Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

Hình chụp tại Hội hoa xuân, vườn Tao Đàn, Sài Gòn

Mở đầu câu chuyện “Năm Ngọ nói chuyện Ngựa” tự nhiên tôi lại nghĩ ngay đến Lục súc tranh công mà ngày còn nhỏ đã phải học trong chương trình cổ văn ở trung học. Chuyện bằng thơ Nôm, kể sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình. Trâu thì cho rằng mình phải làm ăn vất vả mới sinh ra thóc, gạo; Chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; Dê thì rằng có công trong việc tế lễ; Gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; Lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế… Đến anh lượt chàng ngựa người ta thấy ngay cái bản tính… “thẳng như ruột ngựa”:  

Ngựa nghe nói, tím gan, nổi phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai:
"Ớ ! này, này, tao bảo chúng bay,
Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa?

Tuy rằng thú, cũng hai giống thú,
Thú như tao ai dám phen lê [phân bì]
Tao đã từng, đi quán, về quê,
Ðã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.

Ông Cao Tổ năm năm thượng mã,
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia,
Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
Vì cậy có Thanh Long, Xích thố

Các chú đặng ăn no, nằm ngủ,
Bởi vì ta cần cán, giữ gìn.
Khắn khắn lo nhà trị, nước yên,
Chốn chốn đặng nông bô lạc nghiệp.

Các chú những nằm trong xó bếp,
Tài các ngươi ở chốn quê mùa.
Ðừng đừng buông lời nói khật khù
Bớt bớt thói chê bai giớn giác.

Nếu tao chẳng lo trong việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bay?
Thật biết một mà chẳng biết mười,
Chớ lừng lẫy cậy tài, cậy thế.

Nghe xong lời “điều trần” của ngựa, chủ nhà chỉ biết phán hai câu:

Ðại tiểu các hữu kỳ tài,
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã.

Hai câu sau cùng đúng là “nho chùm nho trái” khiến bọn học trò chúng tôi còn phải học thêm câu diễn nôm: “Vật lớn vật nhỏ đều có một nghề tài giỏi riêng cho nên không được ganh tị lẫn nhau”.

Giống ngựa nổi tiếng Westphalian của Đức

Trong đoạn thơ vừa dẫn, anh chàng ngựa còn có một điều để tự hào về bản thân mình qua câu “Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa?” khiến người ta liên tưởng đến câu nói “đầu trâu mặt ngựa” để diễn tả những khuôn mặt “đen” của giới giang hồ có “số má”.

Nhưng chưa hẳn là vậy vì cũng khuôn mặt ngựa đã tạo nên một tài tử lừng danh chuyên đóng phim hài hước chiếu tại Sài Gòn vào thập niên 60. Đó là anh hề Fernandel, người Pháp. Ai đã coi phim có Fernandel đóng một lần là không thể quên được khuôn mặt này qua các bộ phim nổi tiếng như “Alibaba và 40 tên cướp” hoặc Don Camilo trong vai cha sở trong một làng miền Bắc nước Ý.

Fernandel nổi tiếng đến nỗi được Đức Giáo Hoàng Piô XII mời đến Vatican để ngài… “được gặp một linh mục danh tiếng nhất sau Giáo hoàng!”. Anh tên thật là Fernand Contandin, bà mẹ vợ thường giới thiệu anh với mọi người là “Contandin la Fernand d’elle” (Fernand chồng con gái tôi). Thế là Contandin lấy biệt danh Fernandel và trở thành vua hề nổi tiếng thế giới. Người ta kể có lần Fernandel đi dự đám ma, cái nét “mặt ngựa” của anh trong bầu không khí trang nghiêm khiến cho mọi người không khỏi bấm bụng cười thầm!
   
Fernandel với khuôn mặt... dài như mặt ngựa

Tiếng Việt quả là phong phú. Trong Lục súc tranh công có nhắc đến Xích Thố (ngựa đỏ) là tên con ngựa có bộ lông màu hồng do Quan Công cưỡi. Trái lại, ngựa đen tuyền người ta bảo đó là “ngựa ô”, chẳng hạn như trong bài dân ca Lý ngựa ô hay Ngựa ô thương nhớ có những câu như “Khớp con ngựa ngựa ô… Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng…”.

Tuy vậy, không thể áp dụng cách “suy ra” để nói con mèo đen là “mèo ô” mà phải là “mèo mun”, cũng tương tự với con chó có bộ lông màu đen phải là “chó mực” chứ không ai nói… “chó ô”! Người nước ngoài học tiếng Việt chắc phải điên đầu vì những trường hợp hắc búa như vậy.

Ngựa có nhiều màu sắc, nếu bộ lông màu trắng gọi là “ngựa bạch” hay còn gọi là “bạch mã”. Ngày nay các cô gái đến tuổi cập kê luôn mơ tưởng đến “bạch mã hoàng tử” cưỡi con ngựa trắng “phi nước đại” vào… cuộc đời của mình!

Trong Tây du ký của Lê Thừa Ân cũng có con ngựa trắng là đồ đệ thứ tư của Đường Tăng, sau Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng và Sa Ngộ Tĩnh. Con ngựa trắng có nguồn gốc từ con rồng nên được gọi là Bạch Long Mã hay Tiểu Bạch Long là con của Tây Hải Long Vương. Do có lỗi lầm nên Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc tội.

Đường Tăng trên lưng Bạch Long Mã cùng 3 đồ đệ trên đường đến Tây Trúc

Ngựa có bộ lông màu đen pha đỏ đậm là “ngựa hồng” nhưng chắc chắn không thể nào sánh bằng con Xích Thố của Quan Vân Trường ngày xưa. Nếu lông nàu tím đỏ pha đen được gọi là “ngựa tía” và màu trắng sọc đen là “ngựa vằn”. Loại ngựa vằn này ngày nay người ta vẫn thắc mắc không biết đó là “con ngựa đen sọc trắng” hay là “ngựa trắng có sọc đen”.  

