Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Những tác phẩm độc đáo trên lông chim

Tôi cảm thấy mình nhẹ như lông hồng khi ngắm nhìn những bức họa của Krystle Missildine. Người nữ họa sĩ này có một hướng đi độc đáo: cô vẽ những bức tranh nhỏ nhắn ngay trên những sợi lông vũ.

Về kỹ thuật, hướng sáng tác này đòi hỏi bàn tay khéo léo mà có lẽ chỉ phụ nữ mới được tạo hóa ban tặng. Sợi lông chim vốn dĩ đã mỏng manh mà còn vẽ hình trên đó là cả một nghệ thuật. Giá vẽ của Krystle Missildine chỉ đơn giản là một sợi lông vũ thế mà trên đó thể hiện những tác phẩm độc đáo qua những cây cọ bé tí.

Hãy tạm gọi đó là “nghệ thuật của sự tinh tế và sáng tạo”. 


Xem thêm video clip https://youtu.be/SWB2V5tFMCo để hiểu thêm về sự sáng tạo của Krystle Missildine khi vẽ trên lông chim.















***








--> Read more..

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Chặng đường một phần tư thế kỷ

Báo “Vietnam Investment Review” (VIR) xuất bản số đầu tiên ngày 27/09/1991, tính đến năm 2016 đã tròn một phần tư thế kỷ. Nhân dịp kỷ niệm này, tập đoàn “VIR” và “Đầu Tư” xuất bản tập kỷ yếu dầy 444 trang, không kể rất nhiều trang quảng cáo.

Với tư cách một phóng viên và sau này là Trưởng Đại Diện văn phòng VIR đầu tiên tại Sài Gòn, từ năm 1991 đến 2004, tôi đã viết một bài với nhan đề “Chặng đường một phần tư thế kỷ” nhằm ôn lại những kỷ niệm của một thời làm báo với phía đối tác đến từ Úc châu.  





***

Chặng đường một phần tư thế kỷ

Nguyễn Ngọc Chính
Nguyên Trưởng Đại diện Báo Đầu tư & VIR
tại Thành Phố Hồ Chí Minh

***

“Con người, khi đã 25 tuổi, vẫn được coi là thanh niên, tràn trề sức sống. Tuổi 25 thật đẹp với nhiều hoài bão, hứa hẹn một tương lai của ước mơ trong suốt chặng đường đời trước mặt. Đối với một tờ báo, khi nói đã vượt qua chặng đường dài một phần tư thế kỷ, người ta lại không nghĩ đến 25 tuổi của cá nhân mà là những kinh nghiệm của cả một tập thể.

“Thế cho nên, giữa “25-tuổi” và “một-phần-tư-thế-kỷ” có một khoảng cách rất lớn. Tuy vẫn giữ nguyên giá trị thời gian nhưng lại khác biệt về ý nghĩa của hai cụm từ. Một tờ báo (đúng ra là một “tập đoàn báo chí” như trường hợp của Đầu Tư) phần tư thế kỷ là cả một lịch sử thăng trầm đối với bản thân những người làm báo và cả với người đọc báo.

“Ngày 12/06/1991 đánh dấu việc thành lập cơ quan “Báo Việt Nam Đầu tư Nước ngoài”, tiền thân của 2 tờ Đầu Tư và Vietnam Investment Review (VIR), bằng văn bản do Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) ký. Chỉ 4 ngày sau, một Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC) được ký kết giữa SCCI và phía đối tác đến từ nước Úc.

“Ngày 27/09/1991 là cột mốc đáng nhớ với sự ra đời của cả hai tờ báo tiếng Việt (Đầu tư Nước ngoài) và tiếng Anh (Vietnam Investment Review – VIR). Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử báo chí Việt Nam với sự hợp tác có yếu tố nước ngoài lần đầu tiên được thực hiện. Đó cũng là nét đặc thù mà những người làm báo tiếng Việt và tiếng Anh không khỏi tự hào với vai trò tiên phong trong hoạt động báo chí.

“Là người tham gia từ những ngày đầu cho đến năm 2004 về hưu, tôi đã trải qua không ít những kỷ niệm, buồn cũng như vui, trong suốt thời làm báo tại đây. Tôi đã sống và viết với Đầu Tư – VIR qua 5 thời kỳ Tổng Biên Tập. Khởi đầu là GS TSKH Nguyễn Mại, rồi TS Trần Xuân Giá, Nhà báo Nguyễn Trí Dũng, TS Nguyễn Phú Kỳ cho đến TS Nguyễn Anh Tuấn. Riêng với TS Tuấn tôi đã biết từ khi ông còn là Phó dưới thời TBT Dũng.

“Phía nước ngoài đáng nhớ nhất là Nick Mountstephen, Giám đốc VIR Ltd., người đã cùng GS Mại đặt bút ký BCC ngày 16/06/1991 để có được Đầu Tư – VIR cho đến ngày nay. Từ Úc đến Việt Nam với Nick còn có Alex McKinnon, một phóng viên trẻ mà chúng tôi gọi đùa là “baby face”. Alex sau này có trở lại Việt Nam và, đúng là định mệnh, anh đã qua đời tại Việt Nam.

“Phải thành thật nhìn nhận, Nick và Alex đã giúp những phóng viên viết tiếng Anh như tôi, Nguyễn Vạn Phú ở Sài Gòn và Lê Quốc Vinh, Nguyễn Minh Quân ở Hà Nội hiểu được thế nào là làm… “báo Tây”!    

“Chúng tôi được báo hỗ trợ bằng những phương tiện “hiện đại” nhất thời bấy giờ mà các đồng nhiệp ở báo khác phải “ganh tị”. Chúng tôi học cách sử dụng máy tính, truyền bài vở bằng modem qua điện thoại từ Sài Gòn ra Hà Nội, dùng điện thoại di động to như cục gạch (mà ngày nay các bạn trẻ gọi là… “cùi bắp”). Đó là những năm đầu của thập niên 90 khi guồng máy “Đổi Mới” bắt đầu hoạt động mạnh.

“Đến giữa năm 1993, ngoài 2 tờ báo chính Đầu Tư và VIR, phụ trương Timeout ra mắt bạn đọc. Bên cạnh đó là những buổi giao lưu “Friday Review” được VIR đứng ra tổ chức hàng tháng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có dịp gặp gỡ, vui chơi vào ngày Thứ Sáu mỗi tháng. Đó là cách làm sáng tạo để tờ báo không chỉ giao lưu trên giấy mà còn trong giao tế đời thường.

“Phía nước ngoài trong hợp đồng cũng có nhiều thay đổi. Nick Mountstephen chuyển VIR Ltd sang cho Chris Dawes, rồi một lần nữa, Chris chuyển cho ACP (Australian Consolidated Press), một tập đoàn báo chí lớn nhất nước Úc. Đến tháng 5/1998 kết thúc giai đoạn hợp tác với nước ngoài và Cơ quan Báo Đầu Tư đảm nhận toàn bộ quy trình sản xuất và kinh doanh.

“Với sự nhạy bén trước việc ra đời của thị trường chứng khoán năm 1999, Đầu Tư xuất bản tuần báo Đầu tư Chứng khoán và đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với diễn biến của thị trường báo chí lúc đó. Sự xuất hiện kịp thời của Đầu tư Chứng khoán đã đáp ứng nhu cầu của những độc giả quan tâm đến hoạt động tài chính mới mẻ này.

“Có thể nói, trong thập niên 90, nền kinh tế đất nước có hai sự kiện lớn là đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán, tập đoàn báo chí Đầu Tư đã kịp thời nắm bắt cả hai để trở thành những tờ báo kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Đó là những điểm son mà bất cứ ai có liên quan đến tờ báo phải hãnh diện và tự hào.

“Song song với việc phát triển một mạng lưới báo viết bao quát nhiều chủ đề về kinh tế, Đầu Tư đã mạnh dạn bước vào lãnh vực kỹ thuật số với những đĩa CD lưu lại các bài viết trên VIR từ số đầu tiên. Với VIR Database xuất bản năm 2002 các nhà đầu tư nước ngoài có hẳn một kho tư liệu qua những bài viết bằng tiếng Anh mà chỉ cần một động tác click chuột đơn giản.

“Cuộc chiến âm thầm giữa “báo giấy” và “báo mạng” ngày càng khốc liệt theo cuộc sống hiện đại. Ý thức được điều đó, Đầu Tư cũng sớm tham gia Internet để thu hút độc giả cần theo dõi những ấn phẩm tiếng Anh và tiếng Việt trên mạng. Đó cũng là quy luật của thị trường nói chung và báo chí nói riêng.

“Nhìn lại quãng đường phát triển của Đầu Tư trong một phần tư thế kỷ vừa qua, còn rất nhiều điều để tự hào của những người làm báo Đầu Tư nhưng cũng có không ít những điều băn khoăn, trăn trở của người ngồi trước bàn phím gõ bài.

Những nhân viên quảng cáo và phát hành cũng phải động não để tìm ra cách tối ưu, thu hút quảng cáo và người mua báo. Công việc chuyên môn của họ cũng là công sức đóng góp cho tờ báo vì trong cơ chế thị trường, một tờ báo có “sống” được hay không cũng phải nhờ đến quảng cáo và phát hành, ngoài nội dung tinh thần của tờ báo.

“Với tư cách của một người đi trước, tôi nhận ra một điều: Sự thật tuyệt đối là một món hàng rất hiếm và cũng rất nguy hiểm trong bối cảnh của nghề báo chuyên nghiệp. Đã gọi là chuyên nghiệp thì bắt buộc phải có những kỹ năng báo chí nhưng đó mới chỉ là điều kiện “cần”. Điều kiện “đủ” là cái Tâm của mỗi nhà báo chân chính.        

“Nhà văn người Nga, Aleksandr Solzhenitsyn, nhận xét:“Sự nóng vội và hời hợt là căn bệnh tinh thần của thế kỷ hai mươi, và không ở nơi nào căn bệnh này lại thể hiện nhiều hơn ở báo chí”.

“Chúng ta đang ở vào thế kỷ 21, câu nói này lại càng thấm thía hơn nữa khi báo chí ngày càng đa dạng và phức tạp.


***

VIR kỷ niệm năm đầu tiên thành lập tại Khách Sạn Nổi (Saigon Floating Hotel) năm 1992


"Bộ sậu" VIR tại Sài Gòn (1992)


Đường bay thẳng Singapore - Sài Gòn khánh thành năm 1991


Phỏng vấn Hershel Gober, Deputy Secretary of the US Department of Veteran Affairs (1994)


Cột mốc đáng nhớ: HK bãi bỏ lệnh cấm vận (1994)


Phỏng vấn nhà thầu Úc tại thời điểm đổ mẻ bê-tông cuối cùng trên cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền (1999)

***

--> Read more..

Popular posts