Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Đồng ngũ, Đồng nghiệp, Đồng tuế…

Chắc các bạn còn nhớ, trong một bài viết gần đây với nhan đề “Con người có thể là… “Di sản Sài Gòn” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/10/con-nguoi-co-la-di-san-sai-gon.html) tôi có nhắc đến một entry trên Facebook của Candy Nguyen qua “Đài Quan sát Di sản Sài Gòn - Saigon Heritage Observatory”. Đó là bài về nhân vật Michael Burr với tựa đề “Michael Burr - American Veteran in Saigon”.

Michael Burr tại Sài Gòn, 2017

Tôi chú ý đến Michael Burr vì anh đã từng phục vụ tại Sài Gòn (thời gian 1969-1970) với chức vụ Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội, dạy Anh văn cho khóa sinh Không quân VNCH. Dù chưa bao giờ gặp nhau, tôi thấy giữa tôi và Michael có những điểm tương đồng về nhiều mặt.

Thứ nhất, dù có quốc tịch khác nhau, cả hai chúng tôi đều phục vụ dưới hai màu cờ nhưng đều là chứng nhân của cuộc chiến tại Việt Nam. Thế cho nên có thể nói rộng ra: chúng tôi là “Đồng Ngũ”, tham chiến trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam.

Thứ nhì, hai chúng tôi đều phục vụ tại trường Sinh ngữ Quân đội (Sài Gòn) vào cùng thời kỳ nhưng lại chưa từng gặp nhau vì khi đó Trường Sinh ngữ có rất nhiều chi nhánh dạy tiếng Anh cho quân nhân thuộc Hải – Lục – Không quân. Như vậy, cũng vẫn là “Đồng Nghiệp” dưới một mái trường!

Thứ ba, cả hai chúng tôi đều sinh năm 1946. Chúng tôi thuộc thế hệ mà người Mỹ gọi là “baby-boomer”, một thuật ngữ ám chỉ những người sinh ra sau thế chiến thứ hai 1939-1945. Năm 1946 là thời điểm những người lính tham gia chiến tranh trên khắp thế giới được trở về nhà, sống cuộc đời dân sự và… góp phần tạo ra một thế hệ “bùng-nổ-trẻ-con”. Chúng tôi thuộc thế hệ đó và như vậy, cũng có thể nói, chúng tôi là bạn “Đồng Tuế”.

Michael Burr bên tấm hình chụp năm 1970 tại Việt Nam, trước khi về Hoa Kỳ

Mãi đến hôm nay (4/11/2017) chúng tôi mới gặp nhau tại Sài Gòn. Hai “ông già” ngồi bên ly cà phê, nói chuyện xưa miên man vì có nhiều điểm chung của những người đồng ngũ, đồng nhiệp và đồng tuế.

Mike đem theo laptop để tôi được chứng kiến lại hình ảnh xưa của Tổng tham mưu, Cổng xe lửa số 10, đường Võ Di Nguy… Hình ảnh những khóa sinh Không quân, xếp hàng nghiêm chỉnh đi từ “Tent City” trong phi trường Tân Sơn Nhất sang trường để đến những lớp học vốn là những căn nhà tiền chế trong Tổng tham mưu.

Bên cạnh đó còn có những hình ảnh Sài Gòn cuối thập niên 60 mà Mike đã ghi lại, trong số đó có nhiều ảnh tôi đã từng xem trên internet nhưng mãi đến bây giờ mới biết tác giả là người ngồi bên cạnh. Michael Burr sau này là một nhiếp ảnh gia có ảnh triển lãm “Images of Vietnam 1969-1970” tại Westminster, California (*).


Tác phẩm nhiếp ảnh kỷ niệm về Sài Gòn do Michael Burr thân tặng

Mike cũng là một thành viên trong nhóm cựu giảng viên người Mỹ đã thực hiện cuộc thăm viếng Căn cứ Không quân Lackland tại San Antonio, Texas. Lackland là cái tên quen thuộc với các giảng viên vì có chi nhánh của Defense Language Institute (DLI), nơi các giảng viên người Việt tu nghiệp chuyên môn về giảng dậy. DLI cũng đồng thời là nơi bổ sung tiếng Anh căn bản cho các khóa sinh quân nhân VNCH trước khi bước vào huấn luyện chuyên môn tại Hoa Kỳ.

"Di sản Sài Gòn" còn lưu giữ

Anh kể lại trong lần thăm Lackland vào năm ngoái, những thành viên cựu binh Mỹ đã được DLI mệnh danh là “Pioneers” của trường vì những đóng góp tiên phong trong việc giảng dạy tiếng Anh cho quân lực VNCH vào cuối thập niên 60.

Điều này khiến tôi lại nghĩ, họ cũng là những người bạn đồng minh và họ chính là cái mà tôi gọi là “Human Heritage of Saigon”. Viết vài dòng về Michael Burr tôi muốn nhấn mạnh những người như anh cũng thực sự là “Di sản của Sài Gòn”, một thành phố đã trải qua nhiều buồn vui của một thời chiến tranh.

Huy hiệu Trường Sinh ngữ Quân đội dưới dạng “tie pin” (kẹp cravate) do tôi thân tặng Michael Burr

***

Chú thích:

(*)  Bài viết về cuộc triển lãm ảnh của Michael Burr trên báo Người Việt năm 2012:

Việt Nam thời 1969-1970 qua ống kính Michael Burr

Monday, October 08, 2012
Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Khoảng 50 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Michael Burr, một cựu chiến binh Việt Nam, sẽ được triển lãm từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối, vào hai ngày, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 13 và 14 Tháng Mười tại phòng sinh hoạt của Nhật Báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 96283.

“Tôi đã về Việt Nam ba lần vào những năm 2003, 2005 và 2006. Mỗi chuyến tôi đi hai tuần lễ,” ông Michael Burr cho phóng viên Người Việt biết qua điện thoại.

Ông nói thêm: “Cho đến nay tôi đã đi thăm và ghi lại hình ảnh tại các nơi ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam, như Hà Nội, Cam Ranh, Huế, Ðà Nẵng, Sàigòn, Củ Chi, Cần Thơ, Châu Ðốc, Hà Tiên...”

Ông rất mong được đón tiếp nhiều người Việt đến thăm phòng triển lãm vào cuối tuần này. “Tôi chuẩn bị rất công phu để ra mắt giới thưởng ngoạn, đến xem và để tìm lại những hình ảnh thân quen của Sài Gòn ngày xưa,” nhiếp ảnh gia này nói. Ông cũng cho biết rằng ông đang chuẩn bị một chuyến thăm Việt Nam vào năm tới.

Nhiếp ảnh gia Michael Burr phục vụ một năm trong quân chủng Không Quân Hoa Kỳ, với vai trò giảng viên Anh ngữ cho Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, từ Tháng Chín năm 1969 đến Tháng Chín năm 1970. Triển lãm của ông bao gồm các bức ảnh đen trắng, miêu tả cuộc sống ở Sài Gòn và vùng phụ cận trong thời gian đó. Chương trình triển lãm từng ra mắt tại Hội Chợ Tết năm 2002 và được triển lãm nhiều lần tại Westminster và Garden Grove trong 10 năm qua, và được phản ánh rất tích cực từ cộng đồng Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Cuộc triển lãm sẽ cung cấp cái nhìn chua cay và say mê về cuộc sống tại Việt Nam trong những năm chiến tranh và có sức hấp dẫn phổ cập, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh. Không giống như nhiều cuộc triển lãm về Việt Nam ở bối cảnh thời gian đó, cuộc triển lãm này không có những hình ảnh bạo lực trong các tác phẩm.”

Cuộc triển lãm do Nhật Báo Người Việt bảo trợ.

  



***

1 nhận xét:

Popular posts