học Basic English Language Instructor Course và năm 1973 chỉ là một khóa tu nghiệp (refesher course). Có điều đáng tự hào, học viên người Việt bao giờ cũng nổi trội trong lớp. Một trong những lý do giải thích cho sự nổi trội này là trước khi đến Hoa Kỳ, chúng tôi đều đã là những giảng viên, đã trải qua kinh nghiệm đứng lớp tại Việt Nam. Những gì học hỏi tại Hoa Kỳ chỉ là sự bổ xung một cách có hệ thống về các đề tài như How to teach Pronunciation, Grammar, Vocabulary, Reading, Writing

Trong lớp, giáo sư người Mỹ thường hỏi ý kiến học viên người Việt mỗi khi có những vấn đề khúc mắc. Đa số học viên các nước khác đến DLI để được đào tạo thành giảng viên trong khi các sĩ quan Việt Nam lại là những giảng viên thực thụ đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi đa số còn trẻ nên vẫn giữ bản tính cố hữu của người Việt là lúc nào cũng… thích đùa! Thậm chí tên thầy cô người Mỹ đều có một biệt danh bằng tiếng Việt để anh em dùng mỗi khi nói đến… Ông Spence được gọi là Xà Beng, Timberlake được Việt hóa thành Tìm Bò Lạc, LincolnLính Cậu. Bà Eagle lại biến thành Ó Đâm, một cái tên rất xấu chỉ vì eagle là con ó chứ hoàn toàn không có ý xấu đối với bà giáo sư chuyên dạy về Grammar mà chúng tôi rất nể trọng!   

Khóa refresher
gồm các sĩ quan đến từ khắp nơi trên thế giới 

Năm 1973 có một bước đột phá tại DLI với việc ứng dụng các phương tiện audio-visual (nghe-nhìn) trong huấn luyện giảng dạy. Vào đầu thập niên 70, khái niệm về video tại Việt Nam là điều còn mới mẻ nếu không muốn nói là quá xa lạ với mọi người. DLI đã áp dụng video trong huấn luyện sư phạm: học viên phải đứng trước camera để thực tập giảng dạy. Ngay sau đó, đoạn video clip được chiếu lại để thầy cô và bạn bè cùng lớp nhận xét và đánh giá ưu-khuyết điểm của từng người.

Những cử chỉ nhỏ nhặt của giảng viên đều được phân tích một cách tỷ mỉ. Chẳng hạn như khi quay mặt xuống lớp học, giảng viên phải dùng cánh tay trái để chỉ lên bảng, như thế mới giữ được eye-contact với lớp học. Video ngày đó là phương tiện thật hữu hiệu trong phần giảng dạy teaching methodology.

Theo thông lệ, cuối khóa DLI tổ chức một chuyến đi thủ đô Washington D.C. cho học viên các nước. Tôi không nhớ rõ, hình như thông lệ này chỉ áp dụng cho khóa đào tạo giảng viên, còn học viên những khóa dạy tiếng Anh căn bản không đi Washington vì họ được chuyển thẳng đến các trung tâm huấn luyện chuyên ngành.

Washington Monument 

Thủ đô Hoa Thịnh Đốn được thành lập từ năm 1790, mang tên chính thức Washington, District of Columbia (viết tắt là D.C., Đặc khu Columbia), để phân biệt với tiểu bang Washington nằm ở phía Tây Bắc nước Mỹ. Về mặt chính trị thì Washington D.C. được xem như tương đương với các tiểu bang của Hoa Kỳ.

Washington D.C. là một thành phố được quy hoạch ngay từ lúc được bắt đầu xây dựng. Thiết kế cho thành phố phần lớn là công trình của Pierre Charles L’Enfant, một kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Pháp. Washington được chia thành bốn khu Tây Bắc (NW); Đông Bắc (NE); Đông Nam (SE); và Tây Nam (SW) từ trung tâm tỏa ra từ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, còn gọi là Điện Capitol.

