Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hoa Kỳ phiêu lưu ký: Những thành phố phía tây

Năm 1993, từ Washington DC thuộc bờ biển phía đông lạnh giá, tôi đáp chuyến bay xuyên nước Mỹ để quay lại tiểu bang California nắng ấm. Về mặt địa lý, vùng bờ biển Hoa Kỳ được bao bọc bởi hai đại dương: Đại tây dương là cửa ngõ đón chào người di dân từ châu Âu với tượng Nữ thần Tự do đặt tại thành phố New York và sau này có người nói: Thái bình dương cũng đón chào những người di dân từ châu Á bằng chiếc cầu Golden Gate tại San Francisco.

Cầu treo Golden Gate mà thời VNCH thường gọi là Kim Môn (cổng vàng) là biểu tượng của Cựu Kim Sơn, một cái tên Hán-Việt mà ngày xưa người Sài Gòn thường dùng mỗi khi nói đến San Francisco. Golden Gate được khánh thành năm 1937 với chi phí 35 triệu đô la để trở thành cửa ngõ chào mừng các chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương trước khi thả neo trong vịnh San Francisco.

Golden Gate Bridge, San Francisco

Tên là Cổng Vàng nhưng đúng ra thì cầu lại được sơn màu đỏ cam (orange vermilion) để nổi bật giữa vùng biển xanh và vùng cỏ khô vàng nhạt ở hai đầu cầu. Tàu bè qua lại trên vịnh dễ nhìn thấy chiếc cầu với hai tháp treo từ xa nhưng chuyện sơn cầu là cả một vấn đề vì chỉ riêng khoảng cách giữa trụ tháp đã dài 1.280m.

Lớp sơn nguyên thủy sau 100 năm bị rỉ sét vì hơi muối từ nước biển đến năm 1965 đã được cạo bỏ và sơn lại bằng sơn lót zinc silicate và phủ bên ngoài bằng sơn acrylic emulsion. Vừa cạo vừa sơn lại phải mất 30 năm và hoàn tất năm 1995. Hiện nay, hàng ngày một toán thợ sơn gần 40 người chỉ lo sơn cầu. Họ làm việc quanh năm 365 ngày vì vừa sơn xong đến đầu cầu bên này thì đầu cầu bên kia, lớp sơn đã bắt đầu nhạt màu!

San Francisco có rất nhiều điểm du lịch. Theo tôi, nổi tiếng nhất là Fisherman's Wharf (Bến Ngư phủ) nằm bên bờ vịnh và Chinatown (Phố Tàu) được thành lập sau thời kỳ 1849 khi người dân đổ xô đến đây tìm vàng và ngành đường sắt bắt đầu hoạt động. Cho đến nay, San Francisco vẫn còn giữ những chiếc cable car lên xuống các con dốc để phục vụ khách du lịch như tàu điện ‘leng keng’ ở Hà Nội thời Pháp thuộc. 
   
Cable car tại San Francisco

Trong danh sách 10 thành phố tốt nhất để định cư tại Hoa Kỳ có đến 2 thành phố thuộc tiểu bang California. Thành phố San Luis Obispo với 285 ngày nắng ấm một năm và có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nước Mỹ. Kế đến là Santa Barbara, thành phố của những người giàu có, những người trung lưu về hưu với giá nhà trên dưới 1 triệu đô la.

Nói đến miền duyên hải phía Tây người ta nghĩ ngay đến California, tiểu bang đông dân nhất trong số 50 bang tại Hoa Kỳ. California có thủ phủ là Sacramento, một địa danh tương đối nhỏ bé nếu so với hơn 450 thành phố trong tiểu bang. Về tầm vóc và dân số, Sacramento có lẽ chỉ là ‘chú em út’ nếu so với Los Angeles nhưng Sacramento vẫn là thủ đô của tiểu bang California, quê hương của phong trào hippy vào cuối thập niên 60!

Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California

Thành phố đầu tiên tôi đặt chân đến trong chuyến phiêu lưu và miền Tây là Los Angeles, thành phố lớn nhất tiểu bang California và đứng thứ nhì sau New York City về mặt dân số. Đây là lần thứ 3 tôi đến Thành phố của các thiên thần theo nghĩa tiếng Tây Ban Nha của Los Angeles. Phong cảnh vẫn như xưa. Los Angeles vẫn mang sắc thái riêng biệt của của vùng bờ biển Thái Bình Dương, khác hẳn với ‘quả táo’ New York City bên bờ Đại Tây Dương.

Tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Đại lộ Danh vọng (Walk of Fame) ngày càng nhiều ngôi sao năm cánh màu hồng xuất hiện trên vỉa hè. Mỗi ngôi sao khắc tên khắc tên một nghệ sĩ được vinh danh trong các lãnh vực nghệ thuật qua các biểu tượng máy quay phim tượng trưng cho ngành điện ảnh, chiếc TV cho ngành truyền hình, micro cho ngành truyền thanh, máy hát cho ngành ghi âm, mặt nạ cho kịch nghệ… Để được có tên trên vỉa hè Hollywood, các nghệ sĩ phải là những người có thời gian hoạt động trong ngành giải trí ít nhất là 5 năm với nhiều cống hiến cho xã hội và nhận được nhiều giải thưởng trong sự nghiệp.

Lý Tiểu Long trên Đại lộ Danh vọng, Hollywood

Disneyland vẫn thu hút hàng triệu khách du lịch ‘tuổi từ 9 tới 99’ theo quảng cáo của công viên giải trí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lần này đến Los Angeles tôi không đến Disneyland và thay vào đó là Little Saigon. Nếu so với những lần tôi đến Los Angeles vào các năm 1971 và 1973, Los Angeles của năm 1993 có một sự thay đổi lớn: trên đường phố gặp nhiều người châu Á hơn hơn xưa vì California ngày nay là tiểu bang quy tụ nhiều người Việt nhất nước Mỹ.

Sau đợt di cư đầu tiên của người Việt tại Mỹ vào năm 1975, chính phủ Hoa Kỳ đã thành lập 3 khu tỵ nạn lâm thời tại Pendleton (California), Fort Chaffee (Arkansas) và Eglin (Florida). Người Việt có khuynh hướng đổ dồn về California để tìm lại chút nắng ấm của quê nhà và từ đó hình thành một địa danh mang âm hưởng hoài niệm thành phố Sài Gòn ngày xưa. Đó là Sài Gòn Nhỏ hay Little Saigon.

Nước Mỹ không chỉ có một Little Saigon ở Westminster. Ngày nay, Little Saigon đã biến thành ‘thương hiệu’ tượng trưng cho những khu thương mại của người Việt tại khắp Hoa Kỳ và lan rộng ra khắp thế giới. Tại một nước Bắc Âu xa xôi như Thụy Điển cũng có một tiệm ăn mang tên Lilla Saigon bằng tiếng địa phương tại thành phố Gävle.

Little Saigon ở Gävle, Thụy Điển

Ở thành phố Newcastle bên Anh, người ta cũng thấy xuất hiện một tiệm ăn Việt Nam mang tên Little Saigon với cành trúc la đà trên bảng hiệu nhưng lại kèm thêm biểu tượng ngôi đền Taj Mahal bằng đá cẩm thạch của Ấn Độ. Có lẽ đây là một sự kết hợp hai nền văn hóa ẩm thực Việt Nam - Ấn Độ? Biết đâu chừng đây là kết quả của một cuộc hôn nhân Việt-Ấn?

Little Saigon, Newcastle, Anh quốc

Tiền thân của Sài Gòn Nhỏ (thứ thiệt) nằm trong thành phố Westminster thuộc Quận Cam (Orange County). Nơi đây ngày trước vốn là nơi sinh sống của cộng đồng người bản xứ nhưng bắt đầu từ 1978 những người Việt tiên phong, trong đó có Danh Quách và Triệu Phát (người Việt gốc Hoa) đến xây dựng những cơ sở thương mại trên đường Bolsa, đại lộ chính của khu dân cư mang tên Tiểu Sài Gòn (Little Saigon).

Cộng đồng người Việt từ đó đã hình thành và lan rộng đến các vùng lân cận như Garden Grove, Stanton, Fountain Valley, Anaheim và Santa Ana. Theo lời kể của K., một người bạn cũ từ thời trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn, Triệu Phát là chủ khu Asian Garden Mall được khai trương từ năm 1987. Đây là khu thương mại có giá thuê cao nhất Little Saigon.

