Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Một bất ngờ mang tên… Định Quán

Chỉ với một địa chỉ ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai… (không số điện thoại và cũng không địa chỉ email)… tôi và một người bạn đã tìm ra nhà của một cựu giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội (TSNQĐ).

Sau khi đã tham khảo thêm từ một người bạn đã từng ở Định Quán, chúng tôi được bết thêm chi tiết: ấp Tân Lập ở gần chùa Hưng Túc nằm trên Quốc lộ 20 trên đường đi Đà Lạt. Thế là chúng tôi lên đường tìm anh Đinh Công Liêu.

Định Quán chỉ cách Sài Gòn khoảng 110km nhưng cái khó là địa chỉ không thể cung cấp chính xác nơi mình muốn đến. “Đường đi nằm nơi cửa miệng” nên chúng tôi trực chỉ ngôi chùa, sau đó hỏi thăm và được biết sẽ phải đi khoảng 1 km đường đất nữa. Liên tục hỏi thăm và cũng có người biết chính xác tên ông thầy dậy Anh văn. Và cuối cùng, “điều bất ngờ mang tên Định Quán” đã xảy ra.


Con đường đất dẫn vào nhà anh Liêu

Ba người chúng tôi sau hơn 40 năm xa cách đã gặp lại nhau. Không những thế, cả một tập thể cựu giảng viên TSNQĐ ở nước ngoài cũng như trong nước đã có cơ hội nối lại liên lạc đã từng bị gián đoạn sau một thời gian dài.

Anh Liêu chỉ có chiếc điện thoại “cùi bắp” nhưng thế cũng đủ để hàn huyên với các bạn cũ rồi. Chỗ anh ở xa vùng phủ sóng internet nên không có email. Nhà anh tuy nhỏ nhưng đất rộng mênh mông giữa không gian yên tĩnh, khác hẳn Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt.

Những người làm sách “Hồi Ức Sài Gòn” tìm đến anh để thực hiện phương châm đã đề ra: giúp đỡ bạn bè trong hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của anh Liêu cộng với tâm niệm của chúng tôi đã thành một bất ngờ.

Tạm gọi đó là “bất ngờ mang tên… Định Quán”.

***

Táng đá "ba chồng" tại Định Quán, Quốc lộ 20, Sài Gòn - Đà Lạt


Anh Đinh Công Liêu


Quà tặng của cựu giảng viên tại Hoa Kỳ


Huy hiệu Trường Sinh ngữ Quân đội


Quà tặng của nhóm làm sách "Hồi ức Sài Gòn"


Cuộc hội ngộ giữa 3 người bạn

***





--> Read more..

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

ĐỐI CHIẾU TÊN ĐƯỜNG SÀI GÒN XƯA & NAY

Tài liệu tham khảo về tên đường phố Sài Gòn qua các thời kỳ: “xưa” (thời Pháp thuộc), thời VNCH (trước năm 1975) và “nay”. Xếp theo thứ tự alphabet, có kèm theo những địa điểm nổi tiếng.

A

Abattoir – Hưng Phú (Lò Heo Chánh Hưng)

- Admiral Courbet – Nguyễn An Ninh

d’Adran – Võ Di Nguy Phú Nhuận (Chợ Phú Nhuận, Rạp Văn Cầm, Rạp Cẩm Vân, Cư xá Phú Nhuận) => Phan Đình Phùng

Albert 1er – Đinh Tiên Hoàng (Sân vận động Hào Thành – Hoa Lư – Citadelle, Tổng Nha Thanh Niên, Asam Đakao, mì Cây Nhãn, Chè Hiển Khánh)

Alexandre de Rhodes – Lục Tỉnh (Trung tâm Quân báo Cây Mai, Bò 7 món Ngân Đình, Đường Alexandre de Rhodes tới thời VNCH thay thế đường Paracels trước dinh Độc Lập =>  Alexandre de Rhodes 

Alexandre Frostin – Bà Lê Chân (hông chợ Tân Định, Rạp Moderne sau đổi là Kinh Thành)

Alsace Loraine – Phó Đức Chính (Biệt thự chú Hỏa – Hui Bon Hoa)

Amiral Dupré – Thái LậpThành (Phú Nhuận) => Phan Xích Long

Amiral Roze – Trương Công Định (Chùa Chà, chạy xuyên qua vườn Tao Đàn-Vườn Pelouse) => Trương Định

d’Arfeuille – Nguyễn Đình Chiểu

Armand Rousseau – Hùng Vương (Trường Trung Học Chu văn An, Cư xá sinh viên Sài Gòn)

d’Arras – Cống Quỳnh (Bệnh viện Từ Dũ, Rạp Khải Hoàn, Trường trung học tư thục Hưng Đạo -Giáo Sư Nguyễn văn Phú)

