Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

Hình chụp tại Hội hoa xuân, vườn Tao Đàn, Sài Gòn

Mở đầu câu chuyện “Năm Ngọ nói chuyện Ngựa” tự nhiên tôi lại nghĩ ngay đến Lục súc tranh công mà ngày còn nhỏ đã phải học trong chương trình cổ văn ở trung học. Chuyện bằng thơ Nôm, kể sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình. Trâu thì cho rằng mình phải làm ăn vất vả mới sinh ra thóc, gạo; Chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; Dê thì rằng có công trong việc tế lễ; Gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; Lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế… Đến anh lượt chàng ngựa người ta thấy ngay cái bản tính… “thẳng như ruột ngựa”:  

Ngựa nghe nói, tím gan, nổi phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai:
"Ớ ! này, này, tao bảo chúng bay,
Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa?

Tuy rằng thú, cũng hai giống thú,
Thú như tao ai dám phen lê [phân bì]
Tao đã từng, đi quán, về quê,
Ðã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.

Ông Cao Tổ năm năm thượng mã,
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia,
Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
Vì cậy có Thanh Long, Xích thố

Các chú đặng ăn no, nằm ngủ,
Bởi vì ta cần cán, giữ gìn.
Khắn khắn lo nhà trị, nước yên,
Chốn chốn đặng nông bô lạc nghiệp.

Các chú những nằm trong xó bếp,
Tài các ngươi ở chốn quê mùa.
Ðừng đừng buông lời nói khật khù
Bớt bớt thói chê bai giớn giác.

Nếu tao chẳng lo trong việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bay?
Thật biết một mà chẳng biết mười,
Chớ lừng lẫy cậy tài, cậy thế.

Nghe xong lời “điều trần” của ngựa, chủ nhà chỉ biết phán hai câu:

Ðại tiểu các hữu kỳ tài,
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã.

Hai câu sau cùng đúng là “nho chùm nho trái” khiến bọn học trò chúng tôi còn phải học thêm câu diễn nôm: “Vật lớn vật nhỏ đều có một nghề tài giỏi riêng cho nên không được ganh tị lẫn nhau”.

Giống ngựa nổi tiếng Westphalian của Đức

Trong đoạn thơ vừa dẫn, anh chàng ngựa còn có một điều để tự hào về bản thân mình qua câu “Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa?” khiến người ta liên tưởng đến câu nói “đầu trâu mặt ngựa” để diễn tả những khuôn mặt “đen” của giới giang hồ có “số má”.

Nhưng chưa hẳn là vậy vì cũng khuôn mặt ngựa đã tạo nên một tài tử lừng danh chuyên đóng phim hài hước chiếu tại Sài Gòn vào thập niên 60. Đó là anh hề Fernandel, người Pháp. Ai đã coi phim có Fernandel đóng một lần là không thể quên được khuôn mặt này qua các bộ phim nổi tiếng như “Alibaba và 40 tên cướp” hoặc Don Camilo trong vai cha sở trong một làng miền Bắc nước Ý.

Fernandel nổi tiếng đến nỗi được Đức Giáo Hoàng Piô XII mời đến Vatican để ngài… “được gặp một linh mục danh tiếng nhất sau Giáo hoàng!”. Anh tên thật là Fernand Contandin, bà mẹ vợ thường giới thiệu anh với mọi người là “Contandin la Fernand d’elle” (Fernand chồng con gái tôi). Thế là Contandin lấy biệt danh Fernandel và trở thành vua hề nổi tiếng thế giới. Người ta kể có lần Fernandel đi dự đám ma, cái nét “mặt ngựa” của anh trong bầu không khí trang nghiêm khiến cho mọi người không khỏi bấm bụng cười thầm!
   
Fernandel với khuôn mặt... dài như mặt ngựa

Tiếng Việt quả là phong phú. Trong Lục súc tranh công có nhắc đến Xích Thố (ngựa đỏ) là tên con ngựa có bộ lông màu hồng do Quan Công cưỡi. Trái lại, ngựa đen tuyền người ta bảo đó là “ngựa ô”, chẳng hạn như trong bài dân ca Lý ngựa ô hay Ngựa ô thương nhớ có những câu như “Khớp con ngựa ngựa ô… Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng…”.

Tuy vậy, không thể áp dụng cách “suy ra” để nói con mèo đen là “mèo ô” mà phải là “mèo mun”, cũng tương tự với con chó có bộ lông màu đen phải là “chó mực” chứ không ai nói… “chó ô”! Người nước ngoài học tiếng Việt chắc phải điên đầu vì những trường hợp hắc búa như vậy.

Ngựa có nhiều màu sắc, nếu bộ lông màu trắng gọi là “ngựa bạch” hay còn gọi là “bạch mã”. Ngày nay các cô gái đến tuổi cập kê luôn mơ tưởng đến “bạch mã hoàng tử” cưỡi con ngựa trắng “phi nước đại” vào… cuộc đời của mình!

Trong Tây du ký của Lê Thừa Ân cũng có con ngựa trắng là đồ đệ thứ tư của Đường Tăng, sau Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng và Sa Ngộ Tĩnh. Con ngựa trắng có nguồn gốc từ con rồng nên được gọi là Bạch Long Mã hay Tiểu Bạch Long là con của Tây Hải Long Vương. Do có lỗi lầm nên Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc tội.

Đường Tăng trên lưng Bạch Long Mã cùng 3 đồ đệ trên đường đến Tây Trúc

Ngựa có bộ lông màu đen pha đỏ đậm là “ngựa hồng” nhưng chắc chắn không thể nào sánh bằng con Xích Thố của Quan Vân Trường ngày xưa. Nếu lông nàu tím đỏ pha đen được gọi là “ngựa tía” và màu trắng sọc đen là “ngựa vằn”. Loại ngựa vằn này ngày nay người ta vẫn thắc mắc không biết đó là “con ngựa đen sọc trắng” hay là “ngựa trắng có sọc đen”.  

Ngựa vằn nổi bật với những vằn trắng và đen xen kẽ, chúng là loài động vật hoang dã sống theo bầy đàn, khác hẳn loài tương cận có quan hệ gần gũi như ngựa và lừa. Ngựa vằn Grevy ở châu Phi là loại ngựa hoang chạy nhanh nhất, đạt tới vận tốc 72km/giờ lúc bị săn đuổi.

Ngựa vằn

Tạo hóa thật trớ trêu vì đã sinh ra một con ngựa được đặt tên là Eclyse, đó là sự kết hợp của ngựa trắng và ngựa vằn. Tưởng chừng như có kẻ chơi ác phun sơn trắng xóa lên mình con ngựa, rồi giữa chừng bị bắt quả tang, gã bỏ chạy tháo thân để lại tác phẩm còn dang dở: chỗ trắng như tuyết, chỗ vằn vện loằn ngoằn.

Bộ lông trắng tuyết pha sọc vằn của ngựa Eclyse hoàn toàn là do sự xếp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa. Eclyse đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý ở nông trại Schloss Holte Stukenbrock, nằm giáp ranh biên giới giữa Đức và Hà Lan. Chủ nông trại cho biết:

“Eclyse thừa hưởng sự pha trộn giữa hai dòng máu không chỉ về ngoại hình mà còn cả về tính cách. Bình thường nó tỏ ra hiền dịu, dễ dạy bảo chẳng khác gì ngựa mẹ Eclipse, nhưng đôi khi tính khí lại bất chợt hung hăng đúng như “phong cách” ngựa vằn của ông bố Ulysses!”.

Ngựa vằn Eclyse

Ngựa cũng đã đi vào tôn giáo. Đức Thích Ca Mâu Ni luận về bốn loại ngựa. Loại thứ nhất là loại ngựa tuyệt hảo. Ngay khi người chủ nhấc roi lên, nó sẽ biết là chạy hay dừng lại. Đây là loại ngựa “thượng hạng” có thể hiểu rõ mọi việc tận chân tơ kẽ tóc.

Loại thứ hai là loại ngựa tốt. Khi người chủ nhấc roi lên, nó không chạy ngay nhưng khi roi đụng vào mình nó thì nó sẽ hiểu. Loại thứ ba là loại ngựa bình thường. Nó không làm theo lệnh của chủ ngay cả khi bị quất roi. Chỉ khi người chủ điên lên và quất mạnh vào nó thì mới chạy. Loại cuối cùng là loại ngựa kém. Nó không chạy ngay cả khi bị quất roi mạnh. Người chủ không còn cách nào khác phải vụt thật mạnh làm nó đau thấu xương mới chạy.

Đức Phật sau đó thuyết giảng về 4 loại người tương ứng với loài ngựa. Loại thứ nhất cảnh giác khi biết được bản chất vô thường của cuộc sống, họ giống như loại ngựa thượng hạng. Loại thứ hai không nhanh nhạy nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn rồi khuyết, đời người lúc thăng lúc trầm, họ cũng kịp thời tự giác. Họ giống như loại ngựa tốt.

Loại thứ ba phải mất nhiều thời gian hơn để học được một cách khó khăn và chỉ đến khi chịu đựng thống khổ hoặc chính bản thân họ gặp tai ương thì mới bắt đầu tỉnh ngộ. Loại cuối cùng nói đến những người không chịu hối tiếc cho đến khi bị ốm nặng đang trên bờ vực của cái chết. Lúc đó họ mong muốn có một cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm đã mắc phải trong cuộc đời để có một sự khởi đầu mới nhưng đã quá muộn.

Ngựa Kan-Tha-Ka của Đức Phật Thích Ca

Trở lại Việt Nam, hình ảnh con dê được gán cho nam giới có tính trăng hoa, ưa tán tỉnh phụ nữ để rồi “quất ngựa truy phong”. Người bình dân hay dùng cụm từ “dê gái”, nếu tuổi đã cao mà còn ham “dê gái” thì bị gọi là “dê cụ”, “dê xồm” hay “dê đạo lộ”! Ngược lại, con ngựa lại là “biểu tượng” của những người phụ nữ thuộc loại “voi giày, ngựa xéo”. Bạn không tin ư?

Kho tàng văn chương bình dân có tiếng lóng “con ngựa”, thậm chí còn có cụm từ “con đĩ ngựa”, để ám chỉ những phụ nữ hiếu dục nhưng cũng có thể người bị cho là “ngựa” chỉ là cách gán ghép ác ý của những người trong cơn giận giữ. 

Người miền Trung còn dùng cụm từ “Con ngựa Thượng Tứ” mà nhà văn xứ Huế Nhã Ca giải thích trong một truyện cùng tên. Đây là đoạn đối thoại giữa hai người đàn ông, một lớn, một nhỏ:

- Bác ơi, người ta hay chửi "con ngựa Thượng Tứ" là nghĩa làm sao, bác."
- Ui chui choa. Tiếng đó nặng lắm nghe. Người ta chửi mấy con đĩ ngựa, mấy đứa con gái hư. Nguời ta chửi "đồ ngựa thượng tứ" là con nớ hết xài rồi, đồ gái thúi rồi. Cậu muốn biết thì tui kể cho mà nghe nì. Cửa Thượng Tứ là tên chính của cửa Chánh Tây, người mình gọi là Thượng Tứ, tại vì ở cửa thành ni có có trại huấn luyện ngựa, có rứa thôi…. Con ngựa tứ là con ngựa chạy giỏi. Trại ngựa này phải huấn luyện cho vua những con ngựa tứ chạy đã nhanh mà phải sải đều bốn vó. Con ngựa phải đẹp, lông mượt, chân dài, mắt tinh khôn…
- Ngựa tứ là ngựa đẹp, chạy giỏi, vậy tại sao nhiều cô con gái bị rủa là ngựa Thượng Tứ.
- Cũng không chỉ rứa mô, cậu nờ. Người ta còn noái hồi trước có Mã binh chuyên lo về ngựa. Ngựa thao diễn chạy từ cửa Thượng Tứ tới Gia Hội, từng đoàn rực rực, lồng lộn, ý nói mấy con tinh ranh lồng lộn tìm đực như ngựa cái đó cậu ơi.

“Con ngựa phải đẹp, lông mượt, chân dài, mắt tinh khôn…”

À ra thế. Ngựa Thượng Tứ nói khác đi chính là những con “mèo động đực” như dân gian thường ví von. Ở một khía cạnh khác, con ngựa cũng dính dáng một ý nghĩa xấu đối với những kẻ tham nhũng, phạm pháp vì họ phải ra trước “vành móng ngựa” mà tiếng Anh gọi là “bar of courts” hay “bar of judicature” được thiết kế giống như hình chiếc móng ngựa.

Tại sao lại gọi là “vành móng ngựa” chứ không phải là “vành móng trâu” hay “vành móng bò”? Có người giải thích hồi xưa ở La Mã, khi xử tội, trừng trị các phạm nhân, người ta thường dùng ngựa để xé xác hoặc dày xéo lên thân thể của họ. Bên Tàu cũng có hình thức “tứ mã phanh thây”, tàn bạo không kém gì thời La Mã xưa.

Vành móng ngựa

“Vành móng ngựa” là biểu hiện một điềm xấu nhưng người Tây Phương lại tin tưởng rằng chiếc móng ngựa hình chữ U là vật linh thiêng mang lại sự may mắn. Người ta treo móng ngựa trước cửa để xua đuổi ma quỷ, ngăn cản điều ác và cái xấu vào nhà.

Móng Ngựa trong năm 2014 là một biểu tượng được thiết kế đặc biệt qua các bộ sưu tập thời trang cho thấy mối quan tâm trong năm Giáp Ngọ tại thị trường thời trang Châu Á. Từ quần áo cho đến đồ trang sức, từ Chloe cho đến Hermes, từ cao cấp cho đến bình dân, biểu tượng Móng Ngựa đã làm một cuộc xâm lăng ngoạn mục.

Móng ngựa và thời trang

Thập niên 60-70 vào thời trẻ của nhiều người, trong đó có tôi, rất khoái nhân vật truyện tranh Lucky Luke [1],với biệt danh “bắn nhanh hơn cái bóng của mình”. Lucky Luke “một mình một ngựa” lang thang khắp miền Tây nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 để bảo vệ công lý và lẽ phải. Đồng hành với chàng cao bồi này là Jolly Jumper, được mệnh danh là “chú ngựa chạy nhanh nhất miền Tây”. Là con ngựa đặc biệt, Jolly Jumper biết đi trên dây, thông minh tới mức cùng chơi cờ với Lucky Luke và khi nói chuyện có thể trích dẫn cả văn học.

Jolly Jumper nhiều lần cứu Lucky Luke thoát khỏi những cảnh ngộ khó khăn nhưng hai nhân vật này thường xuyên trêu trọc nhau. Có lần Jolly Jumper “chọc quê” Lucky Luke soi gương trước khi đi gặp người đẹp, chàng cao bồi chê lại Jolly Jumper “ở truồng” vì chú ngựa này trên mình “chỉ có một cái yên nhỏ che thân”.

Jolly Jumper đánh cờ với Lucky Luke, chú chó Rantanplan nằm… gặm quân cờ

Người Phương Tây còn coi ngựa là một trong những chòm sao được hình tượng hoá qua người bắn cung Sagittarius xuất hiện dưới dạng hình “nhân mã”, cũng tương tự như cung Ngọ trong mười hai cung của phương Đông. Từ con vật đời thường, với bản tính tốt đẹp mà con người đã gán cho nó, thần thánh nó, huyền thoại nó, ngựa đã trở thành hình tượng nghệ thuật, trở thành con vật linh thiêng, hoá thân vào đời sống văn hoá tâm linh.


Nàng Godiva cưỡi trên một con ngựa trắng, tranh của John Collier

Về nhân tướng, theo quan niệm của Phương Đông, những người sinh năm con ngựa thường có cá tính phóng khoáng, không căn cơ, có năng lực suy nghĩ độc lập và ít để bụng, “thẳng như ruột ngựa!”. Gặp việc gì họ cũng thường bắt tay làm ngay, không chần chừ do dự. Nhưng chính sự nhanh nhẹn đó lại cấu thành điểm yếu của họ: nóng vội và thiếu kiên nhẫn thành thử mới có câu “ngựa non háu đá”.

Nhân nói về ngựa đá, người Nga có lời khuyên: “Hãy cẩn thận khi đứng phía trước con dê, cẩn thận khi đứng phía sau con ngựa và với con người thì đứng bất cứ phía nào cũng phải dè chừng”. Chỉ khi nào mắt nhắm tay xuôi người ta mới chợt nhận ra chân lý: “ngựa chết là ngựa không đá”.   

Đó là một bài học thâm thúy về con người, chúa tể của muôn loài. Cũng từ ngựa ta có một chuyện đáng để suy gẫm trong Cổ học Tinh hoa: “Tái ông thất mã” [2]. Nếu ai cũng giữ được thái độ “dửng dưng” như ông già họ Tái khi mất ngựa thì cuộc đời sẽ trở nên đơn giản vì mất đó lại được đó, vui buồn cứ kéo đến rồi đi, có lúc lên xe, xuống ngựa” nhưng cũng có lúc phải “làm thân trâu ngựa”.

Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, người viết bài này chỉ xin chân thành chúc bạn đọc giữ được tâm “ung dung tự tại” trước những biến cố của cuộc đời vì trong cái rủi luôn có cái may.

***

Chú thích:

[1] Lucky Luke là chàng cao bồi, nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên do họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác từ năm 1946. Những truyện Lucky Luke đầu tiên được in trên báo Spirou tiếp đó Pilote, trước khi được phát hành dưới dạng tập truyện tranh. Những tập truyện tranh này thành công rực rỡ, phát hành 270 triệu bản qua 31 thứ tiếng.

Hình ảnh không đổi cuối mỗi tập truyện là Lucky Luke cưỡi chú ngựa Jolly Jumper đi về phía cuối chân trời và hát bài "Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa..." bằng tiếng Anh:

“I'm a poor lonesome cow-boy
And a long far way from home”

Tượng Lucky Luke và Jolly Jumper tại Charleroi (Bỉ) nơi các nhân vật chuyện tranh ra đời như Spirou, Luky Luke, Marsupilami, Ball and Bill…

[2] Đọc thêm về chuyện “Tái ông thất mã” qua bài viết “Góp nhặt buồn vui thời cải tạo” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-cai-tao.html

***

Bình luận trên FB:



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

2 nhận xét:

  1. Like đoạn bàn về Ngựa theo Phật Thích Ca _mới biết :)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc xong rồi. Câu chuyện năm Ngọ xưa và nay vẫn còn có nhiều chuyện lạ anh Ngọc Chính nhỉ!
    Bức tranh nàng Godiva cưỡi ngựa, cái tuổi thanh xuân thật là đẹp.

    Trả lờiXóa

Popular posts