Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Operation Babylift: Chuyện bây giờ mới kể

Trong những ngày đầu tháng 4 năm 1975, Sài Gòn có quá nhiều biến cố: dòng người di tản từ cao nguyên, từ miền Trung dồn dập đổ về thủ đô trong khi quân đội VNCH ngày càng co cụm để bảo vệ Sài Gòn trước làn sóng tràn ngập của lực lượng miền Bắc. Người ta hầu như chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình của mình trước đại họa đất nước nên có rất ít người chú ý đến một tin thuộc loại “chấn động” (shock news) nếu như trong thời bình.

Khoảng 4 giờ chiều, Thứ Sáu, ngày 4/4/1975, một chiếc phi cơ vận tải quân sự C-5A Galaxy của Hoa Kỳ mang ký hiệu 68-0218 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất trực chỉ Clark Air Base tại Phi Luật Tân. Đó là chuyến bay quân sự đầu tiên di tản các trẻ em mồ côi Việt Nam sang Mỹ trong sứ mạng Operation Babylift do đích thân Tổng thống Gerald Ford tuyên bố một ngày trước đó.

Tin “chấn động” vì chiếc C-5A Galaxy, phi cơ vận tải quân sự lớn nhất của không Hoa Kỳ vào thời điểm 1975, đã bị trục trặc kỹ thuật và rơi trong khi cố quay lại đường băng 25L Tân Sơn Nhất. Tai nạn xảy ra khiến 138 hành khách bị thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ mồ côi người Việt và 35 nhân viên Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache Office – DAO) người Mỹ tháp tùng.

Phi cơ vận tải C-5A Galaxy
cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất

Người ta kể lại, khoảng 12 phút sau khi cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, một tiếng nổ phát ra từ phía đuôi của chiếc Galaxy, tạo ra một lỗ hổng lớn. Áp suất trong phi cơ thay đổi đột ngột và phi hành đoàn quyết định bay trở lại hướng Tân Sơn Nhất. Nhưng đã không kịp.

Phi cơ phải đáp khẩn cấp bằng bụng, trượt dài hàng trăm mét trên một ruộng lúa, đụng vào bờ đê và cuối cũng vỡ thành 4 mảnh. Một cột khói cao ngất xuất hiện trên bầu trời gần phi trường trước khi lực lượng tiếp cứu có mặt tại địa điểm xảy ra tai nạn.

Cột khói bốc lên sau khi chiếc Galaxy gặp nạn

Trực thăng cấp cứu bay đến An Phú Đông (nay thuộc quận 12), nơi phi cơ bị rớt. Đây là một khu vực ruộng lúa ngập nước và chỉ khoảng phân nửa số hành khách được cứu sống. Những người ngồi ở phần đuôi máy bay đều bị thiệt mạng. Thân thể họ nằm vương vãi trên một diện tích rộng hằng trăm mét vuông.

Xác của chiếc Galaxy tại khu vực An Phú Đông

Trực thăng cứu nạn chỉ bay lơ lửng trên đầu vì không thể đáp xuống ruộng lúa ngập nước. Những người sống sót, gồm phi hành đoàn, y tá và nhân viên thiện nguyện, phải lội ruộng, trên tay bồng những trẻ sơ sinh giữa những cơn gió xoáy của cánh quạt trực thăng.

Những trẻ mồ côi sống sót sau tai nạn

Nhưng rồi họ cũng chuyển được một số trẻ em lên trực thăng. Người ta vẫn tự hỏi, biết đâu tại nơi xảy ra tai nạn cũng còn những em thoi thóp nhưng người cứu nạn không nhìn thấy.

Bản tin của "Stars and Stripes", tờ báo của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, số ra ngày Chủ nhật, 6/4/1975, chạy tít "178 người chết trong (chiến dịch) Babylift", kèm theo tiêu đề "Nghi ngờ khủng bố trên chiếc C5A bị rơi"... 

Cho tới nay, những chi tiết về số người chết và nguyên nhân tai nạn vẫn chưa (và không thể) làm rõ. Tuy nhiên, tấm bi kịch cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, có thể nói, đã đạt đến đỉnh điểm vào những ngày cuối tháng tư!     

 Bản tin trên "Stars and Stripes" về Babylift ngày 6/4/1975

Số phận của những trẻ mồ côi này cũng được coi như đã chết như những bạn đồng trang lứa vắn số khác. Đó là nghịch cảnh của chiến tranh. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

Một thành viên Babylift năm xưa từ Mỹ trở về
đốt nhang tưởng niệm những người bạn đã tử nạn tại An Phú Đông

Bà Allison Martin [*] kể lại: “Ở phần đuôi máy bay đa số là trẻ em dưới 2 tuổi và có 7 nhân viên tình nguyện người Mỹ. Trong số những người sống sót, có đến 170 người bị thương tích nặng, trong đó có một cô bé sau này được báo chí nhắc đến qua tên Melody khi tài tử nổi tiếng Yul Brynner đã nhận làm con nuôi”.

Theo kế hoạch do Tổng thống Gerald Ford công bố, Operation Babylift sẽ sử dụng khoảng 30 chuyến bay - cả phi cơ quân sự lẫn dân sự - để di tản 70.000 trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975. Kế hoạch được tài trợ một ngân khoản 2 triệu đô-la từ quỹ hỗ trợ đặc biệt của chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Gerald Ford đã xuất hiện trên truyền hình Mỹ khi đích thân đến phi trường San Francisco đón một trong những chuyến bay chở trẻ mồ côi từ Việt Nam đến. Trong mắt người dân Hoa Kỳ, hình ảnh ông bồng một đứa trẻ từ trên máy bay xuống đã vớt vát phần nào thể diện của một vị tổng thống trước biến cố 30/4/1975. 

Tổng thống Gerald Ford đón trẻ mồ côi
tại phi trường San Francisco

Tuy nhiên, có thể nói, Operation Babylift đã diễn biến không theo đứng kịch bản mà chính phủ Mỹ đã phác họa. Chiến dịch chỉ có thể di tản khoảng hơn 3.000 cô nhi thì phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích và cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tại Mỹ, tin tức về thảm họa Galaxy được coi là điềm xấu báo trước một biến cố còn nhiều kịch tính hơn nữa đối với miền Nam khi bị hoàn toàn sụp đổ. Thế nhưng, vào thời điểm 1975, người Mỹ không có cách nào khác hơn là tiếp tục chiến dịch Babylift trước tình hình chiến sự ngày càng nguy ngập.

Tân Sơn Nhất không còn thời gian để tưởng niệm những hành khách đi trên chiếc Galaxy định mệnh. Chỉ một ngày sau tai nạn, Operation Babylift được tiếp tục tiến hành. Một chiếc Boeing 747 được thuê từ hãng hàng không Pan American Ariways để chở 409 trẻ em và 60 nhân viên chăm sóc. Và cứ thế, các chuyến bay thuê với các hãng hàng không khác như United Airways, World Airways, Air America… liên tục bốc trẻ mồ côi ra khỏi Sài Gòn.