Ngựa vằn nổi bật với những vằn trắng và đen xen kẽ, chúng là loài động vật hoang dã sống theo bầy đàn, khác hẳn loài tương cận có quan hệ gần gũi như ngựa và lừa. Ngựa vằn Grevy ở châu Phi là loại ngựa hoang chạy nhanh nhất, đạt tới vận tốc 72km/giờ lúc bị săn đuổi.

Ngựa vằn

Tạo hóa thật trớ trêu vì đã sinh ra một con ngựa được đặt tên là Eclyse, đó là sự kết hợp của ngựa trắng và ngựa vằn. Tưởng chừng như có kẻ chơi ác phun sơn trắng xóa lên mình con ngựa, rồi giữa chừng bị bắt quả tang, gã bỏ chạy tháo thân để lại tác phẩm còn dang dở: chỗ trắng như tuyết, chỗ vằn vện loằn ngoằn.

Bộ lông trắng tuyết pha sọc vằn của ngựa Eclyse hoàn toàn là do sự xếp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa. Eclyse đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý ở nông trại Schloss Holte Stukenbrock, nằm giáp ranh biên giới giữa Đức và Hà Lan. Chủ nông trại cho biết:

“Eclyse thừa hưởng sự pha trộn giữa hai dòng máu không chỉ về ngoại hình mà còn cả về tính cách. Bình thường nó tỏ ra hiền dịu, dễ dạy bảo chẳng khác gì ngựa mẹ Eclipse, nhưng đôi khi tính khí lại bất chợt hung hăng đúng như “phong cách” ngựa vằn của ông bố Ulysses!”.

Ngựa vằn Eclyse

Ngựa cũng đã đi vào tôn giáo. Đức Thích Ca Mâu Ni luận về bốn loại ngựa. Loại thứ nhất là loại ngựa tuyệt hảo. Ngay khi người chủ nhấc roi lên, nó sẽ biết là chạy hay dừng lại. Đây là loại ngựa “thượng hạng” có thể hiểu rõ mọi việc tận chân tơ kẽ tóc.

Loại thứ hai là loại ngựa tốt. Khi người chủ nhấc roi lên, nó không chạy ngay nhưng khi roi đụng vào mình nó thì nó sẽ hiểu. Loại thứ ba là loại ngựa bình thường. Nó không làm theo lệnh của chủ ngay cả khi bị quất roi. Chỉ khi người chủ điên lên và quất mạnh vào nó thì mới chạy. Loại cuối cùng là loại ngựa kém. Nó không chạy ngay cả khi bị quất roi mạnh. Người chủ không còn cách nào khác phải vụt thật mạnh làm nó đau thấu xương mới chạy.

Đức Phật sau đó thuyết giảng về 4 loại người tương ứng với loài ngựa. Loại thứ nhất cảnh giác khi biết được bản chất vô thường của cuộc sống, họ giống như loại ngựa thượng hạng. Loại thứ hai không nhanh nhạy nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn rồi khuyết, đời người lúc thăng lúc trầm, họ cũng kịp thời tự giác. Họ giống như loại ngựa tốt.

Loại thứ ba phải mất nhiều thời gian hơn để học được một cách khó khăn và chỉ đến khi chịu đựng thống khổ hoặc chính bản thân họ gặp tai ương thì mới bắt đầu tỉnh ngộ. Loại cuối cùng nói đến những người không chịu hối tiếc cho đến khi bị ốm nặng đang trên bờ vực của cái chết. Lúc đó họ mong muốn có một cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm đã mắc phải trong cuộc đời để có một sự khởi đầu mới nhưng đã quá muộn.

Ngựa Kan-Tha-Ka của Đức Phật Thích Ca

Trở lại Việt Nam, hình ảnh con dê được gán cho nam giới có tính trăng hoa, ưa tán tỉnh phụ nữ để rồi “quất ngựa truy phong”. Người bình dân hay dùng cụm từ “dê gái”, nếu tuổi đã cao mà còn ham “dê gái” thì bị gọi là “dê cụ”, “dê xồm” hay “dê đạo lộ”! Ngược lại, con ngựa lại là “biểu tượng” của những người phụ nữ thuộc loại “voi giày, ngựa xéo”. Bạn không tin ư?

Kho tàng văn chương bình dân có tiếng lóng “con ngựa”, thậm chí còn có cụm từ “con đĩ ngựa”, để ám chỉ những phụ nữ hiếu dục nhưng cũng có thể người bị cho là “ngựa” chỉ là cách gán ghép ác ý của những người trong cơn giận giữ. 

Người miền Trung còn dùng cụm từ “Con ngựa Thượng Tứ” mà nhà văn xứ Huế Nhã Ca giải thích trong một truyện cùng tên. Đây là đoạn đối thoại giữa hai người đàn ông, một lớn, một nhỏ:

- Bác ơi, người ta hay chửi "con ngựa Thượng Tứ" là nghĩa làm sao, bác."
- Ui chui choa. Tiếng đó nặng lắm nghe. Người ta chửi mấy con đĩ ngựa, mấy đứa con gái hư. Nguời ta chửi "đồ ngựa thượng tứ" là con nớ hết xài rồi, đồ gái thúi rồi. Cậu muốn biết thì tui kể cho mà nghe nì. Cửa Thượng Tứ là tên chính của cửa Chánh Tây, người mình gọi là Thượng Tứ, tại vì ở cửa thành ni có có trại huấn luyện ngựa, có rứa thôi…. Con ngựa tứ là con ngựa chạy giỏi. Trại ngựa này phải huấn luyện cho vua những con ngựa tứ chạy đã nhanh mà phải sải đều bốn vó. Con ngựa phải đẹp, lông mượt, chân dài, mắt tinh khôn…
- Ngựa tứ là ngựa đẹp, chạy giỏi, vậy tại sao nhiều cô con gái bị rủa là ngựa Thượng Tứ.
- Cũng không chỉ rứa mô, cậu nờ. Người ta còn noái hồi trước có Mã binh chuyên lo về ngựa. Ngựa thao diễn chạy từ cửa Thượng Tứ tới Gia Hội, từng đoàn rực rực, lồng lộn, ý nói mấy con tinh ranh lồng lộn tìm đực như ngựa cái đó cậu ơi.

“Con ngựa phải đẹp, lông mượt, chân dài, mắt tinh khôn…”

À ra thế. Ngựa Thượng Tứ nói khác đi chính là những con “mèo động đực” như dân gian thường ví von. Ở một khía cạnh khác, con ngựa cũng dính dáng một ý nghĩa xấu đối với những kẻ tham nhũng, phạm pháp vì họ phải ra trước “vành móng ngựa” mà tiếng Anh gọi là “bar of courts” hay “bar of judicature” được thiết kế giống như hình chiếc móng ngựa.

Tại sao lại gọi là “vành móng ngựa” chứ không phải là “vành móng trâu” hay “vành móng bò”? Có người giải thích hồi xưa ở La Mã, khi xử tội, trừng trị các phạm nhân, người ta thường dùng ngựa để xé xác hoặc dày xéo lên thân thể của họ. Bên Tàu cũng có hình thức “tứ mã phanh thây”, tàn bạo không kém gì thời La Mã xưa.

Vành móng ngựa

“Vành móng ngựa” là biểu hiện một điềm xấu nhưng người Tây Phương lại tin tưởng rằng chiếc móng ngựa hình chữ U là vật linh thiêng mang lại sự may mắn. Người ta treo móng ngựa trước cửa để xua đuổi ma quỷ, ngăn cản điều ác và cái xấu vào nhà.

Móng Ngựa trong năm 2014 là một biểu tượng được thiết kế đặc biệt qua các bộ sưu tập thời trang cho thấy mối quan tâm trong năm Giáp Ngọ tại thị trường thời trang Châu Á. Từ quần áo cho đến đồ trang sức, từ Chloe cho đến Hermes, từ cao cấp cho đến bình dân, biểu tượng Móng Ngựa đã làm một cuộc xâm lăng ngoạn mục.

Móng ngựa và thời trang

Thập niên 60-70 vào thời trẻ của nhiều người, trong đó có tôi, rất khoái nhân vật truyện tranh Lucky Luke [1],với biệt danh “bắn nhanh hơn cái bóng của mình”. Lucky Luke “một mình một ngựa” lang thang khắp miền Tây nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 để bảo vệ công lý và lẽ phải. Đồng hành với chàng cao bồi này là Jolly Jumper, được mệnh danh là “chú ngựa chạy nhanh nhất miền Tây”. Là con ngựa đặc biệt, Jolly Jumper biết đi trên dây, thông minh tới mức cùng chơi cờ với Lucky Luke và khi nói chuyện có thể trích dẫn cả văn học.

Jolly Jumper nhiều lần cứu Lucky Luke thoát khỏi những cảnh ngộ khó khăn nhưng hai nhân vật này thường xuyên trêu trọc nhau. Có lần Jolly Jumper “chọc quê” Lucky Luke soi gương trước khi đi gặp người đẹp, chàng cao bồi chê lại Jolly Jumper “ở truồng” vì chú ngựa này trên mình “chỉ có một cái yên nhỏ che thân”.

Jolly Jumper đánh cờ với Lucky Luke, chú chó Rantanplan nằm… gặm quân cờ

Người Phương Tây còn coi ngựa là một trong những chòm sao được hình tượng hoá qua người bắn cung Sagittarius xuất hiện dưới dạng hình “nhân mã”, cũng tương tự như cung Ngọ trong mười hai cung của phương Đông. Từ con vật đời thường, với bản tính tốt đẹp mà con người đã gán cho nó, thần thánh nó, huyền thoại nó, ngựa đã trở thành hình tượng nghệ thuật, trở thành con vật linh thiêng, hoá thân vào đời sống văn hoá tâm linh.


Nàng Godiva cưỡi trên một con ngựa trắng, tranh của John Collier

Về nhân tướng, theo quan niệm của Phương Đông, những người sinh năm con ngựa thường có cá tính phóng khoáng, không căn cơ, có năng lực suy nghĩ độc lập và ít để bụng, “thẳng như ruột ngựa!”. Gặp việc gì họ cũng thường bắt tay làm ngay, không chần chừ do dự. Nhưng chính sự nhanh nhẹn đó lại cấu thành điểm yếu của họ: nóng vội và thiếu kiên nhẫn thành thử mới có câu “ngựa non háu đá”.

Nhân nói về ngựa đá, người Nga có lời khuyên: “Hãy cẩn thận khi đứng phía trước con dê, cẩn thận khi đứng phía sau con ngựa và với con người thì đứng bất cứ phía nào cũng phải dè chừng”. Chỉ khi nào mắt nhắm tay xuôi người ta mới chợt nhận ra chân lý: “ngựa chết là ngựa không đá”.   

Đó là một bài học thâm thúy về con người, chúa tể của muôn loài. Cũng từ ngựa ta có một chuyện đáng để suy gẫm trong Cổ học Tinh hoa: “Tái ông thất mã” [2]. Nếu ai cũng giữ được thái độ “dửng dưng” như ông già họ Tái khi mất ngựa thì cuộc đời sẽ trở nên đơn giản vì mất đó lại được đó, vui buồn cứ kéo đến rồi đi, có lúc lên xe, xuống ngựa” nhưng cũng có lúc phải “làm thân trâu ngựa”.

Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, người viết bài này chỉ xin chân thành chúc bạn đọc giữ được tâm “ung dung tự tại” trước những biến cố của cuộc đời vì trong cái rủi luôn có cái may.

***

Chú thích:

[1] Lucky Luke là chàng cao bồi, nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên do họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác từ năm 1946. Những truyện Lucky Luke đầu tiên được in trên báo Spirou tiếp đó Pilote, trước khi được phát hành dưới dạng tập truyện tranh. Những tập truyện tranh này thành công rực rỡ, phát hành 270 triệu bản qua 31 thứ tiếng.

Hình ảnh không đổi cuối mỗi tập truyện là Lucky Luke cưỡi chú ngựa Jolly Jumper đi về phía cuối chân trời và hát bài "Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa..." bằng tiếng Anh:

“I'm a poor lonesome cow-boy
And a long far way from home”

Tượng Lucky Luke và Jolly Jumper tại Charleroi (Bỉ) nơi các nhân vật chuyện tranh ra đời như Spirou, Luky Luke, Marsupilami, Ball and Bill…

[2] Đọc thêm về chuyện “Tái ông thất mã” qua bài viết “Góp nhặt buồn vui thời cải tạo” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-cai-tao.html

***

Bình luận trên FB:



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Ngọc Lan - tiếng hát một loài hoa… bạc mệnh

Ngày nay, giới showbiz trong nước thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài cái tên quá quen thuộc với người nghe nhạc đứng tuổi, nhưng kỳ thật đó chỉ là việc sử dụng những “nghệ danh” của lớp ca sĩ đi trước. Sự trùng hợp tên tuổi này có thể là vô tình nhưng chắc chắn cũng có những trường hợp “kẻ hậu sinh” cố ý dùng một cái tên nổi tiếng một thời để tiến bước vào làng ca nhạc.

Nói theo ngôn ngữ bình dân, những trường hợp trùng tên như vậy được coi như “dựa hơi”… chẳng hạn như cái tên Thanh Thúy, một ca sĩ có giọng hát “liêu trai” của Sài Gòn xưa đã một thời khiến nhiều người phải “mê mệt”, họ thuộc lứa tuổi U-60, U-70, thích những bài hát như Nửa đêm ngoài phố, Phố đêm, Phố buồn...  

Giờ chỉ cần gõ hai chữ “Thanh Thúy” trên Wikipedia ta có ngay 3 nhân vật khác nhau: (1) Thanh Thúy sinh 1943, ca sĩ ở miền Nam Việt Nam thập niên 1960 và tại hải ngoại sau năm 1975; (2) Thanh Thúy sinh 1977, ca sĩ và diễn viên từng đạt Giải nhất Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm 1994, Giải nhất Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1997, đồng thời là diễn viên trong một số bộ phim; và (3) Thanh Thúy sinh năm 1982, diễn viên truyền hình & sân khấu kịch từng đoạt nhiều giải trong HTV Awards 2008, từng tham gia trong bộ phim Lọ lem thời @Nhiệm vụ đặc biệt...

Hiện tượng trùng tên cũng được lập lại với Ngọc Lan. Trên Google, gõ tên Ngọc Lan tôi nhận được khoảng 1.010.000 kết quả trong vòng 0,55 giây. Trong số những kết quả này, một phần nhỏ dành cho ca sĩ “đương thời” Ngọc Lan, người Hà Nội. Cô thường xuyên biểu diễn và giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ hội Âm nhạc Hà Nội trên Đài phát thanh-truyền hình Hà Nội.

Đa số phần kết quả còn lại nói về ca sĩ Ngọc Lan tại hải ngoại, một ca sĩ nổi tiếng mà bài viết này đề cập đến. Sẽ có không ít các bạn trẻ ở trong nước chưa được nghe Ngọc Lan hát và không chừng chưa từng biết ngoài cái tên Ngọc Lan “Hà Nội” còn có một cái tên Ngọc Lan ở… hải ngoại.   

Wikipedia không tiếc lời ca tụng Ngọc Lan “hải ngoại”: “Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán giả đặc biệt yêu mến vì khuôn mặt khả ái và tính cách nhút nhát, khiêm tốn của mình. Ngọc Lan được cho là một trong những ca sĩ thành công và nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam sau năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa có một nghệ sĩ nào lặp lại được trường hợp tương tự. Phong cách và lối trình diễn của cô không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới thưởng ngoạn mà còn góp phần ảnh hưởng đến các tiếng hát thuộc thế hệ trẻ sau này tại nước ngoài như Minh Tuyết, Y Phương, Lâm Thúy Vân...

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhận xét: "Trong số những giọng ca chúng tôi bắt gặp trước năm 1993 tại hải ngoại thì giọng hát, cách hát của Ngọc Lan đã gây trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng cô Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên… Ngọc Lan ở nước ngoài".

Ngọc Lan (1956-2001)

Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, có tên Thánh là Maria, sinh ngày 28/12/1956 tại Nha Trang. Cô là người thứ năm trong gia đình có 8 người con, cha của cô, ông Lê Đức Mậu, đã từng phục vụ trong binh chủng Truyền tin của Quân Lực VNCH. Khi còn ở Việt Nam, cô đã từng theo học ở trường Lý Thường Kiệt, vùng Hốc Môn, ngoại ô Sài Gòn.

Năm 1980 Ngọc Lan vượt biển đến Laemsing, Thái Lan, và sau đó định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ. Hai năm sau, cô thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California. Lê Thanh Lan bước vào thế giới ca nhạc với cái tên Ngọc Lan vì tên thật của cô trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng từ trước 1975 tại Sài Gòn.

Qua sự giới thiệu của ca sĩ Duy Quang, cô đã hát tại một số quán cà phê nhạc và các buổi biểu diễn văn nghệ nhỏ. Cố ca sĩ Duy Quang nhớ lại: “Tôi đã nghe lại một số bài hát của Ngọc Lan và thấy là những bài đó rất tuyệt vời, tôi nghĩ là tôi sẽ không quên được Ngọc Lan trong trái tim của tôi”.

Trong những buổi đầu đi hát hình như Ngọc Lan chỉ nhắm vào mục đích kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình đồng thời trang trải việc học hành. Ba đêm cuối tuần đầu tiên trong cuộc đời ca hát tại quán Hoài Hương cô nhận được thù lao $35 nhưng sau một thời gian “hành nghề tay trái” cô đã từng có ý định bỏ nghề ca hát để về phụ gia đình bán hamburger.

Một lý do khác nữa có thể là Ngọc Lan cảm thấy thanh quản của mình không cho phép cô hát nhiều. Có lẽ cũng vì thanh quản “có vấn đề” nên giọng ca của Ngọc Lan trở nên đặc biệt, không giống một ca sĩ nào. Giọng của Ngọc Lan qua thanh quản phát ra những âm thanh trong trẻo, phần nào được thể hiện qua giọng mũi.

Nhiều người còn ví Ngọc Lan hát tự nhiên như… “giọng hát trẻ thơ”, hát như nói chuyện, hát dễ dàng như ta thở. Giọng ca đặc biệt đó không có âm vực sâu và cũng không có độ ngân dài hay độ luyến láy phong phú như phần đông các ca sĩ khác. Thế nhưng, người nghe vẫn cảm nhận được sức hút của giọng hát mỗi khi Ngọc Lan cất tiếng. Thêm vào đó là sự quyến rũ của ngoại hình với mái tóc uốn quăn, lọn nhỏ được đánh rối một cách khéo léo khiến khán giả hoàn toàn bị Ngọc Lan chinh phục.

Người ca sĩ Tài & Sắc vẹn toàn

Người ca sĩ nào cũng cần hội đủ cả hai yếu tố Ngoại hình và Giọng hát mới đủ sức chinh phục khán giả. Thanh và Sắc kết hợp với nhau để biến ca sĩ thành hình tượng của công chúng, kém “sắc” thì chỉ hát qua làn sóng điện hay ghi âm trên đĩa hát… đó là những trường hợp ca sĩ “hẩm hiu” tựa như anh đánh cá Trương Chi có tiếng sáo tuyệt vời nhưng ngoại hình lại xấu xí trong truyện dân gian Trương Chi-Mỵ Nương. 

Một fan hâm mộ Ngọc Lan mô tả: “Cô có một làn da trắng nõn nà như lai người Tây Phương. Khuôn mặt trái soan, sống mũi dọc dừa, cặp mắt bồ câu luôn đượm nét u buồn ướt mi và miệng viền trái tim. Lông mày rậm với mái tóc uốn cong dài và dầy làm tăng vẻ đẹp của một tuyệt sắc giai nhân…”

Ngọc Lan đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc khi cộng tác với Trung tâm Mây Productions. Những đĩa CD mang tên Ngọc Lan ồ ạt ra mắt người hâm mộ đến độ Mây Productions phải đánh số thứ tự, khởi đầu là CD Ngọc Lan 1 mang tựa đề Như em đã yêu anh được thực hiện năm 1989, tiếp đến là Ngọc Lan 2: Mặt trời bên kia mùa hạ (1991)…

Có đến hơn một chục CD mang tên Ngọc Lan phát hành độc quyền với Mây Productions với giá bán lẻ từ $9.95 đến $12.95 vì lý do đĩa hát của Ngọc Lan “ăn khách” và trung tâm này trả tiền cát-sê cao cho ca sĩ. Đến năm 2001, Mây Productions bị phá sản vì nạn… sang băng đĩa lậu.

CD Ngọc Lan 4: Tình xanh

Cuối thập niên 80 người nghe và xem ca nhạc tại hải ngoại khao khát sự xuất hiện của những khuôn mặt mới, giọng ca mới sau một thời gian cảm thấy bị “bội thực” vì những tên tuổi đã thành danh tại Sài Gòn trước năm 1975 như Khánh Ly, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Sĩ Phú, Elvis Phương…

Không ai phủ nhận tài năng của Ngọc Lan nhưng một trong những yếu tố giúp cô ca sĩ này thành công lại còn tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện để được coi là “người mở đầu một một trường phái” như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ca tụng. Trường phái đó còn được gọi là “dòng nhạc hải ngoại” với sự góp mặt của Don Hồ, Kiều Nga, Lưu Bích, Linda Trang Đài… qua nhạc trữ tình, kể cả New Age, New Wave, Jazz, Rock, Pop và cả Rap sau này.

Từ năm 1987 Ngọc Lan trở thành một trong những “ca sĩ hàng đầu tại hải ngoại” và vị trí này được lập lại liên tiếp trong 4 năm. Một lý do khác nữa giải thích cho sự thành công của Ngọc Lan là khả năng hát những bản nhạc ngoại quốc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc những bản nhạc nước ngoài được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Ngọc Lan đã thành công với các bản nhạc Pháp như Vivre pour toi, mourir pour toi (Tất cả cho anh), La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Mal de toi (Đau đớn riêng em), Il pleut sur Bruxelles (Tình đến rồi đi), Je ne purrais jamais t’oublier (Mưa trên biển vắng), Tombe la neige (Tuyết rơi)… Bên cạnh đó là những bản nhạc tiếng Anh cũng được Ngọc Lan khai thác như Love is blue (Tình xanh), Whenever you come to me (Khi anh gần em), Prisoner (Đọa đầy)…

Trong ca khúc Pháp, Joe le taxi, Ngọc Lan cho thấy ngoài giọng ca điêu luyện, diễn xuất tươi trẻ, cô còn là một vũ công “có hạng” bên những vũ công chuyên nghiệp trên sân khấu. Cô biểu diễn những bước cha-cha-cha, rumba, mambo thật điệu nghệ, không thua gì những vũ nữ trên sàn nhảy.

Joe le taxi

Nữ ca sĩ Kiều Nga (em gái Elvis Phương) kể lại những kỷ niệm khi song ca với Ngọc Lan. Đó là lần hai người hát chung bài Toi jamais (Anh thì không) của Mây Productions (khi đó gọi là Hollywood Night) được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng viết lời Việt với nội dung so sánh những người đàn ông:

“Anh ta cho xe hơi với nữ trang, thêm kim cương với áo lông… Anh thì không… Anh ta luôn âu yếm em nhưng sao em không nhớ nhung, không rung động… Thế gian, nghìn đàn ông giống nhau, trọn đời anh giống như đàn ông khác. Vì đã yêu, thì dù anh thế nào, vạn lần em vẫn thứ tha cho người…” 

Vào cuối bài, cả hai cô ca sĩ được các nam vũ công “công kênh” trên vai. Khi đó, Kiều Nga kể lại, trong lòng thật sự hai cô chỉ lo bị rớt xuống đất… rồi lại còn lo áo đầm quá bó quá có thể bị sút đường chỉ thì đúng là… bể dĩa.

Ngọc Lan & Kiều Nga trong “Toi Jamais”

Một đặc điểm nữa rất ít người để ý là trong một số bài hát Ngọc Lan trình bày ngoài kỹ thuật hòa âm, phối khí còn có giọng hát bè rất điêu luyện của những người dấu mặt, đứng sau lưng người ca sĩ chính. Họ là những người “thầm lặng” góp phần thành công cho những bài hát được Ngọc Lan lựa chọn.

Cũng vào thời kỳ “vàng son” này cô cũng được mời lưu diễn khắp năm châu. Tại Úc Châu, chương trình Đêm Ngọc Lan là một thành công “ngoài sức tưởng tượng” theo đánh giá của báo Chiêu Dương (ngày 14/9/1990):    

“Qua 3 đêm trình diễn tại Sydney và Melbourne, 2 thành phố lớn nhất của Úc Châu, nữ ca sĩ Ngọc Lan đã thành công rực rỡ. Tất cả các show đều đông nghẹt khán giả, hơn 400 khán giả đã phải ra về vì hết vé tại Bankstown Town Hall (Sydney). Tại Melbourne, hơn 1500 khán giả đã phải đứng để xem Ngọc Lan trình diễn. Hơn 300 khán giả phải ra về vì Hall không còn sức chứa! Có thể nói nữ ca sĩ tài sắc vẹn toàn Ngọc Lan đã làm nên “lịch sử” vì hơn 8 năm nay, từ lúc có các chương trình ca nhạc tại Úc Châu, đây là Show đông đảo khán giả nhất đã dành cho nữ ca sĩ Ngọc Lan”.

Ngọc Lan còn ở lại Úc thêm một tuần “ngoài kế hoạch” để thực hiện Dạ Vũ Ngọc Lan Giã Từ Úc Châu, những người tổ chức giải thích: “Thể theo lời yêu cầu của nhiều vị khán giả chưa xem đuợc các đêm trình diễn vừa qua vì hết vé, nữ ca sĩ số 1 Ngọc Lan quyết định ở lại Úc Châu thêm một tuần nữa…”. Đây là một hiện tượng “cháy vé” có một không hai trong giới ca nhạc tại hải ngoại.

Ký giả Tô Kiều Phương viết về Ngọc Lan: “Đó là một tiếng hát mật ngọt, một tia nắng vàng, một cơn mưa hạ… đã đi sâu vào lòng từng người và từng gia đình Việt Nam chúng ta”.

Có thể nói, Ngọc Lan thành công ở nhiều thể loại nhạc cũng như dòng nhạc. Theo một số người sưu tầm nhạc, cô đã trình bày trên 800 ca khúc và thực hiện được xấp xỉ 40 video clip. Con số hạn chế về video được chính cô giải thích là “do bản tính nhút nhát trước ống kính”.  

Mãi đến năm 1992 mới đánh dấu việc thu hình trực tiếp đầu tiên của Ngọc Lan trên sân khấu ca nhạc qua chương trình Hollywood Night 1 với ca khúc Mưa trên biển vắng. Cũng trong dịp này, MC Nam Lộc có một cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên được thực hiện tại Irvine, CA, vào tháng 10/1992.

Nam Lộc hỏi cô có ý định đóng phim hay không? “Ngọc Lan rất muốn có cơ hội để phát triển khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. Thứ nhất là để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của chính mình. Thứ hai là Ngọc Lan hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ nào đó trong nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam…”

Được hỏi về mẫu người đàn ông “lý tưởng” của mình, Ngọc Lan đã khiến khán giả ngạc nhiên với câu trả lời: “Có lẽ Lan nghĩ là nhân vật Dũng trong tác phẩm Đọan Tuyệt của Khái Hưng… Ở nhân vật Dũng, Ngọc Lan tìm thấy một người đàn ông sống có lý tưởng, có mục đích cao cả. Ngoài tình cảm mà Dũng dành cho người yêu của mình, anh còn có một tình cảm bao la dành cho quê hương, tổ quốc….” 

Nam Lộc phỏng vấn Ngọc Lan

Nhạc sĩ Nhật Ngân, tác giả bản dịch lời bài hát Mưa trên biển vắng hồi tưởng: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhiều nhất là khi đưa bài ‘Mưa trên biển vắng’ cho cô Ngọc Lan hát, đó là một bài nhạc nước ngoài mà trung tâm May Productions đưa tôi viết lời. Khi viết lời xong, Ngọc Lan nói: ‘Anh viết bài này mang hẳn tâm sự của em nên em nghĩ đây là bài hát anh viết riêng cho em…’ Ban đầu tôi cứ nghĩ Ngọc Lan nói là để gây cảm tình với tôi, nhưng sau đó thật sự Ngọc Lan đã hát bài đó rất là… “tới”… tôi nghĩ đó là tâm sự thật của Ngọc Lan”.

Trong bản nhạc Xin thời gian ngừng trôi cũng của nhạc sĩ Nhật Ngân người ta thấy Ngọc Lan xuất hiện với mái tóc vấn cao, khác hẳn hình ảnh mái tóc “rối bời” buông xõa. Trang phục của cô là một bộ “xường xám” xẻ hai bên với họa tiết lá trúc màu đen. Ngọc Lan đã tiếp cận khán giả bằng một phong cách trình diễn mới, trang phục lạ và những lời ca não nuột:

“Sao thời gian cứ trôi mau. Sao rượu nồng bỗng chua cay. Sao tình còn đang ngất ngây say, mà chợt nghe sầu ngăn cách. Anh ơi uống đi anh, giọt đắng thấm tràn khóe môi. Lệ nào chớ rơi, đường khuya vắng, âm thầm đi về”.

Xin thời gian ngừng trôi

Trong Hollywood Night 2 (tại Irvine, CA, này 18/8/1992) Ngọc Lan trình diễn Và con tim đã vui trở lại của nhạc sĩ Đức Huy trên một sân khấu dàn dựng khác lạ: chỉ vỏn vẹn 6 cây khô trụi lá, thân cây màu trắng làm nổi bật chiếc váy maxi màu đỏ. Rồi xuất hiện cảnh hai em bé mặc áo trắng tượng trưng cho thiên thần cầm nến đi trên một lớp khói. Người ta liên tưởng đến một hình ảnh tôn giáo mà người nhạc sĩ đã gửi gấm qua ý nghĩa tìm lại được đức tin và sự cứu rỗi:

“Và bây giờ, ngày buồn đã qua, nhiều lỗi lầm cũng được thứ tha. Tình yêu đã đến trong ánh nắng mai, xóa tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới… Tôi sẽ không sợ hãi gì vì Người gần bên tôi mãi… Và con tim đã vui trở lại…”.   

Trong cuộc phỏng vấn tiếp sau bài hát, MC Trần Quang đã hỏi cơ hội nào, hoàn cảnh nào đã đưa đẩy Ngọc Lan thành một ca sĩ? Ngọc Lan cho biết mỗi người có một “nghiệp dĩ”… từ một tình cờ này nối tiếp một tình cờ khác nên ngày hôm nay cô đã trở thành một ca sĩ mang tên Ngọc Lan.

Và con tim đã vui trở lại

Trong video Mùa hè năm ấy của nhạc sĩ Khúc Lan, MC Trần Quang có nêu một trường hợp giả định: người yêu của Ngọc Lan không cho cô đi hát nữa, cô sẽ xử trí làm sao? Ngọc Lan đã lần lượt đưa ra những giải pháp: đầu tiên là năn nỉ (có rất nhiều cách nhưng không tiện nói ra!), rồi dùng “vũ khí tối hậu của người đàn bà: năn nỉ bằng nước mắt”, nếu vẫn không thành công thì… “anh à, nếu anh không cho đi hát nữa thì Ngọc Lan sẽ… chết”.

Mùa hè năm ấy

MC Kỳ Duyên kể lại một góc khuất cuộc đời của Ngọc Lan, vốn là người sống nhiều vì tình cảm nhưng trên con đường tình lại không được may mắn. Đã nhiều lần tâm sự với Ngọc Lan nên Kỳ Duyên biết được ngay từ mối tình đầu tiên đã giang dở, đã tốn nhiều nước mắt. Ngay cả nụ cười của Ngọc Lan cũng phảng phất một nỗi buồn u uẩn khiến mọi người, nhất là anh chị em nghệ sĩ, luôn cảm thấy cần phải… “xúm vào lo cho Ngọc Lan”.

Kỳ Duyên nhớ lại một chuyến đi trình diễn thành công, trên đường về hai chị em ngồi trên máy bay nhưng Ngọc Lan đã khóc sướt mướt. “Khóc tới nỗi mà ông stewardess phải đưa khăn kleenex và an ủi “a beautiful lady like yourself shouldn’t cry too much”

Tôi hơi ngạc nhiên vì câu chuyện của Kỳ Duyên. Không phải chuyện về Ngọc Lan mà là chuyện Kỳ Duyên nói “ông stewardess”. Một người đã ăn học tại Mỹ từ nhỏ đến khi ra trường lại là luật sư mà Kỳ Duyên còn lẫn lộn giữa steward và stewardess. Cũng khá ngạc nhiên khi Mây Productions đã để cuốn băng có “hạt sạn” này khi ra mắt người xem.

