Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hoa Kỳ phiêu lưu ký: Những thành phố phía đông

Năm 1993, từ Las Vegas miền Tây Hoa Kỳ, chúng tôi bay xuyên nước Mỹ về hướng Đông để đến Chicago thuộc tiểu bang Illinois, bang thứ 21 gia nhập liên bang Hoa Kỳ trong thời lập quốc. Về mặt dân số, đây là tiểu bang đông dân nhất trong vùng Trung Tây và là tiểu bang đông dân xếp hàng thứ 5 của nước Mỹ.

Chicago

Tại thủ phủ Springfield (với dân số chỉ khoảng 117.00 người so với 2,8 triệu của thành phố Chicago lớn nhất tiểu bang), Illinois State Capitol còn cao hơn United States Capitol tại Washington D.C. Đây là nét đặc thù của nước Mỹ, mỗi tiểu bang có một thủ đô hành chính nhưng không nhất thiết phải to lớn nhất trong số các thành phố trong tiểu bang. Trên thực tế, Springfield chỉ là thành phố đứng hàng thứ 6 về dân số của bang Illinois.

Điều này trái ngược hẳn với quan niệm của người Việt: đã là thủ đô thì phải lớn hơn những thành phố khác! Thiết nghĩ khái niệm về tầm vóc của một thủ đô không nhất thiết phải lớn về diện tích như ta đã làm trong thời gian vừa qua trong việc nhập Hà Đông vào Hà Nội.

Điều cần chú trọng hơn là văn hóa của người dân thủ đô Hà Nội sao cho không hổ danh với mảnh đất “kinh kỳ ngàn năm văn hiến” được thể hiện qua câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nền văn hóa ‘chửi thề’ (từ cửa miệng người lớn xuống đến trẻ em), phong các phục vụ “bún quát, phở đuổi, cháo chửi” thường thấy ở Hà Nội… là những điều cần quan tâm hơn việc mở rộng đất đai để những hiện tượng ‘kém văn hóa’ đó có đất sống.

Nhà chọc trời tại Chicago

Xin trở lại với Hoa Kỳ phiêu lưu ký. Tính ra có đến 3 Tổng thống Mỹ xuất thân từ bang Illinoi -  Abraham Lincoln, Ulysses S. Grant và Barack Obama và 1 tổng thống ra đời tại Tampico, Illinois: Ronald Reagan. Tổng thống Abraham Lincoln vẫn coi Springfield như thành phố quê nhà. Vẻ nổi bật của Springfield, New Salem và nhiều vùng khác ở bang Illinois gắn liền với Lincoln qua khẩu hiệu chính của bang như là ‘Vùng đất của Lincoln’.

Dân số tiểu bang Illinois xấp xỉ 13 triệu người, trong đó có khoảng 1,7 triệu người từ nước ngoài nhập cư với tỷ lệ 48,4% từ châu Mỹ La Tinh, 24,6% từ châu Á, 22,8% từ châu Âu (trong số đó người gốc Đức chiếm 21% số dân châu Âu nhập cư Hoa Kỳ), 2,9% từ châu Phi, 1,2% từ Bắc Mỹ và 0,2% từ châu Đại dương.

Lớn nhất bang IllinoisChicago (xếp hạng thành phố lớn thứ 3 tại Mỹ) được thành lập từ năm 1833, năm giữa vùng Great Lake sông Mississippi. Đây là một trong những trung tâm giao thông – liên lạc - công nhiệp lớn nhất Bắc Mỹ với phi trường O’Hare được coi là phi trường quốc tế lớn thứ nhì thế giới.

Về mặt ngôn ngữ, người Chicago nói riêng và dân miền Đông nói chung vẫn thường tự hào với giọng miền Đông snobbish. Chicago còn được gọi là Windy City vì vai trò chính trị hoặc Chi-town hay City of Big Shoulders vì có nhiều nhà chọc trời. Bốn tòa nhà nổi tiếng nhất Chicago là Sears Tower, Trump International Hotel and Tower, Aon Center (trước đây mang tên Standard Oil Building) và John Hancock Center.

Miền Đông nổi tiếng về cờ bạc và ăn chơi có Atlantic City thuộc tiểu bang New Jersey. Atlantic được chính thức chấp nhận gambling vào năm 1976 và trở thành thủ đô cờ bạc của vùng bờ biển phía Đông (Gambling Capital of the East Coast). Một số hotel-casino bắt đầu được xây dựng: Resorts Atlantic City năm 1978, Bally’s Atlantic City (1979), Atlantic City Hilton (1980), Tropicana (1981), Trump Plaza (1984) Trump Marina (1985), Trunp Taj Mahal (1990)…

Hotel-casino Trump Taj Mahal, Atlantic City, NJ

Tôi đến Las Vegas thuộc vùng bờ biển phía Tây Hoa Kỳ trước khi có dịp thăm Atlantic City nên thấy ngay sự khác biệt giữ hai thành phố cờ bạc này. Trong khi Las Vegas sinh động với danh hiệu Thủ đô Cờ bạc của cả nước Mỹ thì Atlantic City chỉ là một thành phố cờ bạc ‘cò con’ vốn dĩ mang nhiều nét bảo thủ của người miền Đông. 