Arroyo de l’Avalanche – Rạch Thị Nghè

Audouit – Cao Thắng (Rạp Việt Long, Rạp Đại Đồng Sài Gòn, Chùa Tam Tông Miếu, Bánh mì pâté Hòa Mã, Tư gia nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lâm Tuyền)

d’Ayot – Nguyễn văn Sâm (rạp Kim Châu) => Nguyễn Thái Bình

B

– Boulevard Bonard – Lê Lợi (Trụ sở Quốc Hội – Nhà Hát Lớn, Bệnh viện Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, Nước mía bò bía Viễn Đông, Rạp Vĩnh Lợi, Quán cơm Thanh Bạch, Quán giải khát Pôle Nord, Hà Nội Ice Cream, Quán kem Mai Hương, Thư Viện Abraham Lincoln, Nhà hàng Kim Sơn, Bồng Lai)

– Boulevard Chanson – Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở xuống: Trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công, Chợ Đũi, Trụ sở Tòa Đại Sứ Miên, Nơi hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu góc Phan Đình Phùng, Rạp Nam Quang – ngã tư Trần Quý Cáp, Rạp Kinh Đô sau là văn phòng Usaid, Trường trung học tư thục Trường Sơn, Câu Lạc Bộ Kỵ Mã Sài Gòn) => Cách Mạng Tháng 8

– Boulevard Charner – Nguyễn Huệ (Rạp Rex, Rạp Eden, Passage Eden, Thương xá Tax, Bánh mì pâté Đô Chính, Phòng trà Queen Bee, Tổng Nha Ngân Khố, Kỹ Thương Ngân Hàng, Hôtel Palace, Hãng Charner)

– Boulevard Galliéni – Trần Hưng Đạo (Bộ Lao Động, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Sở Cứu Hỏa Đô Thành, Rạp Nguyễn văn Hảo, Hưng Đạo, Rạp Đại Nam, Vũ trường Tour d’Ivoire, Bộ Tổng Tư Lệnh quân lực Đại Hàn, Bộ Tổng Tham Mưu cũ, Sân bóng rổ Tinh Võ, Khiêu vũ trường Vân Cảnh, Arc-en- Ciel, Đêm Màu Hồng, Trường tiểu học Tôn Thọ Tường, Nhà thờ Tin Lành)

– Boulevard Kitchener – Nguyễn Thái Học (Trường tiểu học Trương Minh Ký, Trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng, Rạp Nam Tiến, Rạp cải lương Thành Xương, Chợ Cầu Ông Lãnh)

Boulevard Norodom – Thống Nhất (Toà Đại Sứ Mỹ, Phủ Thủ Tướng, Rạp Norodom-Thống Nhất “xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi”, Hãng nhập cảng xe Peugeot Jean Compte, Bộ Tư Pháp, Hãng xăng Shell, Esso) => Lê Duẩn

– Boulevard Paul Bert – Trần Quang Khải (Đình Nam Chơn, Rạp Văn Hoa)

– Boulevard de la Somme – Hàm Nghi (Đài Pháp Á, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, BanqueFranco-Indochinoise, Tổng Nha Thuế Vụ, Chợ Chó, Chợ Chim, Trung tâm Cờ Tướng, tiệm incils quân đội Phước Hùng)

– Rue – 11e RIC (Régiment d’Infanrerie Colonniale) - Nguyễn Hoàng (bến xe lục tỉnh, cư xá hỏa xa) => Trần Phú

Ballande- Nguyễn Khắc Nhu

Barbier – Lý Trần Quán (Chả cá Thăng Long)

Barbé – Lê Quý Đôn (Trung Học Lê Quý Đôn-Chasseloup Laubat) => Hồng Thập Tự – Nguyễn Thị Minh Khai

Blan Subé – Duy Tân (Viện Đại Học Sài Gòn, Đại Học Luật Khoa, Công trường Chiến Sĩ, Hồ Con Rùa, Vương Cung Thánh Đường) => Phạm Ngọc Thạch

– Bourdais – Calmette

C

Catinat – Tự Do (Bộ Nội Vụ, Bánh mì pâté Hương Lan, Nhà Hàng Caravelle, Nhà Hàng Continental Palace, La Pagode, Brodard, Vũ trường Maxim’s, Hotel Restaurant Majestic, Rạp Majestic, Tiệm quý kim Đức Âm, Nhà may Cát Phương, Adam, Tân Tân, Phòng Thông Tin cho các cuộc triễn lãm) => Đồng Khởi

Chaigneau – Tôn Thất Đạm (khu Chợ Cũ, rạp Nam Việt)

Champagne – Yên Đổ (Cư xá Đắc Lộ, trường Anh Ngữ Khải Minh) => Lý Chính Thắng

– Charles de Coppe – Hoàng Diệu (Hiệu giày Gia, Quán nhậu Tư Sanh Khánh Hội-Cari dê)

Charles Thomson – Hồng Bàng (Bệnh viện Hồng Bàng,  Đại học Nha Khoa) => Hùng Vương

Chasseloup Laubat – Hồng Thập Tự (Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, Rạp Olympic, Đồ gỗ Phan văn Nhị, khu quán cháo vịt, Bộ Y Tế, Bộ Tài Chánh, Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện, Cơ quan Tiếp Vận Trung Ương, Hông vườn Tao Đàn-vườn Ông Thượng-vườn Bờ Rô-Pelouse, Hông Dinh Độc Lập, Hông Thảo Cầm Viên, Trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ) => Nguyễn Thị Minh Khai

Colonel Budonnet- Lê Lai (Rạp Aristo – Nhà hàng Lê Lai – Tiệm bánh trung thu Tân Tân, Cơm chay Vạn Lộc)

– Colonel Grimaud – Phạm ngũ Lão (Chợ Thái Bình, Tòa soạn nhật báo SàiGòn Mới-bà Bút Trà, Rạp Thanh Bình, Ga xe lửa, Quầy bán vé Hàng Không Việt Nam)

Cornulier – Thi Sách (Nhà in Ideo)

D

Danel – Phạm Đình Hổ – Denis Frères – Ngô Đức Kế (Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam)

– Dixmude – Đề Thám

– Docteur Angier – Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thảo Cầm Viên, Hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tổng Nha Trung Tiểu Học & Bình Dân Giáo Dục, Trường Trung Học Trưng Vương, Võ Trường Toản, Nha An Ninh Quân Đội)

Docteur Yersin – Ký Con

Đỗ Hữu Vị – Huỳnh Thúc Kháng (Trường trung học kỹ thuật Cao Thắng, khu Chợ Trời)

Douaumont- Cô Giang (chợ, rạp hát Cầu Muối)

Dumortier – Cô Bắc (Hãng cao su Labbé)

Duranton – Bùi thị Xuân (Trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Trường Les Lauriers)

E

– Eyriaud des Verges – Trương Minh Giảng (Chợ Trương Minh Giảng, Rạp Văn Lang – Minh Châu - cổng xe lửa số 6, Viện Đại học Vạn Hạnh) => Lê Văn Sĩ

l’Église – Trần Bình Trọng (Hôtel Massage Hồng Tá)

d’Espagne – Lê Thánh Tôn (Tòa Đô Chánh, Cửa Bắc Chợ Bến Thành, Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài - Thế Năng, tiệm incils quân đội An Thành, Rạp Lê Lợi, Nhà may Văn Quân)

F

Faucault – Trần Khắc Chân

Frère Louis – Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Cộng Hoà đổ vô Chợ Lớn (Trung tâm đào tạo huấn luyện viên thanh niên thể thao, Nhà thờ Chợ quán)

Frère Louis – Võ Tánh (Sài Gòn) từ Ngã Tư Cộng Hòa đổ xuống Ngã Sáu (cổng chính Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Rạp hát Quốc Thanh, Phở 79, Nhà mồ Á Thánh Matthew Gẫm, Trường nữ trung học tư thục Đức Trí) => Nguyễn Trãi

– Frère Guilleraut – Bùi Chu (Nhà thờ Huyện Sĩ) => Tôn Thất Tùng

– Filippiny – Nguyễn Trung Trực (Nhà hàng Thanh Thế, Nhà hàng Quốc Tế, Bồng Lai, Kim Sơn, Rạp Les Tropiques, Văn Khoa cũ, Pháp Đình Sài Gòn)

– Fonck – Đoàn Nhữ Hài

G

– Gallimard – Nguyễn Huy Tự (Chợ Dakao, Chùa Ngọc Hoàng)

– Gaudot – Khổng Tử (Chợ Bình Tây)

– Georges Guynomer – Võ Di Nguy Sài Gòn (Khu Chợ Cũ)

– Guillaume Martin – Đỗ Thành Nhân (Q4, cầu Calmette)

H

– Hamelin – Hồ văn Ngà

– Heurteaux – Nguyễn Trường Tộ

– Hui Bon Hoa – Lý Thái Tổ (Phở Tàu Bay, Quán Hạ Cờ Tây)

J

Jaccaréo – Tản Đà (khu tiệm thuốc Bắc)

Jauréguiberry – Hồ Xuân Hương (Bệnh viện da liễu-Bạc Hà)

– Jean Eudel – Trình Minh Thế – (Thương cảng Sài Gòn, Kho 5, Kho 10) => Nguyễn Tất Thành

L

– Lacaze – Nguyễn Tri Phương (Mì vịt tiềm Lacaze, Hủ tiếu Mỹ Tiên, Hủ tiếu Cả Cần, Bánh bao bà Năm Sa Đéc, Quán sò huyết lề đường)

– Lacotte – Phạm Hồng Thái (Toà soạn nhật báo Dân Ta – ông Nguyễn Vỹ)

– Lacaut – Trương Minh Ký (Lăng Cha Cả-Linh mục Bá Đa Lộc-Pigneau de Béhaines) => Hoàng Văn Thụ

– De Lagrandière – Gia Long (Dinh Gia Long, Bộ Quốc Phòng, Thư viện Quốc Gia, Rạp Long Phụng – phim Ấn Độ, Tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, Tiệm Đồ da Cự Phú, Tiệm quần áo trẻ em Au Printemps, Tòa soạn nhật báo Tiếng Chuông-ông Đinh văn Khai, Nhật báo Việt Nam của ông Nguyễn Phan Long 1936, Nhật báo Tiếng Dội, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền của ông Trần Tấn Quốc và nhiều nhật báo khác) => Lý Tự Trọng

– Larclause – Trần Cao Vân (Bộ Thông Tin)

– Lefèbvre – Nguyễn công Trứ

– Legrand de la Liraye – Phan Thanh Giản (Bệnh viện Bình Dân, Chợ 20, Trường Nữ Trung Học Gia Long, Bệnh viện St Paul, Trường tư thục Phan Sào Nam, Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi – Đất Hộ, Cư xá Đô Thành, Rạp Long Vân, Bánh xèo Đinh Công Tráng) => Điện Biên Phủ

– Le Man – Cao Bá Nhạ

– Léon Combes – Sương Nguyệt Ánh (Văn phòng bác sĩ quang tuyến Lý Hồng Chương, Võ trường Hàn Bái Đường ở góc Sương Nguyệt Ánh - Lê văn Duyệt 1954)

– Lesèble – Lý văn Phức

– Loucien Lecouture – Lương Hữu Khánh (đường rầy xe lửa Mỹ Tho, miền Trung)

– Luro – Cường Để (Thành Cộng Hòa, Trường Đại Học Y, Dược Khoa, Văn Khoa, Nông Lâm Súc) => Đinh Tiên Hoàng

M

– Mac Mahon – Công Lý (Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng Thống, Chùa Vĩnh Nghiêm, Trường tư thục Quốc Anh,Thương xá Crystal Palace - Tam Đa, Rạp Hồng Bàng) => Nam kỳ Khởi Nghĩa

– Marchaise – Ký Con

– Maréchal Fox – Nguyễn văn Thoại (Trường đua ngựa Phú Thọ, Bệnh viện Vì Dân) => Lý Thường Kiệt

– Maréchal Pétain – Thành Thái (Trường trung học Bác Ái) => An Dương Vương

– de Marins – Đồng Khánh (Tửu lầu Á Đông, Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc En Ciel, Đại Thế Giới) => Trần Hưng Đạo B

– Martin des Pallières – Nguyễn văn Giai

– Massiges – Mạc Đĩnh Chi (Hội Việt Mỹ, Ty Cảnh Quốc Gia Quận Nhứt, Nhà hàng thịt rừng Trường Can, Phở Cao Vân, Trường trung học Les Lauriers, Bộ Canh Nông)

– Mayer – Hiền Vương (Nguyễn Chí Nhiều dược cuộc, Trung tâm phở gà, Giò chả Phú Hương, rạp Casino Đa Kao) => Võ Thị Sáu

– Miche Phùng – Phùng Khắc Khoan (Tư dinh đại sứ Mỹ trước đó là tư dinh của tướng Năm Lửa Trần văn Soái)

– Miss Cawell – Huyền Trân Công Chúa

N

– Nancy – Cộng Hoà (Trung Học Pétrus Ký, Đại Học Khoa Học, Đại Học Sư Phạm, Cửa hôngTổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia) => Nguyễn Văn Cừ

– Nguyễn tấn Nghiệm – Phát Diệm => Trần Đình Xu

– Noel – Trương Hán Siêu

O

– Ohier – Tôn Thất Thiệp (Hủ tiếu Thanh Xuân, Tài Nam Restaurant, Chùa Chà Và)

– d’Ormay – Nguyễn Văn Thinh (Tòa soạn nhật báo Thần Chung - ông Nguyễn Kỳ Nam, Restaurant Admiral) => Mạc Thị Bưởi

P & L

– Paracels – Alexandre de Rhodes (Học ViệnQuốc Gia Hành Chánh cũ, Bộ Ngoại Giao)

– Paris – Phùng Hưng (chợ thịt quay, vịt quay)

– Pavie - Trần Quốc Toản (Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Viện Hóa Đạo - Việt Nam QuốcTự, Trường tư thục Hồng Lạc, Cục Quân Cụ, Chợ cá Trần Quốc Toản) => Đường 3 tháng 2

– Paul Blanchy – Hai Bà Trưng (Chợ Tân Định, Tổng Cuộc Điện Lực, BGI (Brasseries et Glacières de l’Indochine), Phở An Lợi, Cà phê Quán Trúc, Vũ trường Mỹ Phụng, Công trường Mê Linh, Nhà thờ Tân Định)

– Paulin Vial – Phan Liêm

– Pellerin – Pasteur (Viện Pasteur, Khu Phở Gà, Phở Minh, Nhà sách Khai Trí, Rạp Casino Sài Gòn sau đổi thành rạp Vinh Quang, Nước mía bò bía Viễn Đông)

– Pierre Flandin- Đoàn Thị Điểm (hông trường Nữ Trung Học Gia Long, hông Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện)

– Laregnère – Bà Huyện Thanh Quan (Cư xá nữ sinh viên Thanh Quan, Chùa Xá Lợi)

Q

– Quai de Belgique – Bến Chương Dương (Thượng Nghị Viện - Hội Trường Diên Hồng, Tổng Nha Kế Hoạch) => Võ Văn Kiệt

– Quai Le Marne – Bến Hàm Tử => Võ Văn Kiệt

– Quai Le Myre de Vilers – Bến Bạch Đằng (Hotel Restaurant Majestic, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bến đò Thủ Thiêm, Cột Cờ Thủ Ngữ (Point des Blagueurs), Tư dinh Thủ Tướng, Sở Ba Son - Arsénal - Hải Quân Công Xưởng)

– Quai de Fou-Kien – Bến Trang Tử

R

– Renault – Hậu Giang

– René Vigerie – Phan Kế Bính

– Résistance – Nguyễn Biểu (Cầu chữ Y)

– Richaud – Phan Đình Phùng (Tổng Nha Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Bảo sanh viện Hồng Đức, Kỳ Viên Tự, Trường Rạng Đông, chợ Vườn Chuối, Restaurant Sing Sing, Nhà hàng La Cigale, Sân vận động Phan Đình Phùng) => Nguyễn Đình Chiểu

– Roland Garros – Thủ Khoa Huân

S

– Sabourain – Tạ Thu Thâu (cửa Đông chợ SàiGòn, Nhà thuốc tây Nguyễn văn Cao, Nhà sách & xuất bản Phạm văn Tươi)

– Sohier – Tự Đức

T

– Taberd – Nguyễn Du (Sở xuất nhập di trú, Nhà thương Đồn Đất - Bệnh viện Grall, Trung tâm văn hóa Pháp - Centre Cul turel Francais) => Lý Tự Trọng

– Testard – Trần Quý Cáp (Vũ trường Au Baccara, Đại Học Y khoa cũ, Trường Âu Lạc) => Võ Văn Tần

– Tong-Kéou – Thuận Kiều (Bệnh viện Chợ Rẫy)

– Turc – Võ Tánh (Phú Nhuận)  (Văn Phòng Quận Tân Bình, Phở Quyền, Lăng Cha Cả, Bệnh viện Cơ Đốc) => Hoàng Văn Thụ

V & Y

– Verdun – Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở lên (Ngã Ba Chợ Ông Tạ, Rạp Thanh Vân) => Cách Mạng Tháng 8

– Vassoigne – Trần văn Thạch

– Yunnam – Vạn Tượng (Q5) bên cầu Ba-Lê Cao

***

Tham khảo thêm:

* Một số tên đường Sài Gòn xưa và nay:

* Danh mục tên đường Sài Gòn – TPHCM:


--> Read more..

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Khu phố tôi sống

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”
(“Một cõi đi về” - Trịnh Công Sơn)

Hơn một nửa đời người bôn ba, giang hồ đến hơn 15 quốc gia và lãnh thổ, cuối cùng tôi ở lại đây. Ra đi từ lũy tre làng xơ xác để lạc bước đến những thành phố xa hoa diễm lệ… cuối cùng tôi lại trở về đây. Người ta thường nói “lá rụng về cội” nhưng tôi vẫn không tin… cho đến ngày tôi thấy mình đang sống tại đây.

Tôi rất ít khi có những bài viết “trải lòng” và có lẽ bài này là một trong số rất ít bài mang tính cách tâm sự. Đó có thể là hiện tượng “về già” khi người ta vượt qua ngưỡng 70, qua một chặng đường đời tràn đầy vui-buồn, vinh-nhục, thăng-trầm, họa-phúc...

Đường đời dài lắm nhưng cũng chỉ gói gọn trong sự tích “Tái ông thất mã” (*) mà hồi còn đi học tôi bắt gặp trong “Cổ học tinh hoa”. Triết lý đó thật đơn giản nhưng ít người “ngộ” được ý nghĩa thâm sâu nên mới lao vào cuộc cạnh tranh và đến khi thất bại không tìm được sự bình an trong cuộc sống.

Nói một cách khoa học, cuộc đời chỉ là “những dao động hình Sin”, lúc lên lúc xuống theo một quy trình đã sắp xếp trước. Đời người cũng thế, có lúc xuống thì cũng có lúc lên hay ngược lại. Tiếng Anh có câu: “What goes up must come down” là vậy!

Nắm được quy luật hình sin, ta sẽ có một thái độ dửng dưng trước những thành công vì biết rằng sẽ có những thất bại đang ở phía trước. Hiểu được điều đó, tâm sẽ an trong nghịch cảnh và lòng cũng không quá vui mừng trong chiến thắng. Tôi không thích Tố Hữu vì thơ ông sặc mùi chính trị, ngoại trừ hai câu mang tính triết lý:

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”   

***

Trở lại với chủ đề “Khu phố tôi sống”, tôi sẽ đưa các bạn đến đây. Đó là khu vực Phường 7, Quận Phú Nhuận, chỉ cách Quận 1 chừng 5 phút sau khi vượt qua cầu sắt Trần Khánh Dư bắc ngang con kênh Nhiêu Lộc. Cầu được xây dựng theo kết cấu cầu bằng sắt với 2 chiều lưu thông riêng biệt.


Giờ “cao điểm” buổi sáng, xe 4 bánh, 2 bánh từ Phú Nhuận, Bình Thạnh đổ dồn về đây. Qua đến đầu cầu phía Quận 1, con đường Hoàng Sa chắn ngang với lượng xe dày đặc đã tạo một cảnh kẹt xe, dồn cứng trên cầu kéo. Có những lúc kẹt xe trên cầu tôi có thể cảm thấy cầu rung rinh tưởng chừng như sụp đổ bất cứ lúc nào! 

Cầu sắt Trần Khánh Dư qua kênh Nhiêu Lộc

Kể cũng lạ. Chỉ cách cầu Trần Khánh Dư vài trăm mét là cầu Hoàng Hoa Thám dẫn đến đường Trần Quang Khải (Q. 1), mới được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép vững chắc năm 2010 lại vắng bóng xe cộ qua lại. Đó là một nghịch lý mà các nhà thiết kế cầu đường của Sài Gòn cần quan tâm giải quyết.

Để lý giải hiện tượng này người ta chỉ căn cứ vào tâm lý người lái xe: cần một khoảng đường ngắn hơn để qua chợ Tân Định. Chỉ ngắn hơn vài phút so với việc sử dụng cầu Hoàng Hoa Thám nhưng người ta vẫn thích qua cầu Trần Khánh Dư để qua Quận 1. Tôi lại nghĩ, giá mà cầu Trần Khánh Dư gặp sự cố, chắc người ta sẽ bỏ luôn chứ không sửa sang làm gì!   

Cầu Hoàng Hoa Thám… vắng bóng xe cộ!

Khu phố tôi sống khác hẳn với chiếc cầu sắt ọp ẹp Trần Khánh Dư. Đó là khu đô thị mới với trục đường chính là Phan Xích Long. Ông là một nhân vật lịch sử, tên thật là Phan Phát Sanh, tự xưng là Đông Cung con vua Hàm Nghi.

Phan Xích Long là thủ lãnh một băng đảng giang hồ nghĩa hiệp đã cầm đầu một số người yêu nước tấn công Dinh Thống đốc và Khám lớn thời Pháp thuộc. Cuộc đời giang hồ của Phan Xích Long chấm dứt vào tuổi 23 khi ông bị người Pháp bắn chết cùng với 13 người khác.

Sài Gòn ngày nay có hơn 2.000 con đường lớn nhỏ, trong đó hàng trăm tên đường viết tắt, đánh số khó hiểu, khó tìm. Nhiều đường trùng tên, sai tên danh nhân gây phản cảm cũng như tạo ra không ít nhầm lẫn. Những tên đường đó thường nằm ở các quận ngoại thành như Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn, Quận 12…

Tại Quận 12 hầu hết các tuyến đường được đánh số thứ tự, ký tự các chữ cái như HT (phường Hiệp Thành), TA (phường Thới An), TMT 01 (phường Trung Mỹ Tây), TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A…

Tại Quận Bình Thạnh tên đường lại được được đặt theo ký tự và số như D1, D2, D3, D4, D5... Quận Tân Phú, nhiều tuyến đường tại phường Tây Thạnh được viết theo ký tự chữ kết hợp với số như: S1, S2... S9, C1, C2, C4A khiến nhiều người dân không biết đâu mà tìm...

Đường Kênh Nước Đen chạy qua địa phận quận Tân Phú và quận Bình Tân, ngày trước là một dòng kênh dài, nước dơ và bốc mùi rất khó chịu. Trong những năm trở lại đây, một phần kênh đã được san lấp, trồng cây xanh, phần còn lại mới được gia cố bờ kè. Tuy nhiên, hiện tại cái tên Kênh Nước Đen vẫn được quận Tân Phú và Bình Tân dùng để đặt tên cho một con đường đi chung qua 2 quận.

Có những tên đường nghe khá hài hước, đơn cử đường Rạch Bùng Binh (quận 3), đường Cống Lở (quận Tân Bình), đường Vành Đai Trong, Lò Thiêu, Mã Lò (quận Bình Tân), đường Bờ Bao Tân Thắng (quận Phú) và cả đường Bờ Bao 1 “ăn theo” con đường này.

Có những đường ghi sai tên danh nhân như Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân)..

Cũng may khu tôi ở lại là “khu phố đầy hoa” với các tên đường như Hoa Lan, Hoa Đào, Hoa Mai, Hoa Cau, Hoa Sứ… thật thi vị và cũng thật đẹp dù rằng không thể thật sự tìm thấy những loại hoa đó trên từng con đường. Bạn hãy nhìn vào bản đồ trên Google:


Như đã giới thiệu, đây là khu phố mới, nhà cửa xây khoảng 4, 5 tầng, có chung cư cao khoảng 7, 8 tầng với đầy đủ các dịch vụ phục vụ cư dân như trạm xăng, siêu thị Co.opMart, cửa hàng Ministop của Aeon (Nhật Bản) mở cửa suốt ngày đêm. Dọc theo đường Phan Xích Long còn có nhữn “đại gia” tên tuổi như Café Starbucks, Pizza Hut, Loteria, Texas Chicken đến từ các nước, nhưng cũng may chưa thấy bóng dáng của “anh láng giềng tốt”.
Buổi sáng nhiều người ra bờ kè kênh Nhiêu Lộc đi bộ, tập thể dục. Nhìn sang bên kia là bờ kè Quận 1 cũng chẳng thấy thua kém gì ai dủ là mang danh quận Phú Nhuận. Cũng có nhiều chùa để nghe kinh kệ qua loa phát, lại còn có một tủ quần áo miễn phí cho người nghèo với “bảng hiệu” đầy nghĩa tình: “Ai thừa đến ủng hộ - Ai thiếu đến lấy”.

Quán ăn cũng nhiều nhưng đặc biệt không thấy quán nhậu nơi tôi ở. Bún bò, bún mộc, bún mắm, bánh canh… ngoài tiệm phở “truyền thống” lại còn có “Phở khô Gia Lai” ăn cũng lạ. Quán cà phê san sát nhau trên đường Hoa Sứ, đặc biệt khách quen ngồi tiệm nào thì “kết” luôn tiệm đó.

Sáng nào tôi cũng ngồi cà phê Diễm Ly, chủ nhân là một ông còn trẻ, chưa đến 50 nhưng là người có học thức. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên ngồi quán vỉa hè chủ quán đến làm quen: “Ông ở nước nào về vậy?”.

Hôm 30 Tết vừa rồi chủ quán còn đặc biệt “khuyến mãi” không lấy tiền. Thật tình một ly cà phê sữa đá chẳng đáng bao nhiêu nhưng đã thể hiện cái tình giữa chủ và khách với những lời chúc chân tình!

Nơi tôi ở là thế đó.


***

Ghi chú:

(*) Sự tích “Tái ông thất mã”: Trong  “Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, bài 77 “Họa phúc không lường”, chép lại sách của Hoài Nam Tử:

“Một ông lão ở gần cửa ải có con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói:

- Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại quyến thêm một con ngựa hay nữa. Người quen kẻ thuộc đều đến mừng rỡ. Ông lão nói:

- Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!

Từ khi được ngựa hay, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may ngã què chân. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm. Ông lão nói:

- Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách một năm có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què, không phải đi lính mà cho con vẫn có nhau.”

"Tái ông thất mã" trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: "Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục".

*** 
  


--> Read more..

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Hai Bà Trưng

Hàng năm, vào ngày 8 tháng 3 Âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng, cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam tại miền Nam trước kia và hiện nay được tổ chức tại nhiều nơi ở các cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Mãi đến năm 1975 mới có Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 làm lu mờ hình ảnh của hai vị anh thư nước Việt. Theo trang web IWD (International Women’s Day), chỉ có 27 quốc gia lấy ngày này làm ngày lễ kỷ niệm, chiếm vỏn vẹn 14% trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc mà thôi!


Đa số là các nước này thuộc khối Cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Lào, Campuchia, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Mông Cổ, Montenegro, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan, Zambia, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Madagascar, Uganda và Nepal.


Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ, mang lại độc lập trong 3 năm cho người Việt tại đây.

Căn cứ theo giả thuyết do “Thiên Nam ngữ lục” nêu mà sử gia Đào Duy Anh đồng tình, cuộc nổi dậy chống nhà Đông Hán đã diễn ra vào nửa cuối năm 39 và bị Tô Định trấn áp khiến Thi Sách bị hại. Sau khi Thi Sách bị Tô Định giết, Trưng Trắc và các Lạc tướng càng căm thù, quyết tâm chống lại nhà Hán để trả thù. Bà cùng Trưng Nhị mang quân bản bộ về giữ Hát Môn.

Hai Bà Trưng cởi voi tấn công giặc Hán (tranh Vi Vi)

Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm “Hội thề” ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuộc huyện Mê Linh thời đó. “Thiên Nam ngữ lục” ghi lời thề của Trưng Trắc như sau:

"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này"

Hai Bà Trưng khởi nghĩa (Tranh dân gian Đông Hồ)

Dưới sự lãnh đạo của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, nhiều lực lượng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán đã kết hợp làm một, trở thành một phong trào khởi nghĩa rộng lớn người Việt, đánh đổ sự cai trị của nhà Hán trên toàn bộ lãnh thổ Âu Lạc và Nam Việt cũ.

Điều này được các sử gia đánh giá là một sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt, một sự tái nhận thức quan trọng về quyền sống theo cách riêng của người Việt. Cuộc khởi nghĩa phản ánh ý thức dân tộc đã khá rõ rệt của Lạc tướng và Lạc dân trong các bộ lạc hợp thành nước Âu Lạc cũ.

Ý thức về độc lập chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt trên con đường hình thành qua hơn 200 năm mất nước - khoảng thời gian mà các triều đại phong kiến phương Bắc ráo riết thực hiện đồng hóa nhằm biến Âu Lạc vĩnh viễn là quận huyện của Trung Quốc – vẫn tồn tại và phát triển trong lòng người Việt.

Đây là cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị của Trung Quốc đầu tiên của người Việt trong 1000 năm Bắc thuộc. Các Lạc tướng cùng hậu duệ của họ là đại biểu của phong trào này. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do phụ nữ đứng đầu, trong thế giới tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của đế chế Hán cổ đại, được xem là sự đối chọi quyết liệt về văn hóa, nếp sống, nếp tư duy của đôi bên Nam – Bắc, Việt - Hán.

Voi diễn hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng 7/3/1957 tại Sài Gòn

“Đại Nam quốc sử diễn ca” có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.

Lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn năm 1961

***


--> Read more..

Popular posts