Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đầu năm Đinh Dậu bàn về… con gà

Ta thường nói “ăn chơi” ngày Tết nên phiếm luận này chỉ bàn đến 2 chuyện: Ăn và Chơi với con gà. Chuyện kéo dài từ Đông sang Tây và từ Việt Nam đến các nước. Nước nào cũng có gà cho nên bàn về gà thì nước nào cũng có chuyện để nói và có lẽ nói hoài cũng không hết.

Theo Đông y, thịt gà nói chung có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng và bổ phổi. Thịt gà còn chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt… Tóm lại, đây là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận. Đặc biệt, thịt gà có tác dụng bồi bổ cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn. Ngoài bổ khí huyết, thịt gà còn giúp trừ phong.

Con gà mái già nhất thế giới sống được 16 năm và được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness. Gà trống thường khác biệt với gà mái bởi bộ lông sặc sỡ, chiếc đuôi dài và bóng, lông nhọn trên cổ và lưng thường có màu sáng và đậm màu hơn gà mái. Mặc dù nhìn chung gà có thể bay quãng ngắn, chẳng hạn bay qua hàng rào hoặc bay lên cây, nhưng gà không có khả năng bay xa.

Ngày Tết dù gia đình có khó khăn cách mấy, cũng cố gắng “rước” một con gà luộc lên bàn thờ tổ tiên, trên mỏ có cài một bông hoa, để đón ông bà về ăn Tết cùng con cháu trong nhà. Cũng con gà đó được phục vụ người sống, mỗi người vài miếng, gọi là đón mừng năm mới. 

Gà cúng

Hình như có một “quy luật bất thành văn” trong việc ăn thịt gà tại Việt Nam, nhất là miền Bắc? “Con gà cục tác lá chanh…” tại sao lại phải ăn thịt gà luộc kèm với lá chanh thái nhỏ? Vì lá chanh có vị thơm hay tại vì một lý do nào khác? Người Việt rất sành ăn, ăn thịt gà phải chấm với muối tiêu có vắt thêm chút chanh, thịt vịt lại phải có nước mắm gừng mới đúng điệu, còn thịt chó phải có riềng mới ngon.

Gà ngon phải là “gà mái tơ” tức là gà thuộc loại… “teen”, mới lớn và cũng mới bắt đầu chịu để trống đạp mái. Tuổi tác của gà có thể được tính theo lứa đẻ trứng và ấp trứng, hay còn gọi là “nằm ổ”. Công việc đẻ và ấp trứng được thực hiện càng nhiều thì thịt càng săn lại và dĩ nhiên là càng dai. Cũng vì thế, các chị mái tơ, mái ghẹ lần lượt chuyển sang tuổi “mái sề” và kết thúc cuộc đời trong nồi nước sôi!

Ở miền Bắc, các cụ xưa trước khi cắt tiết một con gà thế nào cũng phải thì thầm một câu “thần chú”: “Sống (trống) cắt tai, mái cắt cổ… hóa kiếp cho mày sang kiếp khác!”. Và con gà khi nào thấy duỗi thẳng chân mới chính thức bước sang kiếp khác nếu không, có khi dội nước sôi để vặt lông nó vùng dậy tìm đường thoát!

Gà không những ăn được hết thẩy các bộ phận trên thân thể mà lông của nó cũng hữu dụng. Bằng chứng ta có “chổi lông gà”, danh từ Hán-Việt gọi là “kê mao côn”. Chổi lông gà là thứ đòn roi đáng sợ của bậc cha mẹ đối với trẻ hư và thậm chí có khi còn là vũ khí của các bà đối với các ông “gà chết” theo trường phái… “gà mái đá gà cồ”.

Đó là trường hợp của những “nữ kê tác quái” (vì kê theo tiếng Hán chính là con gà). Ngày xưa đọc truyện Tầu của Tín Đức Thư Xã ta thường gặp “kê hồn hương” là một loại nhang gây mê. Kẻ trộm thường đốt nhang này để chủ nhà bị mê, ngủ thiếp cho đến sáng gà gáy mới tỉnh!

Một trong những giống gà nổi tiếng phải kể đến “gà Tam Hoàng” có xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông tận bên Trung Quốc. Tiếng là gà “ngoại” nhưng ở Việt Nam đã nhân giống để nuôi khắp cả nước nên… khỏi cấp visa cho gà nhập khẩu.

Giống gà Tam Hoàng có 3 đặc điểm là bộ lông màu vàng nhạt, chân vàng và mỏ vàng nên được gọi là “tam hoàng”. “Nàng” gà Tam Hoàng có trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg với sản lượng trứng độ 150 quả mỗi năm trong khi “chàng” nặng chừng 2,5 đến 4 kg.

Gà Tam Hoàng

Cũng có một loại “Tam” khác là “gà Tam Kỳ”, mang tên một tỉnh miền Trung. Cơm gà Tam Kỳ vốn nổi tiếng từ Quảng Nam vào đến Sài Gòn. Nước luộc gà được dùng để nấu cơm nên ăn vừa bùi, vừa béo. Thịt gà được chặt nhỏ hay xé phay để tạo một đĩa cơm gà hấp dẫn.

Nói đến cơm gà cũng phải nhắc đến Siu Siu vốn nổi tiếng trên đất Sài Gòn từ xưa, rồi còn những món ngon như “cơm gà xối mỡ”, “gà kho gừng”. Gà ngon là loại “gà ta” hay còn gọi là “gà đi bộ” chứ không phải là “gà công nghiệp”, nuôi nhốt trong chuồng...

Sau này còn du nhập những món gà của các “đại gia” từ Phương Tây chuyên phục vụ các loại thức ăn nhanh như KFC (Kentucky Fried Chicken), Texas Chicken, rồi cũng có cả gà Đại Hàn Lotteria, gà Phi Luật Tân Jollibee cũng lục tục kéo đến phục vụ khẩu vị của người Việt.

Gần đây nhất, năm 2014, “gã khổng lồ” McDonald’s đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đa Kao, Sài Gòn. Don Thompson, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành McDonald’s tiết lộ đây là cửa hàng thứ 10.000 của McDonald’s trên thế giới.


Chủ tịch & Giám đốc Điều hành McDonald’s hớn hở mở thị trường mới tại Việt Nam.

Nói thêm về chữ nghĩa, khi bị ho dai dẳng, ho liên tục… người bình dân bảo là bị “ho gà”. Chắc cái tên này lấy từ âm thanh của tiếng gà cục tác kéo dài hay tiếng gáy sang sảng của con gà trống. Ngày xưa Sài Gòn có tuồng “Đắc Kỷ ho gà” đấy thôi!

Người Pháp gọi ho gà là “coqueluche”, một thuật ngữ rất gần với tiếng Việt, có xuất xứ từ “coqueliner” chỉ động tác gà gáy! Về “văn hóa gà”, Pháp - Việt cũng đề huề: Việt Nam có thành ngữ sợ đến “nổi da gà” còn tiếng Pháp lại bảo là “avoir la chair de poule”, trong khi đó người Anh lại nói “have goose bumps”, đổi gà thành ngỗng (goose)!

Ngày xưa những người sánh tiếng Pháp hay dùng thuật ngữ “poule de luxe”, chẳng khác gì ngày nay người ta gọi đó là “gà móng đỏ”, ám chỉ những cô gái làm tiền. Chỉ những anh “gà mờ” mới bị các cô “gà móng đỏ” cho… vào xiếc.

Tiếng Việt, tiếng Pháp tiếng Anh đôi khi gặp nhau qua… con gà! Này nhé, ta có “gà chết” để chỉ người hèn nhát thì Pháp cũng gọi họ là “puole mouillée” (nôm na là “gà mắc mưa”) hay thành ngữ “coeur de poule” (trái tim gà, hàm ý… chết nhác). Trong khi đó tiếng Anh lại gọi là “chickenheart”, chỉ người thiếu can đảm! Thế mới biết về ngôn ngữ đôi khi có sự tương đồng hoặc vay mượn lẫn nhau!

Phải nói con người quá “tàn nhẫn” với loài gà, chế biến ra hàng chục món ăn chơi (như phở gà, gỏi gà, bánh mì gà…) cũng như ăn nhậu. Gà đẻ trứng nhưng trứng không thoát khỏi số phận hẩm hiu để biến thành món “gà ốp la” (oeuf sur plat – trứng vẫn còn nguyên lòng đỏ), “gà ốp lết” (omelette - trứng quậy chín trên bếp), “gà la cóc” (oeuf à lacoque - trứng gà trụng nước sôi) thậm chí còn có cả “trứng gà lộn ấp mề” chưa thành gà con đã bị hóa kiếp trong bụng con người!

Gà con và trứng

Sang đến chuyện “chơi” thì có môn “đá gà”. Việt Nam ta cho đến nay vẫn coi đá gà là môn cờ bạc trá hình vì người ta đặt cược vào những “độ gà” với số tiền lên tới vài chục triệu. Người ta “cho nước gà” bằng cách phun nước hay phun rượu lên mặt gà trước khi “xáp trận” cho có khí thế.

“Gà đá” hay “gà chọi” là những võ sĩ thi đấu hết mình, có khi phải chết dưới những cú đá thần tốc từ đối thủ. Loại gà này quên hẳn thiên chức “đạp mái” thường thấy trong suốt đời của chú gà trống, cũng tựa như “gà sống (trống) thiến” bị cắt “hai hòn bi” để sống cuộc đời của một “hoạn quan”!

Giới đá gà có những nhận xét rất tinh tế về sở trường cũng như sở đoản của con “gà nòi”, những thế võ “kim kê” chuyên ra đòn dưới hoặc đòn trên để hạ knock-out đối thủ bằng cặp cựa của mình. Cặp cựa gà có khi còn được chủ bọc bằng sắt là tăng thêm “vũ khí sát thương”!

Một địa danh khác tại miền Nam cũng nổi tiếng nhờ giống “gà nòi” hay còn gọi là “gà chọi”. Gà Cao Lãnh, Đồng Tháp, thuộc xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã đi vào kho tàng ca dao với câu:  

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”

Trong “Phong lưu cũ” Vương Hồng Sển đã viết cả trăm trang về thú đá gà và có đề cập đến danh tiếng gà Cao Lãnh. Theo ông,  gà Cao Lãnh giỏi do “có đòn độc, gồm đòn vỉa tối, vỉa sáng, gà vừa hay, cựa nhạy, chém liên tu. Gà có tài đá song phi, hai cựa phóng tới như cặp phi đao”.

Gà Cao Lãnh là sự kết hợp pha giống của gà Miên với gà Việt. Gà Việt chém giỏi nhưng chịu đòn dở, còn gà Miên chém dở nhưng lại giỏi chịu đòn. Tuy nhiên, gà Cao Lãnh chỉ hay và giỏi vào thời xưa, rồi ngày càng lụn bại… nguyên nhân gà ngày càng dở là đời sau không biết tuyển lựa giống, cho gà nhà đạp mái lẫn nhau nên lâu đời cùng huyết thống, gà trở nên suy.

Cảnh sát Việt luôn để mắt đến những trận đá gà “bất hợp pháp” nhưng ngược lại ở Phi Luật Tân lại coi đó là môn “thể thao” (?) hay giải trí. Tôi đã từng ngồi tại một “trường gà” hình tròn, có ghế ngồi xem tựa như một võ đài và khán giả cổ vũ cho các cặp gà còn hơn là trận đấu giữa hai võ sĩ. Nhưng chắc chắn thế nào cũng “cá độ” giữa khán giả với nhau!

“Trường gà” tại Phi Luật Tân

Con gà cũng xuất hiện trong trò chơi ngày Tết. Có thể nói, “bầu cua cá cọp” là món thịnh hành nhất, diễn ra khắp mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài đường. Hồi xưa, sòng bầu cua lưu động ngoài đường còn có cả những người “canh me”, hễ thấy bóng dáng “phú-lít” là báo động giải tán.

