Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (7): Wollongong & Sydney


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 19/3/2013: Trip to Wollongong and Nan TienTemple

Hôm nay quả là một ngày bận rộn. Suốt buổi sáng quanh quẩn trong khuôn viên Nan Tien Temple mà vẫn cảm thấy còn có những nơi mình chưa xem nhưng tự nhủ lòng đến sáng mai sẽ là cơ hội cuối cùng để khám phá thêm về “Thiên đường phương Nam”.

Sau buổi trưa nghỉ ngơi ở Pilgrim Lodge chúng tôi lên xe ra phố để khám phá về một thành phố duyên hải có một cái tên mang âm hưởng của thổ dân: Wollongong. Thành phố này lớn thứ 3 trong tiểu bang New South Wales, sau Sydney và Newscastle, với dân số khoảng gần 200.000 người.

Wollongong được ví như cái nôi của những thiên tài thơ, ca, nhạc, họa, thêm vào đó là những nghệ sĩ tài năng trên thế giới tới định cư như họa sĩ John Vander. Ông đã tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ngay tại Wollongong và đưa thành phố này vào nền hội họa thế giới.

Tác phẩm của John Vander

Nền văn hóa đa dạng và phong phú của Wollongong chính là mảnh đất màu mỡ phát sinh nhiều lễ hội và các sự kiện văn hóa đầy màu sắc. Lễ hội Viva La Gong được tổ chức thường niên là dịp để kỷ niệm và giới thiệu nghệ thuật văn hóa theo những cách mới lạ và sáng tạo.

Những hoạt động biểu diễn cũng rất đa dạng về hình thức, từ những buổi biểu diễn độc tấu đến những cuộc diễu hành đường phố, hội chợ thực phẩm. Đặc biệt, lễ hội dân gian Illawarra là một lễ hội kéo dài nhất tại Wollongong, thu hút hàng nghìn khách du lịch.

Lễ hội Illawarra

Theo tài liệu hướng dẫn du lịch, Wollongong có đến 17 bãi biển và chúng tôi chọn Wollongong City Beach vì lý do ở đây có ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1936, một trong những hải đăng đầu tiên của tiểu bang New South Wales.

  
Quanh hải đăng còn có ba khẩu đại bác nặng 30kg chĩa ra 3 hướng. Đại bác được gắn đặt để phòng ngự từ đất liền, chống lại các cuộc xâm lăng từ biển.


Buổi chiều trên bãi biển Wollongong thật thanh bình. Người ta ra đây để ngắm cảnh, để chạy bộ. Nhiệt độ ngày hôm nay hơi lành lạnh nhưng những người địa phương đã quá quen với thời tiết tại đây nên đối với họ là mát!


Nhìn về phía bên trái, xa xa là Fishing Charters tựa như một làng chài ở Việt Nam. Có điều thuyền ở đây là loại du thuyền và câu cá là thú vui giải trí chứ không phải là kế mưu sinh.


Trên đường về lại chùa Nam Thiên, chúng tôi tình cờ gặp một tiệm ăn của người Việt mang tên Hạ Long Bay ở ngay một góc phố. Vì thời giờ có hạn nên chúng tôi không ghé vào thăm cho biết. Ở Wollongong cũng có một số du học sinh từ Việt Nam sang và tiệm ăn mang tên Vịnh Hạ Long chắc là của người Việt gốc miền Bắc.

Ha Long Bay, Vietnamese Restaurant

Trở về Nan Tien Temple thì đã hết giờ cho khách đến thăm, cửa đóng then gài. Chúng tôi phải xuất trình thẻ ra vào cho bảo vệ chùa và được mở cửa để vào Pilgrim Lodge. Vẫn còn quyến luyến cảnh chùa, tôi ra hồ sen ngồi một mình ngắm cảnh tĩnh lặng.

Ngày 20/3/2013: Sydney and the Darling Harbour

Sau một đêm nghỉ tại Pilgrim Lodge, tôi dậy thật sớn trước giờ tụng niệm trên chánh điện. Lại ra bên hồ sen ngồi một mình. Trong cái lạnh khi mặt trời chưa lên, nghĩ về cuộc đời mình, lắm khổ não, điêu linh nhưng cũng không ít những giờ phút hoan lạc, sung sướng.   

Tôi không phải là tín đồ thuần thành của Phật giáo, chẳng bao giờ đi chùa, không biết đến kinh kệ cũng như chưa từng dự một buổi thuyết giảng nào về đạo Phật.  

Nói một cách khác, tôi nghĩ “Phật tại Tâm” chứ không phài qua hình thức bề ngoài. Trong 14 lời răn của Đức Phật tôi được đọc trong sách, tôi tâm đắc nhất lời răn đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất trong đời người là cái bóng của chính mình”.

Những công trình như Nan Tien Temple để quảng bá một triết lý phương Đông ở một xã hội Phương Tây là một việc làm đáng trân trọng. Thị trưởng thành phố Wollongong và chính quền bang New South Wales cũng góp một phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho chùa sử dụng một khu đất rộng 26 héc-ta để xây dựng một cơ sở Phật Giáo vào năm 1990.

Vào hai ngày 7 và 8 tháng 10 năm 1995, lễ an vị Phật và Đại hội Phật giáo lần thứ 4 đã được cử hành tại Chùa Nam Thiên. Có hơn 50 ngàn người trên khắp thế giới về tham dự lễ. Cũng trong dịp này, trụ trì chùa Nam Thiên đã được chuyển giao cho sư cô Man Chien, người có trách nhiệm coi sóc và truyền bá Chánh Pháp tại Úc Châu.

Chùa Nam Thiên sẽ đóng một vai trò quan trọng như một chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Chùa được xây dựng theo kiểu phối hợp giữa kiến trúc cổ truyền của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đem truyền thống cổ xưa hòa vào với những cái độc đáo của thời hiện đại để tạo nên một cái chung nhất.

Cách đây vài trăm năm, các nhà truyền đạo Công giáo đã có mặt ở mọi nơi tại Á châu để rao giảng lời Chúa, nhưng không ai ngờ vào cuối thế kỷ 20 Phật Giáo lại được truyền bá sang phương Tây và phát triển rất nhanh. Hy vọng rằng Chùa Nam Thiên sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình trong công cuộc hoằng pháp.

Cổng chính Chùa Nam Thiên

Sau bữa ăn sáng ở Tea Room với món mì chay tại Nan Tien Temple chúng tôi tiếp tục lên đường tới Sydney, thành phố lớn nhất và cũng nổi tiếng nhất nước Úc, cách Wollongong khoảng hơn 80 km, chừng 1 giờ rưỡi lái xe.

Sydney, dù là thành phố lớn nhất nước Úc, cũng chỉ có dân số khoảng 4 triệu người, nơi đây còn được gọi là Thành phố Cảng. Sydney nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp và các công trình kiến trúc như Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House hay còn gọi là Nhà hát Con sò) và Cầu Cảng (Harbour Bridge, còn gọi là Chiếc mắc áo - Coathanger).

Sydney Opera House (bên trái) và Harbour Bridge (bên phải)
(Hình Wikipedia)

Trước đây tôi đã có lần đến Sydney, nơi đặt trụ sở chính của Australian Consolidated Press (ACP), một công ty truyền thông nổi tiếng của gia đình Packer với hàng loạt ấn phẩm như The Bulletin, Australian Women's Weekly, Woman's Day, PC User, Australian Geographic...

Năm 1991, ACP bước vào thị trường báo chí Việt Nam với tờ Vietnam Investment Review (bằng tiếng Anh) và Việt Nam Đầu tư Nước ngoài (sau đổi thành báo Đầu tư) qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (business cooperation contract) với chính phủ Việt Nam. Đó cũng là thời điểm tôi bước vào nghề báo khi làm việc cho đối tác ACP tại Việt Nam.

Đến Sydney lần này có nhiều khám phá thú vị. Trước hết, tôi có dịp tìm hiểu thêm về thế giới của khách du lịch mà ta thường gọi là “Tây Ba Lô” khi đến khách sạn Nomads Westend Backpackers nằm trên đường Pitt, ngay tại trung tâm thương mại của Sydney (người Úc gọi là CBD - Central Business District).   

Nomads Westend Backpackers

Giữa một Sydney đắt đỏ, việc lựa chọn Nomads Westend Backpackers xem ra hợp lý nhất vì ngoài lý do kinh tế, địa điểm của khách sạn rất gần với Circular Quay, nơi có thể ngắm nhìn Cầu Cảng lẫn Nhà hát Con sò. 

Đúng như tên gọi của khách sạn cao 13 tầng có rất đông khách du lịch trẻ thường mang ba-lô nhưng cũng có những khách châu Á với hành lý sang trọng vào check-in.    

Hình chụp lúc 5g sáng 
khi check-out Nomads Westend Backpackers

Để đến Circular Quay, từ khách sạn chúng tôi đi xe bus miễn phí mang số hiệu 555 (thật dễ nhớ đối với dân ghiền thuốc lá ba số 5!).  Bến tàu là một trong những địa điểm tập trung nhiều khách du lịch đến Sydney nhất. Đó là một con đường dài chỉ dành cho người đi bộ với các nhà hàng sang trọng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán nước bình dân ngoài trời, thậm chí còn có cả xe bán giải khát.

Thỉnh thoảng nhìn lên cao có thể thấy những chuyến xe lửa chạy ngay trên đầu. Đi dọc theo bến cảng sẽ dẫn đến Nhà hát Opera mang hình tượng con sò nhưng có người lại nói giống như những cánh buồn tung gió trên biển cả.

Nhà hát chiếm một diện tích 1,8 héc-ta với chiều dài 183 m, rộng 120 m. Những con số thống kê thật đáng nể: tại Opera House có đến 580 cột bê tông đóng sâu 25 m dưới mực nước biển, mái được lợp bằng 1.056 triệu viên ngói màu trắng sản xuất tại Thụy Điển, được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong.

Trong cuộc thi thiết kế nhà hát năm 1955, điều bất ngờ là bản vẽ của một kiến trúc sư người Đan Mạch, Jørn Utzon, đã được chọn. Chính kiến trúc sư Utzon đã đến Sydney năm 1957 để giám sát công trình và lễ khởi công xây dựng bắt đầu từ tháng 3/1959, đến năm 1973 mới hoàn tất.

Nhà hát Opera

Từ Nhà hát Opera nhìn sang trái là chiếc cầu mang tên Sydney Harbour Bridge có đường dành cho xe lửa, xe hơi và cả người đi bộ. Mặt cầu có 6 làn xe, 2 làn đường (trước đây là tuyến đường xe điện) và một đường đi bộ phía đông, và 2 đường xe lửa và 1 đường đi xe đạp ở phía tây. Harbour Bridge được thiết kế theo hình vòng cung với chiều dài 509 m, chỉ riêng mái vòm cũng đã nặng 39 tấn.

Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới, Sydney Harbour Bridge là cầu một nhịp với bề rộng 46 m lớn nhất thế giới. Cầu Cảng cũng là chiếc cầu vòm thép cao nhất với đỉnh cầu cao tới 134 m và là cầu vòm dài thứ 4 trên thế giới. Cầu được chính thức khánh thành vào năm 1932 và từ đó trở thành một trong những biểu tượng của Úc bởi đường nét thanh mãnh và kiến trúc đặc biệt.

 Chiếc mắc áo giữa trời và biển

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

1 nhận xét:

  1. Theo anh miết"Mệt quá đôi chân này, ngồi xuống chứ để nghỉ ngơi"!
    :)
    Chò xem tiếp!

    Trả lờiXóa

Popular posts