Asian Garden Mall, Little Saigon

Ông Phát còn xây dựng một khu mua sắm đối diện với Asian Garden Mall, thu hút rất nhiều người buôn bán gốc Việt. Ngày nay, nơi đây đã biến thành khu nhà ở, chỉ còn sót lại các bức tượng danh nhân gần nhà hàng Thanh Mai. Dân Bolsa đồn rằng những bức tượng này đều đã bị “ếm bùa” theo kiểu các thầy địa lý người Tàu (!).

Anh K. cũng là một trong những ‘thổ công’ khu Little Saigon. K. là một trong những người Việt đến Mỹ đợt đầu tiên và được đưa về trại tỵ nạn Pendleton cùng lúc với tướng ‘râu kẽm’ Nguyễn Cao Kỳ. Anh cũng là một trong những người tiên phong đến định cư tại Little Saigon sau khi rời trại Pendleton.

Tướng Kỳ và chiếc giường xếp nhà binh
trong những ngày đầu tại trại tỵ nạn Pendleton, California

Năm 1988, trên freeway San Diego 405 bắt đầu xuất hiện những bảng chỉ dẫn exit để vào đại lộ Westminster và Bolsa thuộc khu Little Saigon khi thị trấn phát triển với việc kinh doanh chủ yếu của người Việt và một số nhỏ người Hoa. Đây cũng là thời điểm hình thành các băng nhóm ‘xã hội đen’ nhắm vào các thương gia tại Little Saigon. Tuy vậy, anh K. cho biết, nơi đây vẫn được xếp vào nhóm các khu vực an toàn trên đất Hoa Kỳ.

Theo K., thương gia Triệu Phát còn có kế hoạch biến Little Saigon thành một địa điểm du lịch ‘ăn theo’ khách đến Disneyland ở Los Angeles. Dự án nghe nói lên đến 3 triệu đô la để biến Little Saigon thành một khu dành cho người đi bộ với cầu bộ hành nối liền các khu mua sắm. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hội đồng địa phương gồm toàn người Việt bác bỏ vì kiến trúc quá thiên về kiểu Tàu (!).  

Người Việt gốc Hoa tại Little Saigon gồm đủ nguồn gốc, từ Quảng Đông, Tiều Châu cho đến Phúc Kiến. Năm 1984 có một siêu thị của người Tàu mang tên 99 Price Market, sau đổi thành 99 Ranch Market, nhưng sau cùng phải dẹp tiệm vì không cạnh tranh nổi với người Việt.

Những bức tượng Tàu ở 99 Ranch Market

Ngày nay, nổi bật trong số các siêu thị của người Tàu có Sun Fat Supermarket của ông Thuận Phát, một doanh nhân người Việt gốc Hoa khá nổi tiếng tại Orange County. Sun Fat (Thuận Phát) khá phát đạt với các cửa hàng của người Việt kinh doanh rất nhiều mặt hàng.

Cửa hàng mang tên "Vua Khô Bò"
trong khu Sun Fat (Thuận Phát) Supermarket

Bolsa là con đường chính của Little Saigon với hai trung tâm thương mại Asian Garden Mall và Little Saigon Plaza. Đại lộ Westminster cũng nhộn nhịp với các tiệm phở, tiệm nail, tiệm bánh mì thịt, tiệm cà phê theo kiểu Việt Nam bên cạnh các văn phòng luật sư, phòng khám bệnh, chữa răng, thẩm mỹ viện, đại lý du lịch (chủ yếu là về Việt Nam).

Người Việt có thói quen giữ tiền mặt trong nhà, người Mỹ gọi đó là keep money under the mattress. Tuy nhiên, khi sang đến Hoa Kỳ, sự tiện lợi và an toàn của các dịch vụ ngân hàng đã khiến họ thay đổi hẳn thói quen khi còn ở Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến Cathay Bank, East West Bank và Chinatrust Bank xuất hiện tại Little Saigon. Kèm theo những hoạt động ngân hàng là dịch vụ chuyển tiền về cho thân nhân tại Việt Nam được quảng cáo rầm rộ tại những khu thương mại ở Little Saigon.