Washington có đến hơn 170 đại sứ quán của nước ngoài, trong đó có VNCH. Trên đại lộ  Massachusetts, còn được gọi là Embassy Row, có đến gần 60 tòa đại sứ. Chúng tôi có dịp đến thăm một số công trình kiến trúc đa dạng theo các trường phái kiến trúc gothic, tân cổ điển cũng như hiện đại. Nổi bật nhất là White House (Tòa Bạch Ốc, nơi Tổng thống Hoa Kỳ sinh sống và làm việc), Điện Capitol (nơi lưỡng viện Quốc hội nhóm họp), các tòa nhà tưởng niệm Thomas Jefferson, Lincoln; ngọn tháp ‘bút chì’ Washington, Viện Smithsonian, Thánh đường Washington và Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

White House

Tuy là thủ đô của Hoa Kỳ nhưng số người Mỹ da màu lại chiếm một tỷ lệ khá cao tại Washington và đó cũng là lý do khiến thành phố này có số tội phạm đáng kể so với những nơi khác. Hầu hết người da trắng đều sống tại những khu vực ngoại ô, nơi có đất đai rộng rãi, khí hậu trong lành. Họ chỉ vào thành phố để làm việc và nhường Washington cho người da đen…

Có một nghịch lý nếu đem so sánh với Việt Nam. Người Mỹ trung lưu có khuynh hướng dãn ra ngoại ô và ở trung tâm thành phố chỉ còn người da màu khi màn đêm buông xuống. Điều này thấy rất rõ ở Washington và đây cũng được coi là cultural shock đối với quan niệm của người Việt: vùng ngoại ô chỉ dành cho những người nghèo khó.

Vào đầu thập niên 70, có quá ít người Việt sống tại Hoa Kỳ. Người Mỹ thường tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết tôi là người Việt Nam, họ chỉ biết người Nhật, người Tàu. Thậm chí có những người còn thắc mắc không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ. Có người lại hỏi tôi đến từ miền Bắc hay miền Nam trong khi tiền đóng thuế của họ có một phần không nhỏ đóng góp cho chiến tranh tại Việt Nam!

Lincoln Memorial

Tại các thành phố tôi đã đi qua trong 2 kỳ nghỉ phép năm 1971 và 1973 từ Texas đến California tôi mới có dịp khám phá nước Mỹ nhiều hơn. Trước khi mãn khóa học, DLI lo trước vé xe bus Greyhound để chúng tôi đi từ San Antonio, TX đến San Franciso, CA. Vé thuộc loại open ticket (ngày khởi hành để trống, giá khoảng hơn $200), nếu đi thẳng một mạch thì mất khoảng 1 ngày rưỡi nhưng tôi lên kế hoạch sẽ ghé lại các thành phố dọc lộ trình.

Trong suốt 15 ngày phép tôi đã đi xuyên qua 4 tiểu bang: từ Texas, qua New Mexico rồi Arizona và cuối cùng là California sau hai lần chuyển xe tại El Paso, TX và Los Angeles, CA. Tôi cũng cẩn thận tính toán theo phương châm ‘đêm lên xe bus ngủ và ngày ghé chơi các thành phố’ để tiết kiệm tiền thuê phòng khách sạn. Con nhà nghèo thì phải biết tính toán chi li!

Trong chặng thứ nhất, xe lần lượt đi qua các thị trấn trong tiểu bang Texas: Boerne, Kerrville, Junction, Sonora, Ozona, Bakersfield, Fort Stockton, Van Horn để đến El Paso chuyển xe. Texas được mô tả là tiểu bang hoang dã với các chàng cowboys cưỡi ngựa đi chăn bò trên các đồng cỏ. Đó là những cowboys của ngày xa xưa, thời Wild Wild West trong phim ảnh với các tài tử như John Wayne, Lee Van Cleef, Clint Eastwood…

Diễn cảnh cowboy tại Texas

Texas vào thập niên 70 mang một sắc thái khác hẳn. Các thành phố mà tôi đi qua có nhiều chứng tích của thời kỳ hiện đại với các tòa nhà chọc trời như tại Dallas nơi Tổng thống Kennedy bị án sát hoặc Houston nơi đặt bản doanh của NASA.

Tuy nhiên, nếu để ý về ngôn ngữ, người ta vẫn thấy người dân Texas mang một dấu ấn đặc biệt của ngôn ngữ miền Nam Hoa Kỳ với giọng… Texas. Có người bảo đó là giọng ‘quê mùa’ nếu so với miền Đông snobbish như ở Boston, New York hay miền Tây melting pot như ở Los Angeles, San Franciso. Về ngôn ngữ, Hoa Kỳ cũng chẳng khác gì các miền Bắc-Trung-Nam tại Việt Nam mang nhiều tiếng và giọng địa phương riêng biệt.     