Làm thế nào để vận chuyển một số lượng khổng lồ hành khách gồm toàn trẻ em trong đó có cả trẻ sơ sinh là cả một vấn đề đối với các nhân viên di tản. Trong cuốn This Must be my Brother, Leann Thieman kể lại:

“Chúng tôi không có thì giờ cho các em ăn… đồng loạt bấy nhiêu cái miệng đều cất tiếng khóc… Cuối cùng, một sáng kiến được đưa ra: cứ 3 em được đặt trong thùng giấy carton và mỗi em có một bình sữa đặt trên vai người bạn nằm cùng thùng. Với cách này, có em bú thoải mái nhưng cũng có em gặp khó khăn khi bình sữa rơi khỏi miệng…

Tôi đặt một em bé gái trên đùi để em bú bình sữa còn tay kia cầm bình sữa cho một em khác nằm trong hộp nhưng hình như em không đủ sức để bú nên cuối cùng tôi phải dùng tay bóp vào núm vú cho sữa chảy mạnh…”   

Trên chiếc Galaxy đầu tiên rời Sài Gòn ngày 4/4/1975 những hành khách nhỏ tuổi nhất đều nằm trong hộp, được chằng bằng dây đai an toàn. Những “hộp người” đó nằm giữa lòng phi cơ. Những em lớn hơn ngồi trên hai hàng ghế bằng nhôm dọc theo thân tàu… Người lớn đi theo gồm nhân viên phi hành đoàn và những người tình nguyện làm việc một cách vất vả trong một trạng thái tinh thần căng thẳng khi tiếng súng đã vọng về từ các vùng lân cận quanh thủ đô.

“Hành khách” sơ sinh được để trong hộp carton

Miriam Vieni, một người hoạt động xã hội người Mỹ và cũng là mẹ nuôi của một trẻ mồ côi người Việt, nhớ lại:

“Sáng hôm nghe tin chuyến bay di tản đầu tiên bị rớt, một số bạn bè tụ họp tại nhà tôi để chờ nghe tin tức. Bỗng điện thoại reo liên tục, người ta hỏi thăm về thủ tục nhận con nuôi. Họ biết được số điện thoại của tôi qua một bài báo trên Newsday. Không chỉ qua điện thoại, có người còn đến tận nhà để lấy thông tin…

Người ta phấn khởi khi biết họ có thể nhận nuôi những trẻ Việt sẽ sang Mỹ một cách hợp pháp qua Operation Babylift và như thế là họ làm thủ tục nhận nuôi dù khi đó các em còn chưa lên máy bay rời khỏi Việt Nam.”

Cặp vợ chồng Pat và Dave Palmer từ Iowa kể lại việc làm thủ tục nhận con nuôi: “Khi nộp đơn xin con nuôi, chúng tôi phải tiến hành thủ tục một cách mau lẹ vì tình hình chính trị ở Việt Nam lúc đó quá rối ren. Rất khó có thể liên lạc bằng điện thoại với cơ quan FCVN [Friends of Children of Viet Nam] vì đường dây luôn bị nghẽn mạch. Chúng tôi phải dùng đến điện tín để liên lạc và kết quả là chúng tôi có một cậu con nuôi 1 tuổi. Không phải chỉ cuộc đời cháu bé mà chính cuộc đời chúng tôi cũng đã thay đổi từ đó”.

Tại Úc, trong bản báo cáo về tình trạng nhận con nuôi qua Operation Babylift, Ian Harvey cho biết: “Tháng 4/1975, khi có tin nước Úc sẽ tiếp nhận trẻ mồ côi Việt Nam làm con nuôi, một số gia đình người Úc đã vội vã nộp đơn. Riêng tại bang New South Wales là nơi đến của 14 trẻ Việt nhưng số đơn xin nhận con nuôi đã vượt con số 4.000”.

Theo báo cáo Ian Harvey, có trên 90% gia đình Úc có con nuôi người Việt ghi nhận sự thành công của việc họ nhận con nuôi. Tuy nhiên, đối với những gia đình tiếp nhận con nuôi từ 4 tuổi trở lên gặp khó khăn hơn những người khác vì càng lớn trẻ mồ côi càng khó thích nghi hơn với cuộc sống mới.    

Trẻ mồ côi đến Úc trong chuyến di tản ngày 17/4/1975

Ngay từ đầu tháng 4/1975, hàng loạt các tổ chức từ thiện trong đó có Holt International Children’s Services, Friends of Children of Vietnam, Catholic Relief Service, International Social Services, International OrphansPearl S. Buck Foundation thỉnh nguyện chính phủ Hoa Kỳ di tản trẻ mồ côi bị lưu lạc từ các trại mồ côi tại miền Trung đang bơ vơ giữa Sài Gòn hỗn loạn.

Cho đến bây giờ, vẫn chưa có con số chính xác trẻ mồ côi được di tản khỏi Sài Gòn vì tình hình rối ren lúc đó. Có khoảng 2.000 trẻ được đưa sang Hoa Kỳ và khoảng 1.300 trẻ được di tản đến Canada, Âu châu và Úc. Ngoài những chuyến bay chính thức, hằng ngày từ 4 đến 7 chuyến, còn có những chuyến bay bằng phi cơ nhỏ qua các hợp đồng kéo dài suốt tháng 4.

Những “hành khách” trên chuyến bay di tản

Dư luận Mỹ bị phân hóa vì những quan điểm đối chọi nhau về Operation Babylift. Thậm chí trên báo còn có những câu hỏi nhức nhối: Babylift or babysnatch?, tạm dịch là Di tản trẻ em hay giành dựt trẻ em?The Orphans: Saved or Lost? (Trẻ mồ côi: Cứu giúp hay Mất mát).

Trần Tương Như, một trong số ít người Việt sống tại Mỹ từ trước 1975 và cũng là một thành viên hỗ trợ đắc lực cho Operation Babylift tại San Francisco lúc đó. Bà Như và một số người tình nguyện khác đã khám phá một sự thật ngay từ những ngày đầu của Operation Babylift: một số nhỏ trẻ mồ côi được di tản sang Mỹ thực sự không phải là cô nhi, chúng được các gia đình khá giả gửi theo để được di tản sang Mỹ một cách an toàn.    

Sau này, đã có những vụ kiện tại Mỹ về những trường hợp trẻ em bị đưa khỏi Việt Nam “ngoài ý muốn của cha mẹ chúng”. Dĩ nhiên những người khởi kiện chính là các gia đình người Việt hiện định cư tại Mỹ.

Người ta cũng không loại trừ trường hợp trong tình trạng hỗn loại vào tháng 4/1975 nhiều gia đình bằng mọi cách gửi con đi theo chiến dịch di tản trẻ mồ côi và thời gian sau lại kiện các gia đình Mỹ đã nhận con cái của họ làm con nuôi như bà Như đã phát hiện từ đầu.

Một số người cho rằng việc di tản trẻ mồ côi Việt Nam, trong đó có cả những đứa con lai do hậu quả của chiến tranh, sẽ đem lại cho các em một cuộc sống tốt đẹp hơn so với nơi các em ra đời. Họ cũng cảm thấy Operation Babylift là nguồn an ủi tinh thần mang tính cách nhân đạo trước những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ngược lại, có dư luận cho rằng Operation Babylift là một chiến dịch hoàn toàn vì mục đích chính trị, thậm chí còn là “đòn chính trị cuối cùng” của chính phủ Mỹ trước khi rời khỏi Việt Nam.

Cảnh di tản chụp từ trong máy bay

Bà Miriam Vieni giải thích về những ý kiến tương phản nhau trong việc Operation Babylift đưa trẻ mồ côi người Việt sang Mỹ:

“Một số người cho rằng đưa trẻ em ra khỏi quốc gia nơi các em sinh sống là sự vi phạm quyền thiêng liêng của con người khi các em chưa đủ trí khôn để chọn lựa và quyết định. Một số người lại nghĩ những trẻ mồ côi người Việt phải được chính người Việt giải quyết. Trên TV, một số khác không ủng hộ việc chọn con nuôi khác nguồn gốc chủng tộc, họ còn đưa ra trường hợp tại sao không chiếu cố đến một số trẻ mồ côi người Mỹ gốc Phi còn đang chờ các gia đình Mỹ nhận nuôi”.  

Về phía các gia đình Mỹ nhận con nuôi người Việt cũng có những suy nghĩ cho rằng những đứa con mà họ nuôi nấng và dạy dỗ bấy lâu nay vẫn còn một hố sâu ngăn cách vô hình. Một cuộc khảo sát cho thấy những trẻ mồ côi có một cuộc sống khá đầy đủ trong suốt thời kỳ thơ ấu tại Mỹ. Đến gia đoạn trưởng thành, những đứa trẻ mồ côi ngày nào sẽ có những suy nghĩ và sự dằn vặt về cội nguồn của mình.

Chú Sam bồng một trẻ Việt (Chiến tranh Việt Nam)
 Nữ thần Tự do bồng một trẻ Triều Tiên (Chiến tranh Triều Tiên)

Thân phận của 3.000 trẻ em ngày đó đã và đang sống ra sao tại nước ngoài? Đó là câu hỏi ít khi người ta nghĩ đến. Nguyễn Thị Thanh Trúc là một trẻ thuộc Viện Mồ côi Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. Năm 1975 Thanh Trúc được Operation Babylift bốc sang Mỹ và làm con nuôi một gia đình người Mỹ tại Seattle, tiểu bang Washington.

Với tên Julie, Thanh Trúc được nuôi dạy và lớn lên như bất kỳ một đứa trẻ nào trên đất Mỹ. Khác biệt duy nhất là Julie có vóc người châu Á nhỏ bé hơn so với các bạn bè đồng trang lứa. Hiện nay Julie đã lập gia đình với Brad Davis và trở thành bà Julie Davis.

Lần đầu tiên trở về Việt Nam cùng chồng trong nửa tháng trời, Julie kể lại: “Chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam kéo dài hơn 20 giờ mà tôi có cảm tưởng dài đến 20 năm… Khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Brad vỗ vai tôi, ý nhị: ‘Chúng ta đã đến nơi. Em đã về nhà’… Sau khi đi thăm Sài Gòn, Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi về lại Quy Nhơn và đến tận Viện Mồ côi Ghềnh Ráng để thăm lại nơi xuất xứ của tôi…”

Cô nhi viện Ghềnh Ráng tọa lạc trong khuôn viên một nhà thờ và do các nữ tu phụ trách. Qua người thông dịch, Julie tìm lại được bà sơ Emilienne, người đứng tên trên giấy khai sinh của Thanh Trúc. Người nữ tu chỉ biết mẹ của Thanh Trúc đã qua đời ngay sau khi sinh con nên bà đứng tên trên giấy khai sinh cũng họ Nguyễn như bà. Cội nguồn của Julie chỉ có thế nhưng cũng đủ để cô tìm hiểu về quá khứ của mình.

Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Julie viết: “Cuộc hành trình ngắn ngủi để tìm lại quá khứ của tôi đã chấm dứt nhưng dư âm của nó vẫn còn vĩnh viễn đọng lại trong tôi. Giờ thì tôi tự hào là người có gốc, cho dù nguồn gốc đó cách nơi tôi sinh sống đến nửa vòng trái đất”.


Các “Babylift” tại phi trường Tân Sơn Nhất năm 2005
(Ảnh của tác giả)

Tháng 4/2005, một đoàn du khách Mỹ gồm 38 người đã đến Việt Nam trong một chuyến du lịch được mệnh danh là “Operation Babylift—Homeward Bound 2005”. Điểm đặc biệt đoàn du khách này có 21 người trước đây là trẻ mồ côi trên các chuyến bay di tản, số còn lại là những người có liên quan đến Operation Babylift. Đặc biệt hơn nữa, trong số trẻ mồ côi ngày nào trở về quê hương có 3 em đã từng được cứu sống sau tai nạn của chuyến bay khởi đầu Operation Babylift.

Chuyến Hành trình về nguồn được hãng hàng không World Airways (WA) bảo trợ. WA, một trong những hãng hàng không đã tham gia Operation Babylift, đã liên lạc được với 21 trong số 57 trẻ mồ côi được WA chuyên chở khi rời Sài Gòn vào năm 1975 và đưa họ trở về thăm quê hương đúng 30 năm sau ngày được di tản.

Những hành khách đặc biệt này ngày nay đã thuộc lứa tuổi trên 30, đa số đã lập gia đình và có một cuộc sống ổn định như bao thanh niên trên đất Mỹ. Khác chăng chỉ là họ có một mối liên hệ từ tuổi ấu thơ với Việt Nam và khi trở về quê hương họ đã là những người trưởng thành.

Chuyến về Sài Gòn chỉ kéo dài 2 ngày (15 và 16/4/2005). Nhưng có điều chắc chắn chuyến trở về mang nhiều ý nghĩa đối với những người lúc ra đi chỉ là những đứa trẻ còn khóc oe oe trên các chuyến bay bão táp, thậm chí có trẻ còn nằm lọt thỏm trong hộp giấy. Trên chuyến trở về họ là những hành khách như bao hành khách khác nhưng mang một tâm trạng “hồi cố hương” sau 30 năm xa cách.

Câu chuyện Babylift mang âm hưởng một chuyện cổ tích giữa đời thực với đầy đủ “Hỷ - Nộ - Ái - Ố”. Tuy nhiên, câu chuyện có đoạn kết “có hậu”, rất hiếm gặp giữa đời thường.

Safi Thi-Kim Dub và Emma McCrudden đã may mắn sống sót trong chuyến bay ngày 4/4/1975 
(Ảnh My Lăng chụp năm 2005 trong chuyến “Hành trình về nguồn” thăm lại nơi xảy ra tai nạn)

***

[*] Allison Martin, Chủ tịch hiệp hội Families with Children from Vietnam (Gia đình có những trẻ em Việt Nam), mở một website http://www.adoptvietnam.org/ trong đó có rất nhiều bài viết về chiến dịch Babylift của các gia đình Mỹ cũng như các thành viên Babylift. Gia đình Martin có 3 người con, trong đó người nhỏ nhất là con nuôi từ Việt Nam năm 1997.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

--> Read more..

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Ngôn ngữ: Tiếng Anh bản địa

(Tiếp theo)

Thuật ngữ “tiếng Anh bản địa” dùng trong bài viết này bao gồm tiếng Anh của người Anh (British English) và tiếng Anh của người Mỹ (American English). Bên cạnh đó còn có các quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh & Mỹ nhưng cho đến ngày nay vẫn coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.

Hai lá cờ Mỹ & Anh tượng trưng cho tiếng Anh bản địa

Tiếng Anh thuộc nhóm ngôn ngữ German trong ngữ hệ Ấn-Âu, đây là ngôn ngữ sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Ngoài Vương quốc Anh và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, tiếng Anh còn giữ địa vị ngôn ngữ chính thức tại các nước thuộc khối Liên hiệp Anh như Scotland, Wales, Bắc Ireland, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Ireland và một số đảo quốc trong vùng Caribbean.

Anh ngữ là hậu thân của một ngôn ngữ chung được sử dụng bởi các giống người Angle, Saxon và Jute – thường được gọi chung là người Anglo-Saxon. Ba giống dân này thuộc các dân tộc German, từng sống ở những vùng nay là Hà Lan và phía bắc nước Đức.

Các nhà ngôn ngữ học gọi tiếng Anh phát triển trong ba thế kỷ sau năm 1066 là tiếng Anh Trung cổ (Middle English). Hai tác phẩm nổi tiếng được viết bằng tiếng Anh thời kỳ này là Beowulf (sử thi, viết vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10) và The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer [1].

Tiếp đến là thời kỳ tiếng Anh Cận đại (Modern English) được các nhà ngôn ngữ học tính từ đầu thế kỷ 16 và người có công nhất trong sự phát triển thời kỳ này là văn hào nổi tiếng của Anh, William Shakespeare [2]. Đây chính là tiếng Anh được dùng phổ biến trên thế giới ngày nay.

Trong số các dân tộc dùng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ, có khoảng 71% dùng American English, 15% nói tiếng Anh British English, 7% nói tiếng Canadian English và phần còn lại nói các loại tiếng Anh khác được gọi chung là “tiếng lai” (creole hay pidgin), kết hợp giữa tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương.

Tiếng Đức trước đây là ngôn ngữ của khoa học. Nhưng ngày nay, hơn 80% các bản ghi chép khoa học được trình bày với ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Tương tự, quá nửa tài liệu kỹ thuật và khoa học trên thế giới cũng được phổ biến bằng tiếng Anh. Anh ngữ còn được dùng trong các lĩnh vực kinh tế, y học, điện tử và kỹ thuật không gian.

Trên tạp chí Fortune, Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ, cho rằng mẫu số chung cho sự thành công của các quốc gia ngày nay là tiếng Anh. Phần thế giới không nói tiếng Anh thường không theo kịp trào lưu, đơn giản vì họ không có khả năng đọc nguyên tác các học thuyết kinh tế viết bằng tiếng Anh [3].  

Ngôn ngữ của thời đại thông tin ngày nay cũng là tiếng Anh. Hơn 80% nguồn dự trữ thông tin của hàng trăm triệu máy tính khắp thế giới là tiếng Anh. 85% các cuộc trao đổi qua điện thoại quốc tế được sử dụng bằng tiếng Anh. Chương trình chỉ dẫn trên máy tính và các chương trình phần mềm cũng thường sử dụng tiếng Anh.

Nhà sản xuất từ điển Mỹ, Merriam-Webster, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu các từ ngữ được tra cứu nhiều nhất trong năm 2004 trên Internet và vị trí hàng đầu là từ “blog”, một từ mới xuất hiện trong năm bầu cử tổng thống Mỹ. “Blog” được Merriam-Webster định nghĩa như một trang web có “tờ báo cá nhân trực tuyến” trong đó có bình luận và thường được kết nối với các trang web khác.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa thuần túy trong ngôn ngữ học (linguistic purists) không chấp nhận những từ lai ghép trong tiếng Anh theo kiểu “English language hybrids”, đặc biệt là tiếng Anh trên Internet. Họ không chấp nhận “emailear” thay cho “email” (điện thư, thư điện tử), “surfen” thay vì “surf” (lướt web) hoặc “downloaden” thay cho “download” (tải xuống từ trên mạng).

Người ta còn lo ngại hiện tượng “weblish”, tạm dịch là ngôn ngữ sử dụng trên các trang web. Người viết tiếng Anh trên Internet và các phương tiện truyền thông khác rất dễ trở nên cẩu thả. Chẳng hạn như việc lười không sử dụng chữ hoa khi viết e-mail hoặc cách viết tắt quá dễ dãi trong khi “chat” cũng như cách viết khi nhắn tin trên điện thoại di động.

Những câu tiếng Anh được viết tắt đến độ chỉ còn là những mẫu tự chứ không phải là câu chữ, được sử dụng ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông khiến một số người lo ngại ngôn ngữ trở thành những “ám hiệu” bí ẩn. Ngày nay không ít người viết “RUF2T” thay vì “Are you free to talk?”; “CUL8R” (See you later) hoặc thậm chí một câu dài như “I just called to say I love you” biến thành “IJC2SaILuvU”!


Điều đặc biệt của tiếng Anh là sự vay mượn từ gần 350 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng Thời Trung Cổ (Middle Ages) đã có khoảng 60.000 từ ngữ thâm nhập vào tiếng Anh. Đó là những từ có xuất xứ từ tiếng Pháp, Latin, Hy Lạp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.

Theo David Crystal, chuyên gia ngôn ngữ và cũng là Giáo sư Danh dự của Đại học Wales, sự mở rộng bằng cách vay mượn từ các ngôn ngữ khác là một trong những lý do khiến tiếng Anh thành công như ngày nay. Crystal nhận xét:

“Từ vựng của Shakespeare, cả về diện và lượng, xuất phát từ việc ông sử dụng các từ có xuất xứ từ tiếng Đức, Pháp và Latin để đặc tả những nhân vật khác nhau trong các vở kịch của ông” [4]

Lướt qua một số từ vựng tiếng Anh ngày nay, ta có thể thấy ngay sự vay mượn đó. Có những từ ngữ người ta dùng quá quen thuộc nên hầu như không hề biết chúng có xuất xứ từ ngôn ngữ nước ngoài.

Điển hình nhất là “kindergarten” (mẫu giáo), một từ theo tiếng Đức có nghĩa là vườn trẻ. Khái niệm về vườn trẻ được Friedrich Fröbel đưa ra từ năm 1837 tại Bad Blankenburg. Vườn trẻ là bước chuyển tiếp từ gia đình sang trường học cho trẻ con chưa đến tuổi đến trường.

“Hot dog” là một món ăn của Mỹ với nhiều huyền thoại có dính dáng đến nước Đức và tiếng Đức. Vào đầu thế kỷ 20, ở Đức, việc tiêu thụ thịt chó là điều bình thường và từ “dog” hầu như đồng nghĩa với xúc xích “Frankfurter Würstchen” từ năm 1884. Tiếng Đức “Würstchen” có nghĩa là loại xúc xích nhỏ, còn “Frankfurter” xuất xứ từ thành phố Frankfurt.

Ý tưởng bán bánh mì kẹp xúc xích là của một người Đức ở thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri vào năm 1880. Bánh khá nóng nên hồi đó người bán còn tặng khách chiếc găng trắng mỗi khi mua. Thế là “Frankfurter” một mặt du nhập vào nước Mỹ, mặt khác làm giàu cho kho từ vựng tiếng Anh. Ngày nay Hot Dog còn liên quan mật thiết với môn thể thao bóng chày tại Mỹ, khán giả vừa xem trận đấu vừa ăn Hot Dog mới đúng điệu Huê Kỳ! [5]

Xe bán Hot Dog ở thành phố New York (1906).
Giá bán được ghi là 3 cents 1 cái hoặc 5 cents 2 cái

Tiếng Anh cũng mượn của tiếng Pháp những từ ngữ ta thường gặp trên sách báo. Thỉnh thoảng trên báo tiếng Anh ta gặp tin đại loại như “a bloody coup d’etat” hoặc “a military coup” về một cuộc đảo chính đẫm máu hoặc cuộc đảo chính do quân đội khởi xướng. Cuộc đảo chính thường kết thúc với việc hành quyết nhà độc tài bị lật đổ và “coup de grâce” là phát súng ân huệ cuối cùng!      

Tiếng Pháp cũng đi vào thời trang, ẩm thực trong cuộc sống hàng ngày của người dùng tiếng Anh là bản ngữ. Vào nhà hàng có thể chọn thực đơn “à la carte” theo giá của từng món, trong đó có món“soup du your” với hàm ý  “soup of the day”. Ăn mặc theo thời trang được mô tả là “à la mode”.

Tiếng Anh còn mượn cả tiếng Tàu. Chẳng hạn như từ “typhoon” xuất xứ từ chữ “đại phong” để chỉ một cơn bão lớn; “sampan” là ghe “tam bản”; “kowtow” là hành động “khấu đầu” để chỉ sự tôn kính. 

Kowtowing in a court

Giữa British English và American English cũng có nhiều điểm khác nhau cả về từ vựng, văn phạm, cú pháp lẫn cách viết. Ở Anh, để chỉ thang mày, người ta dùng từ “lift” trong khi tại Mỹ và Canada lại dùng “elevator”. Người Anh gọi môn bóng đá là “football” trong khi tại Mỹ là “soccer” vì tại đây “football” lại là môn bóng bầu dục!

Nội chuyện xe hơi cũng đã có nhiều khác biệt. Ở Anh, người lái xe tìm “car park” để đậu xe nhưng bên Mỹ lại phải kiếm “parking lot” mới đậu được; muốn lái xe bên Anh thì phải có “driving licence” còn bên Mỹ thì lại cần “driver's license”; xe bên Anh dùng hộp số “gearbox” còn bên Mỹ lại gọi là “transmission”; British English gọi xe tải là “lorry” qua đến Hoa Kỳ lại kêu là “truck”…

Thật oái ăm khi một tòa nhà 3 tầng “3-storey building” ở London, gồm tầng trệt (ground floor) và 3 tầng lầu, nhưng người Mỹ lại coi đó là nhà 4 tầng “4-story building” vì tầng trệt được tính là tầng 1. Điều này cho thấy không chỉ khác nhau về cách viết mà còn khác nhau cả về khái niệm.

Người ta thấy cách viết khác nhau giữa “storey”“story” như thí dụ về tầng lầu ở trên. British và American English có khá nhiều khác biệt về spelling: “neighbour” (láng giềng), “labour” (lao động), “colour” (màu sắc), “harbour” (bến cảng) ở bên xứ Hồng Mao sang đến Huê Kỳ lại viết là “neighbor”, “labor”, “color”, “harbor”.

Sự khác biệt trong cách viết giữa “cái đuôi” (tiếp vĩ ngữ)“our”“or” được các chuyên gia ngôn ngữ giải thích chỉ xuất hiện ở các từ ngữ khi phát âm không nhấn (unstressed) ở vần cuối. Ngược lại, những từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp hoặc Latinh chỉ có một cách viết duy nhất như “contour” (đường viền), “velour” (nhung, dạ), “troubadour” (người hát rong) ở cả British lẫn American Enlglish.

Bảng so sánh Tiếng Anh & Tiếng Mỹ

Còn rất nhiều trường hợp khác nhau về cách viết. Chẳng hạn như người Anh viết “centre” (trung tâm), “theatre” (rạp hát) người Mỹ đổi thành “center”, “theater”… “catalogue” (danh mục, mục lục), “dialogue” (đối thoại) biến thành “catalog”, “dialog” trong American English.

Một số từ ngữ tận cùng bằng “ise” lại biến thành “ize” khi sử dụng tại Mỹ: “apologise” (xin lỗi),  “criticise” (phê bình), “analyse” (phân tích)…  đổi thành “apologize”, “criticize”, “analyze”. Khác biệt về spelling giữa hai trường phái tiếng Anh bản địa còn rất nhiều nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ đưa ra một số trường hợp để tham khảo.

Giữa người Anh và người Mỹ cũng có những điểm khác biệt về văn phạm và cú pháp. Cùng muốn đi tắm, người Anh nói: “I'd like to have a bath” trong khi người Mỹ lại đổi là “I'd like to take a bath”. Cùng một lời khyên không cần phải giữ chỗ trước, người Anh cho ý kiến “You needn't reserve seats” nhưng người Mỹ lại nói “You don't need to reserve seats”.

British English Vs American English

Chuyện tiếu lâm kể rằng có một bệnh nhân đã bị ngất xỉu khi bác sĩ cho biết: “You’re going home to die!”. Đến khi tỉnh dậy thì bệnh nhân lại được xuất viện về nhà vì đã hết bệnh. Hóa ra chỉ vì người bệnh không nghe quen giọng Úc khi bác sĩ phát âm “today” thành… “to die”.

Nước Úc vốn là thuộc địa của Anh nên ngôn ngữ chính thức vẫn là British English nhưng tiếng Anh của người Úc mang “phong cách Úc” mà chỉ ở “xứ miệt dưới” (Down Under) mới có. Để người nước ngoài không bị “sốc” vì Australian English khi đến Úc xem thế vận hội Sydney 2000, hãng thông tấn Reuter đã có một bài báo về các “từ lóng” (slang word) và tiếng Anh ở Úc.

Trong kho từ vựng tiếng Anh có “D Day” (ngày đổ bộ của lực lượng đồng minh lên Normandy), tại Úc có “G Day” nhưng với nghĩa hoàn toàn khác. Người Úc thường chào nhau “G Day, mate!” với hàm ý chúc “good day”. “Mate” cũng được dùng phổ biến tại Úc để chỉ cả nam lẩn nữ.

Nước Úc cũng làm phong phú thêm cho kho từ vụng tiếng Anh với một số từ có nguồn gốc từ thổ dân (aborigine) như “kangaroo” (chuột túi), “koala” (một loại gấu nhỏ), “dingo” (chó rừng), “kookaburra” (một loại chim có tiếng hót như tiếng cười), “boomerang” (một loại vũ khí của thổ dân có thể tấn công mục tiêu rồi lại quay về với người ném). Tại Úc còn có một loại vẹt rất ồn ào mang tên “galah” thế nên ai đó được gọi là “galah” sẽ là kẻ… lắm mồm!

Thổ dân và boomerang

Những người Anh di dân sang Úc được gọi là “pom” trong khi “whingeing pom” lại là cụm từ ám chỉ những thành phần xấu đến từ nước Anh trong thời kỳ Úc còn là thuộc địa. Người Úc và Tân Tây Lan còn dùng “larrikin” để nói đến những kẻ vô lại và một băng lưu manh lại được mệnh danh là “push”.

Về thực phẩm, xứ kangaroo có “tucker” để gọi chung các loại đồ ăn. Kem que được gọi là “icy-pole” và món đặc sản nổi tiếng của Úc có tên là “vegemite”, một loại mứt trét lên bánh sandwich như marmalade ở các nước dùng tiếng Anh là bản ngữ khác.

Đặc biệt hơn cả là món “rat’s coffin”, hoàn toàn không liên quan đến thịt chuột mà cũng chẳng phải là “quan tài chuột”, chỉ thuần túy là món bánh kẹp thịt theo cách gọi của người Úc xưa. Ngày nay, giới trẻ tại Úc đã quên dần cái tên “rat’s coffin”, họ thích “thịt chó nóng” (hot dog) của Mỹ hơn!

Vegemite

Một số người cho rằng xu hướng vay mượn trong ngôn ngữ là một hiện tượng đáng khuyến khích vì nhờ đó ngôn ngữ được phong phú hơn và sự giao tiếp với các ngôn ngữ khác cũng dễ dàng hơn. Nhiều người thậm chí còn nghĩ đến việc một ngày nào đó thế giới sẽ có một ngôn ngữ chung và tiếng Anh là ứng cử viên hàng đầu.

Ngày đó chắc hẳn còn quá xa vời vì ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để liên lạc giữa con người với nhau trong khi các dân tộc luôn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa của mình!

***

Chú thích:

[1] Geoffrey Chaucer (1343 – 1400) là tác gia, nhà thơ, nhà triết học, công chức, quan tòa và nhà ngoại giao người Anh. Ông được hậu thế tôn vinh là cha đẻ của nền văn học Anh, Chaucer còn được một số học giả vinh danh là tác giả đầu tiên thể hiện được tính nghệ thuật của tiếng Anh nguyên thủy, ngoài tiếng Pháp hay tiếng La tinh.

Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là tập truyện dài The Canterbury Tales còn đang viết dở dang. Các tác phẩm khác gồm:

  • The Book of the Duchess
  • The House of Fame
  • Anelida and Arcite
  • Parlement of Foules
  • Troilus and Criseyde
  • The Legend of Good Women
  • Treatise on the Astrolabe
Geoffrey Chaucer

[2] William Shakespeare (1564 – 1616) là một nhà văn và nhà viết kịch Anh, được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông cũng được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh. Những tác phẩm của ông bao gồm 38 vở kịch, 154 bản sonnet, 2 bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào.

William Shakespeare

[3] Paul Krugman viết trên Fortune: 
“The common denominator of the countries in this age of dashed expectations is that they are the countries where English is spoken. The non-English-speaking world often misses the tide simply because they are not able to read English economic theories in originals”

[4]: Trong cuốn English as a Global Language, David Crystal nhận xét:
“Both the range and depth of Shakespeare’s vocabulary comes from the way in which he employs Germanic words, French words and Latin words to characterise the different people that he has in his plays”

[5] Tham khảo về Hot Dog trên Wikipedia: 

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

--> Read more..

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Ngôn ngữ: tiếng Anh vòng quanh thế giới

Xanh đậm: những quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức
Xanh nhạt: Những quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai

Tiếng Anh ngày nay đang trên đường bành trướng khắp thế giới. Ở Âu châu, tiếng Anh đã chinh phục tiếng Pháp của Molière, tiếng Đức của Goethe, tiếng Tây Ban Nha của Cervantes… Tại Phi châu, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quan trọng bậc nhất tại các nước như Nam Phi, Liberia, Zimbabwe.

Sang đến Á châu, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng bản địa tại một số quốc gia như Phi Luật Tân (Philipin), Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai (Malaysia), Hồng Kông và ngay cả Việt Nam…


Trước sự bành trướng này, một số quốc gia ở Âu châu đã có những phong trào kêu gọi bảo vệ ngôn ngữ bản xứ trước làn sóng bành trướng của tiếng Anh. Điển hình tại Nga, Đệ nhất phu nhân Lyudmilla Putin là người cổ xúy việc bảo vệ tiếng Nga trước sự xâm nhập âm thầm của tiếng Anh.  

Tại một nước nhỏ như Thụy Sĩ, với dân số khoảng 7,5 triệu người nhưng lại có tới 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh, đã xuất hiện một tổ chức “Bảo vệ tiếng Pháp” qua chủ trương Thụy Sĩ không cần một ngôn ngữ chính thức thứ năm, ám chỉ tiếng Anh.

Người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chiếm khoảng 1/5 dân số, họ chống đối việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 9 tuổi trở lên tại những khu vực nói tiếng Đức. Lý do cũng dễ hiểu: phải đến 11 tuổi trẻ em mới được học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Ý tại khu nói tiếng Đức. Sẽ là điều bất hợp lý nếu dậy tiếng Anh trước cả tiếng Pháp, tiếng Ý.

Tại Pháp, Tổng thống Jacques Chirac đã từng quan niệm: “Đối với nhân loại, không gì tệ hơn là việc tiến đến tình trạng chỉ nói được có một ngôn ngữ”. Người Pháp bây giờ dùng những từ như “le week-end”, “OK”… một cách tự nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày. Ngược lại, nhiều người Pháp cứ tưởng “computer” có xuất xứ từ tiếng Anh trong khi nó có nguyên thủy từ tiếng Pháp gốc Latin!

Người Đức cũng rất chuộng tiếng Anh nhưng khổ nỗi họ phát âm giọng Đức nên nhiều người nước ngoài lại tưởng lầm là họ nói tiếng Đức. Họ dùng những cụm từ tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày như “happy birthday” (chúc mừng sinh nhật), “last minute” (vào phút chót), “just for fun” (cho vui vậy thôi)…

Tiếng Anh cũng được người Đức dùng để diễn tả những khái niệm như “sex appeal” (sự quyến rũ dục tính) hoặc “geoutet” được hiểu là người có khuynh hướng đồng tính. Tại Đức, “handy” được dùng để chỉ điện thoại di động (mobile phone) nhưng “mobbing” lại ám chỉ sự quấy rối tình dục tại nơi làm việc (harrassment in the work place).

Tại những quốc gia ở Âu châu mà tôi có dịp đến thăm, tiếng Anh được sử dụng tại nước Đức và Áo gây nhiều ấn tượng nhất. Ở những nơi này, ngoại ngữ được dạy ưu tiên trong trường học là tiếng Anh, kế tiếp theo đó là tiếng Pháp.

Tiếng Đức đã từng một thời là ngôn ngữ chung (lingua franca) ở trung tâm châu Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Về phương diện ngôn ngữ, khi đến Áo người ta có cảm giác là vẫn ở Đức vì cả hai nước đều dùng chung tiếng Đức. Cũng vì thế, khi họ nói tiếng Anh vẫn thấy cùng một giọng điệu, đó là “German accent”.

Giống như người Đức, người Hòa Lan cũng du nhập một số từ tiếng Anh nhưng lại biến đổi ý nghĩa. Đối với người Hòa Lan, “pocket” có nghĩa là sách bìa mỏng (paperback) còn “touringcar” lại là xe buýt đường dài (coach).

Tại Âu châu, tiếng Anh mang sắc thái riêng của từng quốc gia sử dụng nó nên có những thuật ngữ như“Franglais” là tiếng Anh của người Pháp, “Spanglish” tiếng Anh của người Tây Ban Nha và thậm chí còn có cả “Denglish” là tiếng Anh pha trộn với tiếng Đức tại những khu vực nói tiếng Đức.

Điểm nổi bật tại Âu châu là việc hình thành Liên minh châu Âu hay Liên hiệp châu Âu mà ta quen gọi theo tiếng Anh là EU (European Union). EU là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/11/1993.

EU có hơn 500 triệu dân với 23 ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng Anh là ngoại ngữ được 51% dân số EU sử dụng, bao gồm cả người bản ngữ tiếng Anh, sau đó mới là tiếng Đức và tiếng Pháp. Điều khá lý thú là người Anh chỉ chiếm 13% dân số EU nhưng tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ chính thức trong khi Đức chiếm 18% và Pháp 12% dân số. 

Cờ các quốc gia trong EU

Tại Phi châu, Cộng hòa Nam Phi có tới 11 ngôn ngữ chính thức: Tiếng Afrikaans, tiếng Anh, Ndebele, Bắc Sotho, Nam Sotho, Swati, Tsonga, Tswana, Venda, Xhosa và Zulu. Vì đã một thời là thuộc địa của Vương quốc Anh nên tiếng Anh ngày nay vẫn được sử dụng phổ biến trên toàn quốc. Trong 4 ngôn ngữ được dùng nhiều nhất tại các gia đình ở Nam Phi, tiếng Anh chiếm gần 6 triệu người trong số 47 triệu dân sinh sống tại đây.

Nigeria có đến 520 ngôn ngữ bản địa và đó cũng là lý do tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chính thức hầu tạo thuận lợi cho việc thống nhất văn hóa và ngôn ngữ. Sự lựa chọn này có liên quan đến một thực tế là một phần của dân số Nigeria nói tiếng Anh, kết quả của việc Nigeria nằm dưới sự cai trị của người Anh cho đến năm 1960.

Liberia cũng chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh 31 thổ ngữ địa phương. Tiếng Anh tại Liberia được gọi là “Liberian English” mang đậm ảnh hưởng của American English hơn là British English. Người ta nhận ra ngay tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ qua lá cờ của Liberia cũng với một ngôi sao và 11 sọc ngang màu đỏ trắng.

Quốc kỳ Liberia

Tại châu Á, thực tế cho thấy “cây ngôn ngữ tiếng Anh” (English language tree) lại được phân thành nhiều nhánh mà các nhà ngôn ngữ học gọi bằng các tên như “Singlish” (Singaporean English, tiếng Anh của người Singapore), “Manglish” (tiếng Anh tại Malaysia), “Chinglish” (Chinese English, tiếng Anh của người Tàu) và “taglish” (Tagalog English, tiếng Anh của người Phi Luật Tân nói tiếng Tagalog). 

“Cây Ngôn Ngữ” tiếng Anh khắp thế giới

Tại Phi Luật Tân (Philippines) có hơn 170 thổ ngữ địa phương được dùng nhưng theo hiến pháp năm 1987, Tagalog và tiếng Anh được chọn là ngôn ngữ chính thức. Việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân đã giảm sút kể từ thời cai trị của Hoa Kỳ nhưng ngôn ngữ Tây Ban Nha vẫn có ảnh hưởng lớn trong văn hoá Phi Luật Tân, một di sản của hàng thế kỷ thuộc địa Tây Ban Nha.

Ảnh hưởng văn hoá Hoa Kỳ đối với Phi Luật Tân chỉ bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay. Di sản lớn nhất là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh, còn được gọi là Taglish (Tagalog English). Thổ ngữ Tagalog, còn được gọi là Pilipino, được 1/3 dân số Phi Luật Tân sử dụng còn tiếng Anh được dùng trong các văn bản và hoạt động của chính phủ.

Cũng có một số khuynh hướng văn hoá Mỹ khác đang phát triển tại Phi như việc ưa thích thức ăn nhanh (fast-food). Bên cạnh những ông khổng lồ Mỹ như McDonald's, Pizza Hut, Burger King, KFC, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong nước cũng mọc lên như nấm, trong đó phải kể đấn Jollibee, Greenwich Pizza và Chowking.

Tôi đã đến Manila, thủ đô của Phi Luật Tân, và điều đáng chú ý là những chiếc Jeepney được sơn phết sặc sỡ chạy trên đường phố. Jeepney có xuất xứ từ xe Jeep của quân đội Mỹ để lại và được người Phi cải biến thành những chiếc xe bus chở khách. Người Mỹ đã ra đi nhưng họ còn để lại những chiếc Jeepney như một kỷ niệm sống động trong nền văn hóa đa dạng của Phi Luật Tân. 

“Jeepney”, nhãn hiệu xe chỉ thấy ở Phi Luật Tân

Tạp chí Asiaweek cho rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành “một cầu nối giữa các cá nhân, công ty và quốc gia tại châu Á trong thiên niên kỷ mới” [1]. Số đặc biệt trên Asiaweek cho rằng từ vị trí một kỹ năng hữu dụng, tiếng Anh ngày nay đã trở thành “điều kiện tiên quyết” (prerequisite) để người châu Á đạt được hai mục tiêu chính trong cuộc sống hàng ngày. Thứ nhất là việc làm tốt nhất và kế đến là thu nhập cao nhất.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Giáo dục Najib Tun Razak, tiết lộ với Asiaweek về mối quan tâm ngày càng gia tăng của chính phủ qua nỗ lực nâng cao trình độ tiếng Anh trong hệ thống giáo dục [2]. Ông cho rằng ngoài vai trò quan trọng trong các lãnh vực kinh tế và ngoại giao, tiếng Anh còn giữ vai trò một ngôn ngữ hàng đầu trong việc học tập vì hầu hết mọi sách giáo khoa đều viết bằng tiếng Anh trong khi chính phủ không thể nào dịch hết được sang tiếng bản xứ.

Người Malaysia nói thứ tiếng Anh mà họ gọi là Manglish (còn được gọi là Malglish hay Mangled English). Tiếng Anh loại này gồm một số từ ngữ có nghĩa lạ với những người nói tiếng Anh. Chẳng hạn như “OK lah” có nghĩa là khá tốt, nhưng “not bad” lại hàm ý rất tốt; “already” có ý là bây giờ như trong câu “he’s fat already”. “Send” lại có nghĩa là cho ai đó đi nhờ xe: “I send you home lah”. Muốn tìm hiểu thêm về Manglish mời các bạn theo dõi câu chuyện qua điện thoại trong hí họa dưới đây [3]:  

Manglish

Joseph Wong Wing-ping, viên chức hàng đầu ngành giáo dục Hồng Kông, lại đề cập đến vai trò của tiếng Anh trong công nghệ thông tin. Theo ông, ngày nay có đến 80% các trang web trên Internet sử dụng tiếng Anh cho nên việc thông thạo tiếng Anh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thông tin cũng như công nghệ vi tính.

Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Vốn là một thuộc địa cũ của Anh, các thảo chương viên người Ấn thông thạo tiếng Anh đã dành được rất nhiều hợp đồng giải quyết vấn đề Y2K [4] cho các khách hàng khắp thế giới. Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn giữ tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Hindu và 21 ngôn ngữ bản địa khác.

Hồng Kông xưa kia cũng là một thuộc địa của Anh nhưng trình độ tiếng Anh của người dân tại đây lại không phải là một điều đáng tự hào. Người Hồng Kông nói Chinglish, một loại tiếng Anh pha trộn giọng Quảng Đông (Cantonese) nên đúng ra phải gọi tiếng Anh tại đây là Cantonese English.

Asiaweek cho rằng có thể đánh giá một thành phố qua trình độ tiếng Anh của giới tài xế taxi. Tạp chí đã đưa ra một đoạn đối thoại dưới đây giữa phóng viên Asiaweek và một người lái taxi tại Hồng Kông:

- Wan Chai, please
            - Okay.
            - It is really hot to day, isn’t it?
            - Wan Chai, I know.
            - Can you drive faster?
            - Wan Chai, yes, yes.
            - Do you know what I’m saying?
            - Sorry, ng sik gon yin men [I don’t speak English].

Singapore là nước có trình độ tiếng Anh cao nhất trong khu vực. Dưới đây cũng là một đoạn đối thoại giữa phóng viên Asiaweek với một tài xế taxi tại Singapore:

- Amara Hotel please.
- Amara Hotel, yes, thank you.
- Do you always listen to this radio channel?
- Morning from 7 a.m. to 10 a.m. I listen to Newstalk. Then listen to Radio One.
- Do you know a lot about music?
- Wah, I driving every day. No music, I go crazy. I like English songs some more. Chinese songs okay, lah.      

Bác tài trong đối thoại trên đã dùng Singlish, đó là sự kết hợp giữa tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và một số ngôn ngữ khác tại châu Á. Ảnh hưởng của tiếng Hoa trong Singlish là điều dễ hiểu vì đảo quốc Singapore vốn là cựu thuộc địa của Anh, người gốc Hoa chiếm đa số trong hơn 3 triệu cư dân Singapore cộng thêm khoảng 700.000 người ngoại quốc

Một trong những lý do khiến Singlish trở nên khó hiểu đối với người nước ngoài là cách diễn tả tiếng Anh theo cú pháp tiếng Hoa (Chinese syntax). Ngoài ra, người ta phải chú ý đến thói quen dịch từng chữ những cụm từ tiếng Hoa sang tiếng Anh nếu muốn hiểu Singlish.

Tôi đã từng nghe một người Singapore nói: “You see me no up”. Mãi sau mới hiểu hàm ý người nói trách móc vì bị coi thường, nói theo tiếng Anh thuần túy là “You look down on ne”!

Thay vì hỏi “Where is the toilet?”, Singlish dùng lối diễn tả theo kiểu người Hoa: “This place got toilet or not?”. Câu hỏi mang tính cách “vòng vo Tam quốc” nhưng người nghe cũng có thể hiểu được. Thế nhưng, khi nghe hai thanh niên Singapore nói chuyện với nhau bằng Singlish chắc chắn người ta có cảm tưởng họ dùng một thứ ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh.

Bạn không tài nào hiểu được câu Singlish “Woh, lau! Shiok, man!”. Hỏi ra mới biết đây là lời mô tả một cuộc vui chơi đầy thú vị: “Wow, I had a great time! That was really fun!”. Bạn sẽ hiểu sao khi nghe ai đó nói: “I catch no ball”? Đối với người Singapore, câu nói đó có hàm ý thật đơn giản: “I don’t understand”.

Hơn ai hết, chính phủ Singapore biết Singlish là điều không đáng tự hào khi người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là những người thuộc thế hệ dưới 40 tuổi. Cũng vì thế, giữa tháng 5/2000 Singapore đề ra phong trào “Nói tiếng Anh chuẩn” (Speak Good English) với lời khuyên mọi người “Speak well - Be understood”, tạm dịch là hãy nói giỏi tiếng Anh và nói sao để người ta hiểu mình.

“Speak Good English” Movement tại Singapore

Để hướng dẫn mọi người nói tiếng Anh chuẩn, chính phủ Singapore phát hành một tập sách nhỏ liệt kê một số từ ngữ Singlish cần tránh. Chẳng hạn như thay vì dùng “gostan” khi lùi (de) xe, người dân được nhắc nhở dùng cụm từ “go astern” hay “reverse vehicle”.

Một số tiếng lóng địa phương cũng được khuyến cáo cần thay thế bằng tiếng Anh chuẩn. Chẳng hạn như “sabotage” (phá hoại) trong tiếng Anh đã bị “Singapore hóa” thành “sabo” với hàm ý quậy, chơi xỏ trong khi “confused” (lúng túng, khó hiểu) lại bị thay thế bằng “blur” trong Singlish.

Trong một bản tin mang tiêu đề ngộ nghĩnh theo phong cách Singlish “Campaign has Singapore asking: ‘Why cannot speak like dat, huh?” hãng thông tấn AFP trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Goh Chok Tong đại ý nói rằng việc sử dụng phổ biến Singlish sẽ làm sói mòn những nỗ lực của Singapore trên bước đường trở thành một nền kinh tế tầm cỡ thế giới đồng thời khiến người dân Singapore trở thành kém thông minh hơn [5].

Thủ tướng Goh Chok Tong đả phá quan niệm cho rằng sử dụng Singlish là điều tốt khiến cho người Singapore mang nhiều bản sắc Singapore hơn (speaking Singlish makes them more Singaporean)! Vấn đề đặt ra là rất khó thay đổi vai trò của Singlish vì loại tiếng Anh này đã ăn sâu vào cuộc sống của người Singapore. Nhiều người thậm chí còn đổi tên phong trào “Speak Good English” thành “Speak Good Singlish”.

Phong trào “Speak Good English”
đã bị nhiều người đổi tên thành “Speak Good Singlish”

Trên các kênh truyền hình tại Singapore có rất nhiều chương trình giải trí “TV sitcom” [6] trong đó các nhân vật đối thoại bằng Singlish. Cũng vì thế có ý kiến cho rằng nên duy trì Singlish trong lĩnh vực giải trí và văn học.

Một số các nhà giáo dục khuyên người Singapore cần nắm vững những quy luật căn bản của tiếng Anh nhưng họ cũng chấp nhận tính linh động của ngôn ngữ. Không thể nào kỳ vọng một thứ tiếng Anh chuẩn mực tại các khu lao động hay những nơi ăn uống hàng rong (food hawker centres).

Xem ra thì việc sửa đổi một thói quen về ngôn ngữ không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề có thể được gói trọn trong một thắc mắc được diễn tả theo Singlish: “So how, ah? Can or not? What, okay lah?”.

***

Chú thích:

[1] Nguyên văn bài viết trên Asiaweek, số ra ngày 30/7/99: “A bridge for individuals, companies and countries in Asia in the next millennium”

[2] Bộ trưởng Najib Tun Razak nói với Asiaweek: “There is a growing concern within the government that we have to make a very consciuos effort to improve proficiency in English throughout the educational system”.

[3] Nguyên văn câu chuyện bằng Manglish giữa người Malaysia với người Singapore:

“Ah Beng, wah your garmen [government] say no tok [talk] Singlish enemor [anymore]. Ayo so poorting. Nemmain lah, nektime [next time] you wan to tok Singlish, korme [call me] on my henfon [hand phone]. We ken tok [can talk] Manglish wat. Manglish sofanotchet [so far not yet] ban in Malaysia.

“Aiyah, donsaylikelet [don’t say like that] lah. Enitime [anytime] you kor [call] i sure layang you wan [want]. No problum [problem]! We are frenli [friendly] nayber [neighbor] mah!”

[4] Y2K (Year 2000): còn được gọi là lỗi thiên niên kỷ là trục tặc về máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Nguyên nhân là do các vi mạch đồng hồ điện tử không thể nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900, vì được lập trình với 2 chữ số cuối cùng của năm. Vấn đề xảy ra khi máy tính nhận dạng ngày 01/01/00 (ngày 1/1/2000) như là ngày 1/1/1900.

Nếu như không được sửa chữa kịp thời thì hệ thống làm việc lâu dài sẽ bị phá vỡ khi “...97, 98, 99, 00...” tăng dần theo thứ tự và trở nên không còn hợp lệ trong thứ tự năm, ví dụ như năm 19100. Ở các công ty và các tổ chức trên toàn thế giới đã kiểm tra, sửa chữa, và nâng cấp hệ thống máy tính của họ. Ngày nay, các máy tính đời mới đã khắc phục được sự cố Y2K.

[5] Nguyên văn lời phát biểu của Thủ tướng Goh Chok Tong với AFP: “Widespread use of Singlish will erode Singapore’s bid to become a world-class economy and make its citizens seem less intelligent”.

[6] Sitcom là từ viết tắt của “situation comedy”, tạm dịch là “hài kịch tình huống”. Làm phim theo kiểu “sitcom” đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu vì nó cho phép tiết kiệm kinh phí, tạo ra hàng trăm tập phim trong một thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu phát sóng liên tục của các đài truyền hình.

Đây là kỹ thuật làm phim truyền hình được quay bằng nhiều máy, thu tiếng trực tiếp tại phim trường, không phân cảnh trước và dựng phim tại chỗ. Cứ vài tập phim chuyển tải một câu chuyện có tính độc lập với nhiều tình tiết hài hước, tuy nhiên dàn diễn viên vẫn cố định suốt bộ phim.

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

--> Read more..

Popular posts