Dịch vụ chuyển tiền về cho thân nhân tại Việt Nam

Tiểu Sài Gòn còn được coi là trung tâm văn hóa của cộng đồng. Nơi đây có Little Saigon Radio, Radio Bolsa và truyền hình phát bằng tiếng Việt như Little Saigon TV. Ngoài ra, Little Saigon còn có một hệ thống báo chí chủ yếu nàm trên đường Moran ở Westninster như các tờ Người Việt, Viet WeeklyViễn Đông… Các hoạt động văn nghệ cũng phát triển rầm rộ với trên 30 trung tâm băng nhạc, phòng ghi âm, phim trường.

Tòa soạn báo Người Việt

Năm 1990, siêu thị Phước Lộc Thọ ra mắt tại Little Saigon với slogan ‘Một siêu thị lý tưởng của người Việt hải ngoại’. Ghé qua đây năm 1993, tôi có dịp quan sát cặn kẽ hơn sinh hoạt của người Việt qua sự hướng dẫn của tour guide ‘bất đắc dĩ’: ca sĩ Phương Hồng Quế!

Phước Lộc Thọ

Xin nói thêm một chút về nhân vật bác sỹ Kỳ trong truyện ngắn Năm tháng khó quên trên Tạp chí Da Màu (http://damau.org/archives/6135) trích từ Chương 5: Thời Cải Tạo. Kỳ là chân dung ‘người thật, việc thật’ của bác sỹ trung úy quân y Phạm Kỳ Nam. Trước 1975, anh là bác sĩ phẫu thuật tại Tổng y viện Cộng Hòa. Nam được ra trại cải tạo sớm hơn tôi vài tháng, nghe đâu gia đình cũng phải chạy chọt nên mới được về, trên danh nghĩa là công tác tại Nông trường Phú Mỹ ở Hóc Môn.

Khi tôi ra trại, tìm lại Nam ở Sài Gòn, anh đã là chồng của ca sĩ Phương Hồng Quế, họ sống tại căn nhà mặt tiền khá lớn trên đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Đây là căn nhà của bố mẹ Phương Hồng Quế và cũng là nơi tụ tập các bạn bè cải tạo của Nam, đa số là sĩ quan “Ngụy” nay trở thành những tay buôn bán thuốc tây trên chợ trời góc đường Hai Bà Trưng-Trần Khắc Chân gần ngay đó. Riêng tôi trở thành ‘gia sư’ kèm Anh văn cho Phương Hồng Quế, Phương Dung (cô em gái bị bại liệt) cho đến Thu Hiền (cháu gái của Phương Hồng Quế).

Trước 1975, từ cô gái ‘vô danh tiểu tốt’, Nguyễn Thị Quế bỗng trở thành nổi tiếng qua lò đào tạo của nhạc sĩ thời danh Nguyễn Đức đã lancer một loạt các ca sĩ như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc và Phương Hồng Quế. Cô được giới ca nhạc Sài Gòn gắn cho biệt hiệu “Ti Vi Chi Bảo” vì lúc đó miền Nam bắt đầu dùng ti vi đen trắng. Trước đó, đào cải lương Bạch Tuyết cũng được xưng tụng là “Cải Lương Chi Bảo”.

Phương Hồng Quế thập niên 60

Phương Hồng Quế, một ca sĩ vừa có tài, vừa có sắc, chuyên hát loại nhạc bolero, rumba. Bố mẹ Quế xuất thân từ gia đình lao động, may mắn có cô con gái nổi tiếng trong giới ca nhạc, ‘hát ra tiền’, nên đã tậu được một căn nhà mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng. Sau này, trước khi sang Mỹ, Quế còn mở một nhà hàng lấy tên Phương Hồng trên đường Trần Hưng Đạo, gần nhà hàng Vân Cảnh.

Nam và Quế có 2 mặt con, một trai một gái, tất cả đều theo gia đình bên ngoại đi định cư tại Mỹ. Bác sĩ Nam vẫn ở lại Sài Gòn, có lẽ họ không có hôn thú ràng buộc hay cũng có thể Nam không muốn ra đi (?). Lần gặp gần đây nhất, năm 2009, Nam là một ông già tóc buộc đuôi gà, bạc trắng (hồi xưa đã có biệt danh Nam ‘đầu bạc’)… Tuy nhiên, cái tật nói chuyện oang oang, bất cần đời vẫn như xưa. Nam than mình có đủ thứ bệnh, từ tiểu đường, cholesterol, tim mạch và cả alzeimer… Gì chứ chứng alzeimer thì tôi cũng có!
 
Phương Hồng Quế và con tại Little Saigon, 1993

Năm 1993, từ Los Angeles tôi điện thoại liên lạc với Phương Hồng Quế. Cô học trò English for Today ngày nào vội vàng lái xe đón tôi về Little Saigon. Ở bên Mỹ, đi hát trở thành nghề ‘tay trái’, Quế phải có nghề ‘tay phải’ là mở công ty dịch vụ du lịch, coi bộ cũng khấm khá.

Cơ sở kinh doanh của PHQ

Công việc kinh doanh chắc cũng tiến triển tốt nên nhà Quế có đến 2 chiếc xe, trong đó có một chiếc Mercedes. Buổi chiều, Quế đưa tôi về lại khách sạn ở Los Angeles, không quên dúi cho tôi 300 đô để… “Ông thầy mua quà về cho các cháu”. Tôi rất xúc động. Không phải vì 3 tờ 100 đô mà chính vì tấm lòng của người học trò ngày xưa đã học hết bộ sách English for Today tại Việt Nam đến lúc này mới có dịp bày tỏ lòng tri ân đối với ‘ông thầy’ giữa Little Saigon!

Theo báo Người Việt (Chủ Nhật 20/1/2009), trong đêm hội ngộ của các KBC tại Nam California do Nguyệt San KBC Hải Ngoại tổ chức, Phương Hồng Quế đã được ‘lên lon’ Hạ Sĩ Nhất sau 30 năm. Người Việt viết: “Ca sĩ Phương Hồng Quế cho đến nay vẫn luôn có mặt sinh hoạt với anh em cựu chiến sĩ QLVNCH. Và trong dịp này, cô được Tướng Lê Minh Ðảo đích thân trao plaque “Hạ Sĩ Nhất Danh Dự” trong đêm hội ngộ”.

Bà mẹ và hai con của PHQ trong một khung cảnh VN giữa lòng Little Saigon

Tháng 1/2010 tôi nhận được mail của người bạn tên VHĐ viết từ Hoa Kỳ: “… Tối 31/12/2009, tình cờ moa gặp Phương Hồng Quế cùng đi chợ cuối năm trong Saigon Super Market. Moa hỏi có biết Nguyễn Ngọc Chính không thì cô ta trả lời: "Không biết bây giờ Thầy ở đâu. Ừ mà sao anh quen Thầy?". Sau khi tôi cho biết là cùng dạy chung ở TSNQD Saigon, Quế nói: "Mấy năm trước Thầy có qua đây". Tôi hỏi về gia đình thì Quế nói: "Ồ, con em nay đã 28 rồi mà vẫn chưa có gia đình…".

Ít ngày sau, VHĐ còn phone cho tôi và nói thêm: “Moa rất xúc động vì một ca sĩ nay đã luống tuổi mà khi nhắc tới ‘ông thầy’ vẫn với một giọng tôn kính như một cô học trò ngày nào!”.

Theo VHĐ, anh rất trọng những người dù là thành phần nào trong xã hội, nhất là xã hội Mỹ, vẫn luôn luôn kính trọng người thầy ngày xưa…

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
 Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

4 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on Dec 24, '10
Lại một entry hay mà... đọc mệt muốn chết! Anh Chính ác thiệt, hihihi.

nguyenngocchinh wrote on Dec 24, '10
nguoigiaonline said “Lại một entry hay mà... đọc mệt muốn chết! Anh Chính ác thiệt, hihihi.
Sorry, anh bạn già.

nguoigiaonline wrote on Dec 25, '10
nguyenngocchinh said “Sorry, anh bạn già.
Ghẹo anh thôi mà, đọc rất thích!

andropause wrote on Dec 25, '10
Thôi đừng có viết chương cuối cùng anh ơi!
Đọc một lèo hay quá xá.

1 nhận xét:

Popular posts