Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Viết ngắn nhân ngày nhà báo

Tôi làm báo chỉ mới có hơn chục năm, từ 1991 đến 2004. Tôi chỉ là tay ngang nên chẳng qua trường lớp báo chí.

Ngày “Đổi Mới”, Việt Nam cần một tờ báo tiếng Anh để giúp các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được phần nào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đó cũng là lý do tờ “Vietnam Investment Review” (VIR) ra đời năm 1991 dưới hình thức “hợp đồng hợp tác kinh doanh” (business cooperation contract) giữa Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư (State Committee for Co-operation & Investment – SCCI, tiền thân của Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và một tập đoàn báo chí của Úc.

Hershel Gober, Thứ trưởng Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ (1994)

Thế là từ một anh Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn, đã qua trường lớp “cải tạo”, tôi được mời về viết cho VIR, lương lậu do phía nước ngoài trả chứ không phải là “biên chế” của nhà nước. Cũng may, tờ VIR chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên về kinh tế nên làm báo tiếng Anh khác hẳn báo tiếng Việt do nhà nước “quản lý”.

Phỏng vấn nhà thầu xây dựng Cầu Mỹ Lợi, Úc (1999)

Tôi biết các bạn đồng nghiệp báo “lề phải” sợ nhất là phải viết về chuyện chính trị - nội chính… “nhạy cảm”. Đối với các nhà báo “chân chính”, khi phải viết về đề tài này rất khó, cũng tựa như “làm dâu trăm họ”. Viết sao cho ông Tổng Biên Tập (TBT) không phải mất công giải trình cho Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Nhưng cũng phải viết thế nào cho người đọc không có cảm giác đọc một bài báo tuyên truyền về chính sách, đường lối của nhà nước.

Kỷ niệm 1 năm thành lập báo VIR (1992)

Người làm báo “chân chính” lúc nào cũng ở trong thế gọng kìm, nói một cách “tả chân” là họ viết “giữa hai lằn đạn”, sơ sẩy là… “chết oan” vì ngòi bút của mình.

Không muốn làm nhà báo “chân chính” cũng dễ thôi. Thứ nhất, tránh xa chuyện chính trị. Thứ nhì, “viết theo yêu cầu” của TBT. Thứ ba, viết về những chuyện xã hội “4T”: Tình, Tiền, Tù, Tội. Thứ tư, viết theo gợi ý của “khách hàng” là những doanh nghệp đang cần PR. Bảo đảm nhà báo sẽ an toàn mà lại có thêm phong bì bồi dưỡng của các “mạnh thường quân”.

Bãi bỏ cấm vận (1994)

Có một hiện tượng rất ít người không phải “trong nghề” để ý đến. Kể từ ngày có Internet, có Facebook… số nhà báo “chuyển lề” ngày một đông. Họ nhường đất dụng võ “lề phải” cho lớp trẻ mới vào nghề, họ chuyển sang “lề trái” và trở thành “những anh hùng bàn phím”, hiểu theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu!

Chuyến bay thẳng đầu tiên của Hãng Hàng không Singapore Airlines đến Sài Gòn (1991)  

Họ là “những nhà báo tự do” có nghĩa là không có Thẻ Báo Chí, không thuộc biên chế nhà nước. Họ tham gia “báo mạng” với tính cách của một “cộng tác viên”, hưởng lương theo “sản phẩm”.

Họ cũng có thể là “nhà báo độc lập”, không làm việc cho một cơ quan báo chí nhà nước hoặc một trang mạng nào. Đất dụng võ của họ là các trang Blog, trang Facebook… Công việc này không đem lại cho họ một khoản lương nào, có chăng chỉ là… “lương tâm”.

Cúp FIFA World Cup đến Sài Gòn (2002)

Nhân ngày Báo chí Việt Nam, xin gửi đến các bạn nhà báo – “lề phải” cũng như “lề trái” – những lời chúc tốt đẹp nhất của một đồng nghiệp nay đã gác bút về hưu. Chúc các bạn “chân cứng đá mềm” và với đôi chân đó, các bạn sẽ là những người làm báo “chân chính”, không hổ thẹn với lương tâm.
  
***

(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

The Sympathizer (2): Những điều muốn nói…

(Tiếp theo)

Suốt 23 Chương trong “The Sympathizer” (gần 400 trang) được viết theo dạng của một “bản tự khai” hay còn gọi là “tự thú” (confession) của viên Đại úy “nằm vùng”, khai cho “Cấp Chỉ Huy” (Commandant) sau khi anh bị bắt trong lần trở về Việt Nam khi không có lệnh của “tổ chức”.

Đây là hình thức thường thấy trong các trại cải tạo sau năm 1975, qua đó người ta tự khai với “tổ chức” những điều đã làm và dĩ nhiên phải có phần “soi rọi bản thân” để rút ra những sai lầm trong quá khứ. Một bản tự khai như vậy sẽ phải dùng đại danh từ “Tôi” (hay “bản thân tôi”).

Cũng vì thế trong suốt cuốn truyện, nhân vật chính chỉ xưng… “Tôi”. Văn phong của “The Sympathizer” là lối tự truyện, hoàn toàn độc thoại và không có “gạch đầu dòng” cho những đối thoại. Đây là một cách viết rất khó mà đa số các nhà văn đều tránh. Nhưng phải nói, Nguyễn Thanh Việt khá thành công trong lối đặc tả vừa nghiêm trang nhưng cũng có không ít chất hài hước.

Tác giả cho biết, anh muốn viết khác với những gì mà người đọc mong chờ từ một nhà văn thuộc nhóm thiểu số (da vàng hoặc da đen) trong “làng văn” tại Hoa Kỳ mà đa số (người viết cũng như người đọc) là những người da trắng. Về nội dung, anh muốn viết về thân phận của con người trong cuộc chiến vừa qua. Cái nhìn đó xuất phát từ cả 3 phía: Hà Nội, Sài Gòn và Washington.

Nguyễn Thanh Việt thừa nhận mình đã nhiều lần bị từ chối đăng bài trước khi được giải Pulitzer. Trên trang Facebook của mình, anh cho biết hàng trăm lần các bài viết, các tác phẩm phê bình và văn chương của anh bị từ chối in. Anh còn nhấn mạnh: “Trong suốt thập kỷ qua, tôi đã giữ danh sách những lời từ chối in tác phẩm, để tránh việc mình gửi tác phẩm ấy cho người đã từng từ chối nó”!

Bìa sách “The Sympathizer”, Nhà xuất bản Grove Press, 2016

Ba Chương đầu của cuốn truyện, người đọc sống trong tâm trạng rối bời của Sài Gòn “hấp hối”, chờ thất thủ. Phần lớn những chi tiết đã được chúng tôi đề cập đến trong Phần 1 của bài viết, “The Sympathizer (1): “Kẻ mằm vùng” hay “Cảm tình viên”, http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/the-sympathizer-1-ke-nam-vung-hay-cam.html

Ở Chương 3, đại gia đình của “Ông Tướng” gồm cả bà con, họ hàng, viên Đại úy “nằm vùng” và Bốn, người bạn nối khố của anh đã từng “uống máu ăn thề” từ hồi còn 14 tuổi. Tổng cộng lên đến 92 người và họ đã rời Sài Gòn trên chiếc phi cơ vận tải C-130 Hercules, trực chỉ đảo Guam. Chiếc phi cơ quân sự này được tác giả ví một cách khôi hài như “một xe rác chở rác có gắn cánh” (a garbage truck with wings attached).

Cuốn truyện đi vào một chi tiết rất “kịch tính”: ngay khi phi cơ chở người di tản đáp xuống Guam, một chiếc xe cứu thương màu quân đội đã chực sẵn để chở xác của Đức và Linh (vợ con của Bốn). Họ đã chết ngay trên máy bay vì một nguyên nhân “không rõ”. Bốn trở thành một người chồng mất vợ, người bố mất con ngay trên chuyến bay đi tìm tự do! Và đó cũng là lý do khiến anh trở nên “chống cộng” một cách điên cuồng.

Chuyến bay định mệnh đã được truyền hình trên khắp nước Mỹ ngay chiều hôm đó và khán giả ngồi trước truyền hình được thấy những khuôn mặt đưa đám của người di tản, trong đó Bốn sụt sùi đưa tiễn vợ con và những người khác cũng than khóc trong một đám tang lớn hơn: họ đã mất tổ quốc!  

Tại Guam, một “thị trấn lều vải” (tent city) được dựng lên để đón hàng ngàn người di tản, Ông Tướng bị thất lạc vali nên vẫn còn giữ trên mình bộ quân phục có gắn sao. Ông có thiện ý đi ủy lạo người di tản, đa số là dân thường, gồm đàn bà, trẻ con… Thật bất ngờ, ông bị họ tấn công và nguyền rủa, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đám đông người di tản bùng lên một cơn giận dữ, họ trút hết lên đầu Ông Tướng và cả người sĩ quan tùy viên trong bộ quần áo dân sự. Họ thốt lên những lời cay đắng vì chỉ mới một ngày trước đó tại Sài Gòn, “ông Thủ tướng cũng là tư lệnh Không quân đã kêu gọi quân đội và cả nhân dân chiến đấu cho đến người cuối cùng”.

Xin mở ngoặc ở đoạn này (trang 53) lấy từ sự kiện có thật về Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đã có một buổi nói chuyện tại Nhà thờ Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả vào ngày 25/4/1975. Khi đó, ông cam kết một cách hùng hồn rằng sẽ không bỏ nước ra đi để ở lại bảo vệ Sài Gòn… Chức vụ của ông là Thủ tướng (1965-1967) và Phó Tổng thống (1967-1971) chứ không phải Thủ tướng vào những ngày cuối tháng 4.  Sau khi tuyên bố, ngày 29/4/1975 Tướng Kỳ đã lái máy bay trực thăng ra Đệ thất Hạm đội, quên hẳn những gì đã tuyên bố tại Sài Gòn.

Sự phẫn nộ của người di tản trên đảo Guam được thể hiện qua những lời trách móc, rủa xả đổ lên đầu Ông Tướng: “Chồng tôi đâu? Sao ông có mặt ở đây mà chồng tôi không có? Nhiệm vụ của ông là bảo vệ đất nước như chồng tôi chứ?... Cha tôi đâu? Anh tôi đâu?...”.

Cũng tại đảo Guam, Ông Tướng đưa cho người sĩ quan tùy viên xem một bức hình trên trang báo sau khi Sài Gòn thất thủ. Hình chụp một sĩ quan cánh sát VNCH nằm chết dưới chân bức tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến trước tòa nhà Quốc hội. Nơi đây, trên đường ra phi trường di tản họ đã dừng lại chào bức tượng theo đúng lễ nghi quân cách.

Cũng chính nơi đây, Trung tá Ngyễn Văn Long tự sát ngày 30/4/1975 và phóng viên ngoại quốc cuối cùng đã có cơ hội chụp để cả thế giới được chứng kiến việc tuẫn tiết của một sĩ quan VNCH. Ông Tướng nói, Trung tá Long mới thật sự là “người anh hùng cuối cùng của cuộc chiến”.

Tấm gương Trung tá Long là tất cả những gì tương phản với hành động trốn chạy của các vị tướng và viên chức chính phủ khác. Trong bản “tự khai” của mình, kẻ nằm vùng viết: “Một vị anh hùng thực sự” (a real hero). Theo lời anh, khi lập danh sách di tản cho ngành cảnh sát anh có thấy tên của vị Trung tá nhưng anh đã bỏ qua. Dĩ nhiên, đây chỉ là một chi tiết được “hư cấu” để Nguyễn Thanh Việt đưa vào tiểu thuyết.

Bìa sau “The Sympathizer”

Nhìn chung, “The Sympathizer” không hẳn là tác phẩm “hoàn hảo” vì, dầu sao đi nữa cũng có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi trong văn chương. Năm 1955, Graham Green viết “The Quiet American” cũng lấy bối cảnh Sài Gòn giữa giai đoạn đầu nền Đệ nhất Cộng hòa trong buổi giao thời Pháp đi, Mỹ đến. Truyện của ông có những đoạn đề cập đến các địa danh mà chính người Việt cũng phải nhíu mày thắc mắc vì những cái tên lạ hoắc: Dakow, Tanyin…

Kỳ thật, “Dakow” chính là Dakao nơi có chùa Ngọc Hoàng mà mới đây Tổng thống Obama đã đến thăm… còn “Tanyin” lại là Tây Ninh, nơi có Thánh thất của đạo Cao Đài. Nhà văn nước ngoài có thể viết sai các địa danh nhưng ở “The Sympathizer” người đọc cũng gặp những trường hợp tương tự như của Graham Green.

“One made a right out of the gates down Thi Xuan left on Le Van Quyet, right on Hong Thap Tu in the direction of the embassies, left on Pasteur, another left on Nguyen Dinh Chieu, right on Cong Ly, the straight to the airport” (trang 24)

Đó là lộ trình di tản ra phi trường của gia đình Ông Tướng những ngày cuối tháng 4/1975. Biệt thự của ông chắc nằm ờ Quận 3, trên đường Bùi Thị Xuân (hoặc Thi Sách) chứ Sài Gòn làm gì có đường “Thi Xuân”? Rồi lại quẹo trái sang đường Lê Văn Duyệt (đường Cách mạng tháng 8 ngày nay) chứ làm gì có đường “Le Van Quyet”?

Người đọc nước ngoài không thắc mắc gì về tên những con đường nhưng, đối với độc giả người Việt đã một thời gắn bó với Sài Gòn, chắc chắn những cái tên đó rất quan trọng vì nó đã thuộc về kỷ niệm. Mong rằng ấn bản tiếp theo cần được chỉnh sừa hoàn thiện và nhất là bản dịch tiếng Việt cần được lưu ý đến những chi tiết nhỏ nhặt này.

Ảnh Nguyễn Thanh Việt trên Facebook do Lin-Manuel Miranda chụp

Trở lại chuyện di tản. Từ đảo Guam, người di tản được chuyển vào đất liền Hoa Kỳ bằng phi cơ dân sự, tác giả mô tả một cách hài hước là “có ghế ngồi thật sự, có cửa sổ” để so sánh với chiếc phi cơ quân sự lúc rời Việt Nam. Họ được tập trung gần San Diego, California, tại một trại lính cũ có tên Camp Pendleton, với tiện nghi dĩ nhiên là hơn hẳn ở đảo Guam chỉ toàn lều do Thủy quân Lục chiến Mỹ dựng lên một cách vội vã.

Cũng từ Pendleton, viên Đại úy “nằm vùng” bắt đầu liên lạc với “tổ chức” qua địa chỉ bà cô của Mẫn đang sống tại Paris. Giữa những dòng thăm hỏi trong thư là thông tin được báo cáo cho Mẫn, viết bằng “mực vô hình” (invisible ink) như trong những truyện gián điệp khác.

Có một hôm Ông Tướng tâm sự với người sĩ quan tùy viên là Hà Nội chắc chắn đã tung vào dòng người tỵ nạn những điệp viên làm việc cho họ. Cách hay nhất để trả lời cho nghi vấn này, kẻ nằm vùng trả lời là anh tin như vậy. Anh lý luận: “chỉ có gián điệp mới không thừa nhận sự hiện diện của những gián điệp khác”. Ngay tối hôm đó anh báo cáo với “bà cô” bên Pháp qua thư về suy nghĩ dè dặt của Ông Tướng…

Với bằng tốt nghiệp đại học Mỹ lúc trước, kẻ nằm vùng kiến được một công việc tại thành phố Los Angeles còn gia đình ông tướng được một Đại tá người Mỹ, trước đây là cố vấn của ông, đứng ra bảo trợ. Ông thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô LA gần Hollywood. Anh báo cáo với tổ chức là viên tướng đang trong tình trạng thất nghiệp, chỉ biết uống rượu hay bia để giải sầu.

Tranh vẽ của Yuko Shimizu trong bài điểm sách “The Sympathizer” của Philip Caputo 
(The New York Times)

Tuy là tiểu thuyết gián điệp giả tưởng, “The Sympathizer” cũng mang những nét triết lý trong việc phân tích bản chất đối nghịch của người Phương Đông và Phương Tây dựa trên lý thuyết của Kipling: “East is East and West is West and never the twain shall meet”.

Trong báo cáo của mình, kẻ nằm vùng đã làm hẳn một bản phân tích cá tính giữa Đông và Tây. Chẳng hạn như về mặt tâm lý, người phương Đông đa số giữ sự tôn trọng chính quyền trong khi phương Tây lại tỏ ra độc lập trước quyền lực. Phương Đông thường yên lặng trong khi phương Tây tỏ ra lắm lời.

Phương Đông thường bi quan khi nhìn tách trà “vơi một nửa” (teacup is half empty) trong khi phương Tây lại thấy “ly nước vần còn đầy một nửa” (glass is half full). Người phương Đông luôn “nói vâng trong khi lòng lại nói không” (say yes when I mean no), ngược lại, người phương Tây “nói những điều mình muốn nói và hãy làm những điều tôi nói” (say what I mean, do what I say).

Tôi nghĩ, quan trọng hơn cả là “cái tình” của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy không trực tiếp nói đến “chữ tình” trong suốt cuốn truyện của Nguyễn Thanh Việt ta thấy tâm lý các nhân vật lúc nào cũng hành động quanh “chữ tình”.

Đó không phải là tình yêu mà là tình bạn sống chết có nhau của bộ ba: Mẫn - Kẻ nằm vùng và Bốn. Cho dù khác chính kiến giữa Quốc gia và Cộng sản nhưng cả ba luôn hành động như những kẻ đã từng “uống máu ăn thề” để đối xử với nhau trên một nền tảng của tình bạn chí cốt.

Nếu không vì chữ tình, kẻ nằm vùng sẽ sống thoải mái tại đất Mỹ vì “tổ chức” không đòi hỏi anh đi theo đoàn “phục quốc” trở về Việt Nam. Anh không đành lòng để người bạn thân tên Bốn lao vào cõi chết nên anh phải đi theo để “bảo vệ” người mà anh quý hơn ruột thịt.

Người ta không chọn anh em ruột thịt khi ra chào đời nhưng người bạn mà mình quý mến hoàn toàn là sự chọn lựa tự nguyện của bản thân. Đó không phải là “tình đồng chí” theo kiểu Cộng sản mà là “tình đồng đội chí cốt” giữa hai con người.  

Mối tương quan giữa Vị Tướng và viên Đại úy tùy viên tuy là một sự gắn bó theo “hệ thống quân giai” nhưng luôn có tinh thần của người phương Đông: lấy tình người để giải quyết. Trong hầu hết các trường hợp, hai người đã xử sự theo một cách “nhân bản” giữa người và người. 

Có thể nói, những phân tích cặn kẽ về sự khác biệt đó là một trong những nền tảng để dựng nên “The Sympathizer”. Cũng chính phân tích giữa Đông & Tây giúp người đọc nước ngoài hiểu được chiến tranh Việt Nam theo cái nhìn của một tác giả người Việt.

Còn người Việt chúng ta - dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, dù già hay trẻ - có thể “soi rọi bản thân” để tiếp cận với một cách nhìn mới của một tác giả người Việt thuộc thế hệ thứ hai đã tạo ra bước đột phá trong văn chương với giải thưởng Pulitzer.

Quan trọng hơn cả, Việt Nam không phải chỉ có chiến tranh như cách nhìn lâu nay đã sói mòn của người Mỹ. Nguyễn Thanh Việt đã đem đến cho người đọc một cách nhìn nhân bản hơn, trong đó có cả buồn-vui theo một trong những cách nhìn của người Việt.

Cách nhìn đó, dĩ nhiên sẽ gây nhiều tranh cãi từ cả người đọc bản chính bằng tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt. Dù sao đi nữa, “The Sympathizer” là cuốn tiểu thuyết “hư cấu” dựa vào nhiều chuyện có thật nên cần đọc và đáng đọc.

Hình trên FB Viet Thanh Nguyen

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


***
--> Read more..

Popular posts