Lập sòng bầu cua cũng đơn giản. Chỉ cần một miếng vải hoặc giấy vẽ hình 6 biểu tượng: nai, bầu, gà, cá, tôm và cua. Nhà cái còn trang bị thêm 3 viên súc sắc hình khối vuông, trên mỗi mặt có vẽ hình các biểu tượng tương ứng với 6 “linh vật”. Cần thêm một cái chén và cái đĩa để “lắc” ba viên xúc xắc.

Người chơi chỉ việc đặt tiền vào những “linh vật” sau khi nhà cái lắc 3 viên súc sắc được giữ kín trong chén úp trên đĩa. Sau khi mở chén, ba con súc sắc xuất hiện 3 “linh vật” và những ai đặt tiền vào linh vật đó sẽ được nhà cái “chung tiền”. Ngược lại, tiền đặt vào những ô không xuất hiện nhà cái sẽ… “hốt” hết.

Tính theo xác suất tỷ lệ thắng thua đối với nhà cái là 50% nhưng thực tế mỗi lần mở chén nhà cái chỉ thắng hoặc huề chứ ít khi thua. Trường hợp cả ba súc sắc đều giống nhau, nhà cái sẽ chung gấp ba nhưng nếu không ai đặt cửa này thì nhà cái sẽ “thắng lớn” vì gom tiền hết sòng!

Có người giải thích trò “bầu cua cá cọp” là một biến thể của “roulette” ở Phương Tây hay “tài sửu” (đại & tiểu) của Tầu. Đây là một trò cờ bạc thuộc loại “bình dân” có sức hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ em. Đối với trẻ em, nhân ngày Tết nhận tiền “lì xì” thường ghé vào các đám bầu cua trong xóm hoặc vui chơi trong gia đình, anh chị em tổ chức đánh bầu cua “thử thời vận năm mới”. Có một câu hát dí dỏm trẻ con đặt ra thời xa xưa khi chuyện chưởng của Kim Dung thịnh hành:

“Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua,
Lắc ba cái ra ba con gà mái…”

Chỉ tiếc một điều, gà xuất hiện trong 6 “linh vật” nhưng trong cái tên của trò chơi này lại không có nó, người ta chỉ gọi là “bầu cua cá cọp” hay đơn giản hơn là “lắc bầu cua”. Hình như số phận loài gà chịu nhiều bất công, nhiều gian truân cũng như không ít chuyện ngang trái.

Nạn nhân vô tội có vẻ mặt buồn thiu vì thua hết tiền lì xì vào sòng “bầu cua” !

Hy vọng con gà năm nay vượt qua số phận hẩm hiu để bắt đầu một cuộc đời mới tươi đẹp và đáng sống hơn. Mong lắm thay.


***
--> Read more..

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Năn Dậu nói chuyện Gà

Năm 2017 là năm con gà. Nói chính xác và văn hoa hơn là năm Đinh Dậu. Một người không có cái hân hạnh được sống trong năm con gà là Bùi Bảo Trúc vì anh đã “ra đi” vào cuối năm con khỉ, trước khi con gà lên “nhậm chức”.

Bùi Bảo Trúc có một cuộc đời đầy biến động. 1954 anh theo gia đình di cư vào Nam học tại trường Chu Văn An, Sài Gòn, rồi đi du học Tân Tây Lan và trở về năm 1965 để dậy Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Anh còn đảm nhận chức vụ “Phát ngôn viên Chính phủ” năm 1973, dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu. Đến năm 1974 anh theo ngành ngoại giao và làm việc cho Tòa Đại sứ Việt Nam ở Anh quốc. Sau biến cố tháng 4/1975 anh định cư tại Canada. Năm 1977 anh làm việc tại đài VOA ở Washington cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu.

Bùi Bảo Trúc viết văn, viết báo và làm thơ với tên thật của mình và còn có những bút danh như Bảo Lâm và  “Ký Giả Hạng Bét”!  Thời gian hưu trí anh viết một loạt bài mang tên “Thư gửi bạn ta” cho rất nhiều báo và cũng cộng tác với đài Little Saigon, Hồn Việt TV qua chương trình “Ngày này năm xưa” và “Chào hoàng hôn”.

Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Ngay sau khi nhà văn-nhà báo Bùi Bảo Trúc qua đời ngày 16/12/2016 tại California, nhà xuất bản Vietstream phát hành một cuốn sách mang tựa đề “Thư gửi bạn ta - Chuyện thật mà như đùa” gồm những bài viết ngắn mang tính cách thời sự trong năm 2015-2016  bằng một giọng văn hài hước nhưng lại thâm thúy. Ngay đầu trang sách có bài “Huyền thoại – Gà trống nuôi con” với lối văn tự thuật của một chị gà mái dầu đã đẻ ít nhất 3 hay 4 lứa:

“Khi lũ con tôi vừa đủ lớn, là chúng bị mang ra chợ bán liền nên mẹ con chúng tôi không có gì nhiều để nói về nhau. Lũ con tôi, chúng nó về đâu, nhiều khi tôi cũng không muốn nghĩ tới nữa. Chúng nó đã vào những nồi phở nào, những nồi cháo nào, những đĩa gỏi nào, những lò quay nào… chỉ tưởng tượng ra mà cũng đủ thấy thương chúng đứt ruột”.

Bằng cách tự sự, chị gà mái kể lại số phận “đẻ thuê, ấp mướn” trong một trang trại nuôi gà. Dù đã đẻ và ấp nhiều lứa nhưng chị vẫn còn là “gà mái hoa mơ”, vóc dáng hãy còn “nhiễn” lắm. Nói theo ngôn ngữ loài người thì chị vẫn còn “điện nước đầy đủ”, “ngực vẫn còn tấn công, mông vẫn còn phòng thủ”. Chị tâm sự:

“Chẳng gì bộ “zú” (chúng tôi có “zú”, tiếng Mỹ gọi là “breast”, không như tiếng Việt gọi là “ức” vẫn là đồ “gin”, chưa có dao kéo, hay silicone đụng vào bao giờ, còn “mông phòng thủ” mà người ta gọi là “phao câu” thì vẫn còn tốt lắm, hai chữ “phao câu” đẹp và thanh tao hơn là hai chữ “đít gà” nhiều”.

“Thư gửi bạn ta - Chuyện thật mà như đùa”

Chị gà mái biết rõ điều đó vì mấy chàng gà trống lúc nào cũng lấm lét nhìn trộm rồi đòi nhảy lên lưng để… “đạp” một cái. Mà tài “đạp” của mấy chú thì chị rành quá. Chị diễn tả bằng ngôn ngữ con người:

“Chỉ được cái làm “phách chó”, “nhanh như… gà”, như người ta vẫn nói. Nhiều khi tôi chưa… xong, chưa tới đỉnh cao trí tuệ (?) thì chúng nó đã “tuột xích”, có khi còn “khóc ngoài biên ải”, mà vẫn nhảy xuống rồi gáy te te khoe rùm trời đất. Thêm vào đó, sao chữ nghĩa chúng nó lại dã man, tàn bạo như vậy, chúng nó dùng chữ “đạp” nghe không được chút nào…”

(Xin kể thêm một truyện thuộc loại “tiếu lâm” của con người chứ không phải con gà. Ông tài xế xe lam đang chạy ngon trớn bỗng xe trở chứng. Bác tài bèn yêu cầu hai bà hành khách ngồi hai bên trong cabin tài xế: “Hai bà cảm phiền xuống xe để tôi… đạp “má..y”. Khách là người Bắc di cư nên khi nghe bác tài người Nam nói “đạp máy” thành “đạp mái” mới lẩm bẩm: “Ông này dê đạo lộ… xe chết máy không lo sửa mà lại đòi “đạp mái”!)   

Theo chị gà mái, gà trống nào cũng chỉ có.. “một bài bản giống nhau”: xòe đôi cánh, rề rề kẹp sát rồi bất ngờ phóng lên lưng, lấy mỏ kẹp vào đầu rồi nhún nhẩy vài cái là… xong chuyện!. Rồi thì mỗi đứa một nơi, gà trống thật… vô tích sự. Xong việc chúng chỉ biết rề rề đi “thả dê” mấy em mái ngây thơ, dại dột khác!

Đạp mái!

Giai đoạn ấp trứng chị gà mái phải tự lo toàn bộ từ A đến Z vì gà trống còn bận đi “chinh phục” những em khác. Sau 21 ngày, lũ con nở ra thì chúng cũng phải tự lo lấy, lon ton chạy theo gà mẹ để kiếm ăn.

Chị mái dầu than thở: “Chúng tôi trở thành gà mái “mang con” là thế. Trong khi mấy thằng trống vẫn thừa cơ là đòi… đạp chúng tôi một vài cái… Chúng tôi nhảy ổ đẻ rồi cũng chính chúng tôi ấp cho trứng nở ra con”.

Bọn gà trống thì không một lần ngó lại mà chỉ lo lấy cái thân của chúng như làm sao giữ được bộ mã cho đẹp, lông đuôi, lông cánh không xác xơ sau những lần xáp trận. Chúng chỉ lo cặp cựa cho sắc, cho bén để chọi nhau, giành nhau mấy con mái dầu, mái tơ, mái ghẹ khác!

Gà mẹ & gà con

Bùi Bảo Trúc kết thúc bài “kê luận” bằng những lời của gà mái:

“Đó, như thế mà gọi chúng nó là “gà trống nuôi con sao?
Đả đảo bọn mạo danh “gà trống nuôi con”!
Gà mái đá gà cồ muôn năm!”

Đại gia đình gà


***
--> Read more..

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Chuyện tình

Ai cũng nghe đến tiểu thuyết lãng mạn mang tựa đề “Love Story” của nhà văn Mỹ, Erich Segal, viết năm 1970. Nhưng ít ai biết tiểu thuyết này gốc từ một kịch bản cũng do Segal viết trước đó. Sau khi sửa từ kịch bản, cuốn “Love Story” ra mắt người đọc vào đúng ngày Lễ Tình Nhân (Valentine), 14/02/1970.

Đó là chuyện tình yêu của một cặp tình nhân trẻ đã vượt qua mọi nghịch cảnh để được sống bên nhau. Chuyện có liên quan đến chính trị gia Al Gore, người đã từng là Phó Tổng thống Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Segal thừa nhận:

"Chỉ có hành trang là tình cảm gia đình của người anh hùng lãng mạn...được lấy cảm hứng từ một Al Gore thời trẻ. Nhưng thật sự thì chính là người bạn cùng phòng kí túc xá của Al là Tommy Lee Jones mới là nguồn cảm hứng cho một phần tính cách của nhân vật, đó là một con ngựa nhạy cảm, một vận động viên nam nhi có tâm hồn của một nhà thơ…”

Chuyện tình ngày nay không thi vị như “Love Story” hơn 40 năm về trước. Chẳng hạn như ở Việt Nam có “tỷ phú đô la” Hoàng Kiều, 72 tuổi, lấy “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh chỉ mới 27 tuổi. Số tuổi của tân lang và tân giai nhân rất dễ nhớ, chỉ cần đối số trước ra số sau.

Trong giới kinh doanh cũng như “showbiz” thì chuyện gì cũng có thể xảy ra và chúng ta chỉ biết chúc họ “những ngày hạnh phúc” chứ không dám nói đến “trăm năm hạnh phúc” vì thời gian còn lại của chú rể “Việt kiều” chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Lại nói sang chuyện thời sự về tình vợ chồng ở nước Pháp. Đâu cũng là chuyện tình thuộc loại “đôi đũa lệch” mà vợ lại cao tuổi hơn chồng. Khi “người chồng” ra chào đời thì bà vợ lúc đó đã 24 xuân xanh!

Cũng sẽ là chuyện thường tình nhưng khổ nỗi người chồng “trẻ” năm 2017 sẽ ra tranh cử chức Tổng thống ở Pháp. Dù có đắc cử hay không, ông vẫn là một học giả và cũng là chính khách thành công với chức vụ Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ Pháp từ năm 2014.

Bà vợ là giáo sư dậy môn Văn và ông chồng lại chính là học trò của bà, khi đó mới 16 tuổi! Hai người kết hôn năm 2007, khi đó ông chồng vừa tròn 30 xuân xanh còn bà vợ đã 54 tuổi. Có thể nói, đây là chuyện tình còn “siêu” hơn “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng ở Việt Nam ngày nào 

Điều quan trọng là cuộc sống vợ chồng của họ rất hạnh phúc trong suốt 10 năm qua. Biết đâu chừng nước Pháp sẽ có một vị Tổng thống đặc biệt với một câu chuyện tình đầy lãng mạn.

Bài viết dưới đây của Mộc Miên dựa theo AFP, Paris Match và L'express.

***

Chuyện tình của ứng viên Tổng thống Pháp và vợ hơn 24 tuổi.

Emmanuel Macron, sinh năm 1977, là một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp năm 2017. Macron từng là một chuyên gia ngân hàng nổi tiếng và là cố vấn của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Kinh tế năm 2014. Tháng 8 vừa qua, ông từ chức để tập trung cho kế hoạch tranh cử thời gian tới.


Không chỉ là một chính trị gia sáng giá, ông Macron còn được biết đến với chuyện tình lãng mạn với Brigitte Trogneux, người vợ hơn ông 24 tuổi. Họ quen nhau khi Macron mới chỉ là một chàng trai 16 tuổi, đang ngồi trên ghế trường trung học, còn Trogneux là cô giáo dạy Văn của ông. Khi đó, bà đã kết hôn và có 3 đứa con.


Tờ L'express cho biết, Trogneux là một trong những giáo viên được yêu quý nhất trường bởi vốn kiến thức về văn học sâu rộng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh, trong đó có Macron. Cô giáo Trogneux khi đó cũng rất quý cậu học trò thông minh, lanh lợi, có trí nhớ nổi trội, viết văn giỏi, chơi đàn hay và còn có tài làm thơ.


Cả hai kết hôn năm 2007 sau khi bà Trogneux chia tay với người chồng cũ khoảng một năm. Lúc đó, bà đã 54 tuổi, có 7 cháu ngoại, trong khi cựu Bộ trưởng Pháp mới 30 tuổi. "Dù em làm gì đi chăng nữa, anh cũng sẽ cưới em làm vợ", Macron từng nói với vợ mình những lời âu yếm như vậy, theo linternaute.

  
Đám cưới của cả hai được tổ chức bí mật, không có hình ảnh nào lọt ra ngoài. Trong suốt thời gian chồng làm Bộ trưởng, bà Trogneux ít khi xuất hiện trước truyền thông. Chỉ đến khi chồng chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống hồi tháng 8 vừa qua, bà mới đồng hành cùng chồng nhiều nơi.

  
Bà được đánh giá là cánh tay phải đắc lực cho người chồng trẻ bởi khả năng ăn nói, vốn hiểu biết sâu rộng của mình.

  
Trước đây, khi hai người mới kết hôn, nhiều người nghi ngại về mối quan hệ này vì khoảng cách tuổi tác của cả hai là quá lớn. Thế nhưng đã 10 năm trôi qua, ông Macron chứng minh cho tất cả thấy tình cảm mặn nồng của hai vợ chồng ông.

  
Emmanuel Macron được đánh giá là một nhà kinh tế xuất sắc theo trường phái tự do và tham vọng thực thi nhiều cải cách táo bạo.



***
--> Read more..

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Họa sĩ… vẽ ra tiền?

Câu hỏi khiến người thưởng ngoạn tranh đôi lúc phải thắc mắc: họa sĩ giàu hay nghèo? Câu trả lời có lẽ còn tùy theo hoàn cảnh của từng người, nhưng nói chung, đều phải dựa theo các yếu tố về không gian và thời gian!

Thuở thiếu thời, Pablo Picasso (1881-1973) bỏ học tại học viện mỹ thuật Academia de San Fernando ở Madrid, Tây Ban Nha, để qua Paris, nơi được mệnh danh là Trung tâm Nghệ thuật của châu Âu. Đó là vào năm 1900, Pablo chưa đầy 30 tuổi. Một giai đoạn khó khăn đối với họa sĩ trẻ trong hoàn cảnh nghèo túng, lạnh lẽo, và quan trọng hơn cả là sự tuyệt vọng.

Anh “thợ vẽ” có lúc đã phải đốt những tác phẩm của mình để sưởi ấm trong những đêm lạnh giá tại Montmartre và Montparnasse, Paris. Bù lại, anh có dịp làm quen và kết bạn với những nhân vật nổi tiếng của Paris như người sáng lập trường phái hội họa siêu thực André Breton, nhà văn Gertrude Stein và nhà thơ Guillaume Apollinaire … Dù tiếng Pháp của Picasso khi đó hãy còn bập bẹ.

Chuyện kể năm 1911 Picasso và Apollinaire bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi hai người tính “ăn trộm” bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci trưng bày trong viện bảo tàng Louvre. May mắn chỉ là “tình nghi” nên hai người được thả ngay chứ không ngồi tù ngày nào.

Thời trẻ của Picasso cơ cực, bần hàn là thế nhưng rồi ngày nay những tác phẩm của “ông vua tranh lập thể” đã chiếm 3 vị trí trong danh sách “20 tác phẩm hội họa đắt giá nhất thế giới”. Đó là những vị trí thứ 7 (179,4 triệu đô la), thứ 9 (155 triệu) và thứ 18 (106,5).
       
  

“Les Femmes d'Alger”, xếp hạng thứ 7 trong “Top 20” với giá 179,4 triệu đô la


“Le Rêve”, xếp hạng thứ 9 trong “Top 20” với giá 155 triệu đô la


“Nude, Green Leaves and Bust”, xếp hạng thứ 18 trong “Top 20” với giá 106,5 triệu đô la

Khác với Pablo Picasso của châu Âu, Willem de Kooning (1904- 1997) là một họa sĩ thuộc trường phái trừu tượng người Mỹ gốc Hòa Lan, sinh ra ở Rotterdam. Kooning vẽ theo phong cách được gọi là “biểu hiện trừu tượng” (abstract expressionism) trong nhóm họa sĩ được biết đến như “Trường phái New York”.

Giống với Picasso, Kooning bỏ học văn hóa năm 1916 để làm thợ học việc trong một cơ sở thiết kế. Năm 1924, ông tham dự lớp đêm tại “Học viện Nghệ thuật Rotterdam” mà ngày nay đã đổi tên thành “Học viện Willem de Kooning”.

Chỉ hai năm sau, Kooning đến Hoa Kỳ như một “vị khách không mời” bằng cách “đi chui” trên tàu Shelley của Anh. Ngày 15/8/1926  tàu cập bến Newport News, Virginia, và tại đây, ông “khởi nghiệp” bằng nghề thợ sơn. Một năm sau ông đến Manhattan, sinh sống bằng đủ nghề, từ thợ mộc đến thợ sơn.     

Bắt đầu sự khởi nghiệp trên đất Mỹ của Kooning tồi tệ đến như vậy nhưng hậu vận của ông lại khiến nhiều người phải mơ ước: tác phẩm “Interchange” của ông đứng hàng đầu trong 20 tác phẩm hội họa “đắt nhất thế giới”, được bán trong một cuộc đấu giá tại Christie’s, New York, lên tới 300 triệu đô la.

Lịch sử cuộc bán đấu giá bức tranh đắt nhất thế giới “Interchange” (Giao thoa) được ghi lại với tên người bán là David Geffen, nhà tài phiệt hoạt động trong lĩnh vực giải trí và đồng thời là nhà hoạt động từ thiện. Tháng 9/2015 Geffen đã cho đấu giá bức tranh sơn dầu của Kooning và nhà đầu tư mạo hiểm, tỷ phú Ken Griffin, đã mua lại với giá 300 triệu đô la.


Bức “Interchange” của Kooning trị giá 300 triệu đô la, chiếm ngôi hạng nhất trong “Top 20”

Nói chung, những cuộc bán đấu giá tranh của Kooning đều là những kỷ lục đặc biệt. Trong một loạt 5 bức tranh mang chủ đề “Phụ nữ” của ông có một bức mang tên “Woman III” cũng đã lọt vào danh sách “Top 20”.

Tháng 11/2006, cũng David Geffen đã bán bức “Woman III” với giá 137,5 triệu đô la cho Steven Cohen, cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm và nhà sưu tập tranh. Với giá này, “Woman III” chiếm vị trí thứ 12 trong “Top 20” những họa phẩm đắt giá nhất thế giới.


Bức “Woman III” của Willem de Kooning trị giá 137,5 triệu đô la, hạng 12 trong “Top 20”

Hội họa thế giới có trường phái “hậu ấn tượng” (post-impressionist), trong nhóm này, mổi tiếng nhất là “bộ ba” Paul Cézanne (1839 -1906), Vincent van Gogh (1853 -1890) và Paul Gauguin (1848-1903). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nói đến Gauguin trước vì một trong những tác phẩm của ông đã lọt vào hàng đầu cùng với Kooning trong danh sách “Top 20”.

Cũng như Cézanne, Gauguin là người Pháp, ra đời tại Paris, nhưng mẹ ông lại là người Peru, gốc Tây Ban Nha. Thế cho nên cuộc đời sáng tác của Gauguin cũng gắn bó với vùng Thái Bình Dương và những người có nước da ngăm ngăm như ở Tahiti.  

Gauguin đã từng là bạn thân với Van Gogh, có một thời gian 9 tuần hai người cùng sáng tác bên nhau cũng như đồng tổ chức những cuộc triển lãm tranh. Ngày 23/12/1888 Gauguin gặp Van Gogh, trên tay có một lưỡi dao cạo, và tối hôm đó Van Gogh cắt tai trái của mình. Tình bạn của hai người chấm dứt trong bí ẩn từ đó, họ không gặp lại nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn thư từ qua lại.   

Có một thực tế rất phũ phàng trong cuộc đời sáng tác của Gauguin. Khi còn sinh thời, tác phẩm của ông không được đánh giá cao, phải đợi đến khi ông qua đời giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tầm tranh mới để mắt đến và kết quả như đã nói ở trên. Bức tranh “Nafea Faa Ipoipo” của ông hiện giữ kỷ lục với giá 300 triệu đô la, đồng hạng nhất với bức “Interchange” của Kooning trong “Top 20”.

"Nafea faa ipoipo" là tiếng Tahiti, hàm ý “Khi nào em sẽ kết hôn với anh?”. Gauguin vẽ bức tranh này năm 1892 nhân chuyến đến thăm Tahiti lần đầu tiên vào năm 1891. Trước khi đến đó, ông đã hy vọng tìm thấy một một thiên đường nơi ông có thể tạo ra thứ nghệ thuật tinh khiết và nguyên thủy.

Tuy nhiên, khi đến nơi, ông đã nhận thấy rằng Tahiti bị chiếm làm thuộc địa từ thế kỷ 18, và ít nhất hai phần ba cư dân bản địa trên hòn đảo đã bị chết do các bệnh tật từ châu Âu mang lại. Văn hóa "nguyên thủy" đã bị xóa sổ. Gauguin đã vẽ rất nhiều hình ảnh phụ nữ bản xứ trong các tư thế khỏa thân, mặc quần áo Tahiti truyền thống, và mặc trang phục truyền giáo kiểu phương Tây.


Bức “Nafea Faa Ipoipo”, trị giá 300 triệu đô la, đồng hạng nhất với “Interchange” của Kooning trong “Top 20”

Họa sĩ cuối cùng chúng tôi muốn nói đến là Paul Cézanne. Các tác phẩm của Cézanne thể hiện sự sắc sảo trong bố cục, tinh tế qua màu sắc với những nét vẽ sống động mang tính đặc trưng. Ông còn được coi là “cây cầu nối” giữa “trường phái ấn tượng” (impressionism) của thế kỷ 19 với “trường phái lập thể” (cubism) vào đầu thế kỷ 20.

Thường thì các họa sĩ trong giai đoạn khởi đầu đều là những người kém may mắn trong cuộc sống vì xuất thân từ những gia đình nghèo khó. Ngược lại với họ, Cézanne sinh trưởng trong một gia đình có người cha làm chủ một ngân hàng. Tuy nhiên, ông sớm “thoát ly” gia đình giàu có để theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình.

Dưới sự hướng dẫn của Camille Pissarro, một họa sĩ sống tại vùng quê gần gũi với thiên nhiên. Sáng tác của Cézanne chuyển từ những gam mầu tối sang những sắc mầu sinh động của những cánh đồng và trang trại ngoài trời (en plein air).

Vào thập niên 1980, nhóm họa sĩ theo trường phái ấn tượng không mấy thành công về tiền bạc qua việc bán tranh. Thêm vào đó, những phê bình khá gay gắt về những tác phẩm của Cézanne khiến ông rời thủ đô Paris để sống tại vùng quê.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời nghệ thuật, chưa khi nào Cézanne hài lòng với những kỳ vọng của mình. Nhiều sáng tác đã bị bỏ giở nửa chừng và cũng không ít tác phẩm hoàn chỉnh đã bị chính tay ông thiêu hủy. Thế nhưng, hậu thế lại trân trọng những tác phẩm của ông đến độ bức “The Card Players” được xếp hạng thứ 3 trong “Top 20”.

Cézanne vẽ tổng cộng 5 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Những Người Chơi Bài”, số người chơi khác nhau, từ 2 đến 3 (không kể người chầu rìa!) và hầu như ai cũng ngậm ống vố trên môi. Họ là những người ở vùng quê Provençal được họa sĩ vẽ vào năm 1892–93 trong thời kỳ cuối đời.

Một trong những bức “Những Người Chơi Bài” của Cézanne được đấu giá và kết quả dừng lại tại giá 259 triệu đô la, giữ vị trí thứ 3 trong “Top 20”. Những phiên bản khác của “The Card Players” hiện được trưng bày tại các Viện bảo tàng nghệ thuật ở Massachusetts, Pennsylvania, New York và Luân Đôn.

“The Card Players” của Paul Cézanne được xếp hạng 3 trong “Top 20” với giá 259 triệu đô la

Qua câu chuyện “Họa sĩ… vẽ ra tiền?” người đọc có thể tự trả lời thắc mắc của mình.

Với chúng tôi, câu trả lời là “Đúng vậy” mà cũng là “Không phải vậy”. 

“Đúng” thì thực tế đã chứng minh còn “Không đúng” vì những tranh họ “vẽ ra tiền” nhưng bản thân các họa sĩ không hề hưởng một xu nào.

Các nhà đấu giá, các nhà sưu tập hội họa đã hưởng trọn số tiền mà các họa sĩ trước đó đã sáng tác trong nghèo khó!


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Từ “Ly rượu mừng” đến “Nửa hồn thương đau”

Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương - và cũng là ca sĩ Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long - có thể được tóm gọn trong hai ca khúc để đời: “Ly rượu mừng”“Nửa hồn thương đau”. Trong số hơn 50 bài hát ông sáng tác, chúng tôi chọn hai bài điển hình này vì nhiều lý do.

Phạm Đình Chương viết nhạc cho đời theo hai tâm trạng của mình: từ hoan lạc đến buồn tủi, hay nói rộng ra là từ lạc quan đến bi quan.  Trong suốt cuộc đời “chìm nổi” của mình, người nhạc sĩ luôn sống trong 2 thái cực và đó cũng là lý do người hát cũng như người nghe nhận ra ngay cuộc đời của ông: vui ít, buồn nhiều. Thế cho nên, “Ly rượu mừng”  và “Nửa hồn thương đau” được chọn cho hai tâm trạng đó.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991)

Phạm Đình Chương xuất thân từ một gia đình văn nghệ nổi tiếng tại Hà Nội. Cha ông, Phạm Đình Phụng, lấy người vợ đầu và có hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Ba anh em: Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh) và Phạm Đình Viêm (Hoài Trung)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Sơn Tây, trong một gia đình mang huyết thống nghệ sĩ và có cuộc đời gắn bó cùng âm nhạc. Phạm Đình Chương đã đến với âm nhạc từ những nỗ lực tự học hỏi tìm hiểu bằng chính tâm hồn nhạy cảm của mình.

Hầu như những sáng tác của ông trong giai đoạn đầu đều chất chứa những đặc tính: phiêu lãng nhưng chân thật, lãng mạn nhưng hiện thực và nhất là nét đằm thắm, trữ tình đầy tình yêu quê hương, con người và đất nước. Ông đã từng tham gia ban văn nghệ quân đội Liên Khu 4 trong những ngày đầu tiên kháng chiến chống Pháp theo tiếng gọi của non sông.

Sau một thời gian, gia đình Phạm Đình Chương quay trở về Hà Nội. Tại đây, năm 1949, gia đình họ Phạm thành lập Ban hợp ca Thăng Long với ba giọng ca chính là Hoài Bắc, Hoài Trung và Thái Thanh.

Khi di cư vào Nam, ban Thăng Long được tăng cường thêm các anh em, dâu rể một nhà và được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn, gắn liền với phòng trà “Đêm Màu Hồng”, trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy.

Ban hợp ca Thăng Long (Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Khánh Ngọc, Thái Hằng)

Một trong những sáng tác của Phạm Đình Chương đã đi sâu vào lòng người miền Nam mỗi độ xuân về là ca khúc “Ly rượu mừng”. Tuy nhiên, kể từ 1975 bài hát này không nằm trong danh mục các nhạc phẩm cũ được trình diễn trước công chúng. Hình như, theo quan điểm chính trị của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, lời của bản nhạc có câu “chúc người binh sĩ lên đàng” rồi lại vinh danh họ là “người vì nước quên thân mình”… được hiểu là quân nhân VNCH.

Phải chờ sau 41 năm sau bản nhạc tưởng chừng như “vô tội vạ” mới được “cởi trói”.   Báo Thanh Niên giải thích lý do: mãi đến năm 2016 “Ly rượu mừng” mới được cởi trói là vì người lính được ca tụng trong đó là “người lính chống Pháp” trong cuộc kháng chiến. Thế cho nên, đêm 31/12/2016 bài hát được chính thức xuất hiện trước công chúng trong Chương trình “Giai điệu Tự hào” trên Truyền hình Quốc gia.

Bản nhạc được sáng tác với âm điệu tươi vui như một lời chúc Tết tốt đẹp theo truyền thống dân tộc. Lời chúc đó gửi tới mọi thành phần xã hội: từ “anh nông phu”, “người công nhân”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ” cho đến các thương gia và binh sĩ. Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã được lòng khán thính giả và là tác phẩm được nghe và hát nhiều nhất trong mỗi dịp xuân về tại Miền Nam.

Theo Wikipedia, bản cập nhật tháng 9/2016, “Ly Rượu Mừng” được Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1952 cùng với hai bản “Đợi chờ” và “Hò leo núi”. Cũng theo nguồn này, nhạc sĩ “dinh tê” về Hà Nội năm 1951 và thành lập ban hợp ca Thăng Long trong đó có ca sĩ Hoài Bắc. Người ta không khỏi thắc mắc tại sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương tại sao lại lấy tên Hoài Bắc trong khi vẫn ở miền Bắc?

Tại miền Nam, tờ nhạc "Ly Rượu Mừng" được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành lần thứ nhất năm 1956 và ghi rõ “Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa”. Có lẽ đây là bằng chứng chính xác nhất vì nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã từ trần ngày 22/8/1991 tại California nhưng lại có nguồn ghi vào năm 1993. Quả là “Ly rượu mừng” và người nhạc sĩ sáng tác ra nó vẫn còn nhiều bí ẩn.

Bìa nhạc “Ly rượu mừng” với “Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa” và “Ấn hành lần thứ nhất”

Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đượm nhiều uẩn khúc và nhiều bi kịch. Năm 1953 ông lập gia đình với ca sĩ và sau này là diễn viên nổi tiếng, Khánh Ngọc. Những người thuộc lứa đầu bạc chắc không thể nào quên ca sĩ Khánh Ngọc của thập niên 50 trong bản nhạc Pháp “Cerisier Roses et Pommiers Blances” với lời Việt “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…” .

Vào năm 1955, một đoàn làm phim Mỹ-Phi đến Sài Gòn để tìm diễn viên cho bộ phim “Ánh sáng miền Nam” và Khánh Ngọc đã được chọn đóng vai chính. Cuộc đời tình ái của đôi trai tài-gái sắc Phạm Đình Chương-Khánh Ngọc tràn trề hạnh phúc… cho đến khi xảy ra chuyện “loạn luân” trong đại gia đình nhạc sĩ.

Bi kịch có liên quan đến nhiều thành viên: Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của Thái Hằng, Thái Hằng là chị của Phạm đình Chương và cũng là chị của Thái Thanh. Khánh Ngọc là vợ của Phạm đình Chương, Phạm Duy trong vai trò anh rể lại “tằng tịu” với Khánh Ngọc, em dâu của mình.

Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu, ông không thể nào tin vào sự ngoại tình đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương, tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn.

Cho đến một buổi tối “định mệnh”, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định. Sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng được tung ra trên tờ nhật báo “Sài Gòn Mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" khiến cả Sài Gòn đều biết.

Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra, phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí", trong cuộc đời này, cái gì càng dấu diếm bao nhiêu, càng được "bùng nổ" và thêu dệt bấy nhiêu. Suy cho cùng, các cụ ta thường nói, và nói rất đúng: “Xướng ca vô loại”!

Nỗi đau dày xe tâm can và sự tan nát của một đại gia đình nghệ sĩ đã "đánh gục' nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ông phát hiện chuyện vượt ra ngoài luân lý. Đã có lúc Phạm Đình Chương nghĩ đến chuyện tự tử nhưng tiếng khóc của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Ông gạt nước mắt đau thương, nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 5 tuổi.
  
Ca sĩ Khánh Ngọc

Biến cố đó là một động lực cho sáng tác “Nửa hồn thương đau” với những ca từ như nức nở:

“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…”

“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu ?
Em ở đâu ?”

“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.

Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người, ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình...”

“Nửa hồn thương đau” chính thức ra đời năm 1970 để chấm dứt một thời kỳ sáng tác u uẩn và quạnh quẽ của một người chồng vẫn một lòng thương yêu người vợ đã phản bội mình. Bản nhạc như rút ruột lòng người và bản nhạc cũng đánh dấu một giai đoạn sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc phận.

Khi ra nước ngoài, Phạm Đình Chương vẫn sáng tác một số ca khúc mang tính cách hoài niệm: “Bên trời phiêu lãng”, “Cho một thành phố mất tên”, “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”… Và trong khi “Ta ở trời tây” Phạm Đình Chương có lời nhắn nhủ:  “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.

“Nửa hồn thương đau”

***

* Xem video clip “Ly rượu mừng”:

* Nghe “Nửa hồn thương đau”:


***
--> Read more..

Popular posts