Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Tha hương ngộ cố tri

Nhân dịp 30/4 năm nay, chúng tôi post truyện ngắn “Tha hương ngộ cố tri” kể lại cuộc hành trình của một kỹ sư điện rời Việt Nam bằng tàu Hải quân VNCH. Từ đảo Guam anh được chuyển đến trại Pendleton tại California và cuối cùng định cư tại North Dakota.

Tác giả truyện ngắn là Nguyễn Văn Hoa (bút danh Nguyễn Ngọc Hoa), một người bạn thời trung học mà tôi đã có lần giới thiệu trong bài viết “Người giữ “hồn” ngôn ngữ Huế” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2018/04/nguoi-giu-hon-ngon-ngu-hue.html

Bài viết của tác giả cho thấy hoàn cảnh ra đi ngày 30/4/1975, cuộc hành trình đến Phi Luật Tân rồi đảo Guam và cuối cùng là tiểu bang North Dakota, Hoa Kỳ.

“Tha hương ngộ cốt tri” cũng là tựa đề của một bài viết trong Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa III, “Thà làm đứa con bất hiếu”.

***


Tha Hương Ngộ Cố Tri

Một buổi chiều cuối tháng Tư 1975 ở Sài gòn, vợ chồng và bốn em tôi khóc sướt mướt, lạy sống từ biệt cha mẹ, và bắt đầu cuộc hành trình đổi đời xuyên qua Thái Bình dương.

Trên chiến hạm Hải quân HQ xxx, chúng tôi chịu đói khát suốt mười hai ngày lênh đênh trên Đông hải. Chiếc tàu hỏng máy đến được Phi Luật Tân, nhưng nước này không cho phép đám người vừa mất tổ quốc lên bờ; chúng tôi được cấp tốc chuyển sang một chiếc tàu chở hàng Hoa kỳ trang bị rất sơ sài và đưa sang trại tạm trú ở đảo Guam.

Từ nơi đó, sáu tuần lễ sau, chiếc DC-10 chở chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles, California vào một buổi chiều đầu mùa hạ. Lên xe buýt về tới Trại Pendleton, trung tâm huấn luyện thủy quân lục chiến dùng làm trại tỵ nạn, chúng tôi mới tin chắc mình đã đặt chân lên miền đất tự do.

Trại Pendleton chứa hơn 120,000 người tỵ nạn và chia làm năm trại khác nhau. Trại 3 của tôi xa văn phòng trung ương nhất, và tôi chọn ở trong căn lều xa nhất nằm trên đồi, ít người lai vãng.

Tôi mừng rớt nước mắt khi gặp lại anh Hán, con trai bà cụ chủ nhà trọ và cũng là người anh đỡ đầu thời tôi còn là sinh viên. Anh và người yêu dự định di tản với nhau, nhưng giờ chót chị kẹt lại và anh ra đi một mình. Anh chuyển sang ở chung lều với chúng tôi và suốt ngày nghêu ngao,

“Em ơi! Chờ anh về
Dù cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề, đã vang ước hẹn đẹp lòng người đi ...”

(Minh Kỳ - “Thương Về Miền Trung”)


Được tin tôi đến Trại Pendleton, anh Leon đang ở bên Nhật vội vàng bay về Mỹ vào trại thăm tôi. Ngày trước, anh sang Việt nam phục vụ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế, tôi dạy anh học tiếng Việt khi còn học trung học, và chúng tôi thân thiết như hai anh em.

Anh về nước đi học lại, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học California Berkeley rồi sang Nhật dạy học. Trong khi ấy ở Sài gòn, tôi tốt nghiệp kỹ sư điện, học cao học điện tử, sửa soạn luận án tiến sĩ kỹ sư về viễn thông, và làm giảng viên Vật lý và Kỹ thuật Điện tại một số đại học y khoa và kỹ thuật.

Anh Leon nằm trong lều nguyên buổi chiều nghe tôi kể những ngày cuối cùng ở Sài gòn và cuộc di tản thương đau. Trước khi chia tay anh hỏi,

“Tôi có thể làm được gì cho em?”

Đã soạn sẵn bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) của mình, tôi đưa bản thảo cho anh. Một tuần sau, tôi nhận được bản tóm lược anh cẩn thận soạn lại và đưa in trên giấy quý. Trong Chương trình Định cư Người Tỵ nạn Đông dương, để giúp mọi người an sinh và ổn định, chính phủ Hoa Kỳ bắt buộc mỗi gia đình phải ghi danh với một trong mười ba cơ quan thiện nguyện có nhiệm vụ giúp tìm người bảo trợ.

Những ngày chờ đợi bảo trợ dài lê thê. Tôi nản lòng, hàng ngày không còn hăng hái đi bộ sáu cây số đến văn phòng cơ quan thiện nguyện thăm dò tin tức. Anh Hán thối chí, bỏ ý định xuất trại định cư cùng với anh em tôi, và xin đi Toronto, Gia Nã Đại để sống gần gia đình người anh bà con. Một buổi chiều đầu tháng Tám, tôi ngồi trong lều làm toán thầm trong đầu để giết thì giờ thì Châu, vợ tôi, và Bình, cô em gái duy nhất, đi ra ngoài về; hai cô rối rít,

“Loa phóng thanh gọi tên anh ơi ới, sao còn ngồi đây?” Hệ thống truyền thanh chỗ đông là phương tiện truyền tin duy nhất trong trại.

“Vậy sao? Anh có biết gì đâu,” tôi uể oải đứng dậy.

“Nó bảo anh đến văn phòng Cơ quan Xã hội Lutheran ngay,” Châu nhắc nhở.

Sáng hôm sau tôi lên văn phòng gặp bà giám đốc tên là Diane. Bà hân hoan báo tin một nhà thờ ở Bismarck, thủ phủ tiểu bang North Dakota ở miền bắc Hoa kỳ, sẵn lòng bảo trợ gia đình tôi.

Sau khi tham khảo ý kiến Châu và các em, tôi trở lại văn phòng Lutheran với một xấp bản tóm lược; tôi chỉ chấp nhận nếu nhà thờ bảo đảm việc làm thích hợp với khả năng cho tôi. Bà Diane hăng hái,

“Việc đó dễ quá, tôi dàn xếp ngay.”

Hai tuần sau, tôi được mời lên phỏng vấn bằng điện thoại lần lượt với bốn công ty điện và điện tử tại Bismarck trong phòng hội của trụ sở trung ương Trại Pendleton dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan thiện nguyện và vị tướng chỉ huy trưởng toàn trại. Xem ra, đây là một dịp trình diễn trước dư luận, dân chúng, và chính phủ Hoa kỳ về khả năng và sự hữu hiệu của Chương trình Định cư nên mọi nhân viên đều cố gắng giúp tôi thành công.

Trong cuộc phỏng vấn, những vị giám đốc kỹ thuật của các công ty rất thân thiện và niềm nở. Họ đã nghiên cứu trước kinh nghiệm nghề nghiệp và căn bản học vấn nên không hề chất vấn tôi về kỹ năng mà trình bày những chương trình tinh vi hay thiết bị tối tân mà công ty đang thực hiện hầu khuyến dụ tôi làm việc cho họ.

Trong phòng hội, tôi nhận ra vị trưởng trại là tướng Jones gần bảy năm trước đứng đầu bản doanh của Bộ Chỉ huy Trợ giúp Quân sự MACV Hoa kỳ bên cạnh Tiểu khu Phú Yên. Tôi gặp ông lần đầu khi tháp tùng cha bay trực thăng ra Sông Cầu làm thông dịch viên bất đắc dĩ (thông dịch viên chính thức bất ngờ nghỉ phép) cho ông trong cuộc hội thảo an ninh tại Chi khu Sông Cầu. Công tác thông dịch thành công tốt đẹp; hôm sau cậu Thiền sang tìm tôi,

“Thằng tướng Jones khen mi nói tiếng Anh hay như mấy thằng sinh viên Mỹ.”

“Răng chú không nói con nói không hay như bọn Mỹ – mà hay hơn!” tôi đùa với chú.

“Tau trả lời đại khái như rứa. Hắn sẽ cho xe chở tới tặng mi một thùng Rations-C to đại mệ; cho anh em mi ăn chết bỏ luôn.”

“To đại mệ” là lớn vô cùng. “Rations-C” là các khẩu phần đóng hộp của quân nhân Hoa kỳ trong các đơn vị chiến đấu; mỗi khẩu phần cá nhân gồm một hộp thịt, một hộp bánh (làm bằng bột) cộng thêm hộp mứt trét bánh nhỏ, và một hộp đồ ăn tráng miệng. Cái “thùng” chú Thiền nói là một kiện hàng lớn hình vuông, mỗi bề gần hai thước. Anh em tôi ăn hoài không hết, phải chia bớt cho các nhân viên phục vụ trong tư dinh của cha.

* * *

Sau cuộc phỏng vấn, tướng Jones mời tôi ăn trưa trong câu lạc bộ sĩ quan Trại Pendleton. Khen tôi nói tiếng Anh hay và đối đáp tuyệt vời, ông trợn tròn mắt ngạc nhiên khi tôi nhắc tới thời gian ông phục vụ ở Phú Yên; ông đưa hai tay lên trời,

“Quả thật trái đất tròn, làm sao có thể ngờ!”

“Hồi đó có bao giờ cháu nghĩ sẽ đặt chân lên xứ này và gặp lại bác đâu,” tôi biểu đồng tình.

Nhưng bầu không khí chợt trở nên nặng nề. Có lẽ ông nhớ ra và biết tôi không thể tha thứ đề nghị dội bom thành phố Tuy Hòa của ông chiều mồng ba Tết Mậu Thân. Tôi ăn nhanh và xin phép ra về; ông ngỏ ý lấy xe riêng chở tôi về lều, nhưng tôi nói mình cần đi bộ để suy nghĩ. Ông lặng lẽ đưa tôi ra tới sân cờ và bắt tay từ giã. Tha hương ngộ cố tri (tới xứ xa mà gặp người quen biết cũ) không phải lúc nào cũng là một niềm vui lớn trong đời.

Một tuần sau, bà Diane đến tận lều làm thủ tục xuất trại và giao vé máy bay. Sáng hôm sau, chúng tôi rời Trại Pendleton đi định cư. Cuối tháng Tám, thời tiết North Dakota chớm vào thu.

(Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 14 tháng Chín, 2016) 


***









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts