Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Chuyện một người Mỹ thích… mắm tôm

"Hello chú Chính,
Cháu là sinh viên của chương trình SIT [1] mùa xuân năm 1993. Cháu đã học chú cách đây hơn 10 năm… Cháu rất mong có thể gặp lại chú, mời chú uống cà phê hoặc uống bia, trao đổi một chút về những kinh nghiệm của chú…
Hiện nay cháu đang học chương trình tiến sĩ ở trường Quản trị Kinh doanh Harvard. Lần này cháu quay lại Việt Nam để nghiên cứu luận án về sự phát triển của các công ty cổ phần và vai trò của những quỹ đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán và OTC.
Rất hy vọng cháu viết tiếng Việt chú có thể hiểu được.
Markus Taussig”

***

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được email của Markus Taussig viết vào đầu tháng 8/2008. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể hình dung được anh chàng sinh viên Mỹ có cái họ rất lạ - Taussig - đến Việt Nam năm 1993 khi còn là sinh viên năm thứ 3. Khi đó Markus mới chỉ 20 tuổi.

Markus Taussig (người thứ 2 từ phải qua) 
trong cuộc hành trình cross-country 1993

Khoảng đầu thập niên 1990 là thời kỳ nở rộ của phim ảnh Hollywood về chiến tranh Việt Nam. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân Việt Nam đã kích thích trí tò mò của Markus đến độ chàng sinh viên quyết định sang Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu trong thời gian 3 tháng.

Sau này, tôi còn tìm ra được một nguyên nhân riêng tư: Markus có một người chị họ gốc Việt khi anh mới 2 tuổi. Chị họ của Markus vốn là trẻ mồ côi tại Biên Hòa được gia đình người bác nhận làm con nuôi. Bác của Markus là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và có vợ người Việt.

Markus khẳng định, ba tháng ‘du học’ tại Việt Namcó ảnh hưởng đáng kể vào suy nghĩ cũng như sự gắn bó với vùng đất này’. Năm 1993, nước Mỹ hãy còn áp dụng chính sách cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Hồi đó, Markus thường bị ngộ nhận là… Liên Xô tại Sài Gòn cũng như Hà Nội.

Giáo sư hướng dẫn đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam là một người Mỹ gốc Việt. Ông Bùi Dương Chi lại là con của nhà văn quá cố Thụy An, người đã bị kết án 15 năm tù trong vụ Nhân Văn-Giai phẩm tại miền Bắc…
 
Tôi và thầy Chi lại có quan hệ thầy trò. Hồi còn học năm cuối đệ nhị cấp tại Trung học Ban Mê Thuột, ông là giáo sư Anh văn của tôi. Tất cả được khởi đầu bằng tình thầy trò nhưng qua một thời gian dài đã biến sang ‘tình bạn vong niên’ vì thầy Chi chỉ hơn tôi ít tuổi. Năm 1974, thầy Chi lập gia đình với một cô bạn người Mỹ trong đoàn IVS (International Volunteer Service) và định cư tại Mỹ trước khi Sài Gòn thất thủ.

Thầy Bùi Dương Chi và con  trong một lần về thăm lại BMT

Trở lại chuyện của Markus. Thầy Chi gợi ý cho các sinh viên Mỹ ngay từ những ngày đầu tiên đến Sài Gòn: ‘Ngoài giờ học tại giảng đường, các anh chị phải ra ngoài đường càng nhiều càng tốt để có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về người Việt’. Thầy Chi còn đề nghị mỗi sinh viên mua một chiếc xe đạp, đó là cách hay nhất để khám phá thành phố.

Chính nhờ gợi ý này mà sinh viên Mỹ có thể tỏa đi khắp Sài Gòn và cảm thấy gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày tại đây và trình độ tiếng Việt của Markus ngày một hoàn thiện hơn. Trong số những sinh viên Mỹ có cả những người xuất thân từ thế hệ thứ hai của những gia đình người Mỹ gốc Việt. Họ muốn con cái mình tìm lại nguồn gốc của cha anh và đồng thời nối lại những mối quan hệ gia đình với những thân nhân còn ở lại Việt Nam.

Trong suốt thời gian 3 tháng học kỳ, sinh viên Mỹ học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Sài Gòn nhưng đến cuối khóa họ sẽ có 15 ngày để đi từ Sài Gòn đến Hà Nội bằng đường bộ. Vốn thích đi đó đi đây nên hầu hết các chuyến du khảo ‘cross-country’ tôi vẫn thường đi cùng sinh viên SIT.

Cross-country, Dakto, Pleiku

Cross-country là dịp để sinh viên chứng kiến tận mắt sinh hoạt của người Việt tại cả 3 vùng Nam-Trung-Bắc còn đối với tôi lại là cơ hội để tìm hiểu thêm về lối sống của giới trẻ người Mỹ trên đất nước Việt Nam. Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất là lối ứng xử của người Mỹ trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với người Mỹ, hai cụm từ thường được dùng đến nhiều nhất là thank yousorry. Ngay trong tiệm ăn, khi người phục vụ bưng ra món ăn, người Mỹ không tiếc gì một tiếng cám ơn nhưng khi ở Việt Nam nếu làm như vậy ngay chính người phục vụ lại cảm thấy bị ngỡ ngàng. Sao lại cám ơn khi đó là chỉ là bổn phận của người phục vụ trong một quán ăn? Sự khác biệt giữ hai nền văn hóa nằm trong một chi tiết ứng xử nhỏ nhặt như vậy.      

Cross-country trên đỉnh đèo Hải Vân

Nếu tin vào tử vi, người ta sẽ nói Markus có sao Thiên di chiếu mệnh. Hình như cả gia đình anh đều như vậy. Bố Markus người Mỹ, mẹ người Thụy sĩ, họ lại gặp nhau bên Pháp. Markus ra chào đời tại Thụy sĩ và trở về tiểu bang Philadelphia để đi học. Lên đến đại học, anh chuyển về tiểu bang Ohio và hoàn tất chương trình thạc sĩ tại đại học Johns Hopkins ở Washington DC.

Tốt nghiệp đại học năm 1994, Markus liền quay trở lại Việt Nam vì, theo anh, ‘đất nước và con người ở đây có một sức cuốn hút kỳ lạ’. Anh đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm, chỉ quay về Mỹ 2 năm để hoàn tất văn bằng thạc sĩ kinh tế.

Trong suốt thời gian ở Việt Nam, Markus đã làm rất nhiều công việc. Từ giáo viên dạy tiếng Anh, biên tập viên cho các báo tiếng Anh, chuyên viên ngân hàng, nhân viên kiểm toán, tư vấn nghiên cứu kinh tế cho các tổ chức viện trợ quốc tế cho đến việc đứng ra thành lập một doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Càng ngày Markus càng cảm thấy thoải mái tại Việt Nam. Nói theo kiểu Mỹ là ‘feeling at home’ đến độ nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai lúc nào không hay. Markus chia đều thời gian làm việc ở Việt Nam cho cả hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội. Bên cạnh đó là những dịp đi công tác cũng như du lịch từ Nam ra Bắc.

Trong 3 năm gần đây, Markus trở về Mỹ để tiếp tục chương trình tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Harvard. Đến mùa hè năm nay anh trở lại Hà Nội và Sài Gòn để thu thập tài liệu cho luận án tốt nghiệp qua đề tài nghiên cứu về các doanh nghiệp Việt Nam và làn sóng đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế vào các doanh nghiệp này.


Giữa Markus và tôi lại có một người bạn chung là Sam Korsmoe, một phóng viên người Mỹ viết cho báo Vietnam Economic Times tại Sài Gòn. Sau này Sam trở về Mỹ và viết cuốn Saigon Stories, một cuốn sách kể lại chuyện 5 gia đình điển hình tại Việt Nam sau năm 1975 [2].


Trong 5 gia đình đó có gia đình tôi được kể qua Chương The Southern Officer. Qua các cuộc phỏng vấn, Sam ghi chép lại những câu chuyện của các thành viên trong gia đình tôi vào thời điểm trước và sau năm 1975. Sách được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006 và mãi đến tháng 8/2008, nhân dịp Markus trở lại Việt Nam, Sam nhờ đưa tận tay cho tôi. 


“Saigon Stories”


Thế là một công đôi việc. Ngoài việc chuẩn bị cho luận án Tiến sĩ về Việt Nam cho mình, Markus còn có ‘mission’ giao Saigon Stories với lời đề tặng của Sam Korsmoe:

“Dear Chinh,
Thank you and to all your family for making this book possible. Sorry it’s late getting to you. I greatly admire all you have done for Vietnam”      


Nghề của nhà báo là viết về người khác cho nên khi nhận được Saigon Stories viết về mình là một cảm giác hoàn toàn khác lạ trong cuộc đời làm báo của tôi. Giây phút đọc Saigon Stories ngay tại một quán cà phê đã được Markus ghi hình để làm kỷ niệm:   


Giây phút đầu tiên nhận “Saigon Stories” từ Markus tại một quán cà phê ở Sài Gòn

Trở lại chuyện Markus, khi được hỏi về lời khuyên của anh dành cho những người nước ngoài đến đầu tư vào Việt Nam, Markus nói ngay: ‘Điều quan trọng nhất là họ phải sẵn sàng lắng nghe và không nên quá tự tin. Những kiến thức từ bên ngoài đem vào áp dụng tại Việt Nam không phải lúc nào cũng thành công. Việt Nam có những vấn đề riêng của một nước đang phát triển nên họ cần lắng nghe để thấy được những vấn đề đó’.

Theo Markus, về lâu về dài, những nhà đầu tư tự tin nhất và ít lắng nghe nhất sẽ là những người dễ thất bại nhất. Họ cũng là những người đầu tiên cảm thấy thất vọng khi mọi chuyện không đi đúng theo sự kỳ vọng của mình khi đến Việt Nam.

Việc nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ, theo anh, ‘không dễ dàng về khía cạnh thông tin và số liệu’ vì ngay tại Mỹ, chuyện đi sâu vào những vấn đề này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi trở lại Việt Nam lần này, các giáo sư ở Harvard cũng đã cảnh báo anh về những khó khăn của một luận án thiên về thực tiễn vì tốn rất nhiều thời gian. Trở ngại còn gia tăng gấp bội khi luận án đó lại phải thực hiện ở xứ người.

Từ chuyện học hành, chúng tôi chuyển sang chuyện ăn uống. Được hỏi về món ăn Việt Nam ưa thích nhất, Markus trả lời một cách khôn khéo bằng giọng Hà Nội: ‘Thích nhiều món lắm. Từ bún thịt nướng, bánh xèo, hủ tiếu của miền Nam cho đến bún chả và thậm chí cả món đậu phụ chấm mắm tôm của miền Bắc!’.

Quả là Markus còn… bảo hoàng hơn vua. Tôi là người Việt nhưng lại không biết thưởng thức mắm tôm thế mà một anh chàng người Mỹ mắt xanh lại khoái món đậu hũ chấm mắm tôm của Hà Nội! 

Markus ăn bánh xèo tại Sài Gòn

Về phở, anh có nhận xét, món phở của mỗi miền có những nét hấp dẫn riêng nhưng Markus lại không xác định phở miền nào ngon hơn chỉ vì ‘không muốn làm buồn lòng những người bạn thân, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc’! Với tính cách vừa khéo léo vừa tế nhị như vậy, tôi tin tưởng Markus sẽ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Có một thực tế mà đến bây giờ tôi mới phát hiện: anh quen một cô bạn gái người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và qua một email gần đây nhất Markus báo tin anh đã bảo vệ thành công luận án và đã lập gia đình với người bạn gái.

Tin vui ‘nhị hỉ’ đến một cách bất ngờ và Việt Nam có thêm một chàng rể thích… mắm tôm !

***

Chú thích:

[1]: SIT (School for International Training): trong hơn 75 năm hoạt động, mỗi năm chương trình SIT đã giúp khoảng 3.000 sinh viên Mỹ đến học hỏi và nghiên cứu tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. 

[2]: Đọc bài viết “Saigon Stories” tại:
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/saigon-stories.html

***       

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)  
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*** 

4 Comments on Multiply

cuuphansinh wrote on Jan 13, '11
Dân VN ta thường nhìn người nước ngoài với một chút e dè, xa lạ... Với anh chàng này thì chắc có khác...!?

mrlongxuyen wrote on Jan 16, '11
Chúc mừng Markus và cảm ơn anh NNC qua bài viết rất thú vị về chàng rể Mỹ thích mắm tôm.

nguyenngocchinh wrote on Jan 17, '11
Tôi mới nhận được email của Markus:
Hey chu Chinh!
Nice to hear from you and thanks for flagging this! I hope you are well and continuing your global adventures. I also wish you all the best for 2011. My wife, 16 month old son (Kien), and I are actually moving back to Southeast Asia in 2011. I've gotten a job as an assistant professor at the National University of Singapore's Riady business school and my wife will be teaching at their medical school. We move over in late June and look forward to frequent visits to Saigon!
Markus

mrlongxuyen wrote on Jan 17, '11
nguyenngocchinh said “I've gotten a job as an assistant professor at the National University of Singapore's Riady business school and my wife will be teaching at their medical school.”
Good for them. Wish them the best of luck and success.

1 nhận xét:

Popular posts