Trở lại với Ngọc Lan, tháng 12/1994 cô kết hôn với Mai Đăng Khoa, tức nhạc sĩ Kevin Khoa, chơi keyboard trong ban nhạc Bolero. Ban nhạc này hiện diện trên video Paris By Night 15 vào năm 1992. Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng thì Kevin Khoa trẻ hơn ca sĩ Ngọc Lan khoảng 4 tuổi và đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của ca sĩ Ngọc Lan.

Từ đó trở đi, cô vẫn tiếp tục sinh hoạt văn nghệ nhưng không còn mạnh mẽ như những năm đầu thập niên 90 vì sức khỏe không cho phép. Ngọc Lan thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện trong các băng video cho các trung tâm ca nhạc như Hollywood Nights, Asia nhưng hầu hết là các clip quay ngoại cảnh thay vì trên sân khấu.

Năm 1993 không thấy Ngọc Lan xuất hiện nhưng một năm sau người yêu nhạc lại thấy cô trong chương trình mang tên Ngọc Lan và thính giả thương yêu tại Anaheim. Khán giả tinh ý nhận xét thấy cô có phần nào suy sụp tinh thần và tiếng hát của cô không còn như xưa.

Trong năm 1996, trong lần thu hình trong cuốn video 12, Việt Nam Niềm Nhớ, của trung tâm Asia tại Toronto, trước hàng ngàn khán giả, Ngọc Lan phải có người nắm tay đưa lên sân khấu. Người ta giải thích có hai nguyên nhân cho sự suy sụp đó: bệnh tình của bản thân cô và sự qua đời đột ngột của người chị gái trước đó không lâu. Trên trang Facebook, Bác sĩ Lê Trung Ngân tiết lộ một số điều về bệnh tình của Ngọc Lan:

“Vào khoảng năm 1999 tại Việt Nam có tin đồn Ngọc Lan đã qua đời vì chứng bệnh Diabetic [tiểu đường], nên nghệ sĩ Nam Lộc đã dành một cuộc phỏng vấn cho vợ chồng Ngọc Lan trong chương trình truyền hình của đài Văn Nghệ VN Television vào một sáng thứ Bảy.

Có nhiều lời đồn về bệnh tình của Ngọc Lan khi thấy mắt cô bị kém thị lực. Nhưng sự thật cô bị bệnh thuộc dạng “The Demyelinating Diseases” mà trong danh từ y khoa Medical Term là M.S. có nghĩa là Multiple Sclerosis – bệnh này phá hỏng hệ thống thần kinh, làm cho các vỏ bao bọc dây thần kinh bị hủy hoại – đây là một loại bệnh hiện chưa có thuốc chữa, chỉ dùng thuốc Prednisone để kéo dài thời gian – y khoa không biết nguyên nhân từ đâu – bệnh này hiếm thấy ở người Á Châu và Phi Châu, và thường có tỉ lệ cao đối với phụ nữ.


Ngày 6/3/2001 Little Saigon TV phát đi bản tin: “Một trong những tiếng hát đã đi sâu vào lòng giới yêu âm nhạc, ca sĩ Ngọc Lan vừa từ trần ngày 6/3/2001, lúc 8g25 sáng, tại bệnh viện Vencor, hưởng dương 44 tuổi…”. Ngày 10/3/2001, Đài truyền hình Văn nghệ Việt Nam đã tường thuật lễ tang ca sĩ Ngọc Lan vào lúc 10g sáng tại thánh đường Holly Spirit tức nhà thờ Thánh Linh.

Gần 1.000 chỗ ngồi bên trong giáo đường và hàng trăm người phải đứng bên ngoài tham dự buổi lễ. Còn có hàng trăm người đã đến thẳng nghĩa trang The Good Shepherd Cemetery (Nghĩa trang Chúa Chiên Lành) tại thành phố Huntington Beach để đợi chờ tiễn đưa người ca sĩ khả ái, đa tài và hiền hậu.

Kelvin Khoa, ông bà Lê Đức Mậu và chị gái của Ngọc Lan

Hai buổi chiều trước đó cơn mưa bão cuối đông lạnh lẽo đã bao trùm thành phố nhưng hàng ngàn người cũng đã đội mưa đến nhà quàn để nhìn mặt Ngọc Lan lần cuối cùng. Có thể coi đây là một đám tang có nhiều người tham dự nhất dành cho một nghệ sĩ,  mặc dù nữ ca sĩ Ngọc Lan đã tự lui vào bóng tối từ nhiều năm qua.

Ôi buồn thay cảnh sinh ly tử biệt
Chốn trần ai sống gửi thác về


***

Tham khảo:

·         Video  Ngọc Lan - Như là một kỷ niệm (http://www.youtube.com/watch?v=NiCPAMkbCwU)
được Mây Productions thực hiện tháng 3/2001 là tổng hợp những đoạn clips nổi bật nhất của Ngọc Lan trong cuộc đời ca hát. Trong VCD này có rất nhiều đoạn ký ức của các nhạc sĩ và ca sĩ đã từng hợp tác với Ngọc Lan như nhạc sĩ Nhật Ngân, Hoàng Thi Thơ, các ca sĩ Duy Quang, Kiều Nga, Thúy Vi... Bên cạnh đó là những lời giới thiệu và phỏng vấn của các MC Nam Lộc, Trần Quang, Kỳ Duyên…    

·         Tuyển tập những bài hát hay – Ngọc Lan (12 bài)

***

Bình luận trên FB:


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts