Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Số phận “trôi nổi” của Saigon Floating Hotel

Tọa lạc tại Bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn từ năm 1989 cho đến năm 1997, The Saigon Floating Hotel đã là niềm tự hào của người Sài Gòn trong thời kỳ “Đổi Mới” với cái tên chính thức trên giấy phép là Khách Sạn Sài Gòn (Saigon Hotel). Người thành phố thường gọi một cách thân mật là Khách Sạn Nổi trong khi khách nước ngoài dùng cái tên The Floater mỗi khi nói đến tòa nhà 6 tầng nằm trên bờ sông.

Saigon Floating Hotel - Khách Sạn Nổi

Có thể nói, 1989 là năm khởi đầu các dự án đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam, cơ quan cấp giấy phép đầu tư vào thời đó là Ủy ban Nhà nước Hợp tác và Đầu tư (State Committee for Cooperation and Investment – SCCI), mãi sau này mới hình thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ministry of Planning and Investment – MPI).

Giấy phép đầu tư của Khách Sạn Sài Gòn mang số 84 do SCCI cấp ngày 20/9/1989 dưới hình thức “hợp đồng kinh doanh” (business contract). Con số 84 nói lên vị thế tiên phong của dự án nếu so với con số hiện tại đã lên đến hơn 16.500 dự án “Đầu tư Trực tiếp của Nước ngoài” (Foreign Direct Investment – FDI) trên cả nước.

Khách Sạn Sài Gòn là một hợp đồng kinh doanh giữa phía Việt Nam là Overseas Foreign Trade Corporation và phía nước ngoài là EIE International Corporation của Nhật Bản với thời gian hoạt động là 5 năm, dưới sự quản lý và vận hành của công ty Australia’s Southern Hotels.

Vị trí của Khách Sạn Nổi ngày đó thật lý tưởng, nằm tại số 1A Mê Linh bên bờ sông Sài Gòn. Mặt sau của khách sạn quay ra hướng sông để đón những cơn gió mát trong khi cổng chính mặt trước nhìn ra bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm trên một vòng xuay hình bán nguyệt gần khu vực Bộ tư lệnh của Hải Quân cũ và nhà máy Ba Son.

Bức tượng Trần Hưng Đạo với một tay chỉ ra sông Sài Gòn là tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Thông, được dựng vào giữa thập niên 1960 tại bến Bạch Đằng để vinh danh vị thánh tổ Hải quân VNCH.

Toàn cảnh vị trí “Khách Sạn Nổi”
(https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/2565954109) 

Trước khi thả neo tại Sài Gòn, Khách Sạn Nổi được đóng tại Singapore năm 1988 và mang tên The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động tại Great Barrier Reef, Australia. Điểm đặc biệt đây là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, có chiều dài 89 mét với hơn 200 phòng, phòng tập thể dục, một sân quần vợt và một hồ bơi. Tất cả đều nổi trên mặt nước như một con tàu.

Tuy nhiên, khác với những con tàu ngoài biển, khách sạn có một hệ thống xử lý chất thải theo một chu trình khép kín cho phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, thân tàu được dùng loại sơn đặc biệt màu xanh và trắng thân thiện với môi trường, không mang chất độc hại.

Tuy nhiên, trước khi chính thức bước vào hoạt động, như điềm báo hiệu một tương lai nhiều trắc trở của một khách sạn nổi tại rặng san hô Great Barrier Reef, khách sạn đã bị hư hại một phần trong một cơn lốc xoáy và chiếc tàu có nhiệm vụ đưa khách đến khách sạn lại gặp hỏa hoạn.     

Sự xui xẻo đó cùng với việc không thu hút được khách du lịch như kỳ vọng khiến công ty sở hữu khách sạn quyết định bán lại cho tập đoàn EIE của Nhật Bản. Người Nhật đã thành công khi đưa tàu đến Sài Gòn đúng vào thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Việt Nam. Lúc đó, họ gọi thị trường này là “biên giới cuối cùng” (the last frontier) trong việc đầu tư trên toàn thế giới.

Khách Sạn Nổi trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà đầu tư và khách nước ngoài, đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao của một khách sạn quốc tế, giá phòng có lúc lên đến 335 đô la một đêm và lúc nào cũng gần như kín khách. Ngoài tiện nghi ăn và ở, khách sạn còn mở thêm 2 địa điểm giải trí ban đêm là Downunder Disco và Q Bar cho khách sau một ngày bận rộn với các dự án kinh doanh.

Ngay khi bước qua chiếc cầu có mái che dẫn từ đất liền tới tòa nhà nổi 6 tầng người ta gặp ngay khu vực tiếp tân của khách sạn với những chiếc cầu thang xoắn ốc và lan can xung quanh. Tất cả đều dùng những thanh inox bóng lộn tạo một cảm giác đang trên một chiếc tàu lênh đênh trên biển.    

Sảnh tiếp tân của “Khách Sạn Nổi”
(https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/4211346657/in/set-72157623046646252)

Vào năm 1991 làng báo Việt Nam có thêm tờ Vietnam Investment Review (VIR), một tờ báo kinh tế bằng tiếng Anh dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sở dĩ tôi nhắc đến VIR vì tờ báo có liên quan mật thiết đến Khách Sạn Nổi trong thập niên 90.

Thứ nhất, cả hai đều có mối liên quan đến nước Úc. Trong khi khách sạn được quản lý và điều hành bởi Australia’s Southern Hotels thì tờ VIR do một người Úc, Nick Moutstephen, hợp tác với SCCI để ra tờ báo tiếng Anh, sau này Nick bán lại cổ phần cho Australia Consolidated Press, một tập đoàn truyền thông lớn nhất tại Úc châu.

Không những thế, tờ báo và khách sạn có những mối quan hệ tốt đẹp giữa người làm báo nhà đầu tư. Năm 1992, để kỷ niệm 1 năm thành lập báo, VIR đã tổ chức một bữa tiệc tại Saigon Room với sự hỗ trợ của Khách Sạn Nổi.

Hơn thế nữa, phóng viên của tờ báo và nhân viên khách sạn cũng đã hình thành một mối quan hệ gắn bó trong cuộc sống riêng tư của mình. Phóng viên Alex McKinnon quen Amy, ca sĩ người Phi Luật Tân hát tại Downunder Bar, và sau này 2 người đã thành gia thất. Gần đây Alex có trở lại Sài Gòn nhưng không hoạt động về báo chí và thật đột ngột, anh từ trần tại đây sau một cơn đột quỵ. RIP Alex MxKinnon!

Cộng tác viên của VIR, Nguyễn Dũng, cũng kết hôn với một trong 4 nhân viên quản lý đầu tiên của Khách Sạn Nổi. Trinh là một trong số 400 nhân viên được khách sạn huấn luyện rất bài bản tại đây từ ngày khách sạn mở cửa.

 Kỷ niệm 1 năm thành lập báo VIR tại “Khách Sạn Nổi”

Đến cuối thập niên 90, số khách sạn quốc tế xuất hiện tại Sài Gòn dưới hình thức liên doanh với nước ngoài ngày xuất hiện càng nhiều tại Sài Gòn và đó cũng là giai đoạn “đi xuống” của Khách Sạn Nổi, chấm dứt thời kỳ vàng son của một khách sạn đầu tiên có tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam. Các nhà đầu tư phải tính đến chuyện nhổ neo rời Sài Gòn để tìm một thị trường thích hợp hơn.

Theo giấy phép của SCCI, thời gian hoạt động của Khách Sạn Nổi là 5 năm, tình từ năm 1989, nhưng trên thực tế mãi đến năm 1997 kiến trúc nổi này mới thực sự rời sông Sài Gòn. Đã có nhiều rắc rối về giấy tờ khi Khách Sạn Nổi chuẩn bị làm thủ tục nhổ neo ra biển.

Theo lời đại diện của khách sạn, khi đến Sài Gòn năm 1989 Việt Nam chưa áp dụng tờ khai hải quan “mẫu giấy màu vàng” cho nên lúc chuẩn bị nhổ neo thiếu giấy tờ các cơ quan chức năng đòi hỏi. Thế cho nên trong 2 năm cuối cùng khách sạn neo đậu trên sông nước dưới hình thức gia hạn giấy phép.

"Khách Sạn Nổi" nhìn từ trên cao
(https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/4216612567/in/set-72157623046646252)

Cuối cùng thì ngày 1/4/1997 Khách Sạn Nổi mới được kéo ra khơi, trực chỉ đảo Palau, Micronesia, là bước đầu của một cuộc hành trình lưu lạc trên biển và sau đó về lại Singapore, nơi khởi đầu xây dựng một kiến trúc nổi độc đáo nhất thế giới. Kể từ đó, Khách Sạn Nổi không còn được nhắc đến tại Sài Gòn và người ta hầu như không có một thông tin nào về số phận trôi nổi của một khách sạn đã có một thời kỳ vàng son tại đây.

Cũng cần phải nhắc đến một thống kê của Sở Tài chính thành phố: trong suốt 7 năm hoạt động, Khách Sạn Nổi đã nộp cho ngân sách nhà nước 10 triệu đô la, một số tiền không nhỏ trong bối cảnh Việt Nam hãy còn là một đất nước được xếp vào hạng đang phát triển. 

“Khách Sạn Nổi” nhìn từ Sông Sài Gòn

Tại Singapore, số phận của Khách Sạn Nổi bước vào một giai đoạn mới với việc bán lại cho Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) với giá 12,7 tỉ won, tương đương khoảng hơn 18 triệu đô la. Công ty Hyundai Asan, công ty con chuyên về du lịch của tập đoàn Hyundai, trực tiếp quản lý và Khách Sạn Nổi kể từ đó mang cái tên mới là Hotel Haekumgang.

Theo kế hoạch “đầu tư chiến lược” của Hyundai, một trong những lý do mua lại Khách Sạn Nổi với giá 18 triệu đô la được coi là “vẫn còn rẻ hơn việc xây dựng khách sạn trên đất liền”. Hơn nữa, đây là một khách sạn “di động” nên trong trường hợp “bất khả kháng” tài sản này có thể kéo ra khỏi Bắc Triều Tiên.

Hyundai sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư chiến lược vào Hotel Haekumgang vì vào năm 2000 việc bang giao giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đang mở ra một triển vọng sáng sủa trong ngành du lịch.

Một trong những dự án lớn nhất của Hyundai tại Bắc Triều Tiên là khu nghỉ mát núi Kumgang nhằm vào du khách người Hàn Quốc và khách quốc tế. Hotel Haekumgang được kéo từ Singapore, vượt 5.000 km đường biển để đến neo đậu tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát Kumgand.

Tính từ ngày được đóng tại Singapore, rồi di chuyển đến rặng san hô Great Barrier Reef (Australia), tiếp tục neo đậu tại Sài Gòn và cuối cùng là Bắc Triều Tiên, Khách Sạn Nổi đã vượt qua một hải trình dài 13.000 km trên biển. Một con số nói lên số phận lênh đênh của một con tàu khách sạn mang danh là “đầu tiên của thế giới”.

Khách sạn Haekumgang neo đậu tại bến cảng Changjon, Bắc Triều Tiên

Năm 2000, Haekumgang bắt đầu mở cửa đón khách. Một bài viết trên trang web nknews.org [*] dẫn lời Soomin Seo, một nhà báo người Hàn Quốc thường lui tới khu nghỉ mát Kumgand:

“Tôi và nhiều người Hàn Quốc khác thích ở Khách sạn nổi Haekumgang hơn là ở các khách sạn trên đất liền do Bắc Triều Tiên xây dựng. Haekumgang có tiện nghi tốt hơn, nước sạch hơn và điện không bị chập chờn…” 

Năm 2008 lại xảy ra một biến cố lớn trong mối bang giao Hàn Quốc – Triều Tiên. Một nữ du khách 53 tuổi người Hàn Quốc bị lính biên phòng Triều Tiên bắn chết gần khu du lịch Kumgand. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc trở nên căng thẳng, kéo theo số khách du lịch giảm sút và hậu quả cuối cùng là việc khách sạn nổi bị đóng cửa.

Số phận của khách sạn Haekumgang trở nên bi đát từ năm 2008 và kéo dài cho đến ngày nay. Huyndai không thể kéo khách sạn nổi ra khỏi Triều Tiên và quan trọng hơn nữa, tập đoàn này đã không theo kế hoạch đầu tư chiến lược dè chừng lúc ban đầu mà còn đổ nhiều tiền của và công sức trong việc xây dựng thêm một khách sạn “7 sao” Ananti và một sân golf trên đất Triều Tiên!

Khách sạn Ananti và sân golf chỉ mới mở cửa vài tháng thì dự án khu du lịch tại Bắc Triều Tiên bị ngưng trệ khiến nhà đầu tư Hàn Quốc bị lỗ đến 1 tỷ đô la tại đây.

Khách Sạn Nổi được kéo đến khu nghỉ mát Kumgand, Triều Tiên
(Hình Eric Lafforgue chụp năm 2011)

Suốt 6 năm qua, Khách sạn Haekumgang chỉ còn là một con tàu không hành khách nằm chơ vơ tại cảng Changjon. Phát ngôn viên của Hyundai Asan nói với nknews.org: 

“Gần đây chúng tôi có đến khảo sát tình trạng của khách sạn và thấy vẫn còn tốt. Dĩ nhiên là lớp sơn bên ngoài đã bị bong tróc nhưng bên trong khách sạn vẫn còn y nguyên, không một dấu tích lớn nào sau một thời gian dài”.       

Hyundai vẫn còn nuôi hy vọng một ngày nào đó dự án du lịch sẽ được khởi động trở lại để Khách sạn Haekumgang sẽ được sống lại thời kỳ vàng son của Khách Sạn Nổi ngày nào tại Sài Gòn. Đối với nhiều quan sát viên, Haekumgang giờ đã trở thành “con tin” trong tình hình căng thẳng về chính trị - quân sự giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un.   

Điều đáng chú ý là Haekumgang từ ngày đến Bắc Triều Tiên đã không còn hồ bơi và sân quần vợt, thay vào đó là một casino. Đỏ đen vốn là sở thích của nhiều người Á Châu nói chung, trong đó có cả những nhà đầu tư như Hyundai: họ đang chờ một vận may nào đó trong kế hoạch kinh doanh tại vùng đất quá nhiều bất trắc.

Hiện trạng Khách sạn Haekumgang tại Triều Tiên ngày nay

***

Chú thích:

[*] Tham khảo bài viết “How Saigon’s premier night spot ended up in North Korea” trên website NKNews tại:


nknews.org là website có trụ sở chính đặt tại Washington D.C và văn phòng đại diện tại các thành phố Seoul, New York và London. NKNews chuyên về việc thu thập tin tức thừ Bắc Triều Tiên từ các du khách có cơ hội viếng thăm nước này, đồng thời cũng lấy thông tin chính thống từ hãng tin KCNA của Triều Tiên.

Tổng biên tập của NKNews, Chad O'Caroll, là nhà báo chuyên về Hàn Quốc và Triều Tiên của tờ Telegraph. Thông tin trên NKNews cũng được các tờ USA Today, Business Insider... sử dụng.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Popular posts