Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Bàn về… “Nghề Cai Trị” (2)

(Tiếp theo)

“Không ai dám hành nghề mà mình chưa học qua, thế mà ai cũng nghĩ mình có đủ khả năng cho một nghề khó nhất trong các nghề: đó là “Nghề Cai Trị” (Socrates)

Tại miền Nam, sân khấu chính trị sôi đọng hơn miền Bắc với nhiều “nhà cai trị” xuất thân từ nhiều thành phần xã hội. Từ vua chúa đến học giả, từ chính khách đến tướng lĩnh lần lượt thay nhau nắm quyền điều hành đất nước. Nhìn chung, cái được gọi là chính phủ bao gồm 3 giai đoạn: (1) Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955; (2) Đệ nhất Cộng hòa từ 1955 đến 1963; và (3) Đệ nhị Cộng hòa từ 1963 đến 1975. 

Cờ QGVN và VNCH

Quốc gia Việt Nam (QGVN) được đặt dưới quyền điều hành của Quốc trưởng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, khởi đầu từ vua Gia Long. Tổng cộng có 13 vương triều và Bảo Đại là vị vua cuối cùng của thời đại phong kiến trước khi Việt Nam bước sang các thể chế chính trị khác nhau dẫn đến xung đột kéo dài trong hơn 30 năm của lịch sử cận đại.

Bảo Đại [1] được đưa sang Pháp từ nhỏ, ông về nước tháng 9/1932, vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 20. Chân dung Bảo Đại hiện lên dưới ngòi bút của sử gia người Pháp, Daniel Grandclément, trong tác phẩm “Bao Daï ou les derniers Jours de l'empire d'Annam” [2] với những nét như hào hoa, lịch lãm và “sành điệu”. Ông thích đi săn, phóng xe nhanh, lái máy bay giỏi, khiêu vũ điệu nghệ, đánh golf, chơi quần vợt thuộc loại “chuyên nghiệp” nhưng có điều ông chỉ... “không biết làm vua”.

Từ đầu tới cuối cuốn sách đã dẫn, người đọc phải sốt ruột, ngạc nhiên và cay đắng khi thấy ông vua nước Nam cứ loanh quanh, thậm chí còn mưu mẹo, chỉ để thỏa mãn những thú vui cá nhân, những nhu cầu vật chất như máy bay, xe hơi cho đến khẩu súng săn, cuốn album bìa da… Về phần mình, Bảo Đại thú nhận trong hồi ký:

“Người Pháp lúc nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho thân mật với dân nên trong hai mươi năm trời làm vua tôi ra Bắc một lần, vào Nam kỳ một lần, cũng là đi lướt qua, không thấy rõ ràng một điều gì. Xung quanh tôi, họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn biết mình không thể làm chi có ích cho đất nước”.

Tháng 9/1932 Bảo Đại chính thức làm vua, ông đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính... Bảo Đại đã cho bỏ một số tập tục mà các tiên vương đã bày ra như thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn “long nhan” nhà vua. Mỗi khi vào chầu, các quan Tây cũng như Ta không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua...

Vua Bảo Đại

Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Đằng Đoàn nhằm thay thế các “nhà cai trị” già yếu hoặc kém năng lực như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương Tứ Đại.

Ông thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp. Đồng thời cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 11/3/1945, Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Trong tuyên bố của Bảo Đại, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ với Pháp trước đây để “độc lập theo tuyên ngôn Đại Đông Á”, và ông cũng như Chính phủ Việt Nam “đặt hết lòng tin vào sự trung thực của Nhật Bản”.  

Quân đội Nhật tiến vào Sài Gòn

Ngày 24/4/1948, Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân và ông Trần Văn Hữu bay tới Hồng Kông để gặp Bảo Đại xin thành lập Chính phủ Lâm thời. Bảo Đại gửi thông điệp cho tướng Xuân, tán thành sự thành lập Chính phủ do Tướng Xuân điều khiển “để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận Quốc tế”.

Ngày 5/6/1948, Bảo Đại đã gặp gỡ Cao ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay Trouin, để đàm phán về nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tháng 1/1949, Bản tuyên ngôn Việt - Pháp được công bố, theo đó nước Pháp thừa nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam.

Ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Hoàng đế Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Ông cũng yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.

Ngày 24/4/1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 20/6/1949, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đệ đơn từ chức, Chính phủ Lâm thời Nam phần tuyên bố giải tán.

Ngày 21/6, thỏa ước Elyseé được công bố. Cuối tháng 6/1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của QGVN. Ngày 1/7/1949, Chính phủ Lâm thời QGVN được thành lập, tấn phong Bảo Đại là Quốc trưởng, Trung tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.

Bảo Đại
(thời kỳ 1952-1954)

QGVN là một chính thể nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp. Về mặt hình thức, đây là một quốc gia quân chủ lập hiến, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại nhưng người Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại và chính sách đối ngoại-quân sự.

Tính ra có đến 6 “nhà cai trị” trong chức vụ Thủ tướng dưới thời QGVN là các ông Nguyễn Văn Xuân (1948-1949), Nguyễn Phan Long (1950), Trần Văn Hữu (1950-1952), Nguyễn Văn Tâm (1952-1953), Nguyễn Phúc Bửu Lộc (1954) và Ngô Đình Diệm (1955). Sự thay đổi quá nhiều Thủ tướng khiến các chính phủ không có sự thống nhất về đường lối quản lý và thiếu tính bền vững trong các chính sách quốc gia. 

Tháng 9/1954, Tướng Nguyễn Văn Hinh không chịu dưới quyền chỉ huy của Thủ tướng Ngô Đình Diệm nên đánh điện sang Pháp nhờ Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại cho mời Thủ tướng sang Cannes (Pháp) gặp ông để bàn lại việc sắp xếp nhân sự nhưng ông Diệm không đi. Bảo Đại quyết định điện về Sài Gòn cách chức Thủ tướng của Ngô Đình Diệm.

Đến tháng 6/1954, trước khi ký kết Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, Pháp đã ký một hiệp ước "trao trả độc lập hoàn toàn" cho Quốc gia Việt Nam, thủ đô đặt tại Sài Gòn trong khi Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt.

Thủ tướng Trần Văn Hữu đã ca tụng: “Nền độc lập của chúng tôi hiện nay thật tuyệt vời” nhưng các quan chức Pháp lại phàn nàn về Bảo Đại: “Ông ấy tập trung quá mức vào việc lấy lại từ chúng tôi những gì có thể thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ nhân dân... Lịch sử sẽ phán xét ông ấy vì quá chú tâm vào chuyện này”.

Tháng 3/1954, Thủ tướng kế vị, Nguyễn Phúc Bửu Lộc, mở cuộc điều đình với Pháp về chủ quyền của Việt Nam, đòi hỏi Pháp phải ký hai Hiệp ước riêng: (1) Hiệp ước công nhận sự độc lập trọn vẹn của QGVN tách khỏi Liên Hiệp Pháp; và (2) Hiệp ước minh định quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Trong khi đó, chiến trường ở Đông Dương ngày càng căng thẳng và việc Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ khiến tình hình thêm thúc bách. Cuối tháng 4/1954 Hội nghị Genève họp kéo dài cho đến ngày 21/7/1954 mới đi đến ký kết Hiệp định. Đây là hội nghị có 9 phái đoàn tham dự gồm Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia để tái thiết hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.

Hội nghị Genève

Theo Hiệp định Genève, lãnh thổ nước Việt Nam bị tạm chia làm hai vùng kiểm soát, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự. Hiệp định cũng đặt ra thời gian 300 ngày để chính quyền và quân đội VNDCCH cùng Liên hiệp Pháp hoàn thành việc rút quân. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền và đó cũng là lý do hơn 1 triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam trong năm 1954.

Người dân miền Bắc tập trung tại Hà Nội đề chờ di cư vào Nam
(Ảnh UP, chụp ngày 3/3/1954)

Theo bản tuyên bố cuối cùng của Hiệp định, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất. Những “nhà cai trị” QGVN đã minh định một lập trường kiên quyết trước những biến cố của Hiệp định Genève. Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện QGVN, tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp định với lý do “gây chia cắt đất nước Việt Nam”“đẩy QGVN vào thế nguy hiểm”. Đại diện phái đoàn QGVN ra một tuyên bố riêng:

“Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn Quốc gia Việt Nam...

Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”

Thủ tướng QGVN, khi đó là ông Ngô Đình Diệm [2], cũng tuyên bố “… Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ” nhưng ông cũng tỏ vẻ “nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc”. Ông còn khẳng định mục tiêu của QGVN là “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ”.

Cuộc tổng tuyển cử dự trù vào tháng 7/1956 đã không thể diễn ra như theo Tuyên bố cuối cùng của hiệp định Genève và các “nhà cai trị” QGVN đã “khôn khéo” thoát ra khỏi sự ràng buộc bởi Hiệp định này vì họ không ký.

Cầu Hiền Lương chia cắt Việt Nam
tại vĩ tuyến thứ 17, nhìn từ phía VNCH

Ngày 13/12/1954, Mỹ và Pháp ký kết văn kiện cho phép các cố vấn quân sự Mỹ thay thế dần cho sĩ quan Pháp tham gia huấn luyện quân đội QGVN đến tháng 1/1955. Tổng thống Hoa kỳ, Dwight Eisenhower, gửi công hàm cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông báo chính phủ QGVN sẽ nhận viện trợ trực tiếp từ chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp. Mỹ chính thức viện trợ quân sự trực tiếp để quân đội QGVN có đủ sức chống lại VNDCCH tại miền Bắc.

Ông Ngô Đình Diệm vốn xuất thân từ giới quan trường thời nhà Nguyễn, thường được mô tả là một nhà chính trị, một “chí sĩ”, một tín đồ Công giáo ngoan đạo… Ông có một cuộc sống thanh liêm, không vợ con cho đến ngày lìa đời.

Theo Wikipedia, ông và một số người trong gia đình đã từng bị Việt Minh bắt tại Tuy Hòa khi Mặt trận Việt Minh lên nắm chính quyền. Khi bị giải ra Hà Nội, ông Hồ Chí Minh có gặp gỡ Ngô Đình Diệm để mời tham gia chính phủ với chức vụ Thủ tướng:

“Ngô Đình Diệm trả lời rằng ông chỉ đồng ý lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với điều kiện ông được Việt Minh thông báo về tất cả mọi hành động và biết riêng mọi quyết định của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối yêu cầu này do đó Ngô Đình Diệm không chấp nhận hợp tác với Hồ Chí Minh. Sau cuộc gặp với Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm bị giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang nhưng được trả tự do theo lệnh ân xá vào năm 1946”.

Có thể nói, ông Ngô Đình Diệm là “nhà cai trị” sáng giá nhất của miền Nam, đủ “tài”, “đức” và “sức” để đương đầu với ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Trong khi Hồ Chí Minh suốt một đời tranh đấu cho “lý tưởng Cộng sản” thì Ngô Đình Diệm lại là người “chống Cộng triệt để”. Một khi làm chính trị tức là đã sẵn sàng để dư luận phê phán về những đúng-sai trong thời gian cầm quyền, ông Ngô Đình Diệm cũng không phải là ngoại lệ.

Khi còn là Thủ tướng, ông Ngô Đình Diệm đã có lúc trực tiếp đối đầu với Quốc trưởng Bảo Đại như vào tháng 3/1955 đã bãi bỏ danh xưng “Hoàng triều Cương thổ”, vùng đất từ trước vốn là đất của nhà vua, để sát nhập và Cao nguyên Trung phần. Một quyết định làm bẽ mặt cả Quốc trưởng lẫn người Pháp. Khi mâu thuẫn giữa Quốc trưởng và Thủ tướng gia tăng, Bảo Đại gây sức ép buộc Ngô Đình Diệm phải từ chức nhưng sự ủng hộ của người Mỹ giúp ông đứng vững trong vai trò Thủ tướng.

Tình hình miền Nam khi đó rất rối ren với 3 lực lượng quân sự có sự hậu thuẫn của Pháp để chống đối quân đội QGVN. Những lực lượng này không chịu nhượng quyền cho chính phủ trung ương của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Đó là giai đoạn khiến người ta liên tưởng đến “Loạn 12 sứ quân” [3] kéo dài hơn 20 năm (944-968) và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt.   

Tuy nhiên, “Loạn 12 sứ quân” tại miền Nam có quy mô nhỏ hơn và thời gian diễn ra cũng ngắn hơn. Lực lượng “nổi loạn” chỉ gồm 3 thành phần, bao gồm Bình Xuyên (kiểm soát ngành cảnh sát, công an do Lê Văn Viễn, có bí danh Bẩy Viễn, chỉ huy); hai giáo phái là Cao Đài của Phạm Công Tắc và Hòa Hảo của Lê Quang Vinh (bí danh Ba Cụt).

Quyết định dẹp bỏ các cơ sở “làm ăn” của nhóm Bình Xuyên [4] cũng là một động thái được các nhà sử học và xã hội học sau này tán đồng. Bình Xuyên thân Pháp và thân Quốc trưởng, họ kiểm soát hoạt động của các sòng bạc Kim Chung ở chợ Cầu Muối, Đại Thế Giới (Grand Monde) trong Chợ Lớn và khu Bình Khang chuyên việc kinh doanh mại dâm đều bị ông Diệm “xóa sổ”.

Mối lợi “bất chính” của Bình Xuyên đã bị mất đi nguồn tài chính để nuôi lực lượng này và cả khoản tiền “đóng hụi chết” cho Quốc trưởng cũng bị ảnh hưởng. Nhóm Bình Xuyên cùng với các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo thành lập Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia với sự ủng hộ ngầm của Pháp nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm. Hai nhóm tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo tham gia Mặt trận vì đã bị Thủ tướng ra lệnh ngừng giải ngân số tiền tài trợ của Pháp.

Ba nhóm này có khoảng 20.000 quân kiểm soát một vùng rộng lớn: quân Cao Đài đóng ở miền Đông Nam Bộ, quân Hòa Hảo ở miền Tây còn Bình Xuyên chiếm cứ Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày 21/3/1955, Mặt trận gửi tối hậu thư cho Thủ tướng đòi quyền tham chính.

Ngày 26/4/1955, Ngô Đình Diệm ra lệnh cách chức Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia của Lại Văn Sang và cử Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế nhưng Sang không chấp hành và đòi phải có lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại. Bình Xuyên pháo kích vào Dinh Độc Lập, đánh thành Cộng Hòa, Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn và rút về Rừng Sác.

Ngày 5/6/1955, chỉ huy lực lượng Hòa Hảo là tướng Nguyễn Giác Ngộ ra đầu hàng nhưng Lê Quang Vinh (tục danh Ba Cụt) cầm cự đến 1956 mới bị bắt ở Chắc Cà Đao và bị xử tử, Trần Văn Soái (Năm Lửa) phải bỏ chạy sang Campuchia. Từ đó lực lượng võ trang Hòa Hảo mới tan hẳn.

Thủ tướng cho triệu tập một số đoàn thể chính trị và nhân sĩ vào Dinh Độc Lập để đối phó với tình trạng ngày thêm xáo trộn và Ủy ban Cách mạng Quốc gia đưa ra ba kiến nghị: (1) Truất phế Bảo Đại; (2) Giải tán chánh phủ hiện hữu; và (3) Ủy nhiệm Ngô Đình Diệm thanh trừng quân phiến loạn Bình Xuyên, buộc Pháp rời khỏi Miền Nam, và mở cuộc bầu cử quốc dân đại hội.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh cho Đại tá Dương Văn Minh mở Chiến dịch Hoàng Diệu truy nã Bình Xuyên ở Rừng Sác. Quân Bình Xuyên bị hoàn toàn tiêu diệt, thủ lĩnh Lê Văn Viễn lưu vong sang Campuchia rồi sang Pháp, chấm dứt hoạt động bạo loạn của Bình Xuyên.

Dẹp loạn Bình Xuyên tại Sài Gòn năm 1955

Thời gian trị vì của vua Bảo Đại được coi như chấm dứt vào năm 1955 với việc “truất phế” Quốc trưởng của Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua cuộc trưng cầu dân ý. Về lý thuyết, cuộc trưng cầu dân ý nhằm xác định lãnh đạo tương lai của QGVN. Trên thực tế, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với kết quả Thủ tướng Ngô Đình Diệm đắc cử, đạt hơn 98,2% phiếu bầu.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát quốc tế, đã có “sự góp sức của việc gian lận bầu cử” thông qua sự ủng hộ của người Mỹ. Dù sao đi nữa, đây cũng là một bước ngoặt của lịch sử với sự hình thành thể chế Việt Nam Cộng hòa cho đến tháng 4/1975.

***

Chú thích:

[1] Bảo Đại (1913–1997) là vị Hoàng đế thứ 13 và cũng là cuối cùng của triều Nguyễn. Đúng ra "Bảo Đại" chỉ là niên hiệu nhà vua nhưng tục lệ vua nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên nay thường dùng như là tên nhà vua. Ông đồng thời cũng là Quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (tháng 3/1945) và Quốc gia Việt Nam (tháng 7/1949).

Vua Bảo Đại, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên là Nguyễn Phúc Thiển, tục danh "mệ Vững", sinh ngày 22/10/1913 tại Huế, là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu.

Ngày 28/4/1922, Vĩnh Thuỵ được xác lập Đông cung Hoàng Thái tử. Ngày 15/6/1922, Vĩnh Thuỵ cùng vua cha Khải Định sang Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, Pháp. Tháng 6/1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet rồi sau ở trường Sciences Po (École libre des sciences politiques), Paris.

Tháng 2/1924, Vĩnh Thụy về nước để dự Lễ Tứ Tuần Đại Khánh vua Khải Định, đến tháng 11/1924 trở lại nước Pháp để tiếp tục học. Vua Khải Định mất ngày 6/11/1925, Vĩnh Thụy về nước thọ tang vua cha và ngày 8/1/1926, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm vua lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập.

Từ niên khóa 1930, Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po). Sau 10 năm đào tạo ở "mẫu quốc", ngày 16/8/1932, Bảo Đại cùng triều quan, xuống tàu D’Artagnan về nước.

Ngày 20/3/1934, Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Hoàng phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu.

Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi. Cuộc hôn nhân này cũng gặp phải rất nhiều phản đối vì Nguyễn Hữu Thị Lan là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp.

Năm 1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời ở Chabrignac. Bảo Đại sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946), đến năm 1982 thì kết hôn. Bảo Đại nhập đạo Công giáo lấy tên thánh là Jean-Robert. Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp khi mới 40 tuổi cho đến khi qua đời vào ngày 31/7/1997 tại Paris.

Vua Bảo Đại có 13 người con:

1. Với Nam Phương Hoàng hậu
·         Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long (1936-2007)
·         Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai, sinh năm 1937
·         Công chúa Nguyễn Phúc Phương Liên, sinh 1938
·         Công chúa Nguyễn Phúc Phương Dung, sinh 1942
·         Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh năm 1943

2. Với bà Bùi Mộng Điệp
·         Nguyễn Phúc Phương Thảo, sinh năm 1946
·         Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954-1955), chết khi một tuổi.
·         Nguyễn Phúc Bảo Sơn, sinh năm (1957-1987), chết khi 30 tuổi tại Nhật.

3. Với bà Jenny Woong
·         Nguyễn Phúc Phương Anh, sinh năm 1955, hiện nay đang sống ở Hawaii, Hoa Kỳ.

4. Với bà Phi Ánh
·         Nguyễn Phúc Phương Minh (1950-2012) bà lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, rồi ly dị. Tháng 4/1975 về Sài Gòn thăm thân mẫu và bị kẹt lại đây, sau đó được bảo lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp và qua đời tại Hoa Kỳ.
·         Nguyễn Phúc Bảo Ân, sinh năm 1951 đang sống tại Westminster, là người con nối dõi nhà Nguyễn.

5. Với bà Vicky
·         Nguyễn Phúc Phương Từ, sinh 1955, hiện đang sống ở Pháp.

Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu (1953)

[2] “Bao Daï ou les derniers Jours de l'empire d'Annam” (*) gồm Lời đề tựa của Lucien Bodard và 34 Chương của tác giả Daniel Grandclément do nhà xuất bản JC Lattès (1997).

Tham khảo bản dịch tiếng Việt “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam” trên VNthuquan Thư viện Online: (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n3n1n3n31n343tq83a3q3m3237nvn)

Nguyên tác “Bao Daï ou les derniers Jours de l'empire d'Annam”

[3] Ngô Đình Diệm (1901-1963) là một chính trị gia, xuất thân từ tầng lớp quan lại nhà Nguyễn, Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam và là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.

Ngô Đình Diệm sinh trưởng tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình trong một gia đình quan lại có truyền thống theo đạo Công giáo lâu đời ở Việt Nam. Vào thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã cải đạo cho dòng họ ông, nên tên thánh của ông là Gioan Baotixita (João Batista).

Cha ông là Ngô Đình Khả và mẹ ông là Phạm Thị Thân, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từng làm Thượng thư triều đình nhà Nguyễn kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái.

Ngô Đình Diệm là người con thứ ba trong gia đình với hai người anh đầu là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục. Ngô Đình Khôi làm Tổng đốc Quảng Nam, còn Ngô Đình Thục một thời làm tổng Giám mục. Ông còn năm người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị Giáo và Ngô Đình Thị Hiệp - mẹ của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Lúc thiếu thời, cha Ngô Đình Diệm tức Ngô Đình Khả theo Nho học, sau đó ông vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang trường nhà dòng ở Penang, Malaysia để làm tu sinh nhưng sau đó ông bỏ học và làm quan trong triều Nhà Nguyễn. Năm 1905, ông được thăng chức Tổng quan Cấm Thánh.

Năm 1907, thấy chính quyền bảo hộ Pháp phế bỏ và đày vua Thành Thái sang Phi Châu, ông Ngô Đình Khả xin từ quan về quê làm ruộng để tỏ sự bất mãn. Có thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành Thái thoái vị, nên bị chính quyền bảo hộ Pháp cách chức. Dù đã từ quan nhưng ông Ngô Đình Khả vẫn đủ sức để chu cấp cho các con ông ăn học.

Ngô Đình Diệm ngoài giúp cha làm ruộng còn được đi học trường Công giáo Pháp và mai này ông vào học trong trường tư do chính cha ông thành lập. Từ năm 15 tuổi ông cùng người anh Ngô Đình Thục vào học ở trường dòng. Vài tháng sau, cảm thấy cuộc sống ở trường dòng quá khắt khe, ông đã từ bỏ và xin học vào trường Quốc Học Huế (Pellerin Huế). Từ lúc còn nhỏ, ông được quan đại thần Nguyễn Hữu Bài - bấy giờ là phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ do có mối quan hệ gần gũi, người anh của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khôi lấy được con gái của Nguyễn Hữu Bài.

Ngô Đình Diệm học rất giỏi, khi còn học trường trung học (lycée) của Pháp tại Huế, thành tích thi cử của ông xuất sắc đến mức ông nhận được học bổng du học tại Paris, nhưng ông đã từ chối và quyết định ra Hà Nội học trường Hậu bổ (trường hành chính) và tốt nghiệp 2 năm sau đó, năm 1921.

Tướng Cao Văn Viên, một trong những vị tướng thân cận với ông Ngô Đình Diệm, đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn: “… Ông Ngô Đình Diệm chỉ là một symbol, một biểu tượng mà thôi, ông không thể làm gì nếu không có cố vấn Nhu bên cạnh. Tất cả các bài diễn văn của Tổng thống Diệm đều do ông Nhu soạn thảo. Khổ nỗi, Hoa kỳ muốn tách ông Nhu khỏi ông Diệm. Ông Nhu là một trở ngại. Trở ngại lớn hơn Tổng thống Diệm. Vì ông Nhu có nhiều mưu lược. Ông Nhu chống Mỹ hơn chống Pháp. Tổng thống Diệm thì trái lại…”

Gia quyến Tổng thống Ngô Đình Diệm (năm 1963)

[3] “Loạn 12 sứ quân” là một giai đoạn loạn lạc của lịch sử Việt Nam, xen giữa nhà Ngô và nhà Đinh. Giai đoạn này phát triển mạnh từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử.

[4] Về Bình Xuyên, tham khảo bài viết: “Huyền thoại giang hồ Sài Gòn”, tại:

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts