Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Một nước Mỹ giữa Thái bình dương

Thập niên 60, tôi có ông anh cả đi du học Hoa Kỳ. Trong số những quà đem về cho gia đình, anh mua cho tôi một áo jacket, trên ngực áo có dòng chữ Aloha Hawaii. Từ Mỹ về, anh tôi còn mang theo những vật kỷ niệm của Hawaii trong đó có móc chìa khóa với hình các cô gái Hawaii in trên miếng plastic sọc ngang mà khi cầm lên, lắc qua lắc lại, có cảm tưởng như các cô đang nhún nhảy theo điệu nhạc với lời chào mừng: Aloha Hawaii!

Aloha State

Trong ngôn ngữ của người Hawaii, Aloha mang nhiều nghĩa. Đó là sự chào hỏi, là tình yêu, là hoà bình và hữu nghị, cảm ơn và tạm biệt. Có một học giả về văn hóa Hawaii phân tích Aloha theo kiểu ‘chiết tự’: A (ala: thận trọng); L (lokahi: đoàn kết); O (oia'i'o: trung thực); H (ha'aha'a: khiên tốn): A (ahonui: kiên nhẫn). Với những đức tính đó, Hawaii có biệt danh Aloha State khi trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ.

Xin trở lại chuyện ông anh tôi mua quà từ Hawaii lúc tôi còn mài đũng quần ở trung học. Những món quà từ Hạ Uy Di (tên thường gọi của Hawaii ngày xưa) là một niềm tự hào của một cậu học sinh đệ nhị cấp đối với các bạn cùng lớp. Trí tưởng tượng đưa tôi đến những bãi biển thần tiên gữa vùng Thái Bình Dương với tiếng nhạc du dương từ chiếc hạ uy cầm (Hawaiian guitar) ngọt ngào, lả lướt.

Hồi xưa đi học tôi là ‘một cây’ văn nghệ của trường. Trong ban văn nghệ có cả đàn guitar Hawaiian nên tôi mê hạ uy cầm từ dạo ấy. Nếu Việt Nam có tiếng đàn bầu đi vào lòng người như nức nở thì Hawaii có tiếng hạ uy cầm réo rắt, chơi vơi. Tuy nhiên, độc huyền cầm của ta chỉ hợp với những bản nhạc buồn còn hạ uy cầm có thể chơi theo bất cứ tâm trạng nào. Buồn thì ngân nga như chuông chùa mà vui thì ríu rít như chim hót.  

Bưu ảnh xưa 

Thật không ngờ, hơn 30 năm sau tôi lại đặt chân đến vùng đảo mộng mơ của cậu học trò ngày nào. Người ta thường ca tụng Hawaii là Thiên đường Hạ giới mà tiền thân là những ngọn núi lửa nằm giữa phía nam Thái Bình Dương. Cũng nhờ núi lửa, sau nhiều năm biến đổi địa chất, Hawaii có một diện mạo thiên nhiên kỳ thú trên 6 hòn đảo chính: Kauai, Oahu, Monokai, Lanai, Maui và Big Island.

Hawaii còn có tên là quần đảo Sandwich. Xin đừng hiểu lầm, Hawaii không giống chiếc bánh sandwich. Thuyền trưởng James Cook đặt tên Sandwich để thể hiện lòng tri ân đối với người tài trợ chuyến thám hiểm, John Montagu, bá tước đời thứ tư Sandwich (the 4th Earl of Sandwich). James Cook khám phá quần đảo Hawaii vào năm 1778 và kể từ ngày 21/8/1959 Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ dù nằm chơ vơ giữa biển, cách nội địa Mỹ gần 4.000km.

Bãi biển Diamond Head, Honolulu

Người Mỹ khi đặt chân lên Honolulu (thành phố lớn nhất và cũng là thủ phủ của tiểu bang Hawaii) sẽ có cảm giác đang đi du lịch nước ngoài dù trên danh nghĩa vẫn thuộc nước Mỹ. Có lẽ vì khoảng cách quá xa với đất liền, tiền vé máy bay cho một chuyến đi đến Hawaii (dù là chuyến bay nội địa) có khi còn cao hơn vé đến một số nước.

Honolulu nằm trên hòn đảo Oahu với cửa ngõ chính Honolulu International Airport, nơi đón chào du khách đến thiên đường giữa Thái Bình Dương. Sinh hoạt tại đây chỉ mang một chút ảnh hưởng của nước Mỹ, thay vào đó là dấu ấn của màu sắc thổ dân và những người châu Á nhập cư. Đường phố tương đối nhỏ hẹp nếu so với các thành phố trong đất liền của Mỹ. Người Mỹ có thừa tiền bạc để biến Honolulu thành hiện đại nhưng họ không muốn tước đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của hòn đảo du lịch này.  

Đường phố Honolulu

Điểm nổi bật của Hawaii là những bãi biển đẹp như Waikiki, Diamond Head. Waikiki nằm ở phía Nam Honolulu với những hàng dừa xanh ngát, cát trắng mịn mà dưới bước chân và một màu xanh đậm của núi non trên nền xanh nhạt của biển cả. Chỉ có vậy nhưng mỗi năm khoảng 3 triệu du khách vẫn tìm đến để tắm biển, tắm nắng hoặc lướt ván (surfing), đi ca-nô… để quên đi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.

Bãi biển Waikiki

Cách Waikiki độ 2 hoặc 3 dãy phố là những khách sạn chiếm hầu hết Kalakaua, một trong những đại lộ chính của Honolulu. Hầu hết các khách sạn đều có hồ bơi được thiết kế đặc biệt để khách có cảm giác như đang vùng vẫy ngoài bãi biển chứ không như bơi trong hồ. Không chỉ có tắm biển, người ta còn tản bộ trên những con phố, mua sắm những món quà kỷ niệm của Hawaii để ghi nhớ một lần đến hòn đảo thần tiên trong đời.

Đại lộ Kalakaua

Khám phá về ẩm thực cũng là một phần của du lịch. Trên các đại lộ Kalakaua và Kuhio khách có thể thưởng thức những món “đặc sản” của Hawaii. Rồi khi màn đêm buông xuống, người ta kéo nhau đến Polynesian Cultural Center để xem các vũ công biểu diễn điệu nhảy Hula hay múa lửa.

Hula dancers chính là hình ảnh in trên xâu chìa khóa mà ngày xưa tôi đã được chiêm ngưỡng lúc còn đi học. Thật không ngờ, món quà nhỏ của ông anh mang về ngày nào bỗng chốc lại hiện ra khi tôi nhìn các cô gái bằng xương bằng thịt nhảy múa trước mắt.

Múa lửa

Honolulu còn có Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) một địa danh đã đi vào lịch sử. Ngày 7/12/1941 quân đội Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và sau đó đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến. Hạm đội và phi cơ của Mỹ tại Pearl Harbor không kịp phản kích nên có đến 188 phi cơ bị phá hủy, 20 chiến hạm bị nhấn chìm và hơn 3.000 người chết hoặc thương vong. Mỹ tuyên chiến với Nhật và cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ.

Pearl Harbor ngày nay có rất nhiều địa điểm tưởng niệm các chiến hạm USS Arizona, USS Oklahoma, USS Bowfin và Battleship Missouri. Những nơi này đều mở cửa miễn phí cho những ai muốn đến để ôn lại bài học ‘mất cảnh giác’ của nước Mỹ ngày nào.

USS Arizona Memorial

Theo thống kê, dân số Hawaii chỉ hơn 1 triệu người, trong đó người gốc châu Á chiếm khoảng 25%. Từ 1852 đến 1930, những chủ đồn điền mía và dứa đã đưa khoảng 400.000 lao động đến Hawaii, trong đó đông nhất là người Nhật, Trung Hoa và Phi Luật Tân. Năm 1910, cứ 5 cư dân ở Hawaii thì có một người gốc châu Âu, cho đến nay, gần 40% dân số Hawaii có gốc châu Âu và phần còn lại thuộc nguồn gốc thổ dân và châu Á.

Sau cuộc di tản của người Việt năm 1975, một số người đã tìm đến Hawaii và chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Ngày nay, số người Việt tại Hawaii đã lên đến xấp xỉ 10.000 người, chủ yếu tập trung tại thành phố Honolulu với khoảng trên 8.000 người, số còn lại ở rải rác các hòn đảo khác.

Hướng dẫn viên của chúng tôi tại Honolulu là một người Việt gốc Hoa nên tôi có dịp gặp một số người Việt. Honolulu có một hãng taxi lớn mang tên The Cab với gần 1.000 chiếc, cô hướng dẫn viên tiết lộ trong số tài xế taxi tại công ty này có đến gần phân nửa là người Việt, đa số họ từ tiểu bang California đến.

Trong khi cánh đàn ông hành nghề lái taxi thì phụ nữ mở tiệm nail, vốn là nghề ruột của người Việt trên đất liền Hoa Kỳ. Tiệm làm móng tay, móng chân của người Việt có mặt tại hầu hết các thị trấn trên đảo Hawaii. Với những nghề đòi hỏi tính cần cù và siêng năng, lại không cần nhiều khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, nên người Việt đã thành công trong việc kiếm sống tại Hawaii.

Người Việt ở Hawaii còn tự hào về ngôi sao điện ảnh Maggie Q hay còn có tên là Lý Mỹ Kỳ. Maggie Denise Quigley ra đời tại Honolulu năm 1979, bố là người Mỹ, mẹ Việt Nam. Cô đã từng đóng Mission Impossible III với Tom Cruise và Vòng quanh thế giới 80 ngày với Thành Long. Maggie là một trong những điển hình thành công của giới trẻ gốc Việt tại Hawaii. Mỗi khi trở về Honolulu với gia đình, Maggie vẫn có thể nói tiếng Việt với mọi người.

Maggie Q

Một trong những nhân vật người Việt nổi tiếng tại Hawaii phải kể đến Lâm Quốc Thanh, chủ nhân của 25 cơ sở cung cấp bánh mì thịt và bánh ngọt mang tên Ba-Le Sandwiches & Bakery tại Hawaii. Rời Việt Nam năm 1979, anh Thanh đến Mỹ với hai bàn tay trắng, làm đủ mọi công việc, từ rửa xe, bán hàng rong cho đến phụ việc nhà hàng.

Bước ngoặt lớn nhất của anh Thanh trên đất Mỹ là lần gặp ông Võ Văn Lẹ, chủ tiệm bánh mì Ba Lẹ. Thanh thuyết phục Ba Lẹ hùn vốn mở một tiệm bánh mì ở Honolulu năm 1984. Hai năm sau Thanh mở một tiệm thứ hai và mua lại phần góp vốn của ông Ba Lẹ.

Bánh mì Ba Lẹ

Năm 1987, tạp chí Honolulu Magazine bình chọn thương hiệu Ba-Le là bánh mì kiểu Pháp ngon nhất Honolulu. Trong thập niên 80, trung bình mỗi năm Lâm Quốc Thanh mở thêm một cửa hàng mới và cho đến nay, mạng lưới Ba-Le Sandwiches & Bakery đã đạt con số 25 cửa hàng tại tiểu bang Hawaii.

Đối với người Việt, bánh mì Ba Lẹ trước đây đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng đối với người Mỹ, cái tên Ba-Le hoàn toàn xa lạ. Cái hay của bộ phận tiếp thị là họ đã biến Ba-Le thành Ba-Lê, tức thủ đô Paris của Pháp. Phải công nhận người Việt mình có những cái sáng tạo rất độc đáo.

Lâm Quốc Thanh, chủ nhân "Ba-Le Sandwiches & Bakery"

Chỉ riêng trong lãnh vực cung cấp bánh mì thịt, ngoài Ba-Le Sandwiches & Bakery của Lâm Quốc Thanh nổi tiếng trên đảo Hawaii còn có Lee’s Sandwiches của gia đình Lê Văn Chiêu ‘làm mưa làm gió’ trong đất liền với sự có mặt tại nhiều tiểu bang. Cái khéo của Lee’s Sandwiches là biến họ thành Lee để hội nhập với xã hội Hoa Kỳ với cái tên phổ biến.

Tuy không thể nào cạnh tranh cùng các đại gia trong ngành fast food như McDonalds, KFC, Pizza Hut… nhưng những người như Lâm Quốc Thanh và Lê Văn Chiêu đã tạo cho mình một chỗ đứng trên thương trường cạnh tranh khốc liệt như Hoa Kỳ.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)  
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

6 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on Jan 2, '11
Càng xem, cành cà nanh với những chuyến đi của anh. Càng khâm phục sức nhớ của anh nửa... Tks anh.

chackadao wrote on Jan 3, '11, edited on Jan 3, '11
cho nguoi bat dau su nghiep voi hai ban tay trang muon thanh cong, nen chon, The Road Less Travelled, nhung nguoi trong cau chuyen nay chon dung dat, dung dao dung thoi
in the same tonken.

giahien wrote on Jan 3, '11
Mến chúc anh Chính mãi vẫn tươi trẻ, yêu đời như nàng Hawai cát trắng, nóng bỏng tươi tắn muôn đời :)
Happy new Year

nguyenngocchinh wrote on Jan 3, '11
giahien said “Happy new Year”
Happy New Year to you, too.

bayhoang79 wrote on Jan 3, '11
Cám ơn anh Chính, đầu năm đã cho đi du lịch Hawaìi, một nơi mà tôi muốn đi thăm lắm mà chưa cò dịp.

mrlongxuyen wrote on Jan 5, '11
Thấy anh giới thiệu bánh mì Ba-le ngon quá. Mùa hè trở lại Hawaii nhất định em sẽ tìm đến tiệm bánh mì này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts