Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Năm cún nói chuyện cầy tơ

Mê tín dị đoan một chút: nhiều người cho rằng ăn “thịt cầy” vào những dịp đầu năm sẽ gặp những điều không hay… nhưng nếu gặp chuyện không hay thì cứ “cố đấm ăn… cầy” để xua cái vận đen ấy đi. Chẳng biết đâu mà rờ!  

Thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”… Để dung hòa, bài viết này chọn thời điểm tất niên khi con gà nhường chỗ cho con cún ngự trị với hy vọng 365 ngày tới sẽ gặp toàn chuyện lành theo ý muốn.

Thêm nữa (cũng lại mê tín), các bạn cầm tinh con chó sẽ gặp “năm tuổi”, thường hứa hẹn một năm đầy bất trắc, xui xẻo… Cún con thì lận đận trên đường học vấn, tình duyên… cún lớn thì không biết chừng bị “hóa kiếp” chào mừng các đệ tử làng nhậu!

Món ăn khoái khẩu của một số người tại Việt Nam

“Nói có sách, mách có chứng”. Theo thống kê không chính thức năm 2014, trên toàn thế giới có đến khoảng 25 triệu con chó bị con người giết lấy thịt. Đặc biệt là tại 3 nước ở Châu Á: Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc (kể cả Đài Loan). Riêng ở xứ ta, mỗi năm có khoảng 5 triệu con cún xếp hàng lên bàn nhậu. Không hiểu sao kiếp làm cún lại… “chó má” đến thế!

Tại Thế vận hội 1988 ở Seoul và Giải bóng đá vô địch thế giới 2002, chính phủ Đại Hàn phải ra lệnh đóng cửa các nhà hàng bán thịt cầy để tránh bị những người phương Tây yêu động vật kêu gọi tẩy chay.

Một cửa hàng bán thịt chó tại chợ Gyeongdong, Seoul, Hàn Quốc

Trước khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 diễn ra, chính phủ Trung Quốc cũng phải yêu cầu bỏ món “khoái khẩu” này ra khỏi thực đơn của các nhà hàng để không gây khó chịu cho du khách nước ngoài.

Một nồi lẩu thịt chó ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trong khi đó, Đài Loan trở thành nước Châu Á đầu tiên chính thức cấm tiêu dùng thịt chó và thịt mèo cũng như phạt tù đối với những người giết và tra tấn thú vật từ kể từ tháng 4/2017. Chỉ còn lại Việt Nam… vẫn chưa thấy động tĩnh gì về mặt pháp lý đối với vấn đề ăn thịt cầy.

Lẩu chó !!!

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, thịt chó được nhiều người ưa chuộng. Những vùng thịt chó nổi tiếng đến độ đã trở thành “thương hiệu” như Nhật Tân, Vân Đình (Hà Nội), Việt Trì (Phú Thọ), Tiên Lãng (Hải Phòng), Cầu Vòi (Nam Định).

Tại miền Nam, hiện tượng ăn thịt chó mãi đến năm 1954 mới “di cư” vào Nam cùng một số đồng bào gốc Bắc. Nhiều vùng có đông người Công giáo di cư như Hố Nai, Gia Kiệm, Biên Hòa... có nhiều quán thịt chó. Ngay tại Sài Gòn, người ta dễ tìm thấy các quán thịt chó ở Ông Tạ (quận Tân Bình) hay quận Xóm Mới (Gò Vấp)...

Suy cho cùng, cũng dễ hiểu tại sao thịt cầy lại phổ biến đến như vậy. Theo đông y, “thịt chó có vị mặn, tính nóng, chua, không có độc. Thịt có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn. Thịt chó vừa là thực phẩm bổ dưỡng vừa là vị thuốc tốt cho người có máu hàn”.

Rõ ràng là đông y “cổ súy” cho việc ăn thịt cầy. Về dinh dưỡng, thịt chó giàu protid, lipid, Ca, P, Fe. Bình quân 100g thịt cung cấp 348 calo. Xương chó có canxi dưới dạng phosphat, carbonat.

“Thịt chó” có rất nhiều tên. Sở dĩ gọi là “thịt cầy” có lẽ vì con chó trông rất giống với con cầy (danh pháp khoa học là Viverridae) mặc dù cầy và chó chỉ có quan hệ họ hàng xa. Lại còn có tên “cầy tơ” (cún con) rồi sau đó lại biến thể, nói lái thành “cờ tây” vì không muốn dùng đến danh từ bình dân như “thịt chó, cầy tơ”.

Họ hàng nhà cầy

Năm 1942, nhà văn Nam Cao (1) có viết một truyện ngắn về thịt cầy với nhan đề “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Nam Cao trước đó đã nổi tiếng với nhân vật Chí Phèo (năm 1941), một người nông dân nghèo, lương thiện nhưng lại bị tha hóa trong xã hội làng quê miền Bắc. Anh chửi trời, chửi đời; rồi chuyển sang chửi tất cả làng Vũ Đại, cuối cùng anh chửi thằng cha con mẹ nào đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Không ai chửi lại anh, vì rất đơn giản: không ai coi anh là con người cả.

Trong “Trẻ con không được ăn thịt chó” cũng là một nhân vật điển hình của vùng quê Bắc Bộ với nhân vật chính là “hắn”, một nông dân với đầy đủ “phẩm chất” của một nhà nông nghèo khó vùng đồng bằng sông Hồng. Ngay đầu truyện Nam Cao đã để cho hắn hút một lần 3 điếu thuốc lào say túy lúy:

“Người ta đâm chúi đầu vào bức vách hoặc xều dãi ra như một con chó trước khi hóa dại! Còn cái gì thô tục bằng? Đằng này những cơn say rất chóng qua. Người hút, vừa hút xong, đã bị muốn hút luôn điếu nữa. Hút bằng nào cũng không biết chán. Hút đi, hút lại mà vẫn còn thấy ngon…”
 
Ngoài việc hút thuốc lào, hắn còn có một cái thú đam mê là đi đánh xóc đĩa trong làng. Cuộc sống hàng ngày của hắn thì chỉ có một mộng ước: được ăn uống thỏa thuê. Trong ăn uống thì chỉ có hai cái “thú” thường đi đôi với nhau như hình với bóng:

“Rượu... Thịt chó... Rượu... Thịt chó... Óc hắn cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai thứ ấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy nhầy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn-điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện ra…”

Nghèo quá nên hắn không đủ tiền để ra quán của Mụ Tam, mà mụ ấy lại không tha thiết gì đến những khách… ăn chịu. Hắn sực nhớ ra rằng: nhà hắn có một con chó vện, con chó vện ấy hay trông gà hóa cuốc, nên lắm khi chực đớp cả chân người nhà.

Đó là một cái tật không thể tha thứ được. Bởi không ai nuôi chó để nó cắn què chân chủ. Cơm gạo vào thời đó còn quý như hạt ngọc, thế mà đến bữa ăn, phải tính đầu để “nhường cơm sẻ áo” cho chó nữa ư? Cứ tình hình ấy, thì phải “dở hơi” lắm lắm mới nuôi một con chó để chẳng có việc gì cho nó làm!

Thế là tàn đời con vện. Khi vợ hắn đi chợ về đến nhà, thị đã toan hỏi nhưng lại nín, vì có cả mấy người anh em bạn chồng đang bận rộn với dao thớt bên con vện đã bị thui, đang được kỳ cọ bằng rơm ngoài bờ ao.

Khốn nạn cho thị lắm! Cái số thị chẳng ra gì nên vớ phải một thằng chồng không biết lo, biết nghĩ, mà chỉ thích ăn, thích uống. Ăn hoang, ăn hại. Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời? Con vện đã trờ thành một bữa đại tiệc:

“Con chó hơi gầy. Nhưng gầy thì cũng tốt. Hai bát tiết canh đông lắm. Ấy là cái điềm lành báo rằng cuộc vui sẽ hoàn toàn. Những miếng thịt ngon thái tái trộn ngay vào hai cái bát chậu thật to cho khỏi lôi thôi. Vẽ vời đơm vào đĩa hẳn hoi thì biết bằng nào đĩa cho xuể? Nồi xáo bốc hơi thơm lựng, chẳng cần múc làm gì cho rếch bát”.

Cún lêm mâm

Mãi đến đoạn kết người đọc mới hiểu tại sao truyện ngắn của Nam Cao lại có tựa đề “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Đó không phải là lời khuyên mà là lời giải thích. Hắn và ba người bạn đã đánh chén no say và sau đó hắn ra lệnh cho 4 đứa con đói meo đang bắt chấy cho mẹ dưới bếp để chờ… được ăn những miếng thịt chó còn thừa.

Đứa con gái lớn nhanh nhẩu bưng mâm xuống đất bảo các em ăn đi… nhưng nó lại cất tiếng cười the thé. Người mẹ xịu ngay mặt xuống vì trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giẫy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rưng khóc. Cái Gái, cu Nhớn, cu Nhỡ cùng khóc theo.

Cắn răng chịu đựng thân phận… “chó má”

Thế cho nên truyện mới mang tên “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Truyện của Nam Cao cũng giống như của nhà văn O. Henry tận bên Mỹ (2). Cả hai đều có những đoạn kết bất ngờ nhưng lại không thiếu cái triết lý ẩn chứa bên trong. Ngòi bút của họ dùng một thứ mực “lạnh lùng” nhưng đượm chất sâu sắc.

Tôi nghĩ, trẻ con không được ăn thịt chó vì trước đó người mẹ đã nói một câu thật thâm thúy: “Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời?” .

Nhiệm vụ của người kể chuyện đã xong. Tôi xin nhường phần suy nghĩ cho người đọc trước khi kính chúc quý vị một năm mới Mậu Tuất với 365 ngày tràn trề hạnh phúc.

Bạn nghĩ gì khi nhìn tấm hình này?

***

Chú thích:

(1) Nam Cao (1915-1951) là nhà báo, nhà văn hiện thực, với nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Ông sinh ra tại tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết truyện ngắn gửi in trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Có thể nói, các sáng tác của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, Hà Nội. Năm 1941, tập truyện đầu tay “Đôi lứa xứng đôi”, tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, với bút danh Nam Cao được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là “Chí Phèo”.

Nam Cao trên tem Việt Nam năm 2001

(2) Về nhà văn Mỹ, O. Henry, đọc thêm bài viết “Chuyện Giáng sinh” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/12/qua-giang-sinh.html


***
--> Read more..

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Singapore hồi đó & bây giờ




Dạo này người ta thường nhắc đến Singapore. Chuyện cái anh đại gia Vũ “Nhôm” bỏ Việt Nam, trốn qua Sing rồi lại bị bắt đưa về đã chiếm không ít bài viết trên mạng xã hội. Anh Vũ xuất cảnh với 3 passport nên cái nào là thật, cái nào là giả trở thành lý do để Việt Nam “dẫn” anh về vi phạm luật lệ! Đó không phải là “dẫn độ” vì hai nước VN-Sing chưa hề có thỏa thuận về luật dẫn độ.

Cách đây khoảng 10 tháng Singapore cũng được nhắc đến như là một tấm gương để Sài Gòn noi theo. Quan chức mong mỏi thành phố này, một ngày nào đó, sẽ trở thành một Singapore thứ hai.

Một mơ ước thật kỳ lạ. “Lạ” vì ngày xưa Sài Gòn đã từng được tặng danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” trong khi cái anh đảo quốc tí hon lúc đó chỉ là một làng chài, không hơn không kém!

Trong “Một cơn gió bụi”, sử gia Trần Trọng Kim kể lại ông được người Nhật đưa đến Singapore ngày 1/1/1944 bằng tàu thủy để gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để và cũng tránh được sự dòm ngó của người Pháp.

Khi đó đất nước Singapore được người Nhật gọi là Chiêu Nam Ðảo ngoài cái tên quen thuộc là Tân Gia Ba. Những tưởng Singapore là một vùng đất thịnh vượng nhưng khi đến đây vào thập niên 40 ông Trần Trọng Kim mới ngỡ ngàng trước sự thật:

“Ngờ đâu khi đến Chiêu Nam Ðảo rồi, mới biết cái đảo khi xưa thịnh vượng bao nhiêu, thì bây giờ tiều tụy bấy nhiêu. Ngoài cảng chỉ có lơ thơ vài chiếc tàu vận tải của Nhật, ở trong thành thị, những nhà cửa phố xá không hư hỏng mấy nhưng sự buôn bán đình trệ, sự sinh hoạt mỗi ngày một nghèo ngặt, lúa gạo mỗi ngày một khan, các thực phẩm đắt đỏ không thể tưởng tượng được. Sự đi lại với các xứ ngoài, người Nhật kiểm soát nghiêm mật, thành ra không giao thông được với đâu cả”.

Học giả Trần Trọng Kim còn giới thiệu chi tiết thêm về Singapore thời đó:

“Chiêu Nam Ðảo là Nhật đặt ra để gọi tên đảo Singapour (Làng Sư Tử) sau khi quân Nhật đã chiếm được cả bán đảo Mã Lai. Ðảo ấy có cái hải cảng rất hiểm yếu ở giữa đường hải đạo từ tây phương sang các xứ bên Thái Bình Dương. Dân cư ở đảo ấy có đến 75% là người Trung Hoa, còn lại là người Mã Lai, người Ấn Ðộ và người Nhật.

“Việc điều khiển, phòng bị và cai trị trước đã ở tay người Anh, sau ở cả người Nhật. Việc buôn bán và những công nghệ phần nhiều ở tay người Trung Hoa, còn người bản xứ chỉ làm những nghề nhỏ mọn như chài lưới và trồng trọt rau khoai phía ngoài thành thị.

Phố xá trong thành thị chia làm hai khu: một khu là nơi bình thời buôn bán phồn thịnh có nhà cửa rộng lớn, người đông đúc, chỉ ở gần bến tàu và ven bờ biển; một khu ở phía trong có đường xá sạch sẽ, hai bên có những biệt thự của những phú thương người Anh hay người Tàu. Những biệt thự ấy thường làm ở sườn đồi có cây cối sầm uất và vườn tược đẹp đẽ. Ngoài một vài nơi có phong cảnh khả quan, còn là những nơi buôn bán và ăn chơi chứ không có di tích gì đáng xem.”

(hết trích)

***

Nhân vật thứ hai (sau Vũ “Nhôm”) được nhắc đến trên mạng là ông phó chủ tịch quận 1 vừa nộp đơn xin “cởi áo về vườn” chỉ vì không dành được vỉa hè để biến Sài Gòn thành Singapore. Bài viết này không có ý phê bình hay ủng hộ ông Hải với cách làm của ông Hải “Cẩu” cũng như không bình luận gì về chuyện anh Vũ “Nhôm” trốn qua Sing được vài ngày rồi lại được dẫn về.

Ông Đoàn Ngọc Hải ước Sài Gòn như Singapore

Tôi mới ở Singapore về ngay hôm đầu năm 2018, chỉ tiếc một điều là không cùng chuyến bay với anh Vũ “Nhôm”. Giá mà về Việt Nam chậm thêm vài ngày biết đâu tôi lại có dịp “diện kiến” một khuôn mặt “nổi đình nổi đám” trên mạng xã hội. Nhưng thôi, với câu “giá mà…” thì ai cũng có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai!

Tôi chỉ muốn viết về Singapore “ngày ấy” và “bây giờ” sau 4 lần đến đây trong suốt một đời người với tư cách vừa là một người đến vì công việc và cũng đến để du lịch. Lần đầu tiên tôi đến Sing là năm 1995, trạm dừng chân trên đường đến Sydney trong một chuyến công tác.

Không có dịp khám phá đầy đủ về đất nước này trong một thời gian ngắn ngủi nên chỉ quanh quẩn ở Orchard, con đường shopping sầm uất nhất đảo quốc. Ấn tượng đầu tiên là tiêu chuẩn “Xanh, Sạch, Đẹp” được thể hiện rõ ràng nhất ngay trên đường mua bán cộng thêm với các phương tiện giao thông công cộng đa dạng trong thành phố quốc gia nhỏ bé này. 
 

Singapore 1995, đường Orchard

Những tòa nhà tuy không cao bằng New York hay Chicago nhưng vẫn mang một sắc thái riêng biệt của Singapore với những kiến trúc tân kỳ phảng phất một chút Phương Đông pha trộn một chút Phương Tây. Người Singapore cho đến nay vẫn tôn sùng Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu. Ông được coi là “người khai sinh” một nước Singpore ngày nay với vị trí thứ 3 trong danh sách “The Richest Countries in the World”.  

Lãng tử lạc bước giữa phố Orchard (1995)

Năm 1996 tôi trở lại Singapore để dự cuộc hội thảo “Rock the World” do Tập đoàn Máy tính & Máy in Hewlett Packard tổ chức cho báo giới thuộc khu vực Đông Nam Á. Ngoài những buổi thuyết trình về chuyên môn, HP còn tổ chức các buổi “field trips” để giới thiệu về đất nước và con người Singapore. 

Hội thảo “Rock the World” của HP tại Singapore, 1996

Đây cũng là dịp tìm hiểu kỹ hơn về đảo quốc nhỏ bé nhưng thuộc loại “bé hạt tiêu”. Năm 1996, Việt Nam hãy còn ở “ngoài vùng phủ sóng” của Internet nên trong một lần ghé quán “cafe@boatquay” tại Sing tôi đã trải nghiệm cảm giác thế nào là lướt Web, thế nào là Facebook và thế nào là email trong không gian mạng.

Sau này, mỗi khi gặp các sinh viên Singapore tại Việt Nam tôi vẫn thường nhắc đến những cảm giác đầu tiên của một người được hòa mình vào “thế giới ảo” dù chỉ chậm hơn các nước trong khu vực có một năm nhưng đó là một kỷ niệm khó quên! Trong vai trò giảng viên thỉnh giảng về báo chí cho sinh viên người nước ngoài, tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận mãi đến năm 1997 Việt Nam mới tiếp cận Internet... nhưng cũng may, số người sử dụng Internet ngày càng gia tăng một cách ngoạn mục.

Một tiệm cà phê Internet tại Singapore, 1996

Boat Quay cũng là khu giải trí của người Singapore vào những buổi chiều tối, sau một ngày làm việc. Nằm trên bờ sông Singapore, Boat Quay ngày xưa chỉ là những dãy nhà kho chứa hàng bốc dỡ từ các tàu buôn. Ngày nay, Boat Quay có hai dãy hàng quán với lối đi lát gạch ở giữa chạy dọc ven sông.

Tuy không rộng lớn như khu vực Bờ Kè của Sài Gòn ngày nay nhưng Boat Quay được tổ chức một cách khoa học pha chút lãng mạn. Các quán rượu thiếu hẳn tiếng “dzô dzô…”, không có cảnh lấn chiếm lối dành cho người đi bộ và, trên tất cả, là bầu không khí văn minh, lịch sự của cả du khách lẫn người bản xứ.

Đó là điều ông Đoàn Ngọc Hải đã không làm được với hy vọng biến Sài Gòn thành Singapore. Ông chỉ biết dẹp ngay những cái chướng tai, gai mắt mà không hề có một chính sách căn cơ cho một kế hoạch lẽ ra phải được tính từ mấy chục năm trước. Phải có sự phối hợp đồng bộ ngay từ lãnh vực quy hoạch xây dựng những khu dân cư kết hợp với việc giải quyết những vấn đề xã hội.


Khu giải trí Boat Quay

Phần trên là hai lần đến Singapore năm 1995 và 1996 với tính cách “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng ở phần dưới đây là những cái nhìn tương đối kỹ hơn vì có nhiều thì giờ hơn, chi tiết hơn và nhất là chính xác hơn.

Năm 2013 tôi trở lại Singapore với vai trò của một du khách trước khi đi Melbourne thăm gia đình con gái. Để tìm cảm giác lạ và cũng để trải nghiệm phương tiện giao thông công cộng nổi tiếng của Singapore, tôi đã đi tàu điện ngầm (Mass Rapid Transport – MRT) từ phi trường Changi về khách sạn.

Đó là một trải nghiệm thú vị nhưng đối với du khách cần phải bỏ ra chút thì giờ để nghiên cứu lộ trình qua các trạm và các tuyến. Người Sing luôn sử dụng xe bus và MRT trong sinh hoạt hàng ngày vì các phương tiện này phục vụ khách một cách nhanh chóng: xe bus có tuyến riêng trên đường, xe điện ngầm có khi chạy dưới đất hoặc trên cao. Hình thức giao thông này giúp giảm áp lực kẹt xe, nhất là vào những giờ cao điểm.

Đón xe điện ngầm từ phi trường Changi về khách sạn

Chúng tôi chọn một khách sạn ở khu Chinatown để tìm hiểu thêm về lối sống của người Hoa. Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), rất nhiều người Trung Hoa từ tỉnh Phúc Kiến (Hokkien) đã đến Singapore dưới dạng di dân và họ nói tiếng Phúc Kiến. Những người Hoa nói tiếng Quan Thoại, hay còn gọi là tiếng Phổ Thông (Mandarin), chiếm khoảng 23% trong khi tiếng Anh chiếm 19% và tiếng Malay 14%.

Điều nghịch lý là tiếng Malay lại được chọn làm một trong những ngôn ngữ chính tại Singapore. Tuy nhiên, đó cũng là điều dễ hiểu vì Singapore vốn là một phần của Malaysia và tách rời khỏi Mã Lai để trở thành Cộng hòa Singapore kể từ ngày 9/8/1963. Trong số 5,5 triệu người sinh sống tại Singapore còn có cộng đồng người Ấn Độ, họ thành lập Little India bên cạnh Chinatown của người Hoa.

Một góc sinh hoạt tại Chinatown, Singapore, 2013

Chúng tôi cũng viếng chùa “Buddha Tooth Relic Temple” ở Chinatown. Ngôi chùa được gọi là Chùa Răng Phật vì nơi đây còn lưu giữ Xá Lợi Răng Phật được lấy từ bảo tháp đổ nát ở ngọn đồi Bagan, Miến Điện (Myanmar). Chùa được xây dựng vào năm 2005 và khánh thành năm 2007, có 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Vào bên trong, du khách sẽ bắt gặp chánh điện rộng và 3 bức tượng Phật. Trang trí chủ đạo là hai màu đỏ và vàng tạo bầu không khí uy nghi đối với du khách.

“Buddha Tooth Relic Temple” (2013)

Đến Little India du khách cảm nhận ngay được xứ sở Ấn Độ bằng khứu giác, vị giác lẫn thị giác. Nhà cửa, quán ăn, các cửa hàng bán đồ lưu niệm.. đều mang phong cách của người Ấn. Và hình như cả thính giác, nếu nghe người Ấn tại đây nói tiếng Anh với giọng… Bollywood!

“Little India”, Singapore, 2013

Chuyến đi năm 2013 thuần túy là một chuyến du lịch nhưng cũng đánh dấu một lần đoàn tụ gia đình vì sau đó chúng tôi về Melbourne ở với con gái và con rể suốt một tháng. Làm cha mẹ ai mà chẳng thấy tự hào lẫn sung sướng khi thấy con cái tìm được một mái ấm riêng tư. Đó cũng là phần thưởng quý giá nhất lúc về già.
   
Bên gia đình con gái tại Merlion Park, 2013

Chuyến thăm Singapore gần đây nhất và cũng dài ngày nhất là vào cuối năm 2017. Con gái út của tôi làm việc tại đây nên dùng 1 tuần nghỉ phép cuối năm để tiếp đón bố mẹ đến Singapore vào Giáng sinh và mừng năm mới 2018. Đây là cũng chuyến du lịch kết hợp thăm gia đình 4 thành viên của cháu nên mang nhiều ý nghĩa nhất.

Với gia đình con gái út, Singapore, 2017

Trong chuyến đi này, nổi bật nhất trong số những điểm hấp dẫn của Singapore là “Gardens by the Bay”. Khu vườn khổng lồ này chiếm một diện tích 101 hecta, được xây dựng từ một khu đất hoang tiếp giáp với vịnh Marina, nơi có khách sạn nổi tiếng Marina Bay Sands. Có thể nói, đây là một công trình ghi lại dấu ấn của Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của vị “khai quốc công thần” Lý Quang Diệu.

Toàn bộ dự án vườn cây lên đến 1.035 tỷ đô la Sing với chi phí điều hành hàng năm khoảng 58 triệu. Theo thống kê, từ tháng 6 đến tháng 10/2012 “Gardens by the Bay” đã thu hút 1,7 triệu du khách. Đó là niềm tự hào của người Sing trong kế hoạch biến Singapore từ một “Thành phố Vườn” đến một “Thành phố Trong Vườn”.

Nhìn từ xa, trước khi vào vườn, du khách đã cảm thấy choáng ngợp với 18 “super trees” cao từ 25 đến 50m sừng sững đón chào. Mỗi cây là một công trình kiến trúc được kết hợp với những cây xanh thiên nhiên, tạo nên một hình ảnh lạ mắt mà có lẽ chỉ ở Singapore mới có.

Ấn tượng ngay từ cổng vào “Gardens by the Bay”

Vườn cây là tổng hợp của 8 khu vườn, mỗi khu mang một chủ đề riêng biệt nhưng vì thời gian có hạn và cũng vì sức khỏe không thể đi thăm hết nên chúng tôi chọn 2 khu nhà kính có mái vòm hình con sò với chủ đề Flower Dome và Cloud Forest.

Chúng tôi khám phá hai khu nhà vòm bằng kính số 3 (Flower Dome) và số 4 (Cloud Forest)

Cloud Forest là một khu vườn nhiệt đới trong nhà với một thác nước nhân tạo, nước đổ xuống liên tục suốt ngày đêm từ một . ngọn núi cao 35mXung quanh ngọn núi là 4 tầng của nhà kính trưng bày các loại cây cối và hoa nhiệt đới từ khắp nơi trên thế giới.

Thác nước nhân tạo cao 35m

Cũng từ các tầng này, du khách cũng có thể ngắm nhìn thác nước qua những góc cạnh khác nhau. Ở tầng trên cùng còn có một đài quan sát (Waterfall View) để khách có thể chụp ảnh kỷ niệm.

Cloud Forest nhìn từ trên đỉnh núi nhân tạo

Sau bữa ăn trưa tại McDonalds, chúng tôi tiếp tục thám hiểm khu vực Flower Dome. Nơi đây là tổng hợp những loài “kỳ hoa dị thảo” được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Bộ sưu tập cây và hoa thật đa dạng, từ những cây Olive có tuổi thọ hàng nghìn năm đến những cây Baobab của vùng khí hậu Địa Trung Hải. Nơi đây cũng trưng bày những thạch nhũ trong hang động và các vườn hoa của Úc, Nam Phi và Châu Âu...

Toàn cảnh Flower Dome

Rải rác trong Flower Dome là những bảng chỉ đường tượng trưng bằng những cây bút chì. Trong số đó có bảng đề “TP. Ho Chi Minh”. Chỉ là tượng trưng nên mũi tên lại chỉ vào… góc tường!



Trang trí bằng bút chì chỉ đường… có cả “TP. Ho Chi Minh” ở dưới cùng

***

Hồi đó Singapore chỉ là một làng chài nghèo ven biển trong khi Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông. Sài Gòn chỉ cách Singapore chưa đến 2 giờ bay, còn gần hơn bay ra Hà Nội. 

Ấy thế mà ngày nay đảo quốc này đã vươn lên nhóm 3 nước giàu nhất thế giới. Tôi không nghĩ đây là “phép lạ” vì chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ 21 khi điều kiện để phát triển hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống chính trị và xã hội.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng hiện tượng Singapore là điều cần học hỏi nếu chúng ta muốn đất nước của mình khá hơn. Đừng ước được như Singapore ngày nay mà chỉ cần lấy Singapore làm tấm gương để thay đổi diện mạo của đất nước.


***

--> Read more..

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Ban Mê Thuột: Xưa & Nay

Photo album này là sự kết hợp giữa những hình ảnh tư liệu sưu tầm trên internet và phóng sự bằng hình mới nhất trong chuyến đi BMT của 3 cựu học sinh trường Trung học Ban Mê Thuột (Nguyễn Ngọc Chính từ Sài Gòn; Trần Hữu Thịnh (Đà Lạt) và Phan Thái Lập từ Hoa Kỳ).

Ba đồng môn Phan Thái Lập, Nguyễn Ngọc Chính, Trần Hữu Thịnh hội ngộ tại Sài Gòn trước ngày lên đường đi Ban Mê Thuột

Khởi hành từ phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, ngày 18/12/2017, chúng tôi đến BMT vào lúc trời chạng vạng tối để cảm nhận cái lạnh của đất Ban Mê mùa Giáng sinh. Đồng môn Nguyễn Phụng Hoàng Thành là người đầu tiên chúng tôi gặp tại khách sạn Cát Phú trên đường Hai Bà Trưng.

Đồng môn Nguyễn Phụng Hoàng Thành


Tên đường ngày xưa là Ama Trang Long… nay đổi lại thành Nơ Trang Long



Nơi này, góc đường Lý Thường Kiệt – Ama Trang Long ngày xưa là Nhà hàng Mỹ Cảnh… nay đã trở thành Nhà thuốc tây

Bốn anh em nay đều đã bước vào lứa tuổi “cổ lai hy” đi dạo phố đêm BMT để thấy thấm thía cái lạnh cộng với gió Lào trên vùng đất mà ngày xưa dưới thời Bảo Đại được gọi là “Hoàng triều Cương thổ”. Vùng đất của nhà vua ngày nay khác hẳn với BMT mà ngày xưa chúng tôi gọi là Buồn Muôn Thuở, Bụi Mùa Trời hay… Bánh Mì Thịt.

Đó là những cái tên thân mật mà chúng tôi gọi khi còn đi học tại trường Trung học BMT. Và đó cũng là một trong những lý do những người con xa xứ tìm về với nhóm bạn bè niên khóa 1958-1965 còn “cố thủ” tại cao nguyên.

Ôm cột chỉ đường để tìm về quá khứ


Ngơ ngác giữa thành phố lạ… mà quen

Ngày 19/12/2017 khởi đầu là bữa ăn sáng do Hàn Vĩnh Minh dẫn đến và dành… trả tiền. Theo Minh, quán ăn này có trước 1975 và bà chủ quán cũng kể lại “lịch sử hình thành quán”. Mới sớm đã đông khách đến điểm tâm và dĩ nhiên thực khách là những khuôn mặt mới. Ngồi nói chuyện tại đây không hợp với những khuôn mặt già từ “7 bó trở lên” nên Minh rủ về café “cóc” gần nhà.

Minh lần lượt gọi các “chiến hữu” còn sót lại tại đất Ban Mê đến café. Tôi chụp được một số hình chân dung các “lão tướng”. Chuyện trò rôm rả, có lúc nhắc đến những tên “cúng cơm” như Lập “đen”, Tuấn “café noir”, Thành “dẹo”, Thể “mexico”, Vinh “cà-tông”, Lạc “lùn”, Bốn “lù”, “Ô Mã” Thăng… Rồi thì đủ các nickname để phân biệt với tên Chính như Chính “hô”, Chính “cái”, Chính “ghèn”, Chính “lé” (may mà bản thân người viết bài này chưa có nickname!). Các “bà nội, bà ngoại” bây giờ cũng được nhắc đến như Dung “tóc thề”, “Minh “vi thể” hay Lụng “trời wươi” cũng được nhắc đến dù không có mặt.

Bên ly cà phê sáng với các bạn cũ

Những cái tên thời học trò đó bây giờ có người đã “từ bỏ cuộc chơi” để về bên kia thế giới, có người đang nằm trên giường bệnh chờ “gọi tên lên đường”… nhưng cũng có những người lưu lạc tha phương khắp nơi tận trời Âu, trời Mỹ xuống đến Úc châu. Cũng vì thế, nhân dịp hội ngộ, tôi đã tạo một group trên Facebook để các đồng môn thắt chặt hơn sợi dây liên lạc lấy tên “BMT”.

Sau chầu café do Minh chi, ba chúng tôi được Văn Hữu Nghĩa lái xe đi thăm một vài chốn xưa. Dĩ nhiên địa điểm đầu tiên là trường Trung Học BMT. Rủi là cổng trường đã khép vì học sinh đang thi học kỳ 1 nên chỉ quanh quẩn vòng ngoài chụp hình kỷ niệm. Trường xưa nay hoàn toàn khác hẳn… không còn thư viện tự xây theo sáng kiến của GS Bùi Dương Chi, không còn ký túc xá “Kinh-Thượng kết đoàn” và nhất là “quán của anh Kiếm”, nơi gặp nhau trong những giờ ra chơi để “ăn hàng”. Tất cả đã biến mất!


Thăm trường xưa


Cổng trường ngày xưa

Biệt điện Bảo Đại vốn là một di tích lịch sử của BMT. Tiền thân của Biệt điện là Tòa Công Sứ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, năm 1926. Tiếng là dân BMT nhưng mãi tới bây giờ tôi mới được vào trong khuôn viên Biệt điện để thấy tận mắt quang cảnh bên trong. Hai cây long não nằm ngay cổng vào thuộc loại cổ thụ, chỉ tiếc một điều là cây nằm phía bên trái đã bị chết khô, chỉ còn lại thân cây không lá. Nhưng đó lại là một cảnh đẹp khi lên hình. Cây già nhưng… vẫn còn duyên!

Toàn cảnh Biệt điện Bảo Đai với 2 cây long não ngay cổng vào


Biệt điện nhìn toàn cảnh từ bên ngoài

Địa điểm cuối cùng Nghĩa chở chúng tôi đến là chùa Khải Đoan, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên và cũng là ngôi chùa cuối cùng được phong Sắc tứ của triều Nguyễn.

Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và hoàng thái hậu Đoan Huy. Chùa được xây dựng từ năm 1951 với với cổng Tam quan, điện Quan Âm và tòa chánh điện nhưng kể từ năm 2012 chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu và xây dựng thêm với tổng kinh phí nghe đâu lên đến 54 tỷ đồng.

Tôi đã có dịp thăm Nan Tien Temple của người Đài Loan ở Wollongong (Úc châu) và thấy chùa Khải Đoan ngày nay có kiến trúc, khuôn viên có nhiều nét tương tự. Đặc biệt là cả hai đều có cả một rừng tượng rải rác khắp sân chùa. Khải Đoan còn có bức phù điêu rất lớn, mô tả những giai đoạn trong cuộc đời tu luyện của Đức Phật nhưng lại thiếu hồ sen như Nam Tien Temple.

Toàn cảnh chùa Khải Đoan


Toàn cảnh chùa Khải Đoan


Chánh điện chùa Khải Đoan


Kiến trúc chùa Khải Đoan


Bức phù điêu trên sân chùa


Chùa Khải Đoan khi đang còn xây dựng (năm 1969)

Sau một buổi sáng “cưỡi ngựa xem hoa”, chúng tôi gặp nhau tại nhà hàng Tuấn Đạt để ăn trưa. Nhà hàng cũng có sân rộng và trang trí cả ông già Noel để chào mừng khách. Thế là vừa lên chùa gặp Phật rồi lại đến gặp người của Chúa! Bữa ăn lại tiếp tục rôm rả với những câu chuyện kỷ niệm của xứ Ban Mê. Người chiêu đãi cũng vẫn là Minh!

Hình chụp tại Nhà hàng Tuấn Đạt với bức tượng Ông Già Noel


Bữa tiệc trưa thân mật với các đồng môn

Về khách sạn nghỉ ngơi vài tiếng rồi Nghĩa lại tiếp tục đến chở “ba chàng ngự lâm pháo thủ” để đi thăm cơ sở của “đại gia” Minh nằm cách thị xã hơi xa. Minh làm ăn theo mô hình chăn nuôi heo kết hợp với vườn cà phê và các loại cây ăn trái như mít, tiêu, sa-bô-chê, thanh trà.

Trại heo của Minh có đến 500 con, nuôi theo kiểu công nghiệp, mỗi con một khoang và có hệ thống cống để rửa chuồng trại và ủ phân để bón cây. Quy trình gần như khép kín trong nông trại, rất tiếc vào buổi tối nên chúng tôi không đi thăm vườn chiếm một diện tích rất lớn, cả ở bên này lẫn bên kia đường.

Trại heo của Hàn Vĩnh Minh

Trước khi ăn tối, chúng tôi còn được viếng nơi mà Minh gọi là “lầu gác heo” đặt trên một bể nước. Mang tiếng là “lầu” nhưng thực ra đó là một căn nhà gạch, gồm hai phòng với đầy đủ tiện nghi, có TV, bàn làm việc, có cả máy vi tính… nói chung là khá “hiện đại” nhưng cũng… hại điện. Vì tuổi tác ngày một cao, Minh đang từ từ chuyển giao cơ sở làm ăn cho người em vợ, một Việt kiều từ Úc về để quản lý.

Trên “lầu gác heo” của chủ trại

Bữa ăn tối ngay giữa sân giữa khung cảnh sân vườn với các món chính là “heo” nhà nuôi, còn có thịt gà trông tựa “gà ác” được gọi là.. Gà Mông. Anh em gọi đùa là “gà hở mông” trên bàn tiệc. Chỉ có 2 người uống rượu còn lại các “bô lão” đều uống bia và nước ngọt.

Bữa ăn tối trong khung cảnh sân vườn

Sáng hôm sau chúng tôi lại gặp nhau tại quán cà phê “cóc” và, thật bất ngờ, chủ đề là một buổi học “cấp tốc” về… điện thoại thông minh. Đa số các ông già đều có smartphone nhưng thật ra rất lờ mờ về cách chụp ảnh hoặc lướt facebook. Thế là một khóa vài giờ về các thủ thuật lướt web đã diễn ra. Chẳng là tôi đã loan báo về Group BMT đã được mở trên Facebook Messenger để gửi hình ảnh và bình luận… Thế cho nên, ông nào chưa biết cách truy cập vội vàng học ngay, không học thì chẳng được coi hình!

Sau chầu café là bữa ăn sáng với món cơm tấm ngay tại nhà Minh, cách café vài căn. Buổi họp mặt cuối cùng thật cảm động với quà của các bạn như cà phê Ban Mê, trà gừng, lạp xưởng sản xuất tại bên Lào. Ba người khách cảm thấy áy náy trong lòng vì đã được tiếp đón nồng hậu, được ăn uống mà lại còn được… “gói mang về”! Trong khi đó, lúc đi BMT gấp quá nên chẳng ai nghĩ đến việc mua quà cho các bạn. Chúng tôi rất áy náy trong lòng nhưng không ai dám nói ra.


Bữa ăn sáng tại nhà Minh

Thịnh về Đà Lạt bằng xe đò vào buổi trưa ngày 20/12, Lập đi Dốc Lết, Nha Trang, thăm người anh cũng bằng xe đò… còn lại mình tôi mãi đến tối mới ra phi trường Phụng Dực để về Sài Gòn.

Về đến nhà đã là nửa đêm, lên giường ngủ vẫn chưa chợp mắt được vì những kỷ niệm nồng ấm của xứ Ban Mê với các bạn đồng môn, tuy tuổi đời ngày một cao nhưng tình bạn đã được “hâm nóng” qua chuyến đi… “dối già”!

“Ban Mê đi dễ khó về?
Tuổi già chồng chất không hề chùn chân
Bạn bè tứ xứ nhưng gần
Chỉ cần một phút xuất thần về thăm!”

***

Hình ảnh Ban Mê Thuột ngày xưa

Quán kem Chi Cao góc Lý Thường Kiệt-Quang Trung (1969)


Khách sạn Kinh Đô
(ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng, chéo góc với rạp Tường Hiệp)


Nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột
(còn gọi là Nhà thờ Cột đèn ba ngọn)


Không ảnh Ban Mê Thuột xưa


BMT tiễn chào quý khách

***


















--> Read more..

Popular posts