Trạm dừng kế tiếp là New York, thành phố với nhiều cái nhất: thành phố lớn nhất nước Mỹ, thành phố đông dân nhất thế giới, thành phố có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới về thương mại, tài chính, văn hóa, thời trang và giải trí. Đây cũng là nợi đặt trụ sở Liên hiệp quốc để điều hành các vấn đề chính trị của thế giới.

Bên tòa nhà Liên Hiệp Quốc

Tiểu bang New York còn được gọi là bang Empire State từ năm 1880 do sự thịnh vượng và đa dạng về tài nguyên, và có thể cũng bắt nguồn từ một khuyến cáo của George Washington, tiên đoán rằng New York sẽ trở thành một vương quốc mới. Người ta thường dùng cụm từ New York City để phân biệt với tiểu bang New York. Thành phố New York gồm 5 khu (borough): The Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queens, và Staten Island, dân số khoảng gần 9 triệu người sinh sống trên một diện tích 790km2.

New York vốn là một trạm nậu dịch (commercial trading post) của người Hà Lan mang tên New Amsterdam từ năm 1624 và đến năm 1664 trạm này thuộc quyền kiểm soát của người Anh. New York cũng đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 1785 đến 1790.

Nói đến New York người ta nghĩ ngay đến tượng Nữ thần Tự do, cao 93m tính từ bệ tượng lên đến đỉnh của ngọn đuốc. Đây là qùa tặng của Pháp cho nước Mỹ năm 1886 đặt trên Liberty Island tại Cảng New York để chào mừng du khách, di dân và những người trở về Hoa Kỳ bằng tàu biển sau khi vượt qua Đại tây dương.

Bên tượng Nữ thần Tự Do

Ở Broadway khi đó đang trình chiếu vở nhạc kịch Miss Saigon nhưng vì giá vé quá đắt nên không thể vào xem để biết thế nào là nhạc kịch tại trung tâm nổi tiếng thế giới Broadway. Điều đáng tiếc hơn nữa là đã bỏ lỡ dịp may được xem Miss Saigon ngay trong lòng nước Mỹ!

Tôi cũng có dịp thăm tòa nhà Empire State Building cao 102 tầng nằm tại góc Đại lộ thứ 5 và đường 34. Tòa nhà Empire State được xây dựng từ năm 1931 và trong suốt 40 năm giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất thế giới cho đến năm 1972 phải nhường ngôi vị hạng nhất  cho tòa nhà World Trade Center. Đến năm 2001 ngọn tháp đôi bị khủng bố đánh sập nên Empire State Building lại được phục hồi danh hiệu tòa nhà cao nhất New York và cao thứ nhì nước Mỹ sau Willis Tower ở Chicago.

Lối vào Empire State Building

Về phương diện tài chính, New York có Wall Street là nơi có Thị trường Chứng khoán New York (New Yorl Stock Market - NYSE), được coi là trung tâm tài chính của cả thế giới. New York còn có Thị trường OTC mang tên NASDAQ nơi giao dịch các cổ phiếu thuộc thị trường thứ cấp.

Đến New York năm 1993 khi Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center - WTC) chưa bị khủng bố đánh sập, tôi đã có một bức ảnh kỷ niệm chụp từ Statue of Liberty với phía sau là tòa tháp đôi WTC. Không ai có thể tưởng tượng được ‘niềm kiêu hãnh của nước Mỹ’ đã biến mất trên nền trời New York sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Một bức hình đáng ghi nhớ, chụp từ tượng Nữ thần Tự do,
phía sau lưng là tòa tháp đôi World Trade Center, sụp đổ ngày 11/9/2001

Cũng như BostonBostonian accent, cư dân New York có một giọng nói khác biệt mà người ta gọi là Giọng New York, chính xác hơn là Giọng Brooklyn, mang nhiều sắc thái của giọng miền Đông nói chung. Nhịp sống tại New York tất bật nhất nước Mỹ, chạy vòng quanh chiếc đồng hồ, bất kể ngày cũng như đêm. Buổi tối nằm ngủ trong khách sạn thường bị thức giấc bởi còi hụ của xe cứu thương, xe cứu hỏa hay xe cảnh sát. Đối với tôi, New York chỉ thích hợp cho một chuyến du lịch ngắn ngày, nếu được lựa chọn, thành phố này sẽ không có tên trong những địa danh để sinh sống! 

Rời New York, chúng tôi đến Philadelphia, một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ nằm trong tiểu bang Pennsylvania vốn là một trong các bang ở Middle Atlantic, và là một trong 13 bang đầu tiên của Mỹ, gia nhập vào Liên bang. Pennsylvania còn được biết đến qua tên Bang Giáo phái Tín đồ Quaker và cũng được xem là bang then chốt (Keystone State) với thủ phủ chính là Harrisburg và thành phố lớn nhất là Philadelphia.

Thành phố Philadelphia, được gọi qua cái tên thân mật Philly, có chiếc chuông tự do (Liberty Bell) được trưng bày tại Independence House. Chuông đúc bằng đồng, nặng 2.000 pounds được treo trên một cái giá nặng khoảng 1.000 pounds. Thật thâm thúy khi giá chuông mô phỏng theo nột cái ách để treo chiếc chuông tự do.

Chuông được đúc bên Anh và chuyển sang Mỹ năm 1723. Ngày nay chuông đã bị một vết nứt dài nên người có những người bi quan nói chuông tự do nay đã… bị rè! Chi tiết này khiến tôi liêng tưởng đến tờ báo của Nguyễn An Ninh viết bằng tiếng Pháp La Cloche Fêlée tại Sài Gòn vào thập niên 20.       

Liberty Bell, Philadelphia

Thủ đô Washington D.C. là thành phố cuối cùng tại miền đông mà chúng tôi đến thăm. Đây là lần thứ 3 tôi đến Washington, hai lần trước với tính cách một du học sinh và lần này là một du khách. Vào thập niên 1970 Washington còn ngổn ngang những công trình xây dựng hệ thống metro như ở Việt Nam bây giờ đang băm nát mặt đường vì những công trình thoát nước, cáp ngầm...

Điều khác biệt lớn nhất là ở Mỹ họ chủ yếu xây dựng các công trình công cộng vào ban đêm nên mọi sinh hoạt ban ngày của mọi người gần như không ảnh hưởng. Hơn 20 năm sau khi quay trở lại Washington tôi thấy một sự thay đổi đặc biệt. Quang cảnh thay đổi là một điều tất nhiên tại một nước phát triển nhưng thay đổi về tinh thần mới là điều quan trọng.

White House, Washington DC

Người Mỹ vào thập niên 70 có những ưu tư về chiến tranh tại Việt Nam. Hoa Kỳ gần như bị giằng xé bởi hai luồng tư tưởng đối nghịch của phe “diều hâu” và “bồ câu”, các chính khách cũng bị phân hóa theo lòng dân, những cuộc biểu tình phản chiến xảy ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ. Dạo đó, khi gặp những người phản chiến hippy chúng tôi không dám nhận mình là người Việt Nam để tránh những rắc rối của những người phản chiến xuống đường!

Một cuộc biểu tình tại bực thềm Điện Capitol, Washington DC

Hơn 20 năm sau trở lại Hoa Kỳ tôi thấy tinh thần của người Mỹ đã đổi khác. Những lo toan về chiến sự tại một nơi cách nửa vòng trái đất không còn thấy in hằn trong nếp suy nghĩ và lối sống hàng ngày của người Mỹ. Thay vào đó là những lo toan đời thường về việc làm, về nhà cửa, về cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền.

Thiết nghĩ, mối lo toan đó ở nước nào cũng có và thời đại nào cũng xảy ra.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

3 Comments on Multiply

bayhoang79 wrote on Dec 20, '10
Lần sau nếu bạn có dịp qua đây, chúng tôi xin tình nguyện làm Tour Guide để đưa bạn đi thăm tất cả những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Vùng Thủ Đô Washington DC!

nguyenngocchinh wrote on Dec 20, '10
bayhoang79 said “Lần sau nếu bạn có dịp qua đây, chúng tôi xin tình nguyện làm Tour Guide để đua bạn đi thăm tất cả những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Vùng Thủ Đô Washington DC!
Xin cám ơn anh BH. Giờ này thì 'mộng hải hồ' của tôi không còn nữa vì tuổi già, sức yếu nên chỉ dành thời gian để viết hồi ức cho bạn bè và con cháu đọc giải khuây. Tôi bây giờ chẳng khác gì con hổ của Thế Lữ... Ôi thời oanh liệt nay còn đâu! Dù sao cũng xin cám ơn tấm thịnh tình của anh.

chackadao wrote on Dec 20, '10
Nguoi dan binh thuong cua bat cu nuoc nao cung lo com, ao, gao, tien. Chi co mot thanh phan thieu cua nguoi My, lam nen nuoc My va de quoc My giau co la nho mot so rat it nguoi. Khi di du lich nen tim cach gap go, noi chuyen voi nhung nguoi do, nhung cuoc noi chuyen lam thay doi quan niem song, otherwise you can see it all on the National Geographic TV.
Mon qua ma the he truoc de lai cho the he sau, khong phai la tien bac, vat chat, ma la tu tuong va bai hoc lich su, kinh nghiem song.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts