Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Chỉ kéo dài… vài phút!

Sáng nay, 25/02/2016, thấy trên notification báo có comment của Lê Quốc Vinh đề cập đến tên Nguyen Chinh (nick của mình trên Facebook).

Vào xem bài viết về “đường dây nóng”của Vinh có câu: “Thấy anh Nguyen Chinh trong phóng sự này…” mình mới sực nhớ chuyện VTV phỏng vấn và reply cho Vinh:





“Hôm đó là Thứ Bảy 20/02/2016, mình đang ngồi uống café thì một cô phóng viên VTV và một anh cameraman bất ngờ xuất hiện trước mặt và xin phỏng vấn trực tiếp về vấn đề “đường dây nóng”… Tuy bây giờ đã bỏ nghề báo từ lâu nhưng mãi tới lúc này mới thông cảm được “nỗi lòng” của người phỏng vấn và người “được” phỏng vấn… Mình chỉ ứng khẩu mấy câu trong vòng vài phút rồi họ lên xe đi ngay, không quên cho biết là ngay tối đó hay chậm nhất là bản tin trưa Chủ Nhật sẽ phát… Mình cũng quên bẵng là đã được phỏng vấn và cũng chẳng xem TV cho đến khi đọc trang của Vinh mới sực nhớ ra… Thế là đã “được đóng vai quần chúng” trong chương trình “nhà báo Lê Quốc Vinh - chuyên gia về Truyền thông và Quan hệ công chúng”. Hân hạnh…”


Mình nói gì trong đoạn phỏng vấn ngắn ngủi đó? Nhờ xem lại đoạn băng của VTV mới nhớ lại mình đã nói về việc thiết lập “đường dây nóng”:

“Rất tốt… tôi ủng hộ hết mình… Còn vấn đề có hiệu quả hay không thì phải chờ thời gian… thời gian sẽ trả lời…” [1]





Tháng 2/2016 bỗng rộ lên với chuyện Đinh La Thăng [2], Bộ trưởng Giao thông, từ Hà Nội vào làm “Bí thư Thành ủy” Sài Gòn. Một trong những sáng kiến có tính cách “đột phá” của ông (thường được dân mạng gắn cho bí danh “La#”) là công bố trên các phương tiện truyền thông số điện thoại di động “đường dây nóng”: 0888 247 247.

0888 là đầu số mới của điện thoại di động, sáu con số 247 247 đi sau ám chỉ thời gian hoạt động của điện thoại suốt ngày đêm (24 giờ) và suốt tuần (7 ngày). Ông Thăng có số điện thoại thật đẹp và ý nghĩa nhưng vẫn còn chờ thời gian để chứng tỏ đường dây nóng có giúp gì cho việc điều hành một thành phố lớn nhất nước mà lại là “đầu tầu” về kinh tế của cả nước hay không.

Người khó tính cho rằng ông “La#” bận giải quyết mỗi ngày hàng ngàn cuộc gọi của người dân thì còn thì giờ đâu lo cho kế hoạch vĩ mô để phát triển Sài Gòn. Họ nói trả lời đường dây nóng không phải là việc của ông mà là việc của một bộ phận truyền thông mà thôi!

Người “bi quan” lại nghĩ đến “sự kỳ thị vùng miền”. Những cán bộ người miền Nam giữ quyền điều hành Sài Gòn từ 1975 tới giờ, nay được thay bằng một người miền Bắc chắc chắn sẽ gặp trở ngại “ngấm ngầm” trong bộ máy của nhà nước. Chúng ta, những “phó thường dân”, chỉ biết… chờ xem sao!


Trong âm nhạc, dấu thăng (#) cao hơn nốt thường nửa cung trong khi dấu giáng (♭) thì lại thấp hơn nửa cung… Người ta hy vọng ông bí thư thành ủy La# sẽ đưa Sài Gòn lên một “tầm cao” mới… chứ đừng mang tên La♭.. hay ít ra cũng đừng trở thành La với dấu bình (♮)... có nghĩa là La# bị giáng xuống nửa cung. Mong lắm thay!




Trở lại phần đầu của câu chuyện, Lê Quốc Vinh và mình hồi đầu thập niên 1990 cùng làm cho tờ Vietnam Investment Review (VIR) của Úc, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Anh liên doanh giữa một tập đoàn báo chí Úc và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (State Committee for Cooperation and Investment – SCCI).

VIR là tạp chí tiếng Anh, ra hàng tuần, chuyên về kinh tế dành cho những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tờ báo ra đời trong thời kỳ Đổi Mới và vẫn còn trụ lại cho đến ngày nay, dù đối tác Úc đã rút khỏi liên doanh và Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Ministry of Planning & Investment), hiện là cơ quan chủ quản [3].




Báo Vietnam Investment Review ngày nay

Vinh làm việc ở văn phòng ngoài HN còn mình trong SG. Nhân câu chuyện “Chỉ kéo dài… vài phút!” mà có cuộc hội ngộ giữa một người làm báo đã… “hết thời” với một nhà báo kiêm nhà kinh doanh “đang lên”… Ở đời có nhiều thú vị như thế đấy!



Bình luận trên Facebook

***

Chú thích:

[1] Xem VTV tại: http://vtv.vn/trong-nuoc/chinh-quyen-day-manh-ket-noi-voi-nguoi-dan-qua-facebook-20160224130422721.htm

[2] Đinh La Thăng (sinh ngày 10/9/1960 tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa X, XI và XII, đại biểu Quốc hội các khoá XI và XIII, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ ngày 3/8/2011. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5/2/2016. (https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90inh_La_Th%C4%83ng).

[3] Đọc thêm về Vietnam Investment Review qua các bài viết:

· “Saigon Stories” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/saigon-stories.html

· “Máy tính & Tôi” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/01/may-tinh-toi.html



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh...

Được sự đồng ý của tác giả, GS Bùi Dương Chi (người Mỹ, gốc Việt), chúng tôi xin đăng tải toàn văn bài phóng sự và hình ảnh các chuyến du khảo Lạng Sơn của ông sau khi xảy ra cuộc “chiến tranh biên giới phía bắc” giữa hai nước “anh em” vào năm 1979. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về GS Bùi Dương Chi trong “Hồi Ức Một Đời Người” qua bài viết “Hồi ức Ban Mê” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/11/hoi-uc-ban-me.html) và một số bài viết khác trên Blogspot (chinhhoiuc.blogspot.com)…


***

Bốn nguyên nhân khiến tôi du khảo Lạng Sơn 5 lần: 1993, 2001, 2003, 2009 và 2011:

1/. Trung Quốc  “dậy Việt Nam một bài học” ở 6 tỉnh biên giới của Việt Nam vào tháng 2 năm 1979.
2/. Trung Quốc đã lấn và lấy đất của Việt Nam, nhất là ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn.
3/. Quân Bình Định Vương đánh bại cánh quân nhà Minh, chém Liễu Thăng ở Ải Chi Lăng.
4/. Câu đồng dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Lần du khảo thứ nhất vào tháng 4/1993 có 6 sinh viên Mỹ của chương trình Học Kỳ Hải Ngoại tham dự nên đoàn chỉ có đủ thì giờ đi xem khu biên giới gần Ải Nam Quan. Tới nơi, đội trưởng lính biên phòng khi biết thầy trò là Mỹ đã lệnh cho đoàn phải quay về Lạng Sơn ngay.

Tôi khẩn khoản yêu cầu cho tham quan vì đoàn vừa mất gần 5 tiếng đi xe từ Hà Nội lên. Đội trưởng bảo lên đồn chỉ huy gặp thủ trưởng mà xin phép. Rất may, thủ trưởng không những “OK” mà còn gọi máy liên lạc căn dặn đội trưởng phải đưa “Phái Đoàn Sinh Viên Hoa Kỳ” ra tận ranh giới [cảm ơn cựu Tổng Thống Clinton đã/sắp bãi bỏ Lệnh Cấm Vận].

Đội trưởng bảo chúng tôi phải đi hàng một, theo đúng sau lưng, dẫn đâu đi đấy vì nhiều nơi có chôn và gài mìn. Đến khu “Km0 Hữu Nghị” cậu ta cho phép tôi chụp thật nhanh ảnh trạm biên giới Trung Quốc vì tụi nó hung hăng xấc xược lắm. Đêm nào không trăng sao tụi nó cũng nhổ cọc rồi chôn lấn sang đất mình. Sáng ra mình nhổ lên chôn lại chỗ cũ thì tụi nó cười hô hố! “Có phép cấp trên, cháu cho chúng nó sơi “kẹo đồng” ngay!” 

Thành phố Lạng Sơn là thủ phủ của tỉnh Lạng Sơn (LS), 1 trong 58 tỉnh trên toàn quốc. Bắc giáp Trung Quốc & Cao Bằng; Nam giáp Bắc Giang; Đông giáp Quảng Ninh (có vịnh Hạ Long); Tây giáp Bắc Kạn & Thái Nguyên. Kinh tế: nghèo, xếp hạng 53/58, được Trung Ương tài trợ. (wikipedia.org)

1993. “Phái Đoàn Sinh Viên Hoa Kỳ”. Xe khách Hải Âu do Liên Xô chế tạo, không có máy lạnh, nhíp cứng nên chạy rất xóc nhưng động cơ mạnh, gầm xe cao nên băng rừng lội suối dễ dàng. Bây giờ chỉ còn thấy xe này ở những nơi khỉ ho cò gáy [*]

Vùng đồng bằng lúa, ngô xanh tươi. Vùng đồi núi, đất cằn cỗi.

1993. Trạm phụ trách rào cản phía Việt Nam.
Sau rào cản là Trạm Hành Chính Trung Quốc.

1993. Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu bang giao giữa hai nhà nước Viêt Nam-Trung Quốc.

Năm 2001, tôi đi xe khách lên Lạng Sơn, Đồng Đăng. Một mình nên tôi có nhiều thì giờ du khảo mấy khu buôn bán và các di tích mà hồi còn đi học tôi đã được đọc và nghe giảng.

Nàng Tô Thị thiên nhiên bị hủy vì nạn nổ mìn lấy đá. Nàng Tô Thị này làm bằng đá củ đậu và xi-măng. Tôi bảo cán bộ sở Du Lịch Văn Hóa trình độ làm tượng của nghệ nhân này rất kém. Tôi khuyên phải tìm ảnh xưa rồi mời nghệ nhân có tài năng làm lại.

Chùa Tam Thanh. Rất đẹp. May chưa được “cải tiến” như lấy gạch thẻ trắng bóng lát tường buồng tắm để lát tường nơi thờ cúng, treo vòng đèn nê-ông lập lòe trên đầu tượng Phật, thay mái chùa rêu phong bằng fibro xi-măng, v..v..


Hang vào chùa Nhị Thanh (không biết có chùa Nhất Thanh không?). Tôi cũng không biết thời điểm có câu đồng dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Tanh” thì địa giới Đồng Đăng có bao gồm mấy di tích này không? Ngày nay, phố Kỳ Lừa nằm trong thành phố Lạng Sơn. Nàng Tô Thị, chùa Nhị Thanh và Tam Thanh nằm ở ngoại ô. 

Phố Kỳ Lừa: từ chợ Bờ Sông Kỳ Cùng trong Tp. LS đi qua cầu Kỳ Lừa là đến phố Kỳ Lừa. Nghe nói cách đây hơn trăm năm, Kỳ Lừa là phố buôn bán của người Hoa, đông đúc và phồn thịnh nhất vùng. Họ làm nhà “ống” [bề ngang rất hẹp nhưng bề xâu rất dài - như ở Phố Cổ Hà Nội - vì triều đình đánh thuế đất chỉ căn cứ vào bề ngang mặt tiền].

Điểm đặc biệt là họ làm sàn nhà theo từng nấc, càng vào xâu càng xuống thấp để của cải tụ lại trong gia đình, không lọt ra ngoài. Tôi thấy một căn vẫn giữ kiến trúc đó. 

Theo tôi, di tích lịch sử này giá trị gấp nghìn lần các Siêu Thị và khu Rì-dzọt nhưng thiếu bảo trì.

Mặc cho mưa nắng dãi dầu, cỏ dại lấn lướt. Xa xa là Thành phố Lạng sơn.

Hai tấm bia đối diện trên QL 1A đi Hà Nội, cách LS khoảng 10km (?), đánh dấu vị trí Ải Chi   Lăng, nơi cách đây gần 600 năm, quân của Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại cánh quân Liễu Thăng của nhà Minh. Nguyễn Trãi đã ghi chiến công này trong Bình Ngô Đại Cáo.

Một trong các khe núi cách Ải Chi Lăng chừng mấy trăm mét.
Tôi phỏng đoán bên ta rất có thể đã ém quân phục kích ở những nơi này.
Khi ấy đây là rừng núi và QL 1A là đường mòn.

Năm 2003, tôi đi tầu hỏa Hà Nội lên Lạng Sơn và Đồng Đăng xem thêm rồi sau đó đi xe thồ (xe ôm) lên khu cửa khẩu Tân Thanh.

Năm 2009, phố xá Lạng Sơn và thị xã Đồng Đăng thay đổi nhiều đến nỗi tôi tưởng đang đi dạo quanh mấy khu buôn bán ở  Q.5, Q.10 Saigon. Mấy chủ Mini hotel và tài xế xe thồ bảo tôi tốt xấu đủ cả nhưng cái nạn buôn lậu thì ghê gớm lắm. Mấy lần du khảo trước, tôi đã nhìn thấy cảnh dân “cửu vạn” [biểu tượng của lá bài “cửu vạn” trong bộ chắn cạ và tổ tôm là phu khuân vác], cả nam lẫn nữ -- nghe nói hầu hết chỉ làm công cho các “đại gia” -- gồng gánh hàng quệnh quạng leo núi xuống đồi mà còn phải đeo thêm cả chục gói bọc bờ-lát-tích lủng lẳng quanh mình.

Lần này, còn khủng khiếp hơn. Chủ nhà khách bảo từ 1 giờ đêm đến 3 giờ sáng, ra đường rất dễ toi mạng.  Tôi hỏi lý do thì mới biết là các “đại gia” mua đường trong hai tiếng nên xe to, xe bé chở hàng lậu phải chạy bạt mạng. Xe hai bánh lao lên cả vỉa hè. Đêm hôm đó tôi để đồng hồ báo thức. Tới 1 giờ hơn thì xe 2, 3, 4, 6 bánh phóng rầm rầm như cảnh đàn bò chạy hoảng loạn (stampede) trong phim Cao-Bồi Tếch-Xát!

Trung tâm Thành phố Lạng Sơn. Trụ sở của Ngân Hàng SHB ̀và Techcom Bank. Bảng tròn treo trên cao giữa các bảng quả trám là biểu tượng của tỉnh Lạng Sơn.


Bắc Sơn là tên địa danh, nơi đã xẩy ra những trận đánh kịch liệt giữa dân quân du kích và quân đội Pháp. Ta thắng. 

"…Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng, còn vang khe núi tiếng quân oai hùng…. Bắc Sơn!
Đây hố sâu mồ chôn. Rừng núi, trăm tiếng hú căm hờn… Bắc Sơn! không bóng người dưới thôn....” .

Hùng tráng lắm nhưng có thêm biết bao nhiêu nàng Tô Thị!

Thế Giới Di Động là tên của một Đại Công Ty bán hàng điện tử có chi nhánh ở khắp nước.

Mua laptop xong, được biếu tới 5 triệu thì có thể đánh chén “nai đồng quê” suốt năm.

Công nhân, nông dân hả? Ra vỉa hè mà ngắm với chả nghía.

Tôi bảo một cán bộ của sở Du Lịch và Văn Hóa đây mới đúng là văn minh tiến bộ, rất đáng   khen, chứ không phải mấy cái Siêu Thị và cửa hàng điện tử. Nếu khoe mã và hàng hoá thì mình so với Thái Lan thôi cũng không khác gì đem chim sẻ so với bồ câu.

1993. Cửa hàng bán quân trang có phù hiệu Mỹ. Người bán không biết làm ở đâu.
Tôi đoán rất có thể làm ở Trung Quốc hoặc miền Bắc Việt Nam. Không Quân Mỹ không mặc áo rằn ri và không có 4 túi to kiểu Mao Trạch Đông.

2001. Tôi thấy thêm 3 cửa tiệm. Có thể còn nhiều hơn. Chắc chắn hàng phải bán được thì mới có thêm tiệm.




Tôi hỏi chuyện một bà bán bánh cuốn và hai ông xe thồ vụ Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979 thì họ nói đại để trước khi tiến sang nước mình, chúng nó pháo khiếp lắm chả kể khu quân sự hay nhà dân. Sang tới nơi, chúng nó bắt trâu bò của mình rồi lùa đi trước để vừa phá mìn, vừa làm lính mình phải bắn trâu bò của dân làng. Nghe nói lính mình có người vừa bắn vừa khóc. Thế có khổ không!!!

Chúng nó là “đồng chí môi hở răng lạnh” mà giết, phá mình không nương tay nên dân hận lắm. Mỹ không bỏ bom chúng tôi nên bây giờ một số thanh niên thích mặc áo quần lính Mỹ.

Tôi đi tầu hỏa từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng thì đường sắt có 3 “ray”. Hai “ray” cũ cách nhau 1 mét (?) vì bề ngang tầu của Việt Nam từ thời Tây cả trăm năm nay vẫn hẹp. Nay phải làm thêm đường sắt 1m2 (?) để tầu hỏa quốc tế Trung Quốc cũng rộng như tầu ở Mỹ, Pháp, Nhật, v..v.. chạy sang được.

Nghe nói, Việt Nam không làm thêm đường mới vì nếu Trung Quốc lại ra tay thì tầu hỏa Trung Quốc đưa quân sang dễ dàng. Việt Nam chỉ làm thêm 1 “ray” dọc theo đường sắt cũ từ Đồng Đăng xuống Hà Nội. Có chuyện sẽ bóc đường “ray” thứ ba. Nếu đúng vậy -  chứ không phải vì chưa có tiền - thì theo tôi rất khôn ngoan.
    


 Chuyện sau đây không biết có thật không. Một ông xe thồ có học, đã nghỉ hưu, nói dù “phịa” thì cũng để các đồng chí trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng nhớ khi CSVN theo khối Vác-Sô-Vi (Khối Warsaw, Đông Âu do Liên Xô lãnh đạo, như NATO của Tây Âu do Mỹ lãnh đạo), Trung Quốc giận lắm, chửi Việt Nam là “tụi vô ơn”.

Lúc đó Lạng Sơn và nhiều nơi đói lắm [mấy bạn Mỹ và tôi đã góp tiền mua gạo cứu đói ở Thanh Hoá]. Tỉnh Trung Quốc giáp giới là Quảng Tây công bố gửi hơn chục toa tầu hỏa chở gạo đến tặng. Quan to, quan nhỏ thì cờ quạt biểu ngữ, dân đói thì quần rách áo vá ra chào mừng. Phía Trung Quốc lên đường về mới đưa chìa khóa. Các quan mở toa ra thì chỉ thấy toàn rơm với rạ! Trung Quốc bắn tiếng tụi mày là đồ trâu bò, gạo đâu mà cho!!!

Năm 1998, tôi du khảo thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (có vịnh Hạ Long). Bà thợ chụp ảnh dạo chụp hình cho tôi trên cầu Bắc Luân kể khi rút về chúng nó đặt mìn phá hết chỉ chừa có mỗi cái nhà tiêu tiểu công cộng “cho Việt Nam chúng mày có chỗ mà ăn uống”.

1998. Móng Cái là thành phố biên giới của tỉnh Quảng Ninh ráp ranh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Qua cầu Bắc Luân trên sông Ka Long là cửa khẩu quốc tế.


Một chợ chính, rất lớn, ở Thành phố Lạng Sơn.


Một chợ chính nữa nằm dọc theo bờ sông Kỳ Cùng.

Hoa nhập của Trung Quốc. Đẹp và rẻ. Rồi đây không biết Đà Lạt có cạnh tranh được không.

Cam, táo, v..v.. Trung Quốc: to, đẹp mã và rẻ lắm. Trái cây Miền Tây sợ khó cạnh tranh được.

Nhà để xe của các quan bà tư bản đỏ đi chợ. Hơn Mỹ vì còn được nghe chim hót!

Đường từ Thành phố Lạng Sơn đi lên cửa khẩu Hữu Nghị. Rẽ trái là đi Đồng Đăng cách Lạng Sơn 17km vì vậy tôi cho rằng “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” phài là “Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa…”



Trạm kiểm soát cửa khẩu Tân Thanh. Một cánh của Việt Nam. Một cánh của Trung Quốc. Rất nhiều xe chở hàng nối đuôi ở cả hai bên để trình giấy tờ qua biên giới.
Cửa khẩu Tân Thanh, cách Đồng Đăng 7km, là cửa khẩu mậu dịch Việt Nam-Trung Quốc và dành cho thường dân và du khách qua lại.
Hải Quan và Hành Chính Trung Quốc Vĩ Đại. Bên này giây cờ là Việt Nam.

Chợ Hữu Nghị nhưng toàn là đồ hàng của Trung Quốc. Ở Mỹ, hàng “Made in China” cũng đầy ra nhưng phẩm chất tốt hơn vì người tiêu dùng ở Mỹ chịu trả giá cao và đòi hỏi chất lượng cao, chưa kể Hải Quan Mỹ kiểm tra hàng nhập khẩu rất kỹ lưỡng.

Lại thêm Hồng Kông nữa thì không thâm thụt cán cân mậu dịch sao được. Mậu dịch với Mỹ thì năm nào ta cũng xuất siêu nhưng CHXHCN VN vẫn thích “hữu nghị” với Trung Quốc hơn. Một phần vì ở Việt Nam và Trung Quốc dễ “bôi trơn” các quan nên hàng hoá có kém phẩm chất và thực phẩm có hoá chất độc hại cũng “hẩu, hẩu”.

Áo da Hồ Ly Trung Quốc giá 23.700.000 đồng Việt Nam, tương đương 1,400USD vào thời điểm 2003.

Tôi tìm nhưng không thấy cái gì “Made in CHXHCNVN” cả!!!

Toàn làm ở Trung Quốc nhưng treo bảng California để câu khách.


Đến xe ba-gác thô sơ cũng nhập của Trung Quốc nhưng một điều an ủi rất lớn là lao động nữ Việt Nam đỡ phải oằn lưng gồng gánh.

Tuy “nhà” vách ván, nền đất, không có phòng tắm, cầu tiêu nhưng tôi mừng khi thấy các bộ quần áo lành lặn, mầu sắc vui tươi và nhất là các ăng-ten chảo để xem Truyền Hình Trung Quốc với các phim tình cảm và dã sử mà nhiều người mình ở khắp nước khen rất hay!

Năm 2011. Mới cách có hai năm thôi mà Lạng Sơn tuy vẫn bé hơn nhiều nhưng đã tân tiến gần bằng Hà Nội, Đà Nẵng, Saigon, Cần Thơ. 



Bùi Dương Chi



***


[*] Chú thích của NNC: Người thứ 2 phía bên phải là Markus Taussig là nhân vật chính trong bài viết “Chuyện một người Mỹ thích… mắm tôm” tôi viết năm 2002 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/chuyen-mot-nguoi-my-thich-mam-tom.html). Markus hiện là Phó Gíao sư tại National University of Singapore, có vợ người Việt. Markus năm nào cũng sang thăm VN một, hai lần…
--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Hối lộ thần thánh thời @

"Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương…”

Những câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp trong bài Chùa Hương thể hiện ý thơ “tự sự” của một cô gái ngây thơ, trong trắng, chưa “lấm bụi trần”. Thơ làm từ năm 1935, xuất hiện trong tập thơ Ngày Xưa, với những lời ước thật… nên thơ:

“Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng”

Hơn 80 năm sau, chùa Hương với động Hương Tích thơ mộng của thời Nguyễn Nhược Pháp đã “biến mất” để thay vào đó là những cảnh bát nháo của thời @. Lễ hội Chùa Hương, diễn ra từ ngày 6 Tết kéo dài hết tháng 3 âm lịch, là dịp du xuân mang tính cách “tâm linh” của người Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Đâu còn những cảnh chùa Hương thơ mộng của cô gái ngây thơ ngày nào và thay vào đó là những hoạt cảnh rất “đời thường” được pha trộn giữa tín ngưỡng và mê tín, giữa trần tục và linh thiêng của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?


Chùa Hương thời @

Theo Vietnamnet, “Trong số 7.966 lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, theo kết quả thống kê năm 2009, miền Bắc chiếm đa số. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng”.

Ngoài những lễ hội mang tính cách “thuần túy văn hóa vùng miền”, người ta còn nhắc đến các lễ hội lai căng, bát nháo, vô trật tự, dã man, bạo lực… như “Bắt lợn ông cầu” (Mùng 5 Tết tại Phú Thọ), “Đả cầu cướp phết” (Mùng 7 Tết tại Vĩnh Phúc), “Lễ hội chém lợn” (Bắc Ninh)…

“Lễ hội chém lợn”, làng Ném Thượng, bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa: tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai.

Tại lễ hội này, con heo bị chém trước sự hiện diện “thích thú” của hàng nghìn người. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã kêu gọi người dân làng Ném Thượng không nên duy trì tục chém lợn vì cảnh tượng thật “dã man”… nhưng không được dân làng hưởng ứng (!).

Tại lễ hội này năm 2015, dù Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng phản đối mạnh mẽ và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam can thiệp nhưng các cụ bô lão làng Ném Thượng vẫn kiên quyết khai đao chém lợn ngay giữa sân đình.

Năm 2016, kịch bản chém lợn có phần khác đi. Đúng giờ ngọ, tiếng kêu eng éc rất lớn của hai “ông ỉn” cất lên và bị hai “đao thủ” âm thầm hành quyết trong một địa điểm được vây kín. Không còn cảnh “máu me ghê rợn” trước mặt khán giả như trước. Thay vào đó là những vệt máu còn đọng lại trên thanh đao sau khi hành quyết.

Có người tự hỏi, về ý nghĩa, tục lệ này muốn nhắc lại một giai đoạn hào hùng của lịch sử… nhưng về hình thức, có nhất thiết phải nhắc lại từng chi tiết chém lợn với đầm đìa máu me, dù máu đó là của động vật, không phải từ con người?

Theo nhà Phật, cái tâm “ác” luôn được thể hiện qua những hành động “ác”. Người Việt chúng ta có tâm “thiện” hay “ác”? Hình như cái tâm đó cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường hiện tại trong một đất nước được mô tả là “hòa bình” sau một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm?

Rõ ràng là ngày nay cái “ác” ngày một lấn át cái “thiện”. Người ta sẵng sàng đổ máu, thậm chí đến độ phải hy sinh mạng sống của mình chỉ vì chuyện “không đâu”. Chỉ một cái nhìn “đểu”, một “va quẹt” trên đường cũng đủ làm “ngòi nổ” cho một cuộc ẩu đả, đâm chém mất hẳn tính “người”!

Lễ hội Chém Lợn năm 2016

Không riêng gì Miền Bắc, tại Miền Nam ngày nay cũng có hiện tượng lẫn lộn giữa tín ngưỡng và mê tín. Khu “du lịch tâm linh” Quan âm Phật đài ở ven biển thành phố Bạc Liêu là một ví dụ điển hình.  

Tại đây có tượng Bồ tát Quan Thế âm cao 11 m đứng uy nghi nhìn ra biển Đông được người dân miền Tây gọi là "Mẹ Nam Hải". Dưới chân tượng là một không gian khoáng đãng với sân rộng lát gạch bông rất đẹp mắt.

Ngày Tết, Phật tử từ các nơi đổ về đây hành hương, đó là điều “thiện” đáng khuyến khích. Tuy nhiên, khoảng sân rộng dưới chân tượng đã biến thành một bàn thờ lộ thiên, ngổn ngang những đồ cúng lễ. Trong số khách hành hương hầu như mỗi người có một “bàn thờ riêng” trải bằng giấy báo, bịch nylon và “bát nhang” chính là trái cây cúng hoặc chai nước… 

Cảnh tượng bát nháo trên sân chẳng khác nào một phiên chợ. Người ta đi lại và nếu không chú ý sẽ dẫm lên “bàn thờ” của người khác. Có người ngao ngán, lắc đầu trước cảnh “chợ-chùa”, chợ họp để “buôn thần, bán thánh”. Rõ ràng là Phật Bà Quan Âm ở trên cao nhìn xuống cũng thấy thương cho chúng sinh đang ngụp lặn trong bể khổ…

Ngổn ngang… chợ - chùa!

Kark Marx nổi tiếng với câu nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Khi ông có nhận xét như vậy, tôi nghĩ, ông không thể hình dung được tại một nước xa xôi như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay “tín ngưỡng” nói chung và “mê tín” nói riêng lại có thể có những “biến tướng” qua hình thức “hối lộ thần, thánh” của cả quan chức lẫn người dân!

Bằng chứng là tại những ngôi chùa vốn trang nghiêm người ta nhét cả tiền lẻ vào tay tượng Phật, tượng La Hán… ngay cả đến con rùa đội bia đá tiến sĩ trong Văn Miếu cũng bị “mua chuộc” bằng những đồng tiền lẻ. Rõ ràng là sự tôn sùng các biểu tượng linh thiêng vẫn được giữ nguyên nhưng “cái tôi” của người “hối lộ” vẫn nổi bật.

Cần tiền thì cúng tiền, khấn vái to nhỏ những điều mình ước muốn và hứa hẹn sẽ trở lại “tạ lễ” khi điều ước của mình thành sự thật. Người ta mù quáng tin vào câu tục ngữ “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Nếu những điều “linh thiêng” được “mua chuộc” bằng quà “hối lộ”, tôi nghĩ, những nhân vật linh thiêng đó chắc sẽ lắc đầu ngao ngán trước sự “biến dạng” của tín ngưỡng sang “mê tín”. Đạo nào cũng chỉ ra một “con đường” để các tín đồ đi theo, không bao giờ khuyến khích tín đồ “hối lộ” để được tốt hơn cho bản thân mình.

Mọi người đều bình đẳng trước tôn giáo. Anh thắp 3 nén hương, tôi chỉ thắp có một nén không có nghĩa là tôi không được hưởng phúc bằng anh. Chị khấn vái thật to cũng không có nghĩa là những lời chị thốt ra sẽ được Trời Phật chứng giám. Tôi khấn thầm trong bụng vì tôi mong những đều mình ấp ủ được chính tôi nghe thấy, không cần những người chung quanh biết đến…  

Có Trời Phật nào chứng giám?

Quy luật thị trường là “Có cầu thì ắt có cung”. Chưa bao giờ nghề sản xuất “hàng mã” lại làm ăn khấm khá như ngày nay. Tôi thấy mọi người dùng tiền thật để mua hàng giả nhiều hơn ngày xưa!

Toàn bằng giấy! Người ta làm những căn biệt thự nguy nga; những hình nhân xinh đẹp; những chiếc BMW, Lexus, Lamborghini bóng lộn… rồi vàng ròng còn được làm thành từng thỏi, tiền đô la cả xấp, toàn giấy $100…

Tất cả những món quà đó đều được đốt cho người cõi âm. Người dương thế thích món nào thì đốt tặng cho người khuất mặt món đó. Âu cũng một hình thức “hối lộ” tình cảm của người sống với người chết. Biết đâu chừng, những món  món quà đó lại được người quá cố dùng làm của “hối lộ” cho kẻ khác ở trên thiên đàng hay dưới địa ngục (?).

Đám ma ngày nay mỗi một khi diễn qua phố luôn để lại sau lưng không phải là sự tiếc thương của mọi người mà chỉ là tiền bạc, vàng mã rải trên khắp nẻo đường dẫn đến nghĩa trang. Cũng lại là một hình “thức hối lộ” y như trên trần thế: rải tiền trên đường với cảnh sát giao thông để mua lấy hai chữ “bình an” cho cuộc hành trình về bên kia thế giới!

Hóa ra người ta, vô hình chung, đã làm phiền đến cộng đồng khi xả rác một cách công khai trên đường phố!  Người ta đã đốt, đã phung phí tiền thật qua hàng mã để trước là “hối lộ” sau là giúp người thân ở thế giới bên kia được sung sướng.

“Sung sướng” chỉ là một khái niện chủ quan của người sống. Không thể nào chuyển sự sung sướng cho người đã khuất. Có chăng chỉ là niềm sung sướng của người sống đã bày tỏ sự thương nhớ của mình… theo cách của mình!

Điều khẳng định là tục lệ đốt vàng mã không có liên quan gì đến tinh thần của đạo Phật vì lẽ đơn giản đạo Phật là con đường của “giác ngộ” chứ không mê tín. Thượng tọa Thích Huệ Phước (Huế) cho rằng tục đốt vàng mã không phải là văn hóa dân tộc Việt Nam và càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo.

Trong một xã hội có sự suy thoái về đạo đức, rất dễ bị đánh đồng giữa tín ngưỡng và mê tín. Điều này càng rõ nét ở miền Bắc trong suốt giai đoạn từ 1954-1975 theo chủ nghĩa duy vật, cán bộ thường khai lý lịch trong phần tôn giáo là “không” cho phù hợp với đường lối của Đảng [3].

Chính những thành phần này trong giai đoạn “hậu-1975” lại là những người có biểu hiện tín ngưỡng và mê tín một cách thái quá. Người ta thường nói “Bảo hoàng hơn Vua” là vậy. 
  
Bao giờ mới hết những cảnh này?
(Cúng Phật tại chùa với vàng mã mê tín)


***

Chú thích:


[2] Nguyên văn của Karl Marx: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của một thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của trạng thái không có tinh thần, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” Lời mở đầu trong “Phê phán triết học pháp quyền của Heghen”, 1843-1844, NXB Sự Thật Hà Nội, 1962, trang 5-7.

[3] Ở thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ miền Bắc nghiêng hẳn về duy vật nhưng sau 1975 lại quay phắt 180 độ sang duy tâm, một bước ngoặt “khủng khiếp” từ tín ngưỡng sang mê tín một cách mù quáng. Lễ hội “Khai ấn đền Trần” tại Nam Định với sự tham dự của các viên chức nhà nước là một ví dụ điển hình.

Theo Nguyễn Xuân Diện, “… Nhà nước đã tự đánh mất đi cái vai trò của mình trong việc giáo dục truyền thống, về những trang sử vẻ vang hào hùng của đời nhà Trần… Người ta nhìn vào lễ hội đền Trần chỉ thấy một sự lộn xộn, một sự quảng bá cho một niềm tin mê lầm, rằng ấn đền Trần có thể mang lại cho người ta sự thăng quan tiến chức.”

Tham khảo thêm về Lễ hội này tại http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/12/le-khai-en-tran-linh-thieng-hay-lua-loc.html.


***

--> Read more..

Popular posts