El Paso, Texas 

Chặng thứ hai trên đường từ San Antonio đến San Franciso tôi đi xuyên tiểu bang New Mexico ghé Las Cruces, Deming, Lordsburg, Tucson, Phoenix trước khi vào Quartzside thuộc tiểu bang Arizona. Nói chung đây là những thành phố và thị trấn nhỏ với nhịp sống trầm buồn nếu so với các thành phố vùng bờ biển phía Tây thuộc tiểu bang California.

Arizona vốn tiếng với Grand Canyon nhưng tiếc một điều là thời gian có hạn nên tôi không thể đến để ngắm cảnh hùng vĩ của những hẻm núi trong sa mạc xương rồng. Arizona cũng nổi tiếng với mùa hè nóng nực và mùa đông ấm áp giữa những rừng thông vàng ở phía trung bắc của tiểu bang, tương phản với vùng sa mạc dưới đồng bằng Arizona.

Arizona

Thành phố đầu tiên khi đặt chân đến CaliforniaIndio, tiếp đến là San Bernadino và chuyển xe tại Los Angeles. Từ Arizona sang California là một sự thay đổi lớn, cả về khí hậu lẫn cảnh quan. California có khí hậu ôn hòa của vùng duyên hải Thái Bình Dương không khác với Việt Nam là mấy. Đó có lẽ cũng là lý do sau năm 1975 người Việt thích định cư tại Nam và Bắc Cali.

Tôi và 3 người bạn – Nguyễn Thành, Lê Thượng Chí và Nguyễn Tường Vân – đến Los Angeles và ở tại một khách sạn của YMCA. Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Young Men’s Christian Association – YMCA) là một tổ chức xã hội phục vụ thanh niên với các chương trình hoạt động tại hơn 120 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, thời Đệ nhất Cộng hòa, YMCA được lập vào tháng 7/1959 dưới tên Hội Cơ Đốc Thanh niên Việt Nam với mục sư Phạm Văn Thâu làm hội trưởng. Hoạt động của hội tại Sài Gòn bao gồm các lớp dạy Anh văn miễn phí, lớp dạy tiếng Việt cho Hoa kiều để nhập quốc tịch Việt Nam, một số phòng đọc sách và thư viện.

YMCA ở LA giới thiệu đến một gia đình người Mỹ sẵn sàng tiếp đón chúng tôi theo kiểu home stay trong thời gian ngắn ngủi còn lại trên đất Hoa Kỳ. Ngoài 4 thanh niên từ Việt Nam, gia đình Krumal còn nhận một cô nữ sinh tên Nikki đến từ Nhật Bản. Cả 5 người châu Á chúng tôi đã có vài ngày vui vẻ sống chung với một gia đình người Mỹ và những người láng giềng thân thiện của họ.
  
Bốn chàng trai Việt và một cô gái Nhật
‘home stay’ với gia đình Krumal và láng giềng

Chương trình khám phá Los Angeles được ông bà Krumal và 2 người con lên lịch cẩn thận. Họ đưa chúng tôi đi thăm phim trường Universal Studios, Farmer’s Market… Khi nghe dự báo thời tiết có tuyết trên núi, họ không ngần ngại lái xe đến Devils Canyon có đường dẫn đến một ngọn núi cao 1800m để được thấy tuyết!

Lần đầu tiên trong đời một thanh niên xứ nhiệt đới được cầm trên tay những mảng tuyết vê tròn, lạnh ngắt. Chúng tôi ném nhau bằng những cục tuyết mà thân thể thì lạnh run cầm cập vì mặc không đủ ấm. Ngay chính cư dân tại Cali cũng ít khi thấy tuyết vì tiểu bang này thuộc khí hậu ôn đới.

Lần đầu thấy tuyết

Chúng tôi còn thực hiện một cuộc “vượt biên giới” đến thành phố Tijuana thuộc Mexico. Người Mỹ ở vùng Nam Cali thường sang Tijuana mua sắm vì giá sinh hoạt tại đây quá rẻ so với nội địa Hoa Kỳ. Tijuana nằm sát biên giới với Cali cũng tương tự như Laredo ở gần biên giới với Texas.

Tuy nhiên, Tijuana là thành phố lớn thứ 6 ở Mexico nên có quy mô rộng lớn và hiện đại hơn thị trấn Laredo, nơi mà chúng tôi khi còn ở San Antonio thỉnh thoảng vẫn ‘vượt biên’ sang du hí. Tijuana cũng là địa điểm ‘ăn chơi’ của người Mỹ nhưng đối với chúng tôi, chuyến đi một ngày này chỉ thuần túy là cưỡi ngựa xem hoa vì có các bà, các cô tháp tùng.

"Vượt biên" sang thành phố Tijuana, Mexico

Chia tay với gia đình Krumal hiếu khách, chúng tôi rời Los Angeles để đến San Franciso, đoạn cuối cùng của cuộc hành trình từ Texas đến California. Xe bus đi từ Los Angeles, qua các thị trấn San Fernando rồi Coalinga Junction, Gilroy, San Jose và cuối cùng là San Francisco.

San Jose, còn được gọi là Thị trấn Hoa vàng, ngày nay nổi tiếng với Silicon Valley, nơi tập trung các công ty dot.com trong thời hoàng kim của ngành công nghệ thông tin. San Jose ngày nay cũng tập trung số đông người Việt, chỉ sau Little Saigon ở Los Angeles.

San Francisco là một thành phố có những con dốc thoai thoải như Đà Lạt sương mù, có xe điện (cable car) chạy leng keng như Hà Nội ngày xưa và có Phố Tàu (China Town) nhộn nhịp như trong Chợ Lớn…

Cable Car tại San Francisco

Đối với tôi, San Francisco lại mang một kỷ niệm riêng tư nhưng thật khó quên. Suốt cuộc hành trình từ Texas về Cali tôi cẩn thận cất mấy trăm đô để dành sau 3 tháng ở Lackland. Trong túi chỉ để tiền đủ dùng trong suốt thời gian di chuyển còn tiền để dành tôi cất trong vớ mang dưới chân.

Vì thiều tiền tiêu nên khi đến San Francisco nên tôi phải lấy tiền để dành rồi cất trong túi quần jeans… Số tiền trong túi quần sau lưng đã rơi vào một lúc nào đó chỉ còn lại tiền lẻ trong túi trước… Thế là tôi lên máy bay về nước mà người nhẹ tênh!

Bài hát I left my heart in San Francisco đối với tôi lúc đó trở thành I left my… ‘green’ in San Francisco. Biết làm sao được khi tiền đô la xanh của Mỹ không chịu theo tôi về Việt Nam. Thôi, đành... trả lại Caesar những gì của Caesar!

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*** 

3 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on Nov 18, '10
Anh còn giữ hình ảnh đầy đủ hay quá nhỉ?

penseedl wrote on Nov 19, '10
Khi miền Nam rơi vào tay CS mà anh vẫn dám cất giữ những hình ảnh này ư ? Bạn tôi sang Mỹ học lái F5 có tấm ảnh nào chụp kỷ niệm bên đó đều đốt hết, giờ muốn xem lại thì chẳng còn gì cả! Anh đúng là "gan cùng mình"!.

nguyenngocchinh wrote on Nov 19, '10
Đa số những hình tôi chụp hồi xưa đều ở dạng slides, nhỏ hơn ảnh rất nhiều nên ít ai để ý. Hồi đó mỗi khi muốn coi phải cần đến slide projector, nay chỉ cần scan qua digital nên mới giữ được gần như toàn bộ hình ảnh xưa.

4 nhận xét:

  1. Chào bác Chính, cháu tình cờ vào được blog này của bác khi đang tìm hình ảnh về thánh đường quốc gia washington,bác là người hà nội ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sinh ra tại Vĩnh Yên, gần Hà Nội nhưng vào Nam từ năm 1953.

      Xóa
    2. dạ, thưa bác, vì tuổi cháu còn quá nhỏ(sn 1991) nên không thể biết nhiều về thời cuộc lúc bấy giờ, từ lớp 9 cháu đã bắt đầu tìm hiểu về VNCH. Lúc đầu là vì tò mò, và bây giờ là đam mê vì đã biết được nhiều sự thật. Thật khâm phục các chú, bác thế hệ xưa đã phục vụ quân lực VNCH

      Xóa

Popular posts