Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

The Sympathizer (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”?

2016 đánh dấu 41 năm qua đi của một cuộc chiến, một cuộc chiến mang nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo quan điểm của các bên tham chiến cũng như nhận thức của cả thế giới. Về mặt văn học, năm 2016 cũng đánh dấu một bước “đột phá” của người Việt tại Mỹ trên văn đàn thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, một nhà văn người Mỹ gốc Việt, Viet Thanh Nguyen [1], nhận giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết năm 2016. Trước đó, năm 1973, một người Việt làm phóng viên ảnh cho hãng thông tấn Associated Press (AP), Nick Út [2], , đã nhận giải Pulitzer về ảnh báo chí [3].

(Viet Thanh Nguyễn - Nguồn: Politics & Prose)

Một tác giả người Mỹ gốc Việt thành công trên văn đàn là một chuyện khiến người đọc phải vừa thắc mắc vừa thú vị. Riêng đối với độc giả người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, lại thêm thắc mắc về sự khó khăn, phức tạp trong ngôn ngữ của một đứa trẻ người Việt tị nạn mới 4 tuổi khi đến một đất nước xa lạ từ năm 1975 rồi lại được giáo dục như một người Mỹ.

Sự khó khăn về ngôn ngữ - văn hóa trong suốt quãng đời 35 năm của tác giả là một vấn nạn lớn. Riêng vấn đề ngôn ngữ cũng được chính tác giả bàn đến trên trang web của mình: “Tên Việt của tôi là gì? Viet Thanh Nguyen hay Nguyễn Thanh Việt? Tên những nhân vật “Man” và “Bon” của tôi là gì trong tiếng Việt? Mẫn và Bốn?”

Theo tiếng Việt, tên của Viet Thanh Nguyen phải đọc là Nguyễn Thanh Việt và cuốn tiểu thuyết của anh, “The Sympathizer”, nếu được dịch sang tiếng Việt cũng sẽ là một đề tài khá phức tạp về ngôn ngữ vì những khác biệt chính trị trước và sau thời điểm 1975.

Dưới thời VNCH, những người như nhân vật chính trong truyện thường được gọi là “nằm vùng”, một thuật ngữ có tính cách miệt thị đối với những kẻ “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Có điều chắc chắn nếu tác phẩm này được phép xuất bản tại Việt Nam sẽ không thể nào mang tên “Kẻ Nằm Vùng”!

Tôi đoán cái tựa “”Cảm Tình Viên” hoặc gì gì đó có chữ “cảm tình” sẽ được dùng làm tựa đề cho “The Sympathizer”. Trong ngôn ngữ “hiện đại” ngày nay tại Việt Nam, người ta có những thuật ngữ như “cảm tình Đảng” (giai đoạn trước khi được xét gia nhập đảng CSVN) hay “đối tượng Đảng”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là câu hỏi được đặt ra: “Sẽ có bản dịch tiếng Việt hay không?”. Tác giả tự trả lời trong một bài viết:

“Cách đây vài tháng, tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam (tên một nhà xuất bản tại Sài Gòn – chú thích của NNC) và bản dịch đang được tiến hành. Trong hợp đồng đó có một điều khoản là nếu chính quyền kiểm duyệt cuốn truyện, tôi sẽ lấy lại bản dịch. Tôi sẽ tìm cách khác để xuất bản. Đối với tôi, rõ ràng điều quan trọng là người Việt cần đọc tiểu thuyết này qua bản dịch không bị kiểm duyệt. Nếu cắt đi những phần chính quyền không hài lòng sẽ làm cuốn truyện trở nên vô nghĩa” [4]

Trong vòng 10 năm qua, Nguyễn Thanh Việt đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Thời gian các chuyến trở về, theo anh, cộng chung lại cũng gần 1 năm. Trình độ tiếng Việt của anh cũng tương đối đủ để có thể tiếp xúc với mọi người trên đường phố Sài Gòn hoặc Hà Nội.

Tuy nhiên, dùng số vốn liếng tiếng Việt khiêm tốn đó để viết về những đề tài “nhạy cảm” (sensitive) và “phức tạp” (complicated) như trong tiểu thuyết “The Sympathizer” sẽ là chuyện vô cùng khó khăn đối với một người được giáo dục trong môi trường Mỹ từ khi mới có 4 tuổi. Thế cho nên, Nguyễn Thanh Việt thích nói và viết bằng tiếng Anh hơn vì sẽ bảo đảm… không bị hiểu lầm!

Đó là lý do “The Sympathizer” cần một dịch giả đáng tin cậy cũng như cần một môi trường thông thoáng hơn tại Việt Nam để tác phẩm bằng tiếng Việt không bị chính quyền kiểm duyệt. Rất dễ giải quyết vấn đề về dịch giả nhưng cũng rất khó đáp ứng được yêu cầu của tác giả phải là bản dịch trung thực, không được “lách” lưỡi kéo kiểm duyệt tại Việt Nam. 

Viet Thanh Nguyen -  Nguyễn Thanh Việt

Trên trang web của mình, tác giả cho biết: “Khi lớn, tôi đọc sách, xem phim về Chiến tranh Việt Nam của Mỹ, nhưng rất ít điều nói về người Việt, họ được mô tả theo lối mòn, làm nền cho người hùng Mỹ.”

Chương đầu tiên của “The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975. Đặc điểm của cuốn truyện là nhân vật chính không tên, không tuổi. Từ đầu đến cuối người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi”. Ngay ở phần mở đầu, người đọc rất đỗi ngạc nhiên với lời trần tình:

“Tôi là một tên gián điệp, một kẻ nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt. Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi cũng là một con người có hai đầu óc… có thể nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía…” (“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds, . . . able to see any issue from both sides).

“Tôi” trong “The Symphathizer” vào lúc Sài Gòn đang ở trong “tháng tư hấp hối” là một Đại úy quân lực VNCH. Điều mà anh ta gọi là khả năng “nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội.

Điểm đặc biệt trong thời thơ ấu của anh cũng bắt đầu từ hai phía: anh có đến hai giòng máu vừa Á vừa Âu. Bố của anh là một giáo sĩ người Pháp và mẹ là một thôn nữ người Việt. Thế cho nên anh được gắn một cái tên không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm ngay từ hồi còn nhỏ: “Tây Lai” hay “Con hoang”! Trong nguyên bản tiếng Anh, tác giả dùng từ “bastard” và tiếng Pháp còn được gọi là “métis”. 

Đối với một kẻ nằm vùng như anh, tháng 4/1975 là giờ phút vinh quang đang đến gần nhưng đối với người miền Nam lại là cái tháng đầy biến động, hỗn mang và tàn nhẫn. Thực tế lịch sử trong những ngày cuối cùng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ nước ra đi.

Trong truyện, viên trùm CIA tại tòa Đại sứ Mỹ kể lại với viên Đại úy “nằm vùng” rằng đích thân anh lái xe đưa Tổng thống ra phi trường để đi Đài Loan và “thấy những vali nặng nề một cách bất thường của tổng thống nghe rổn rảng tiếng kim loại – được coi như là một phần khá lớn của kho vàng quốc gia”. (… noticed how the president’s inordinately heavy suitcases clanked with something metallic – presumably a hefty share of our nation’s gold).

Khi viết chi tiết này, tác giả dựa vào tin đồn 16 tấn vàng của miền Nam đã được tẩu tán ra nước ngoài. Nhưng thực tế, sau này các viên chức của chính quyền mới đã khẳng định vàng vẫn còn ở trong nước và nhà nước đã chuyển sang Liên Xô … Một tiểu thuyết gián điệp dựa vào “hư-cấu-của-những-hư-cấu” sẽ khiến người đọc cảm thấy thú vị nhưng cũng khó chịu khi biết sự thật!

Cũng từ Chương 1, người đọc làm quen với 2 người bạn khác của viên Đại úy “nằm vùng”. Cả ba người bạn đã gắn bó với nhau theo kiểu “cắt máu ăn thề”, một tích rất xưa “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị-Quan Văn Trường-Trương Phi trong Tam quốc chí.

Vết tích của lời thề lúc nào cũng nhắc nhở họ qua vết sẹo trên lòng bàn tay phải của từng người. Tác giả còn ví họ như bộ ba “Les Trois Mousquetaires” trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas thời 1844 tại Pháp… để nói lên mối liên lạc còn mật thiết hơn anh em ruột thịt.

Lớn tuổi nhất là Man. Trong nguyên bản tiếng Anh không dấu cho nên nếu dịch sang tiếng Việt, cái tên hay nhất chỉ cần thêm một dấu ngã để trở thành Mẫn. Mẫn có tác phong của người chỉ huy trong cái tổ theo tổ chức “tam tam chế” của Cộng sản. Chính Mẫn là người truyền đi những mệnh lệnh của cấp cao hơn cho kẻ nằm vùng hoạt động.

Kỳ thật, trong cái tổ đó, chỉ Mẫn và kẻ nằm vùng là những người hoạt động trong cái hệ thống bí mật còn người bạn thứ ba, Bon (có lẽ dịch sang tiếng Việt sẽ là Bốn), lại là một sĩ quan VNCH chống cộng triệt để!

Bốn căm thù Cộng sản kể từ khi cha anh bị đem ra đấu tố. Lòng hận thù đó đã khiến anh trở thành một người tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quốc gia. Và đó cũng là cách tác giả dựng lên một cốt truyện gián điệp hư cấu với các tình tiết éo le.

Người mệnh danh “Ông Tướng” (the General) là vị chỉ huy Cảnh sát Quốc gia VNCH, một sĩ quan đã từng tham gia chiến trường từ thời Điện Biên Phủ. Một chi tiết nhỏ nhưng, theo tôi, lại là một điều nói lên tinh thần của một vị tướng VNCH.

Trên đường ra phi trường để “di tản” sang Mỹ, ông không quên ghé qua trụ sở Quốc hội, ngày nay là Nhà hát Thành phố. Tại đây, ông đứng nghiêm chào bức tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến trong tư thế xung phong. Cử chỉ này đã khiến cho Đại úy “nằm vùng” và Bốn xúc động. Họ cũng đứng nghiêm chào bức tượng.

Khi đó, viên Đại úy quên hẳn nhiệm vụ “nằm vùng” của mình. Anh cảm động nhìn cảnh tượng qua con mắt của một sĩ quan quân lực miền Nam, dù đang âm thầm phục vụ cho miền Bắc. Đó chính là hai cuộc đời tương phản nhau qua hai vị trí thù nghịch trong nội tâm. Chi tiết hư cấu của câu chuyện khiến ta nhớ đến Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long đã dùng súng tự sát dưới chân bức tượng ngày 30/4/1975 khi Sài Gòn thất thủ.

Trung tá Nguyễn Văn Long tự sát dưới chân bức tượng Thủy quân Lục chiến ngày 30/4/1975

Ông Tướng đã từng thú nhận, ông chọn viên Đại úy sĩ quan tùy viên là căn cứ vào trình độ và, hơn thế nữa, “lòng trung thành” cả trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Viên Đại úy “nằm vùng” là người sĩ quan duy nhất được tin cậy đến độ sống ngay trong biệt thự của ông.

Anh tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, nói tiếng Anh lưu loát đến độ những người Mỹ cứ tưởng anh là dân Mỹ “thứ thiệt” khi nói chuyện qua điện thoại! Anh có trình độ hiểu biết về lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ và cả đến cách suy nghĩ của người Mỹ.

Vì những đặc tính đó, mối liên lạc giữa Ông Tướng và người Mỹ luôn ở trong tình trạng tốt đẹp qua cầu nối của viên sĩ quan tùy viên. Claude, trùm CIA của Mỹ trong tòa Đại sứ, coi viên Đại úy như một người thân và chính sĩ quan tùy viên đã đứng ra dàn xếp, kể cả việc phải hối lộ, để gia đình và họ hàng của Ông Tướng được đến Hoa Kỳ bằng một chuyến phi cơ đặc biệt. Trong chuyến bay đó, dĩ nhiên có cả anh và Bốn trong khi Mẫn ở lại Sài Gòn.

Khi báo cáo với “tổ chức” Ông Tướng đã từng khẳng định với anh “sẽ trở lại Việt Nam” một ngày không xa, Mẫn đã truyền đạt lệnh từ trên xuống: anh phải theo dõi ông trong suốt thời gian sống tại Mỹ.

Viet Thanh Nguyen nhận “Giải thưởng Tiểu thuyết Đầu tay” của  “Center for Fiction First Novel Prize”, ngày 8/12/2015, với tác phẩm “The Sympathizer” (Ảnh: Center for Fiction)

Cốt truyện của Nguyễn Thanh Việt mang màu sắc gián điệp (kiểu Điệp viên James Bond 007 của Ian Flemings). Dù là “hư cấu” nhưng cuốn truyện lại được dựa trên chuyện có thật trong bối cảnh Việt Nam trước năm 1975. Đó là những nhân vật “nằm vùng” tại miền Nam phục vụ cho tình báo Hà Nội [5].

Đã có những nhân vật “nằm vùng” nổi tiếng trong chính phủ VNCH như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, từng làm tới chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay) dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tiểu thuyết “Ván Bài Lật Ngửa” của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) được mở đầu bằng câu: "Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng". Nhân vật chính trong truyện, Nguyễn Thành Luân, chính là hình ảnh của Phạm Ngọc Thảo, bí danh Chín T. hay Chín Thảo. 

Nhân vật “nằm vùng” thứ hai là Phạm Xuân Ẩn là một Thiếu tướng tình báo của Hà Nội với bí danh Trần Văn Trung hay Hai Trung. Trong suốt thời gian chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn dưới vỏ bọc “ký giả” làm việc tại Việt Tấn Xã, cộng tác với hãng thông tấn Reuters và có nhiều bài viết trên tạp chí Time, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... 

“Tôi” trong “The Sympathizer”những hoạt động hao hao giống Phạm Xuân Ẩn ngoài đời. Chỉ khác là nhân vật của Nguyễn Thanh Việt đã “di tản” sang Hoa Kỳ năm 1975 nhưng Phạm Xuân Ẩn, dù đã chuẩn bị đi, nhưng vào giờ chót nhận được chỉ thị đình hoãn.

Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã rời Việt Nam theo chiến dịch di tản của người Mỹ và, theo một số tài liệu, Phạm Xuân Ẩn đã "đề nghị" cấp trên cho ngưng công tác vì lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Kế hoạch thay đổi, vợ con ông đã phải mất một năm để quay lại Việt Nam theo đường vòng: Paris - Moscow - Hà Nội - Sài Gòn.  

*** 

Từ Sài Gòn, người đọc theo chân viên Đại úy “nằm vùng” cùng dòng người di tản đến Hoa Kỳ. Ông Tướng vẫn bị theo dõi chặt chẽ, mọi hành động của ông đều được viên sĩ quan tùy viên thân cận báo cáo về Hà Nội vì họ tin rằng ông sẽ có những hoạt động “chống phá cách mạng”.

Quả đúng như nghi ngờ. Viên tướng đã tổ chức một lực lượng “phục quốc” tại Mỹ và lên đường trở về Việt Nam. Đến đây, truyện bước sang thể loại “tiểu thuyết gián điệp” (theo kiểu CIA - Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ). Mọi hoạt động của vị tướng được “kẻ nằm vùng” báo cáo đầy đủ từ Hoa Kỳ với những kỹ thuật tình báo như trong phim ảnh: các bản báo cáo được mã hóa, viết bằng mực “vô hình”…

Một lần nữa, “The Symphtizer” dù là một tiểu thuyết hư cấu nhưng có những nét bàng bạc của một chuyện thật! Ông Tướng trong chuyện khiến người ta liên tưởng đến Võ Đại Tôn, một nhân vật có thật trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Ký giả người Úc, Norman Aisbett, gọi ông là “Ðại Tá Cô Ðơn”. Còn rất nhiều tên gọi Võ Đại Tôn, bí danh Wòng A Lìn và bút hiệu Hoàng Phong Linh. Đối với thi sĩ Nguyên Sa, ông là “Kinh Kha”, nhà văn Hư Trúc gọi ông là “Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn”. Đối với người Việt tại Úc, ông là  “Chiến Sĩ” và tại Hoa Kỳ ông là “Người Tù Anh Hùng”. Trong khi bản thân ông tự coi mình là “Viên Gạch Lót Ðường” [6].

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

[1] Viet Thanh Nguyen, người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, ngày 18/4/2016 đã được Giải thưởng Pulitzer công bố đoạt giải dành cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, The Sympathizer, xuất bản năm 2015. Ban giám khảo Pulitzer ca ngợi cuốn tiểu thuyết là “câu chuyện nhiều tầng nấc về người nhập cư, được kể bằng giọng điệu giễu cợt, thú nhận của một ‘người đàn ông có hai tâm trí’ – và hai đất nước, Việt Nam và Mỹ”.

Gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Thanh, chủ nhân tiệm vàng Kim Thịnh tại Ban Mê Thuột, rời Việt Nam năm 1975 và đặt chân đến Hoa Kỳ tại trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania, miền đông nước Mỹ. Năm 1978 họ di chuyển về San Jose, California, để mở một trong những cửa hàng đầu tiên của người Việt tại đây.

Tại San Jose, Việt theo học trường St. Patrick và Bellarmine. Sau cấp trung học anh tiếp tục việc học tại UC Riverside và UCLA, rồi UC Berkeley với bằng Tiến sĩ về Anh ngữ và Nghiên cứu về Dân tộc học. Ông là Phó Giáo sư tại Đại học Nam California (USC) từ năm 2003.

[2] Xem “Phóng viên chiến trường Nick Út và ‘cô bé napalm’ Kim Phúc”

[3] Pulitzer là một giải thưởng cao quý của Mỹ mang tên Joseph Pulitzer (1847-1911), chủ bút báo “New York World”, người đã để lại di chúc sẽ tặng thưởng cho các tác giả hoạt động trong 13 lãnh vực, gồm 4 giải cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục.

Trong số những giải thưởng trao tặng hàng năm, bắt đầu từ 1917, danh giá nhất là những giải về báo chí và văn học. Riêng về văn học, đã có những tác phẩm danh tiếng đoạt giải như “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind - tác giả Margaret Mitchell, được trao tặng năn 1937), “Chùm nho uất hận” (The Grapes of Wrath - John Steinbeck, 1940), “Lão ngư ông và biển cả” (The Old Man and the Sea - Ernest Hemingway, 1953) và gần đây nhất, “The Sympathizer” (Viet Thanh Nguyen, 2016).

Giải thường Pulitzer

[4] “I signed a contract with Nhã Nam a few months ago and the translation is underway. My contract includes a clause that if the government censors the novel, I can have the translation back. I would find another way to publish it. It's incredibly important to me that Vietnamese people read this novel, but only in its uncensored version. To remove the parts that might offend the government would make the novel meaningless”.

[5] Đọc “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những từ ngữ đã đi vào quá khứ”

[6] Võ Đại Tôn đã từng được biệt phái ngoại ngạch qua nhiều công tác dân sự tại miền Nam trước 1975 với chức vụ Phụ tá Tổng trưởng Bộ Thông tin và Giám đốc Công tác Bộ Chiêu hồi. Năm 1976 ông vượt biên, định cư tại Úc Châu, tháng 10/1981 ông trở về Việt Nam trong toán Kháng chiến Phục quốc” qua ngả đường rừng giữ TháiLào.

Ông bị Hà Nội bắt vào tháng 10/1981, tại biên giới Lào-Việt. Ngày 13/07/1982, Võ Đại Tôn được đưa ra trình diện trong một cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội. Tại đây, ông đã dõng dạc tuyên bố:

“Tôi, Võ Ðại Tôn, chỉ huy trưởng Chí Nguyện Ðoàn Phục Quốc, tôi xác nhận hoàn toàn chịu trách nhiện về dự mưu xâm nhập Việt Nam... Tôi xin các nhà báo vì lương tâm chức nghiệp của người cầm bút, xin hãy tường thuật trung thực…”

Sau đó, Võ Đại Tôn bị biệt giam tại trại tù Thanh Liệt (B-14). Nhờ sự can thiệp của quốc tế và chính phủ Úc, ngày 11/12/1991 ông được ra tù và trở về Úc châu.

***

(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


***
--> Read more..

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Bài diễn văn ứng khẩu tuyệt vời

Tôi không phải là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên đã trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai nước của chúng ta như rất nhiều người trong các bạn. Khi những người lính Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, tôi mới tròn 13 tuổi.

(I am not the first American President to come to Vietnam in recent times.  But I am the first, like so many of you, who came of age after the war between our countries.  When the last U.S. forces left Vietnam, I was just 13 years old.)

  
Trong phần mở đầu bài diễn văn ứng khẩu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), ngày 24/5/2016, ông Barack Obama bắt đầu bằng những lời tâm sự như trên sau câu chào bằng tiếng Việt: “Xin chào Việt Nam”Chưa hết, ông kết thúc diễn văn ở phút thứ 31 cũng bằng một câu song ngữ: “Cám ơn các bạn. Thank you very much… Thank you, Vietnam”.

Ông đã tỏ ra là người hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt hơn hẳn những tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ đã từng đến Việt Nam. Năm 2006, George W. Bush đến Việt Nam để tham dự hội nghị APEC và dấu ấn ông để lại tại Sài Gòn là bữa ăn tối ở nhà hàng Tib của Trịnh Công Sơn cùng với Thủ tướng Úc John Howard.

Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000 đã ghé tiệm "Phở 2000" và đã “lẩy” Kiều trong bữa tiệc chiêu đãi chính thức tại Hà Nội:

“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”

TT Obama cũng ngồi ăn bún chả tại Hà Nội và ngày hôm sau ông “lẩy” Kiều ở phần cuối bài diễn văn ứng khẩu tại Trung tâm Hội Nghị Quốc gia:

“Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”

Obama diễn ý hai câu thơ của Nguyễn Du, “Please take from me this token of truth, so we can embark upon our 100-year journey together” với hàm ý Thúy Kiều sau bao nhiêu năm lưu lạc, bôn ba vẫn một lòng chung thủy với Kim Trọng… chẳng khác gì mối duyên dang dở Việt-Mỹ…

Không chỉ nhắc tới Nguyễn Du, ông còn cho thấy mình rất rất rành về Việt Nam như một chính khách kiêm nhà nghiên cứu “Việt Nam học”. Trong suốt bài diễn văn dài 31 phút, cử tọa còn được nghe ông nhắc đến rất nhiều danh nhân lịch sử trong quá khứ và những người Việt nổi tiếng của thời hiện đại. Từ Bà Trưng – Bà Triệu, Lý Thường Kiệt… đến nhà cách mạng Phan Chu Trinh, thiền sư Nhất Hạnh, các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu…

Obama nhắc đến Văn Cao thời tiền chiến, “From now, we know each other’s homeland; from now, we learn to feel for each other”… Đó chính là lời bài hát Mùa xuân đầu tiên: “Từ đây người biết quê người; từ đây, người biết thương người…”. Rồi ông lại trở về thời hậu chiến với bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn trong một lối diễn thuyết dùng âm nhạc để thuyết phục người nghe.  


Ngày xưa, Lý Thường Kiệt đã thốt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư", diễn Nôm, “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời” để bầy tỏ ý chí quật cường của người Việt trước hiểm họa muôn đời từ phương Bắc.

Ý thơ được Obama chuyển ngữ “The Southern emperor rules the Southern land.  Our destiny is writen in Heaven’s Book”. Điều đặc biệt, trong suốt bài diễn văn của ông, không thấy xuất hiện tên của nước “lạ” mà chỉ là ẩn ngữ như “nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ (big nations should not bully smaller ones)…

Về Biển Đông, ông khẳng định “Hoa Kỳ không là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp hiện nay” nhưng vẫn sát cánh cùng các đối tác để bảo vệ những nguyên tắc cốt lõi, đó là quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại. Hướng giải quyết vấn đề này là hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế.

Obama tuyên bố, “trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” và rằng “chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện hành động tương tự như vậy”. Lời khẳng định này được cử tọa vỗ tay chia sẻ và đó chỉ là một trong số gần 20 loạt vỗ tay trong suốt bài diễn văn.

Tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam được Obama nhắc đến như một ngón đòn ngoại giao – quân sự đánh thẳng vào kẻ đang hung hãn ngoài Biển Đông. Một lần nữa, chuyện “nước lớn bắt nạt nước nhỏ” trúng một đòn “hiểm” và những người Việt Nam chân chính nhiệt liệt vỗ tay, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Với chuyến thăm này, chúng ta đã đồng ý nâng hợp tác về an ninh lên tầm cao mới và xây dựng thêm niềm tin giữa hai quân đội. Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp thiết bị cho lực lượng Tuần duyên của các bạn để củng cố khả năng hàng hải của Việt Nam

(With this visit, we have agreed to elevate our security cooperation and build more trust between our men and women in uniform.  We’ll continue to offer training and equipment to your Coast Guard to enhance Vietnam’s maritime capabilities). 


Một bài diễn văn sẽ được đánh giá là thành công khi người nghe bày tỏ sự ủng hộ qua những tiếng vỗ tay tán thưởng. Cũng được coi là “thành công” khi người nói đề cập đến những vấn đề mà người nghe quan tâm, dù đó là vấn đề “khó nói, nhậy cảm” nhất. 

Obama đã khéo léo khi nói về “nhân quyền”. Bằng “lối rào trước đón sau”: Tôi nói điều này không phải để nhắm vào một mình Việt Nam. Không quốc gia nào hoàn hảo…” (I say this not to single out Vietnam.  No nation is perfect) và còn nhắc lại, Trước đây tôi đã từng nói – Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt hình thức chính quyền của mình vào Việt Nam (I’ve said this before -- the United States does not seek to impose our form of government on Vietnam).

Chúng tôi vẫn có những vấn đề. Và tôi cam đoan với các bạn là chúng tôi cũng không được miễn trừ chuyện chỉ trích. Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng sự xét nét đó, cuộc tranh luận công khai đó đối mặt với sự khiếm khuyết của chính mình và cho phép mọi người có quyền nêu ý kiến đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn và công bằng hơn

(We still have problems.  And we're not immune from criticism, I promise you.  I hear it every day.  But that scrutiny, that open debate, confronting our imperfections, and allowing everybody to have their say has helped us grow stronger and more prosperous and more just).

Obama cũng đề cập đến “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership – TPP) với lời cam kết chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm mở rộng tất cả tiềm năng kinh tế của các bạn(We’ll keep working to unleash the full potential of your economy). Qua đó, TPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất cảng sản phẩm ra thế giới và đồng thời thu hút đầu tư mới từ nước ngoài.

Không ai muốn bán hàng hóa hoặc đến trường học nếu họ không biết mình sẽ được đối xử như thế nào. Trong những nền kinh tế dựa trên tri thức, công ăn việc làm sẽ phát sinh tại những nơi mà người dân có quyền tự do suy nghĩ, tự do trao đổi ý kiến và tự do sáng tạo.

Ông khẳng định: Tôi muốn các bạn biết rằng, trên cương vị Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi vì các bạn cũng sẽ có thể mua thêm hàng hóa của chúng tôi, “Chế tạo tại Hoa Kỳ (I want you to know that, as President of the United States, I strongly support TPP because you'll also be able to buy more of our goods, “Made in America.”).

Một lời trấn an người Việt trước nguy cơ ngày càng lệ thuộc vào những mặt hàng độc hại từ phương Bắc đang ngày một tràn ngập thị trường.


Với thế hệ trẻ Việt Nam, ông Obama có nhiều điều để nói theo cách vừa trang nghiêm vừa thân tình. Facebook được đề cập đến như một thí dụ điển hình khi mọi người được hưởng quyền tự do ngôn luận để chia sẻ ý tưởng của mình thông qua Internet.

Khi có tự do báo chí – khi các nhà báo và blogger có thể soi rọi ánh sáng vào bất công hay lạm quyền – điều đó khiến các viên chức có trách nhiệm giải trình và xây dựng niềm tin nơi công chúng rằng hệ thống đang hoạt động.  

(When there’s freedom of the press -- when journalists and bloggers are able to shine a light on injustice or abuse -- that holds officials accountable and builds public confidence that the system works). 

Phát biểu ứng khẩu của Obama cũng dành được những tiếng cười thoải mái của cử tọa trẻ khi ông nói đến những tiến bộ của ngành công nghệ thông tin bằng một thí dụ rất “đời thường”:

Chúng ta thấy điều đó trong hàng chục triệu người Việt kết nối với nhau trên Facebook và Instagram. Và các bạn không chỉ đăng ảnh tự chụp – mặc dù tôi nghe nói các bạn chụp rất nhiều – và đến nay, đã có một số người xin tự chụp ảnh cùng với tôi. Các bạn cũng đang lên tiếng vì những mục đích mà các bạn quan tâm, như cứu cây cổ thụ ở Hà Nội.

(We see it in the tens of millions of Vietnamese connected on Facebook and Instagram.  And you’re not just posting selfies -- although I hear you do that a lot -- and so far, there have been a number of people who have already asked me for selfies.  You’re also raising your voices for causes that you care about, like saving the old trees of Hanoi).

Tôi đã theo dõi truyền hình trực tiếp buổi nói chuyện của TT Obama trên VTV1. Không biết vô tình hay cố ý (hay trình độ của người thông dịch yếu, không theo kịp tốc độ ứng khẩu của ông?), phần dịch trực tiếp đã bỏ hẳn câu cuối khi ông đề cập đến chiến dịch bảo vệ cây xanh tại Hà Nội [1]. 


Cũng liên quan đến giới trẻ, Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) [2] của Mỹ sẽ tới Việt Nam, tập trung vào việc dạy tiếng Anh. Obama nói: Một thế hệ sau khi thanh niên Hoa Kỳ đã đến đây để chiến đấu, một thế hệ người Mỹ mới sẽ đến đây để dạy học và xây dựng và làm cho tình bạn giữa chúng ta ngày càng sâu sắc hơn (A generation after young Americans came here to fight, a new generation of Americans are going to come here to teach and build and deepen the friendship between us).

Ngoài ra, ông Obama cũng thông báo Đại học Fulbright Việt Nam [3] -- trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam -- sẽ chính thức hoạt động tại Sài Gòn vào mùa thu này. Tại đây,  Sinh viên, học giả, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh; vào kỹ thuật và khoa học điện toán; và văn học nghệ thuật – tất cả mọi thứ, từ thơ Nguyễn Du, cho đến triết lý của Phan Chu Trinh, cho đến toán học của Ngô Bảo Châu

(Students, scholars, researchers will focus on public policy and management and business; on engineering and computer science; and liberal arts -- everything from the poetry of Nguyen Du, to the philosophy of Phan Chu Trinh, to the mathematics of Ngo Bao Chau).

  
Chưa bao giờ hàng ngàn dân Việt được “xuống đường” như ngày hội trong suốt 3 ngày ông Obama đến thăm Hà Nội và Sài Gòn. Nhà báo kỳ cựu David Brooks của tờ New York Times cho rằng “Nước Mỹ sẽ nhớ mãi Obama khi ông chấm dứt hai nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay”.

Nhận xét này có lẽ chưa hoàn toàn đúng. Không phải chỉ ở Hoa Kỳ, mà cách nửa vòng trái đất cũng có những người Việt Nam sẽ nhớ mãi Obama, một người da màu đầu tiên làm Tổng thống một cường quốc đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người Việt.

“Tạm biệt Obama và hẹn gặp lại”

***

Chú thích:

[1] Tôi rất thông cảm với vai trò của người thông dịch, nhất là trong những trường hợp phát biểu ứng khẩu như bài diễn văn của ông Obama. Nếu may mắn có được văn bản in sẵn sẽ bớt đi nhiều rủi ro trong việc dịch thuật. Ngoài những điều kiện tiên quyết để trở thành một người thông dịch giỏi như trình độ về ngoại ngữ lẫn tiếng Việt, người thông dịch phải nhanh nhạy, bình tĩnh… nói chung là phải có bản lãnh.

Bên cạnh đó, cần phải có đầu óc minh mẫn. Thế cho nên, nghề thông dịch không thể kéo dài một khi đã có tuổi, đã bắt đầu có triệu chứng quên trước, quên sau. Trước áp lực của công việc, người thông dịch phải biết lúc nào nên “giải nghệ”, nhất là sau thời gian phải “ngồi trong cabin” được vây quanh bằng kính để dịch những cuộc hội nghị quan trọng. Chưa kể đến việc chịu trách nhiệm về những gì mình dịch một khi được ghi âm hoặc ghi hình.

[2] “Đoàn Hòa Bình” hay còn gọi là “Tổ chức Hòa bình” (Peace Corps – PC) là một tổ chức thiện nguyện của chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập ngày 1/3/1961 dưới thời Tổng thống Kennedy. Theo thông cáo báo chí của PC (phát đi ngày 23/5/2016), Việt Nam đã trở thành thành viên quốc gia thứ 142, với trọng tâm giảng dạy tiếng Anh. Trước khi đến Việt Nam, nhân viên thiện nguyện người Mỹ sẽ phải qua 3 tháng học về văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng giảng dạy. Thời gian phục vụ tại Việt Nam là 2 năm.


[3] Fulbright University Vietnam (FUV) được sự hỗ trợ của Fulbright School, thành lập năm 1994 giữa Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TP. HCM. Chương trình còn được Trust for University Innovation in Vietnam (TUIV) và hai chính phủ Việt Nam & Hoa Kỳ phê chuẩn từ năm 2013.

FUV đã chính thức nhận giấy phép để xây dựng trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao TP. HCM ở quận 9 trong thời gian 2 năm. Số sinh viên sẽ giao động từ 6.000 đến 10.000 người. Giấy phép cũng xác định trường sẽ nhận sinh viên vào cuối năm 2016.  


Tham khảo thêm:

* Toàn văn bài phát biểu của TT Obama / Nhà Trắng - Văn phòng Thư ký Báo chí


***

(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***
--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch

Chuyện bắt đầu từ ngày 1/4, cái ngày mà người ta thường gọi là “Cá Tháng Tư” (Poisson d’Avril) hay “April Fools’ Day”. Đây là ngày mà người ta nói dối một cách thoải mái, không sợ mang tiếng là… ba xạo!

Riêng đối với Việt Nam, tháng 4/2016 ngoài ý nghĩa tháng của cá lại còn được mệnh danh là “thảm họa” của cá khi xác chúng nổi lềnh bềnh trên các bãi biển miền Trung, từ Hà Tĩnh xuôi Nam xuống Đà Nẵng. Đây cũng là cuộc “khủng hoảng truyền thông” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử môi trường biển tại Việt Nam.

Để giải quyết khủng hoảng, những người có trách nhiệm hình như đã đi sai một nước cờ. Họ tìm cách “lấp liếm” những nguyên nhân khiến cá chết. Khúc mắc đó sẽ tạo ra sự thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân đòi hỏi sự thật. Cách “chữa cháy” như đổ cho “thủy triều đỏ”, thậm chí những yếu tố từ trên trời giáng xuống như “cá chết vì âm thanh”, “cá chết vì trái đất đang nóng dần lên” đều không được cho là minh bạch.

Nguyên nhân cá chế vì ô nhiễm nguồn nước, cụ thể là do các chất thải độc hại từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), chỉ được đề cập đến một cách… lấp liếm. Chỉ đến khi người phát ngôn của Formosa tuyên bố “người dân phải lựa chọn giữa cá và thép chứ không thể có được cả hai” thì ván bài đã bị lật ngửa.

“Cá lại chết trắng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”
(Tuổi Trẻ Online, ngày 17/5/2016)

Tháng 4/2016 đã qua đi và giới hữu trách vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân cá chết. Có chăng chỉ là những lời giải thích mang tích cách “chữa cháy” của các cơ quan chức năng để che đậy một sự thật ngày càng lộ rõ. Đó cũng là lý do Tháng 5 bùng phát những cuộc “biểu tình”, “tọa kháng” tại các thành phố lớn trên cả nước.

Nhà nước đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Nếu Tháng Tư cách giải quyết khủng hoảng là “cố tình che dấu sự thật” thì Tháng Năm lại là một bước “leo thang”: đàn áp người dân đấu tranh vì môi trường sống. Ngoài các lực lượng cảnh sát mặc sắc phục chỉ đứng nhìn, người ta không khỏi rùng mình vì sự xuất hiện của một lực lượng “đằng đằng sát khí”, sẵn sàng “xung phong” trấn áp người biểu tình.

Lực lượng trấn áp biểu tình

Họ là ai mà đánh đồng bào của mình như kẻ thù? Họ là ai mà đàn áp phụ nữ, trẻ em không nương tay? Họ là những thanh niên lẽ ra phải dùng sức mạnh của mình để chống ngoại xâm, nhưng tiếc thay, hào khí đó lại phục vụ cho một mục đích “thất nhân tâm” đối với những người là cha mẹ, anh chị, em út trong gia đình!

Hai mẹ con Facebooker Hoàng Mỹ Uyên trong một cuộc biểu tình

Những người biểu tình, tọa kháng chỉ là những con cừu trước nanh vuốt của họ. Luật pháp còn đâu khi họ được “tự do” trong việc dùng sức mạnh của mình đối với những người bất bạo động, không hề có vũ khí trong tay, có chăng chỉ là những tấm giấy thay lời muốn nói như “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”, “Tôi chọn cá”…   


Một trong những người biểu tình là Hoàng Thị Minh Hồng, chị cũng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997 trong một chuyến thám hiểm quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới về những vấn đề khí hậu toàn cầu. Điều đó khiến chị trở thành Đặc phái viên của UNESCO về môi trường.

Và 12 năm sau, Minh Hồng lại được mời tham dự chuyến thám hiểm kỷ niệm 50 năm ký “Hiệp ước quốc tế về Nam Cực”. Nói chung, Minh Hồng là một người hoạt động tích cực cho vấn đề môi trường sống cho nên việc tham gia vào chiến dịch bảo vệ môi trường biển vào tháng 5/2016 chỉ đơn thuần xuất phát từ mục đích kêu gọi sự chú ý của dư luận về môi trường biển tại Việt Nam.

Vì một lý do nào đó, trang Facebook của Minh Hồng hiện đã bị khóa, cho nên tôi chỉ có thể kể lại chuyện đi biểu tình ngày 8/5/2016 của chị một cách sơ lược. Minh Hồng mô tả lực lượng “chống biểu tình” là những thanh niên trẻ, chị ví von hồi mình đi thám hiểm Nam Cực năm 1997 chắc các em hãy còn mặc “bỉm”.

Thế nhưng lúc ra tay đàn áp, các cậu thanh niên đó chỉ thẳng vào mặt chị: “Bắt lấy con này!”. Chị vùng vẫy chạy thoát trước khi họ kịp áp tải chị lên xe bus chực sẵn. Một nỗi sợ hãi, bất an thật dễ thông cảm của một người phụ nữ chân yếu tay mềm trước bạo lực!  

