Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Bảo Đại: Vị vua cuối cùng triều Nguyễn

Tôi không phải là nhà viết sử mà chỉ là người sưu tầm các tài liệu về những nhân vật lịch sử từ những nguồn khác nhau. Bài viết này mang hình thức của một bài “điểm sách” hơn là một bài “chính sử” nên những ý kiến mang tính cách cá nhân của từng tác giả.

Theo tôi, nhân vật nổi bật trong lịch sử cận đại của Việt Nam chính là Bảo Đại. Ông là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là người “bàn giao” chế độ quân chủ phong kiến sang một trào lưu mới của thế giới dân chủ.   

Nhìn chung, hình như các sử gia khi viết về Bảo Đại thường tỏ ra lúng túng dù họ thuộc về phe phái nào đi nữa. Lúng túng vì không muốn bỡn cợt với thái độ thiếu tôn kính về một ông vua. Tuy nhiên, các nhà viết sử cũng lúng túng khi xác định Bảo Đại là người đại diện cho khuynh hướng nào và nhất là khi phải đánh giá vai trò thực sự của ông trong lịch sử cận đại.

Để giải đáp những thắc mắc đó, tôi nghĩ, Bảo Đại chỉ đại diện cho chính mình, cho chính những cá tính của mình cũng như những thành quả (cả tốt lẫn xấu) của một ông vua đang trong giai đoạn thoái trào của chế độ quân chủ. Nhận xét này thoạt nghe có vẻ phiến diện nhưng ta cũng có những bằng chứng lịch sử để đi đến một kết luận như vậy.

Bảo Đại trong lễ tấn phong Đông cung Thái tử, ngày 28/3/1922

Triều Nguyễn có tất cả là 13 vị vua và Bảo Đại là ông vua cuối cùng. Theo người Phương Tây, con số 13 vốn là một số không hứa hẹn nhiều may mắn nhưng hình như con số này đã theo ông trong suốt cuộc đời, kể từ năm 1913 ông sinh ra đời!

Bảo Đại lên ngôi vua khi mới 13 tuổi. Nếu tính từ khi lên ngôi năm 1926 đến khi thoái vị năm 1945 là 19 năm nhưng thật ra trong 19 năm đó có một thời gian dài du học tại Pháp và chỉ đến ngày 8/9/1932 ông mới chính thức trị vì đất nước. Đến 30/8/1945 vua Bảo Đại thoái vị, như vậy ông chỉ thực sự trị vì có 13 năm.

Lúc sinh thời, vua Bảo Đại có với Hoàng hậu Nam Phương 5 người con, với bà Thứ phi Mộng Điệp 3 người, với bà Thứ Phi Ánh 2 người, với bà Vicky 1 người. Theo tiết lộ của Nguyễn Đắc Xuân (người đã có nhiều công trình biên khảo về Bảo Đại), bà Thứ Phi Mộng Điệp cho biết trong sổ gia đình của Bảo Đại còn hai người con nữa nhưng không ghi tên mẹ là ai. Như vậy, Bảo Đại có 13 người con chính thức được ghi nhận!

Cũng theo tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân,  ngày 1/8/1997, Bảo Đại qua đời tại trung tâm y tế Van-de-grace, đến ngày 6/8/1997 ông mới được đem chôn cất tại nghĩa trang Thiên Chúa giáo Passy (Paris). Tháng 8, trời thu Paris trong xanh rất đẹp, nhưng khi thi hài ông sắp được hạ huyệt (giờ tốt đã được chọn trước) thì trời đột ngột đổ mưa làm tất cả những người dự đám tang đều ướt đẫm. Trời mưa làm huyệt mộ ngập nước nên không thể nào tiến hành nghi lễ hạ huyệt, nhưng giờ lành lại không đợi ai bao giờ nên mọi người ra sức tát cạn nước vì e giờ tốt qua đi, khi nước được tát cạn, trời đã bớt mưa thì đồng hồ điểm đúng 13 giờ… Như vậy ông vua này được hạ huyệt lúc 13 giờ! (http://gactholoc.net/c29/t29-357/2013-nho-ong-vua-nguyen-voi-6-con-so-13.html).

Phả hệ triều Nguyễn với 13 đời vua

Có thể nói, một trong những tài liệu đầy đủ nhất về cuộc đời Bảo Đại là cuốn “Bao Daï ou les Derniers Jours de l'Empire d'Annam” của tác giả người Pháp Daniel Grandclément, nhà xuất bản JC Lattès (1997). Cuốn sách gồm 34 Chương, được Nguyễn Văn Sự dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam”, Nhà xuất bản Phụ Nữ (2006). 

Chân dung Bảo Đại hiện lên dưới ngòi bút của sử gia Daniel Grandclément như những gì mọi người Việt đã biết về ông: hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi cũng như máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi. Chỉ có một điều ông không rành cho lắm: Làm Vua một nước. 

Nhận xét cay nghiệt của Grandclément được giải thích qua lời thú nhận của Bảo Đại: “Người Pháp lúc nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho thân mật với dân nên trong hai mươi năm trời làm vua tôi ra Bắc một lần, vào Nam kỳ một lần, cũng là đi lướt qua, không thấy rõ ràng một điều gì. Xung quanh tôi họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn biết mình không thể làm chi có ích cho đất nước .”.

Theo Grandclément, hành động lớn nhất trong đời làm vua của Bảo Đại là lúc ông thoái vị vào năm 1945, ông đi vào lịch sử chỉ bằng một câu nói: “Tôi muốn làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”.

Grandclément mô tả ngày ông về nước: “Ông bận chiếc hoàng bào thêu kim tuyến, khoác chéo vai dải Bắc đẩu Bội tinh. Một trăm phát đại bác mặt đất nổ ran chào mừng. Hai bên bờ dân chúng tụ tập đông nghịt chào đón. Họ quì xuống sụp lạy khi vị vua trẻ đi qua, giống như những ngọn cỏ bị gió thổi rạt trên cánh đồng”. 

Thế nhưng, Bảo Đại lại viết trong hồi ký của mình: "Sau nhiều năm sống tự do tôi có cảm tưởng từ nay bước vào nơi giam cầm..."

Vị vua hai mươi tuổi chủ toạ buổi chầu truyền thống trong đó các vị quan lại đầu ngành trong bộ máy hành chính nhà nước đến chúc mừng Nhà vua mới trở về sau một thời gian dài vắng mặt. Trước hết, Nhà vua phát biểu bằng tiếng Pháp. Điều này đã xúc phạm các vị quan trẻ có tinh thần dân tộc lẫn các vị quan già được nhào nặn trong nền văn hoá Trung Hoa.

Trong ngôn ngữ của Voltaire, chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ, Nhà vua giải thích cho đám cận thần đầu bạc cũng như đầu xanh có nhiều tham vọng rằng không muốn có những hình thức chào hỏi quá cung kính. 

Từ nay các quan vào chầu sẽ không phải lạy, nghĩa là không phải quỳ gối cúi rạp mình trán chạm đất khấu đầu ba lần liên tiếp trước sân rồng mà không một ai dám ngẩng đầu nhìn vua. Từ bây giờ sau tiếng xướng chói tai của quan tuyên cáo, các quan bước thong thả đến xếp hàng ngang trước mặt vua.

Chưa hết lúng túng ngạc nhiên, đôi chút lộn xộn vì sáng kiến cải tiến này, các quan chắp tay, khuỷu ép sát vào người, nghiêng mình vái ba lần. Việc bỏ lạy được thi hành đồng thời ở kinh đô và các tỉnh, là một sự việc quan trọng về mặt lịch sử đối với một nước có nhiều biểu tượng. 

Báo chí đồng loạt reo lên: "Nước An Nam trẻ vừa tuyên bố đã đến lúc giảm nhẹ sự giám hộ hơi nặng nề của quá khứ".

“Bao Daï ou les Derniers Jours de l'Empire d'Annam”
của tác giả người Pháp Daniel Grandclément

Quyển sách thứ hai là cuốn “Bảo Đại (1913-1997)” của tác giả Trần Gia Phụng, nhà xuất bản Non Nước Toronto phát hành năm 2014 tại Canada. Đây là tác phẩm dày khoảng 400 trang, gồm 22 Chương với các tiểu đề rất “đời thường” như “Năm cụ khi không rớt cái ình”, “Trai năm thê bảy thiếp”, "Mắc lừa bọn du côn”, “Họa phúc vô thường” hay “Cựu hoàng thành quốc trưởng”.

Theo “Lời nói đầu” của tác giả, “Bảo Đại (1913-1997)” không phải là một quyển thông sử, cũng không phải là quyển dã sử hay tiểu thuyết lịch sử. Sách kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bảo Đại, có thể xem như quyển tiểu sử hay một một thứ truyện đời của Bảo Đại theo ngôn ngữ bình dân.

Bảo Đại là ông vua “tân học” đầu tiên và lại là ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Ông lên cao rồi xuống thấp, mà nói nôm na theo kiểu bình dân là ông “lên voi xuống chó” hai lần. Lại còn có nhiều chi tiết đáng tranh cãi bao quanh đời ông cho nên  có nhiều chuyện thú vị để kể lại.

Cuộc sống tình cảm của Bảo Đại cũng thú vị, vì có điều lạ là khi ở ngôi vua, Bảo Đại không có cung phi mỹ nữ như các vua trước đó của nhà Nguyễn, nhưng khi thoái vị ông lại lăng nhăng nhiều vợ giống như một số người đàn ông bình thường khác của thời kỳ mà xã hội Việt Nam còn cho phép đa thê.

Có nhiều chương sách đọc qua nghe hơi lạ tai, chẳng hạn như “Năm cụ khi không rớt cái ình”, kể chuyện triều đình Huế cải tổ năm 1933, hoặc “Mắc lừa bọn du côn” là câu chuyện vua Bảo Đại thoái vị vì Bảo Đại vì nghe lời tuyên truyền của Việt Minh. Sau đó, biết mình bị Việt Minh lừa phỉnh, Bảo Đại đã thốt ra với Trần Trọng Kim khi hai người gặp lại nhau ở Hồng Kông là: “Chúng mình một già một trẻ mắc lừa bọn du côn”.

Bên cạnh những câu chuyện “đời thường”, tác giả còn trích dẫn nhiều câu thơ hay câu ca dao rất có ý nghĩa. Chẳng hạn như hai câu Kiều: 

“Khi sao phong gấm rủ là 
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” 

Tác giả dùng hai câu này để so sánh những ngày vua Bảo Đại còn ngự trị trên ngai vàng với hình ảnh của Quốc trưởng Bảo Đại bị quẳng xuống đất ngay trước Tòa Đô Chánh sau cuộc trưng cầu dân ý của Thủ tướng Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn.

Chúng ta thường nghĩ rằng khi lưu vong đến Hồng Kông, Bảo Đại nhận tiền của Pháp để tiêu xài, nhưng theo tác giả, những lá thư mới phát hiện của bà Agnès (chị của hoàng hậu Nam Phương) thì mới vỡ lẽ ra là khi Bảo Đại đến Hồng Kông, ông liền liên lạc với bà Charles, mẹ đỡ đầu của Bảo Đại ở Pháp. Bà Charles nói chuyện ngay với ngân hàng Đông Dương, trụ sở chính ở Pháp, để ngân hàng Đông Dương ở Hồng Kông giao dịch và chu cấp cho Bảo Đại.

Bảo Đại cũng là vị vua đã sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên, Huế, văn bản này đã được đăng trên “Nam Triều Quốc Ngữ Công Báo” ngày 30/3/1938. Thêm vào đó, cũng có những bích chương về sự thống nhất đất nước của “Đế quốc Việt Nam”, tên gọi của nước Việt Nam thời đó.

Theo các sách trước đây, Bảo Đại là một nhân vật lịch sử bị nhiều gièm pha và bị nhiều tai tiếng. Theo tác giả Trần Gia Phụng, những việc nầy đến từ nhiều phía.

Từ triều đình Huế vì những tin tức giật gân về xuất xứ của Bảo Đại, nào là Bảo Đại con ông quan nầy, hoặc con ông hoàng kia bắt nguồn từ sự tranh chấp ngôi báu hoặc ngôi hoàng thái hậu của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, từ trong triều đình mà ra…

Từ thực dân Pháp vì Bảo Đại không chịu nghe lời quan chức bảo hộ Pháp mà luôn luôn đòi hỏi nới rộng chủ quyền của Việt Nam, rồi đòi độc lập, thống nhất đất nước, lại tuyên bố độc lập năm 1945.

Từ Việt Minh vì lúc đầu Bảo Đại nhận làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, nhưng rồi ông lại tự tách ra, thương thuyết với Pháp, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam chống cộng sản nên cộng sản rất ghét Bảo Đại.

Từ phía chính phủ Ngô Đình Diệm vì chính phủ Diệm tổ chức Trưng cầu dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại nên tung ra những khẩu hiệu tuyên truyền nhằm chống lại Bảo Đại.

Trong phần kết luận của tập sách, Trần Gia Phụng cho rằng Bảo Đại có những đam mê như cờ bạc, phụ nữ, nhất là săn bắn, nhưng ông chỉ ăn chơi trong những lúc nhàn vi hoặc thất sủng, lao vào những thú vui trên đây để quên thời sự, chẳng có hại gì đến quốc sự và chẳng thâm lạm công quỹ.

Tác giả cũng xác nhận rằng Bảo Đại không có những hành động cách mạng, anh hùng mạnh, nhưng theo tác giả, trong lúc cầm quyền, Bảo Đại là một người hoạt động ôn hòa, vận động cho quyền lợi đất nước một cách thầm lặng.


“Bảo Đại (1913-1997)” của Trần Gia Phụng

Phần tham khảo cuối cùng tôi dành cho Nguyễn Đắc Xuân, người đã tham gia phong trào tranh đấu chống Mỹ và thoát ly ra vùng chiến khu Huế cùng anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan. Sau 1975, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ thành phố Huế. Nguyễn Đắc xuân có đoạn viết về “công dân Vĩnh Thụy”:

“Hồi đó, Hội đồng lập hiến được thành lập để làm dự thảo Hiến pháp. Ông cố vấn Vĩnh Thụy là thành viên của Hội đồng, thành phần rộng rãi, trong Việt Minh, ngoài Việt Minh, nhân sĩ, trí thức có tiếng tăm…  Ông Vĩnh Thụy tưởng là người ăn chơi nhưng không ngờ lại có những hiểu biết khá rộng về pháp lý và có nhiều ý kiến hay”.


“Cố vấn Vĩnh Thụy ra nước ngoài vào ngày 16/3/1946. Mấy tháng sau, Bác Hồ đã gởi một lá thư trao đổi công việc với ông. Trong lá thư ấy Bác đã nhắc nhở ông phải luôn luôn nhớ đến vai trò quan trọng mà đất nước đang giao phó cho ông. Ông phải sống xứng đáng với vai trò đó. Nhà sử học Pháp Jean Lacouture đã được đọc lá thư ấy và đã trích dẫn vào sách HO CHI MINH, (Le Seuil, 1967), một đoạn sau:

“Ngài chớ quên rằng Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống của Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chung, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được” (tr.114).

(Hết trích)

Trước khi vĩnh biệt cõi đời ngày 31/7/1997, Bảo Đại đã nhờ người viết hồi ký “Con rồng An Nam” (Le Dragon d’Annam), trả lời phỏng vấn trên đài Phát thanh Pháp, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp về sự kiện ông thoái vị. 

Nguyễn Đắc Xuân trích một số câu hỏi của nhà báo sử gia Fédéric Mittérand và câu trả lời của Bảo Đại (do kỹ sư Bùi Hữu Lân dịch qua Việt ngữ):

– Lúc ấy Ngài đã biết gì về chủ nghĩa Cộng sản? Ngài đã nắm hết chủ nghĩa Cộng sản?

– Không, tôi biết rất ít.

– Trong khoảng thời gian hai năm ấy (1945-1946), Ngài đã ở bên cạnh ông Hồ, và Ngài đã giúp cho ông ta nhiều việc quan trọng. Nếu phải lập lại việc này hôm nay, Ngài cũng sẽ lập lại chăng? Ngày nay Ngài đánh giá việc này thế nào?

– Còn tùy. Nếu là vì hạnh phúc của nhân dân tôi, tôi cũng sẽ làm vậy (Cà dépend. Si c’est pour le bien de mon peuple, je le ferais).

Ảnh chụp vua Bảo Đại ở Hồng Kông năm 1948 sau khi chấp nhận sống lưu vong

***

Rất mong những tài liệu từ nhiều nguồn về Bảo Đại sẽ giúp người đọc có một cái nhìn rộng rãi và đa dạng hơn về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts