Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Triết lý trong “The Godfather”

Có thể nói, Bố Già (Godfather) là một cuốn tiểu thuyết có đến 80% hư cấu, nhưng phần còn lại dựa trên những “người thật, việc thật” trong thế giới ngầm Mafia tại Mỹ.

Tôi đã viết một bài về cuốn tiểu thuyết “The Godfather” của nhà văn người Ý gốc Mỹ, Mario Puzo, được xuất bản năm 1969 - Đọc truyện và xem phim bố già (Cuốn sách đã trở thành best-seller với 11 triệu bản (bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác), được bán hết sạch trong chỉ một năm đầu xuất hiện.

Tiếp đó là một bài viết về cuốn phim cùng tên do đạo diễn Francis Ford Coppola với 3 giải thưởng Oscar năm 1973 dành cho tài tử Marlon Brando “Diễn viên chính xuất sắc nhất”, Mario Puzo và Francis Ford Coppola “Kịch bản phỏng theo tiểu thuyết hay nhất” và Albert S. Ruddy “Hình ảnh đẹp nhất”. 

Hình như hai bài viết vẫn chưa lột hết ý nghĩa của truyện và phim. Điều chưa được nói đến là phần tư tưởng của thế giới ngầm trong “The Godfather”. Nhiều người có lẽ sẽ không đồng tình với việc phân tích triết lý thuộc loại “giang hồ” nhưng, thiết nghĩ, dù trong giới nào cũng có triết lý rất “đời thường” mà có khi lại thâm thúy hơn những triết lý cao siêu.

Chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là Mafia, một tổ chức tội ác với dẫy đầy bạo lực, những cuộc thanh toán đẫm máu, bằng tiểu liên chứ không phải là súng lục, những cuộc dàn xếp trong bóng tối giữa “Ngũ Đại Gia”… nhưng cũng không thiếu những câu chuyện “nhân nghĩa” đặc thù của giới Mafia. Đó chính là chủ đề của bài viết thứ ba này.

Ông Trùm Don Vito Corleone là một trong những “thủ lĩnh tối cao” của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông và tìm đủ mọi cách để “triệt hạ” ông… Ông Trùm như con rắn hổ mang nguy hiểm, có đôi mắt chứa đựng một “uy lực tối thượng”. Ông “nhìn thấy hết” dẫu chỉ ở trong “bóng tối”, “biết hết” dẫu chẳng bao giờ thực sự xuất hiện trong giới giang hồ và “làm được hết”, kể cả những điều mà luật pháp của nước Mỹ cũng bị “bó tay”.

Đối với bạn bè, thân quyến, Bố Già lại gần như là một “đấng toàn năng” có thể cứu họ thoát khỏi những “thế kẹt” và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là Mafia theo cái nghĩa nguyên thủy của nó từ thuở ban đầu hình thành. Đó chính là “nơi ẩn náu”, chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất mỗi khi họ lâm nguy.

Vito Corleone thuộc típ “mạnh thường quân” trong đời thường. Đối với những người nhân danh “tình bạn”, ai có chuyện “nhờ vả” ông sẽ không để họ thất vọng. Ông không hứa hão, không từ chối mà cũng chẳng mong đền đáp. Được gọi là “bạn”, tất cả đều bình đẳng, bất kể giàu nghèo và cũng không phân biệt sang hèn. Cũng vì thế ông có nhiều bạn và được bạn bè tôn vinh là “Ông Trùm”.

Bố Già ẩn dấu hai bộ mặt hoàn toàn tương phản. Với cái tên “Ông Trùm”, Corleone có trong tay những “sát thủ”, sẵn sàng đổ máu… “không gớm tay”. Trái lại, cái tên “Bố Già” mang một thứ tình cảm thiêng liêng, thân mật trong một đại gia đình, “có trước có sau, có trên có dưới” và nhất là “luôn biết chuyện phải trái”.

Trong ngày cưới của con gái đã có rất nhiều “đồng hương” trước đến chia vui và sau là để “cầu cạnh” Bố Già. Ông đã thỏa mãn mọi yêu cầu vì theo tục lệ Sicily, “… không ai có quyền từ chối lời cầu xin trong ngày vui của con gái”. Ông quyết định rất nhanh, “có tình – có lý”, khiến người thọ ân phải “tâm phục, khẩu phục”.

Tại Ý, Sicily là vùng đất của Mafia cũng như tại Mỹ vào thời đào vàng có “Miền Tây Hoang Dã” (The Wild West). Cà hai đều là những “vùng-đất-dữ” của những cư dân sống ngoài vòng cương tỏa của pháp luật. Điểm khác biệt giữ Ý và Mỹ là tính cách của dân “giang hồ tứ chiến”.

Trong khi dân Miền Tây có những “cowboys” rong ruổi trên lưng ngựa với khẩu súng bên hông để hành hiệp giang hồ như những “người hùng cá nhân” thì tại Sicily lại là từng gia đình, dòng họ Mafia. Họ sẵn sàng nổ súng dù chỉ đối với chuyện nhỏ nhặt để bảo vệ “danh dự gia đình”.

Mỗi gia đình hay mỗi Ông Trùm Mafia thường thống trị một vùng. Họ thẳng tay sát phạt lẫn nhau, làm giàu nhờ những hoạt động phi pháp như buôn lậu ma tuý, bắt cóc những nhân vật giàu có để đòi tiền chuộc... Nhưng không phải chỉ có vậy!

Trong tiếng Ý, Mafia nghĩa đen chỉ là nơi trú ẩn. Sau này đổi thành tên một “hội kín” kêu gọi cư dân Sicily đứng lên chống lại bọn thống trị, chúng đè đầu cưỡi cổ dân Sicily. Suốt trong lịch sử loài người có vùng đất nào bị đô hộ tàn bạo bằng hòn đảo này? “Khố rách áo ôm” cũng khổ mà có tiền của đất đai cũng khổ không kém!

Sau này dân Sicily bị hết bọn đại điền chủ quý tộc bóc lột đến cấp lãnh đạo nhân danh tôn giáo đè đầu. Để nắm đầu bọn nông dân, giới thống trị phải có cả một bộ máy Cảnh sát sẵn sàng thẳng tay đàn áp, khủng bố. Dân Sicily căm thù lính đến độ dùng chữ “cảnh sát” để gán cho bất cứ ai mà họ không ưa: “Mày là cớm!”.

Tổ chức Mafia củng cố uy quyền bằng luật “Omerta” có nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh! Đối với Mafia, tội đáng chết là “báo Cảnh sát”, dù đó chỉ là đi “thưa lính” để tố cáo người vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích.

Sau cùng, luật “Omerta” trở thành một "đạo sống", “kỹ năng sống” của mọi giới. Chồng con bị giết, con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi “thưa lính”, nhờ nhà nước giải quyết.

Người Ý nói chung rất “đa tình”, trong đó phụ nữ có một địa vị luôn được đề cao. Nhưng ở Sicily có phần hơi khác. Qua Mario Puzo, người đọc khám phá thêm về quan niệm của dân Sicily đối với phụ nữ. Tác giả viết: “Ở Sicily, phụ nữ còn nguy hiểm hơn súng đạn”.


Trong Chương 23, Michael Corleone đã từ Mỹ trở về quê hương Sicily sau khi thanh toán địch thủ và một Đại úy người Mỹ, Cảnh sát Mark Mc Closkey, một tên “cớm bẩn” chuyên ăn hối lộ. Giang hồ bao giờ cũng có luật riêng, có thể bắn bất cứ người nào trong phe địch, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ “đụng” đến cảnh sát.

Michael là con út của Bố Già, đứa con đi ngược lại với truyền thống gia đình Corleone. Anh là Đại úy Thủy quân lục chiến trong quân đội Mỹ nên dứt khoát không dính líu đến chuyện “làm ăn” của gia đình trong thế giới ngầm.

Cho đến khi những biến cố dồn dập xảy đến cho gia đình: cha bị ám sát nhưng không chết, anh cả Sony bị “ăn” hàng loạt tiểu liên và chính bản thân mình bị viên “cớm bẩn” hạ nhục… Đang từ một con cừu “thánh thiện” Michael trở thành một con sói “tàn ác”. Người ta nói, “thời thế tạo anh hùng” là vậy!

Sau 5 tháng lánh nạn ở Sicily, Michael đã mở mắt. Anh đã hiểu quá khứ của bố và cả nghiệp dĩ của ông. Nếu họ không phải là những người dám cưỡng lại số phận thì ngày giờ này họ đâu được sống tại Mỹ. Michael cũng đã hiểu tại sao bố hay nói “Mỗi người mỗi phần số” cũng như tại sao người dân Sicily không đi với luật lệ nhà nước, không tuân theo bộ máy cai trị nhưng lại không dám vi phạm luật “Omerta”.

Cái khéo của “The Godfather” là tác giả xây dựng một bố cục chặt chẽ, lớp lang. Lồng vào đó là những triết lý “giang hồ” nhưng không kém phần tình nghĩa. Quan niệm về “bạn bè” trong thế giới ngầm cũng được Mario Puzo phân tích tỷ mỷ.

Đã là bạn, người ta không thể nào giận Bố Già mà lại mang ơn ông. Suốt đời những người bạn đó chỉ chờ đợi được trả ơn và khi có dịp, người ta hoan hỉ trả lại một món nợ tinh thần lúc nào cũng canh cánh cưu mang. Đó là lối xử thế, một “kỹ năng sống” còn tuyệt vời hơn cả những gì Dale Carnegie viết trong loại sách học làm người, điển hình là cuốn “Đắc nhân tâm”.

Bố Già còn có tính nhẫn nhục, “nhũn như con chi chi”, nhẫn đến độ người ta tưởng ông hèn. Đám cưới cô gái rượu rùm beng khiến FBI cử nhân viên đến theo dõi, ghi số xe khách đến dự. Trong khi cậu con cả Sony tính nóng như Trương Phi, đòi “làm cho ra lẽ” thì ông chỉ điềm tĩnh phán: “Đó là việc của họ… Ta đâu có mua được cả nước Mỹ!”.

Cách xử thế của Bố Già rất đơn giản nhưng lại hiệu nghiệm. Tất cả hình như chỉ tóm gọn trong câu: “Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể nào khước từ”. Lời nói thật dịu dàng, đằm thắm và chứa chan tình người! Nhưng đề nghị đó cũng khốc liệt và tanh mùi máu.

Chặt đầu con ngựa Khatoum của lão chủ hãng phim với đề nghị cho đứa con đỡ đầu Johnny Fontane được đóng phim. Jack Woltz rất quý con ngựa này, nó trị giá 600.000 đô. Ấy thế mà Woltz vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” ký hợp đồng với Johnny. Trong thâm tâm lão vẫn “ghét cay ghét đắng” Johnny vì cái tật “trăng hoa”, dám cả gan “phỗng tay trên” cô đào “văm” của lão!

Đó là cách xử thế rất “gangster” của Bố Già. Đó là cách ông “xử lý công việc” qua Bàn Tay Đen “khát máu”. Và đó cũng là “chân dung trần trụi” của Ông Trùm.

Cậu con nuôi, kép hát Johnny, từ Hollywood về dự đám cưới mà lòng buồn rười rượi. Johnny gặp khủng hoảng khi có cô vợ cũng là tài tử xinê lăng loàn, trắc nết, trong khi sự nghiệp ca hát, đóng phim của anh ngày càng xuống dốc không phanh. Bố Già sau khi nghe Johnny kể khổ, ông nhận xét:

“Mày đập cho con vợ tồi bại một trận mà còn chừa cái mặt vì nó đẹp quá, vì nó đang đóng phim… nên nó cười vào mặt mày, thế mà lại còn ấm ức vì bị nó “chọc quê”… Mày còn nghĩ đến mấy đứa nhỏ là tốt lắm. Có con mà không làm cha thì làm người đâu được. Đàn ông mà không ngó ngàng đến gia đình sẽ chẳng bao giờ là một người đàn ông thật sự!”.

Tôi thấy triết lý của một Ông Trùm “giang-hồ-ít-học” xem ra còn thâm thúy hơn hẳn những triết gia khoa bảng mà ta thường đọc!


Ở một đoạn khác, Ông Trùm khiến người đọc cảm động vì những câu nói chân tình:

“Quả thực tôi muốn bình an. Bên Tattaglia mất một đứa con, phía tôi mất một. Kể như huề. Thử hỏi nếu ai nấy cũng nhắm mắt đòi ăn miếng trả miếng nhau mãi... thì thế giới này sẽ ra sao? Dám tái diễn cái thảm cảnh quê nhà mình ngày nào: Cứ hùng hục tranh chấp bắn giết nhau hoài, quên cả vợ con chết đói. Đúng là cả một sự điên khùng! Vậy tôi đề nghị trước sao bây giờ cứ thế. Tôi bỏ, tôi không tra xét, truy cứu kẻ giết con tôi. Hoà là bỏ hết. Tôi có thằng con hiện còn phải bỏ đi xa. Tôi phải thu xếp để đưa nó về, với điều kiện chắc chắn không ai bới móc làm khó. Xong vụ đó ta mới có thể bàn nhiều chuyện làm ăn với nhau để tất cả cùng có miếng ăn. Thực sự tôi chỉ muốn có vậy, có bấy nhiêu đó thôi”.


Don Corleon luôn có những quyết định nhanh nhậy trong chuyện “làm ăn”. Một khi đã quyết ông sẽ theo đuổi cho đến cùng. Quan trọng nhất là quyết định không bao giờ nhúng tay vào chuyện ma túy. Ông chỉ nói gọn lỏn: “Chuyện đó bẩn, không thể dính vô!”.

Câu nói ngắn gọn đó đã dẫn đến việc bản thân Ông Trùm bị các phe cánh khác thanh toán nhưng ông không chết, con trai trưởng cũng bị ăn đạn và đó là cơ hội xuất hiện Bố Già “con”: cậu út Michael lên nối nghiệp cha trong tình thế được coi là “bất khả kháng”.

Sau khi các biến cố dồn dập xẩy ra, Ông Trùm còn nói với thủ lãnh của những gia đình Mafia về quyết định không dính dáng đến ma túy trong việc làm ăn:

“Xin nói là tôi cảm thấy rất hãnh diện về vụ được coi như là có thế lực đối với các ông lớn. Phải chi được vậy thì hay quá! Tôi có quen biết nhiều thật... nhưng quen là một chuyện, dính vô ma tuý là hết quen. Chắc chắn vậy: Vì họ sợ dính vô, họ tối kỵ ma tuý. Mấy thầy chú xưa nay từng ăn chịu thì cái gì họ chẳng giúp được mình? Ma-tuý họ không dám. Tôi biết rõ như vậy thì giúp dùm anh em thế nào được? Nhờ vả tôi như vậy khác nào hại tôi?”

“The Godfather” là cả một bức tranh đầy góc tối của Mafia tại Mỹ. Ở Chương 11, Mario Puzo đưa vào nhân vật “phản diện”, Đại Úy Mark Mc Closkey, một “cớm bẩn” của cảnh sát Huê Kỳ. Ngọc Thứ Lang đã chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:

“Ngồi ngay buya-rô trong bót, Đại Uý Cảnh sát Mark Mc Closkey mân mê ba chiếc phong bì dầy cộm, bên trong toàn cuống giấy biên đề. Lão nhăn nhó, phải chi biết được ám hiệu của mấy thằng bao đề này thì đỡ khổ biết mấy! Hồi hôm đi hành quân tảo thanh, lão đã ghé ngang một ổ chơi đề của cánh Corleone và chớp được bao nhiêu cuống “tang vật” là nhét hết cả vô đây.

Thằng chủ đề chắc chắn sẽ phải lạy để chuộc bằng được ba cái phong bì quý giá này. Không có cuống để so… thằng nào cũng chìa giấy biên ẩu ra đòi chung thì tiền đâu ra mà chung cho đủ? Vậy là toàn quyền ra giá… nhưng nó ghi lằng nhằng điệu này thì biết tổng số tiền có biên cỡ bao nhiêu mà đòi? Nếu tiền quyện năm chục ngàn đô-la thì cho chuộc năm ngàn là điệu rồi. Nhưng biết đâu ngần này cuống dám một trăm ngàn… vài trăm ngàn? Đòi năm giấy lớn để mà “hố” với nó sao?”

Ở đâu cũng thế. “Cớm bẩn” xuất hiện trong mọi chế độ, dù đó là độc tài hay dân chủ. Có nơi “cớm” xuất hiện trong vai trò “bảo kê” cho các hoạt động của thế giới ngầm. Đã có không ít “cớm bẩn” trong xã hội Việt Nam ngày nay. Họ chính là “bản sao” của các đồng nghiệp tại xứ Cờ Hoa.

Đọc “The Godfather” còn mang lại một cái thú: đối chiếu Mafia Mỹ với Mafia Việt… Cả hai đều là Mafia với cái nghĩa nguyên thủy của nó.


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Kỹ năng sống

Tôi còn nhớ, hồi xưa tại quân trường Thủ Đức, ngoài những đề tài quân sự như chiến thuật, chiến lược hay vũ khí, sinh viên sĩ quan được học một môn thật hữu ích. Đó là môn học mang tên… “mưu sinh thoát hiểm”.

Nói một cách nôm na, “mưu sinh thoát hiểm” giúp người lính tự tìm cho mình một lối thoát để sống còn khi gặp những trường hợp bất trắc. Chẳng hạn như nhìn rêu bám trên thân cây để biết phương hướng khi bị lạc trong rừng hoặc dùng áo mưa nhà binh “poncho” để vượt sông…

Các tổ chức thanh niên thời đó như Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh Sinh Công… cũng huấn luyện thanh niên cách để sinh tồn nơi hoang dã. Từ việc hướng dẫn cách nhóm lửa để nấu nướng, sưởi ấm đến việc sử dụng các loại dây leo trong rừng làm cáng cấp cứu.



Tem kỷ niệm Họp Hướng Đạo Toàn Quốc (Thời VNCH, 1959) 

Nói chung, môn “mưu sinh thoát hiểm” nằm trong cái mà ngày nay người ta gọi là “kỹ năng sống” giúp con người thích nghi với cuộc sống, quan trọng hơn cả là vượt qua mọi trường hợp hiểm nguy để sinh tồn.

Theo các nhà giáo dục, ngoài kỹ năng “nưu sinh thát hiểm”, con người còn cần biết đến cách đối phó với những bất trắc của cuộc sống hàng ngày, biết cách thuyết phục người khác hay cao cả hơn là biết hy sinh bản thân vì cộng đồng.

Như vậy, có thể nói, kỹ năng sống bao gồm kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xã hội và kỹ năng làm việc. Không cần bàn cãi, “kỹ năng sống” là điều cần thiết cho cuộc sống. Nhưng vấn đề đặt ra là đối với học sinh người ta rèn luyện kỹ năng sống như thế nào?

Ở Ấn Độ cũng đã có thời kỳ người ta rèn luyện sự “can đảm” cho trẻ bằng cách tập cho học sinh vượt qua sự sợ hãi bằng những bước đi trên than hồng tựa như các “fakir” đi trên lửa. Chương trình giáo dục này sau một thời gian thử nghiệm đã gặp trở ngại và bị chính phủ Ấn Độ ngưng thực hiện vì những phản ứng của phụ huynh.

Thực ra, đi trên lửa có từ hàng ngàn đời nay, nhưng thường gắn với hoạt động tôn giáo. Ấn Độ đã có những màn trình diễn đi trên lửa cách đây khoảng 1.200 năm trước Công nguyên. Ngày nay, nếu có dịp tham gia lễ tế thần Khatalaza của đạo Hindu ở Sri Lanka, người ta sẽ được chứng kiến nghi lễ đi trên lửa.

Tại Nhật, lễ hội hiwatari-matsuri là một trong những lễ hội tôn giáo diễn ra vào dịp đầu tháng 3 hàng năm tại đền Yuki-ji trên núi Takao, phía tây thủ đô Tokyo. Các tín đồ của tôn giáo Shugendo thực hiện nghi lễ Goma - đi chân trần trên những đám lửa nhỏ và đống tro nóng - với mong ước tránh được điều rủi ro và nhận về nhiều may mắn, sức khỏe.


Lễ hội đi chân trần trên lửa ở Nhật (Ảnh báo Telegraph)

Tại Việt Nam, Bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh học, từng được biết đến như là một trong số những người khai phá bộ môn Cảm xạ học ở Việt Nam. Theo ông Châu, cảm xạ học là bộ môn còn mới mẻ ở Việt Nam. Với môn học này, người ta có thể đi trên than hồng hay trên những mảnh vỡ của thủy tinh. Ông cho biết:

“Tôi được học cảm xạ ở Pháp và y năng lượng ở Monaco. Tôi đã nghiên cứu kết hợp hai bộ môn và Việt Nam hóa, làm cho bộ môn cảm xạ học ở Việt Nam mang một sắc thái mới, có tính ứng dụng rộng rãi và gần gũi hơn với mọi người. Năm 1988, bộ môn cảm xạ học được thành lập trực thuộc Liên hiệp Khoa học UIA và được khai giảng khóa học đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 9/5/1988”.

Ông Châu đã khuấy động dư luận với việc tổ chức những cuộc đi chân trần trên mảnh chai thủy tinh vỡ, lướt trên than hồng cháy rực vài trăm độ C. Có người trầm trồ tin tưởng nhưng cũng có người hoài nghi và cho rằng đó là trò lừa bịp.

Phạm vi bài viết này tác giả không bàn đến môn “cảm xạ học” mà chỉ muốn đề cập đến việc có nên áp dụng môn học này đối với học sinh tiểu học, nghĩa là từ lớp 1 cho đến lớp 5 (lớp Năm đến lớp Nhất ngày xưa).

GS. TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội
đi qua 5m mảnh chai thủy tinh (Ảnh PetroTimes)

Trước tiên, người ta khẳng định trẻ con cần phải học những kỹ năng sống, dựa vào đó có một số kiến thức để bước vào đời. Kỹ năng đó chính là những thói quen hợp lý, cần thiết để xử lý trong tình huống cụ thể. Những tình huống này phải có thật và có nhiều khả năng xảy ra trong thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai.

Một số nhà giáo dục đã hiểu trẻ em là “người lớn thu nhỏ” cho nên đã đem khái niệm của người lớn để đánh giá và áp dụng dạy dỗ học sinh. Từ đó dẫn đến tình trạng sách dậy kỹ năng sống được xuất bản cho trẻ nhưng có nội dung không phù hợp.

Hơn nữa, định nghĩa về kỹ năng sống đã bị hiểu lầm, hay cố tình hiểu sai, nên dễ dẫn đến việc kết luận những phẩm chất đạo đức như lòng dũng cảm, sự can trường… cũng được coi là kỹ năng sống.

Ngoài ra, việc kiểm duyệt sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày nay có phần chưa được chặt chẽ nên đã có không ít ấn phẩm gây xôn xao dư luận khi không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh hoặc có bài tập nhưng yêu cầu chưa thực sự hợp lý và khả thi.

Năm 2013, Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành bộ sách “Thực hành kĩ năng sống” cho tất cả các khối lớp ở Tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi lớp có 15 bài được Bộ Giáo dục khuyến khích dạy tại các trường tiểu học như một môn “ngoại khóa”. Trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" có một bài học dạy về lòng dũng cảm và sự tự tin như sau:

“Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.


 Bài học đi trên thảm thủy tinh dành cho học sinh lớp 1

Bạn sẽ nghĩ sao nếu em học sinh trong hình là con của mình? Có cần thiết phải đi trên thảm thủy tinh để rèn luyện kỹ năng sống như tựa của cuốn sách? Tôi thấy bài học này nên dành cho người lớn, những người thích chuyện trình diễn những trò ảo thuật hơn là những học sinh nhỏ tuổi.

“Thực hành kĩ năng sống” dành cho học sinh lớp 2 có phần bài tập với 4 yêu cầu: (1) Kể tên 5 người bạn trong lớp em; (2) Kể tên 5 người thân trong gia đình em; (3) Kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua; và (4) Kể tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012.

Phần (1) và (2) học sinh lớp 2 có thể làm được, nhưng ở phần (3) và (4) ngay đến cả phụ huynh, giáo viên hay cả những bậc trí thức làm sao nhớ nổi tên hoa hậu thế giới và cũng làm sao kể được tên 5 người đoạt giải Nobel. Những kiến thức này có phải là “kỹ năng sống” hay chỉ là những câu hỏi không có lời giải đáp? Ở đây ta thấy sự tắc trách đến độ vô cảm của những người soạn sách.

Trong “Thực hành kĩ năng sống 5” có bài “Lắng nghe và nghe thấy”. Tôi còn nhớ ngày xưa khi bắt đầu năm Đệ Tứ học sinh mới có giờ Hán văn. Thế mà bây giờ các cháu giỏi thật, mới lớp 5 mà các cháu được dạy chiết tự chữ “Thính” (nghe).

Để giải thích chữ “Thính” trong Hán văn, sách có cả hình ảnh được ghép từ 5 bộ chữ: Nhĩ, Vương, Nhãn, Nhất, Tâm. Người soạn sách chắc phải có tầm nhìn xa, dạy cho các cháu kỹ năng sống trong một xã hội tương lai khi văn hóa Trung Hoa “Nam Tiến” trên mảnh đất hình chữ S này.

Có thể lắm chứ! Sách được xuất bản trong thời buổi “nhạy cảm” khiến người ta liên tưởng đến việc Hán Nôm “tái xuất giang hồ” sau một thời gian bị chữ Quốc Ngữ “đô hộ”. Việc đưa chữ Hán vào trường học khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy có điều gì đó “không ổn” trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh tiểu học.


Chiết tự chữ “Thính” 

Nói về cuốn sách đã dẫn do ông biên soạn, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết sách đã được xuất bản từ năm 2013. Bản thân ông cũng đã đi khắp nơi trong nước dạy thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh suốt 15 năm nay.

Người sáng lập Tâm Việt Group còn cho biết, ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, bài học về lòng dũng cảm còn có cả phần “học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại”. Trẻ nhỏ hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sợ hãi! Ông nói:

"Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết".



“Tất nhiên là có nhiều cách giáo dục lòng dũng cảm cho trẻ nhỏ, nhưng dạy trẻ bằng cách đi trên thủy tinh là một cách rất hay. Hồi nhỏ tôi cũng dẫm lên mảnh sành, mảnh chai là bình thường! Chúng ta đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp, mà nên biến chúng thành đại bàng”.

Lý luận của TS Phan Quốc Việt 

Ông Tiến sĩ Toán-Lý còn có những lý luận đại loại như: “Cha ông ta có câu “có thực mới vực được đạo”, tức là đạo đức hay đạo lý chỉ trải nghiệm thực chứ không học thuộc lòng được. Quản trị cảm xúc phải được giáo dục từ nhỏ, bằng nhiều cách chứ không ai để già mới giáo dục cảm xúc”.

Ông Việt đã đúng trong việc chiết tự chữ “Thính” trong sách như đã dẫn ở trên nhưng trường hợp chữ “Thực” (ăn) không biết ông “ngụy biện” hay ông không phải là “thâm nho” nên mới suy diễn là… thực tế?

Theo blogger Chu Mộng Long, một nhà giáo tại Miền Trung, trong bài giảng “Thực hành kỹ năng lãnh đạo đỉnh cao”, ông còn giải thích chữ “Hoài Bão” cho sinh viên: “Hoài” là thường trực, liên tục; “Bão” là mạnh mẽ, lớn lao, như bão táp. Vậy suy ra “Hoài Bão” là khát vọng thường trực, liên tục như vũ bão”. (?)

Hình chỉ có tính cách “minh họa” vui, tôi không tin ông Tiến sĩ nói một câu như vậy

Không phải tất cả mọi người đều “ném đá” ông Tiến sĩ và cuốn sách dậy kỹ năng sống dành cho học sinh tiểu học, cũng có những người ủng hộ ông. Điển hình là nhà giáo Văn Như Cương. Ông Phó Giáo sư tuyên bố trên báo chí:

“Tôi biết anh Việt và đã từng mời anh về trường nói chuyện và huấn luyện về kỹ năng mềm cho các em học sinh từ lớp 6 trở lên. Tôi có nghe anh nói chuyện và thấy rất thú vị. Tại buổi nói chuyện anh có đưa ra trò chơi đi trên thảm thủy tinh. Trải một tấm thảm rồi mang một bọc thủy tinh ra đổ lên và thuyết phục học sinh đi trên đó để rèn sự dũng cảm.

Học sinh trường tôi có một số em đi. Chứng kiến học sinh đi tôi cũng cởi giầy ra đi thử nhưng học sinh la ó “thầy ơi đừng có đi”. Tuy nhiên, tôi vẫn đi và cảm thấy rất bình thường, thậm chí là khá êm. Tôi không biết là có thủ thuật gì mà đi lên thủy tinh mà không thấy đau chân, rách chân hoặc chảy máu…”.

Người lắm chuyện lại nói theo kiểu người miền Bắc: Giáo sư Cương “cầm đèn chạy trước ô-tô” khi ông lên tiếng bênh vực Tiến sĩ Việt. Chả là vì mấy hôm sau trên báo Lao Động Online xuất hiện tin về một Công văn của Bộ Giáo dục như sau:

“Công văn do thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước sự dậy sóng của dư luận về cuốn sách dạy trẻ em lòng dũng cảm bằng cách đi trên thảm thủy tinh, ngày 25.8, bộ GD-ĐT đã có công văn gửi đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu kiểm tra, xem xét nội dung sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1.

Trong văn bản yêu cầu của Bộ GD có nêu rõ, hiện nay, trên một số trang báo thông tin điện tử và mạng xã hội đang xôn xao về nội dung của cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống” dành cho học sinh lớp 1 của hai tác giả Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Thùy Dương do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh.

Để kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý về những nội dung gây ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo về Bộ trước ngày 28/8/2015.

Qua đó, Bộ GD đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nghiêm túc thực hiện”.

Xin hết trích dẫn và bài viết về Kỹ Năng Sống cũng chấm dứt tại đây với một bức tranh “minh họa” trên mạng xã hội. Phần còn lại xin dành cho bạn đọc.

Tranh minh họa “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh tiểu học VN” 


*** 
--> Read more..

Popular posts