Hoàng Thị Minh Hồng bên lực lượng chống biểu tình

Minh Hồng trước đây có làm việc ở tòa soạn Hà Nội của báo “Vietnam Investment Review” (VIR), tờ tuần báo tiếng Anh của Úc liên doanh với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư. Khi đó tôi viết cho VIR ở Sài Gòn nên thỉnh thoảng có gặp chị.

Tôi cũng quen biết nhà báo Mạnh Kim trong thời gian cộng tác với tạp chí “Kiến thức Ngày nay” qua mục “Học Báo Tiếng Anh”. Mạnh Kim giờ là “nhà báo tự do” rất được nhiều người trên Facebook ái mộ vì những bài viết thẳng thắn, chân tình.

Mạnh Kim kể với tôi trong cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 anh có dịp tiếp xúc với vài người trong lực lượng chống biểu tình. Nhận xét của anh là nhiều người trong số họ thuộc thành phần “ăn nói lỗ mãng”, “xử dụng ngôn ngữ côn đồ” và “sẵn sàng văng tục với người biểu tình”, bất kể tuổi tác của người đối diện.

Một ngày sau cuộc biểu tình ngày 15/5/2016, trên Facebook Mạnh Kim chỉ xuất hiện vài dòng: “MK bị bắt lúc 4g chiều ở Bùi Viện. Được thả lúc 2g30 sáng. Không bị đánh đập chi cả. Chân thành cám ơn sự thăm hỏi của các anh chị”.

Trang FB Mạnh Kim, ngày 16/5/2016

Với nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh là một trường hợp rất đặc biệt. Người không thích anh sẽ gọi anh là “Cách mạng 30” vì thuộc lớp thanh niên “phản chiến, thiên cộng” giữa lòng Sài Gòn, kiểu như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy… Sau 30/4/1975 anh về làm Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên nhưng hiện giờ anh cũng là một “nhà báo tự do”.

Chiều ngày 15/5/2016 vừa qua Huỳnh Ngọc Chênh đã trở thành “Người Đàn Ông Cô Đơn”, một mình ngồi tọa kháng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ không một bóng người. Anh chỉ có được 2 phút ngồi đó với mảnh giấy trên tay: “Cứ đánh vào mặt tôi! Nhưng hãy trả lại cho dân cá sạch/biển sạch/môi trường sạch” trước khi bị lực lượng an ninh chìm đưa ra khỏi đây.

Hình ảnh của Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng tại Sài Gòn khiến người ta liên tưởng đến chàng thanh niên Trung Quốc, “The Tank Man”, năm 1989 đã đứng ra chặn đầu một đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn. Cả hai đều chọn cách biểu tình đơn độc để nói lên chính kiến của mình.

“The Tank Man”, Thiên An Môn, Trung Quốc, 1989

Qua một cuộc phỏng vấn với Cát Linh, Huỳnh Ngọc Chênh nói: “Vì bức xúc trước tình trạng trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hoà rất thô bạo thì tôi đã có tuyên bố sẽ ra toạ kháng vì môi trường, vì biển sạch, tức là toạ kháng để đòi quyền con người mà lâu nay nhà nước Việt Nam đã xâm phạm rất nghiêm trọng, mà cụ thể nhất là đánh đập những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, đặc biệt là ở Sài Gòn”.

Sáng 15/5/2016, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị lực lượng an ninh phong tỏa và Huỳnh Ngọc Chênh kể lại: “Trước đó một ngày tôi đã thám thính ở đó rồi. Trưa hôm đó tôi cũng đi 1 vòng thì tôi thấy là không có cách nào xâm nhập vào, chỉ có đi bộ vào. Thế là tôi đã đi bộ vào, đến chặng cuối cùng là hàng rào không cho bước qua nữa, tôi vẫn đi thẳng vào. Tôi nghĩ là sẽ có người kéo tôi lại nhưng có lẽ tự dưng họ thấy tôi mạnh dạn đi vào nên chắc nghĩ tôi là cán bộ của chính quyền nên không ngăn chặn tôi…”

Anh chỉ ngồi giữa phố không người khoản 2 phút. Ngay sau đó, người ta thấy bóng của lực lượng an ninh chạy vào và áp tải anh ra xe. Tất cả những diễn biến đó đã được Bùi Dzũ chụp từ trên cao, anh kể lại trên trang FB của mình:

“Tôi bần thần rất lâu trước tấm ảnh này. Trong dòng chảy của thời gian sẽ mãi đọng lại trong ký ức mình, tôi đã nhìn thấy những gì diễn ra trước đó vài chục giây, và rồi sau đó cũng chỉ trong vòng vài tích tắc. Nhưng tôi muốn dừng lại ở khoảnh khắc này, với nguyện cầu rằng dòng chảy thời gian kia, cũng sẽ mang theo cùng nó những khắc khoải khôn cùng cho những tháng năm được sống. Dường như, người đàn ông ấy quá cô đơn”.



“Người đàn ông cô đơn” giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ
(Ảnh Bùi Dzũ)

Tôi không tin những người biểu tình bị Việt Tân hay “những thế lực thù địch” dựt dây hoặc “chi tiền”. Có chăng, chỉ các đảng viên mới tin vào cách giải thích này. Vô hình chung, chính quyền đã “quảng cáo không công” cho Việt Tân, một chính đảng tận bên Mỹ và đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về vụ tai tiếng “Khủng bố ở Little Saigon” (Terror in Little Saigon).

Tôi tin rằng những người biểu tình, trong thâm tâm họ, chỉ muốn: “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”.

***
--> Read more..

Popular posts